Ông Ngoại: người ông, người bạn, người thầy của tôi
Vài dòng tâm sự trong lúc rảnh đời
Cuộc đời giống như hành trình trên một chuyến tàu. Khi mới chào đời, ta bước lên tàu và gặp cha mẹ ta, chúng ta tin rằng cha mẹ luôn đi bên cạnh. Nhưng rồi, ở một nhà ga nào đó, cha mẹ bước xuống và để ta đi một mình. Thời gian trôi qua, những người khác sẽ bước lên tàu cùng ta, anh chị em ta, bạn bè ta và cả một nửa của ta. Nhiều người sẽ xuống tàu và để lại chỗ trống vĩnh viễn, để mỗi lần nghĩ đến, lòng ta lại man mác.
Trong số những người thân đã đi cùng tôi, người bạn tâm giao, tri kỉ của tôi có lẽ là ông ngoại tôi.Ông ngoại tôi là người rất phong độ, tuy đã ngoài 65 nhưng ông vẫn rất bảnh bao, tóc tai vuốt vuốt. Ông có thân hình khá săn chắc, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn chăm tập thể dục.
Ông có đôi mắt sâu. Khi nhìn vào đôi mắt của ông tôi thấy được nỗi buồn man mác, nhưng ông cũng không bao giờ bộc lộ cảm xúc quá nhiều. Đằng sau ánh mắt đấy là bao trăn trở lo toan, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn và buồn chán của tuổi già. Có lẽ điều nổi bật nhất trên khuôn mặt ông ngoại là hàm răng trắng và đều tăm tắp vì tuần nào ông cũng đi khám nha sỹ. Làm sao tôi quên được bàn tay chai sạn của ông, chính bàn tay ấy đã bế ẵm tôi từ những ngày thơ bé, cũng chính bàn tay ấy ông đã dậy tôi biết bao bài học đáng nhớ. Ông ngoại tôi vóc dám không cao lớn, vạm vỡ nhưng ông lại phong độ không kém gì những người trẻ tuổi.
Ông nấu ăn rất ngon, tài năng suất chúng hơn người, nhưng ông lại ăn uống rất giản dị, mỗi bữa ông chỉ ăn vài món đơn giản. Ở nhà ông chỉ mặc mỗi áo ba lỗ và quần đông xuân, nhưng khi đi chơi ông lại lên một bộ vest thật chất. Thực ra quần áo của ông toàn đồ hiệu, đồ tây. Ông ngoại tôi tính tình rất vui vẻ hài hước, nhưng ông cũng rất tâm lý và hiểu chuyện. Tuy nhiều lúc ông hay nổi cáu, nhưng sau đó ông lại vui vẻ ngay. Ông ngoại tôi trước đây làm ở bộ giao thông và tổng cục đường sắt. Những buổi chiều đón tôi đi học về, ông thường đố tôi về ý nghĩa của các biển báo giao thông trên đường, điều ấy khiến tôi thích thú vô cùng và thấy quãng đường về nhà không còn xa nữa.
Ông tôi là một kỹ sư giao thông rất giỏi về cơ khí. Có rất nhiều món đồ chơi của tôi đã được ông sửa, cải tiến và nâng cấp. Khi ông làm, tôi ngồi bên, được ông giảng giải. Ông chỉ bảo tôi, nên tôi thấy thú vị khi cùng ông sửa chữa đồ chơi và các đồ gia dụng trong nhà. Nếu có cơ hội, tôi sẽ trao cho ông giải kỹ sư cơ khí giỏi nhất của ngành đường sắt Việt Nam. Ông ngoại rất thích đọc sách, xem phim, nên ông hiểu biết rất nhiều. Ông tôi rất thông thái, chuyện gì ông cũng biết, ông còn có biệt danh là “Bố Già”. Ông ngoại tôi có một nhược điểm là khó bộc lộ cảm xúc và hay kìm nén trong lòng. Có nhiều lần ông nhờ tôi làm việc nhà, nhưng tôi từ chối và bảo “Để chút cháu làm ạ”, ông bực mình không nói gì và lúc sau tôi thấy ông lại hùng hục lau nhà.
Có một kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên về ông, đó là vào một buổi tối mùa đông, ông chở tôi vòng quanh phố phường, hai ông cháu vừa đi vừa ôn lại những kỷ niệm. Ông kể lại “Thời sinh viên ông là một tay lái lụa nhất Hà Nội”. Ông còn trình diễn cho tôi xem cách luồn lách, cách bốc đầu. Cuối cùng ông lái chiếc xe với vận tốc tối đa, ông lao như tên bắn. Đúng lúc đó “ đường xóc”, ông phanh gấp, hai ông cháu bay mấy vòng trên không trung rồi ngã chỏng kèo trên mặt đất. Tôi bị bay mất hai cái răng, ông bị xước ở tay. Lỗi do ông, nhưng ông còn nói “Tại mày làm ông mất tập trung”.
Theo thời gian, tôi và ông càng ngày càng giống như đôi bạn thân. Cái gì chúng tôi cũng chia sẻ cho nhau: từ bộ phim hay cho đến tin tức mới trên truyền thông. Tôi lớn lên trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương của bố mẹ, ông bà.
Tôi sẽ nhớ mãi lời dạy của ông: “Chuyến tàu cuộc đời đầy ắp những buồn vui, chào đón, chia tay, vĩnh biệt... ta không biết mình sẽ bước xuống nhà ga nào, vậy nên ta phải sống sao cho tốt nhất, trọn vẹn, cháy hết mình, dâng tặng những điều tốt nhất trong ta cho những người ta yêu thương. Hãy tôn trọng từng khoảnh khắc đáng quý bên người yêu thương, bởi vì khi đến lúc ta phải bước xuống tàu và để lại chỗ trống vĩnh viễn – ta nên để lại những kỷ niệm đẹp nhất cho những người tiếp tục chuyến tàu cuộc đời”. Ông ngoại không chỉ là tri kỷ mà còn là một phần ký ức không thể thiếu trong tuổi thơ của tôi.
Hà nội – 01/10/2020- Az1T
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất