Chỉ là chết về thân xác thôi, trái tim ông ngừng đập trước khi tôi ra đời, nhưng đã qua hơn 30 năm và ông vẫn còn sống, vì người ta còn đọc ông, thảo luận rồi tranh cãi rất nhiều về di sản là những tư tưởng của ông.
Tôi chưa từng tìm hiểu quá sâu về đời tư của ông, nên không rõ ông có con hay không, nhưng tôi ước mình là con gái hay cháu gái của ông. Như cái cách tôi từng tự đặt tên mình là Rahulie, bắt chước theo tên Rahula, con trai của thái tử Siddhartha. Rahula nghĩa là sự trói buộc, còn tôi tự gán cho tên mình ý nghĩa là sự buông bỏ, xả ly. Vì đó là điểm yếu chí mạng của tôi, thứ gây ra quá nhiều phiền não và bất lực của tôi trong đời này.
Quay trở lại với người ông mới tôi vừa nhận vơ. Có người hỏi ông nghĩ gì về mẹ Teresa, ông bảo ông nghĩ bà ấy nên nhảy xuống sông. Tôi cứ thắc mắc mãi về câu trả lời khiến mọi người trong khán phòng bật cười đồng loạt ấy, kéo xuống đọc bình luận thì thấy có người bảo vì mẹ Teresa rất vĩ đại, làm được nhiều việc nên mẹ nhất định biết bơi. Thú vị thật.
Người ta bảo: Suy nghĩ 2 lần trước khi nhảy, ông bảo: Cứ nhảy đi rồi sau đó nghĩ bao nhiêu lần cũng được. Kiểu của ông có vẻ giống như thấm đượm tinh thần YOLO vậy.
Nếu phải phân chia rõ đời mình dựa theo tác giả đã đọc, thì tôi đơn giản chia nó thành 2 nửa, trước và sau khi đọc ông. Ông đưa cho tôi một cái búa khổng lồ để đập tan mọi định kiến, tất cả những thứ tôi được truyền dạy từ thuở còn mắt nhắm mắt mở vào đời, từ gia đình, nhà trường, xã hội nói chung. Giả dụ như một quan niệm rất quen thuộc. Trong con mắt tôi khi là đứa trẻ, cha mẹ chính là cả thế giới, những gì cha mẹ bảo đều đúng, đều là chân lý, cấm cãi, cấm nổi loạn. Con cái cần phục tùng cha mẹ vô điều kiện, nên báo hiếu là một lẽ tất yếu khi chúng lớn lên và cha mẹ già đi. Còn ông già kia bảo rằng nếu cha mẹ thật sự yêu con cái, hãy giúp đứa trẻ trở nên can đảm, can đảm để đứa trẻ thậm chí chống lại chính họ nữa. Trong khi mọi người tôn Gandhi lên thành mahatma (đại thánh/tâm hồn vĩ đại) thì ông cà khịa Gandhi chả khác gì một tên bịp, tên cướp giữa ban ngày.
Càng đọc ông, tôi càng cảm nhận được ông này cực kỳ có tính người, là người có chất người mạnh nhất trong số những người tôi từng được biết. Vì ông đơn giản nói ra những gì ông nghĩ, làm những gì ông thấy vui, một kẻ bẩm sinh đã có thiên hướng thiền định, không muốn tốn thời gian cho những thứ tào lao. Dĩ nhiên trong mắt đám đông, ông đích thị là một kẻ nổi loạn, một tên phản xã hội, thậm chí là gàn dở, đầu bò đầu bướu.
Nếu đọc ông, mà không muốn bị phát điên phát khùng, thì phải bước cả hai chân vào thế giới của ông chứ đừng có chân trong chân ngoài, thiếu kiên định, hoặc là cố mà chạy cho xa nhất có thể. Không là bạn sẽ bị tóm sống, không phải ông tóm mà cái tôi mới vừa manh nha của bạn sẽ đuổi theo và tóm chặt bạn, một cái tôi biết nhìn nhận mặt kia của vấn đề, hoài nghi mọi hiểu biết cố hữu của bạn, rồi ấn đầu bạn vào thế giới mới mẻ ấy, nơi mọi thứ đều có thể, thậm chí khiến bạn muốn từ bỏ luôn con người cũ giả tạm của mình để bắt đầu khám phá bản thể nguyên sơ của bạn, chân thật nhất mà chính bạn chưa từng biết tới.
Bạn là người nhạy cảm, không sao cả, nhạy cảm thì sẽ dễ cảm thông với những nỗi đau của người khác, bạn sẽ trở nên từ bi. Bạn hay để con tim lấn át lý trí, không sao cả, chỉ có trái tim vô tư mới có khả năng dẫn lối bạn đi sâu vào bên trong, lý trí chỉ giỏi tính toán thiệt hơn, kỳ kèo rẻ mạt, dễ bị xã hội ngoài kia thao túng và trở nên tham lam, muốn thêm và thêm nữa, mãi mãi không thể thỏa mãn.
Ông già nhắc nhở tôi đừng quá lo lắng về các điều kiện vật chất, mà hãy tập trung đi vào thế giới nội tâm, nhìn ra tiềm năng của mình và trưởng thành. Thay vì trượt theo trục ngang của thời gian từ tuổi trẻ tới thanh niên, trung niên, già khú đi rồi chết, thì hãy bước theo trục dọc bằng cách thiền định và trở nên bất tử. Đừng dao động khi bị gọi là điên, vì chỉ bạn mới hiểu về con đường mình đang đi, mà có điên thì cũng chẳng sao cả. Với ông, như nào cũng được, đều không sao cả hết.
Và tôi chỉ còn biết ước, một ước mơ cháy bỏng là cha mẹ sinh học của tôi cũng chạm được tới bầu trời nội tâm của họ, và không còn bị chi phối bởi những toan tính đời thường liên thế hệ, kìm kẹp bước chân của họ chỉ bởi muốn giữ gìn truyền thống, bị bó buộc bởi quá nhiều ràng buộc mà chưa khi nào họ tự vấn: không làm những điều này thì sao?
Thì không sao cả, tất cả đều có tiềm năng và cơ hội để sống một cuộc đời trọn vẹn nhất cho chính mình, rồi từ đó mới nâng đỡ được người khác; nếu không, chả khác nào đang tự kéo mình và con cái xuống những cái vực không đáy, trở thành nạn nhân của những thành kiến đáng lẽ ra phải bị tẩy chay và loại bỏ từ lâu.
Thế hệ ông bà tôi 2x và 3x với thế hệ con của ông bà trải dài từ 5x, 6x rồi 7x chưa có ai xăm hình, con trai ko ai bấm lỗ tai, con gái cố gắng cưới trước 30 tuổi và chăm chỉ làm lụng để ổn định thì tới thế hệ cháu từ 7x, 8x, 9x, 0x đã vài đứa có hình xăm, có thằng cháu trai bắn khuyên tai mấy lỗ rồi sống thử với người yêu, cháu gái 30+ độc thân vừa làm vừa chơi. Ông bà cha mẹ có nhăn nhó ý kiến thì cũng có thay đổi được gì đâu. Tôi nghe thấy ông già cool ngầu mà tôi đang muốn bắt quàng làm họ vỗ vỗ tay: thời tới rồi các cháu ơi, làm tốt lắm!
Cuộc sống mà, phải làm mình vui trước đã.
Đừng nghe đạo đức, tôn giáo, văn hóa. Hãy lắng nghe tự nhiên và nhảy múa.