Once - Những nốt nhạc dang dở đầy màu sắc
Như mọi người đã biết, âm nhạc là một phần rất quan trọng trong ngành công nghiệp phim ảnh. Những nốt nhạc thăng giáng khác sẽ là cầu...
Như mọi người đã biết, âm nhạc là một phần rất quan trọng trong ngành công nghiệp phim ảnh. Những nốt nhạc thăng giáng khác sẽ là cầu nối cảm xúc của người xem với toàn thể bộ phim. Không những thế, việc âm nhạc được lòng ghép vào trong bộ phim một cách hợp lí còn thể hiện được bối cảnh, nhịp phim và đặc biệt là tâm lí nhân vật mà không cần bất kì lời thoại nào. Và khi nhắc đến phim âm nhạc, chúng ta không thể nào không nhắc đến đạo diễn John Carney. Những bộ phim âm nhạc của vị đạo diễn người Ireland này luôn khiến chúng ta phải rung động trước những thước phim, những thanh âm nhẹ nhàng nhưng lại mang sức nặng vô cùng hoàn hảo trong mọi phân cảnh. Những bối cảnh của thành phố Dublin, những tâm hồn bị tổn thương trong quá khứ, những con người đam mê với âm nhạc và dùng âm nhạc để sưởi ấm cho những góc khuất lạnh lẽo của bản thân đều được John Carney thể hiện một cách đầy thuyết phục qua những Sing Street, Begin Again,... Tuy nhiên, hôm nay mình sẽ nói đến một bộ phim cũ của John Carney mà đã làm mình phải xem đi xem lại rất nhiều lần và vẫn giữ nguyên cảm xúc như lần đầu tiếp cận những giây đầu tiên của phim, Once - 2007
Tổng quan và đánh giá
Nhìn chung cốt truyện của Once rất đơn giản và không có quá nhiều biến chuyển. Nhưng điều mà bộ phim làm tốt nhất đó chính là phát triển nhân vật. Toàn thể bộ phim phần lớn được quay bằng góc máy quay cằm tay, nhịp phim chậm, đặc biệt là cách những diễn viên cảm nhận âm nhạc trong bộ phim một cách rất thoải mái và tự nhiên (vì bản thân Glen hansard và Marketa Irglova đều là những nghệ sĩ thực thụ). Chính vì vậy người xem có thể tiếp cận được hai nhân vật một cách nhất quán, cảm nhận được cả bộ phim một cách chân thật nhất và dễ dàng đồng cảm với cả hai. Ngoài ra phim làm tốt đến mức gần như hoàn hảo trong nguyên tắc nghệ thuật " Show don't tell " - Khi mà chỉ cần những góc quay, dàn xếp bố cục và những bài hát đã thể hiện lên được con phố Duplin chật nít người và hai nhân vật chính của chúng ta đạ diện cho hai số phận khác nhau trong biển người sinh sống tại thành phố này này. Điều đặc biệt là hai nhân vật chính chúng ta không có tên, nên vì thế chúng ta có thể cảm thấy được sự nhỏ bé của hai sinh mệnh " Chàng nghệ sĩ" và "Cô gái bán hoa" trong bức tranh toàn cảnh nơi con phố Duplin. Ngược lại, với những cách dàn xếp bố cục và những góc quay Mid shot và Close up luôn hướng chúng ta tập trung hơn vào các nhân vật và ngầm hiểu rằng đạo diễn muốn nhắc chúng ta đến việc cảm nhận những bản sắc riêng đầy quý giá và tinh thần sống vô cùng đẹp của mọi nhân vật trong phim. Tiếp đến các bản nhạc trong phim không chỉ đảm nhận vai trò kể chuyện mà còn là chìa khóa mở từng cánh cửa giải đáp thắc mắc cho chúng ta về Chàng nhạc sĩ và Cô gái bán hoa. Tuy nhịp phim rất chậm nhưng việc xây dựng hình ảnh nhân vật có phần huyền bí giúp cho người xem không thể nào lơ là, vì chúng ta luôn thắc mắc về thân phận của hai nhân vật này và đồng hành với hai nhân vật trong con đường phát triển cảm xúc của bản thân. Chắc chắn rằng không một bộ phim nào là hoàn hảo, tuy nhiên Once đối với mình là một cảm nhận rất nhẹ nhàng, trần trụi và vô cùng đặc biệt . Tiếp theo mình sẽ nói về giá trị mạnh mẽ nhất mà Once truyền tải được cho bản thân mình.
Miluji tebe - " Em yêu anh " - Cô gái bán hoa
SPOILER ALERT
Hình ảnh của Chàng nghệ sĩ trong những giây phút đầu của bộ phim hiện ra khi anh đang đứng hát trên con phố để tìm kiếm từng động cho cuộc sống hàng ngày của anh. Khi tối đến, hình ảnh anh đứng giữa con hẻm tối, hẹp và hai bên là những shop đồ với ánh sáng ấm áp. Cách những con chữ, những lời nhạc của anh ta cất lên khi đứng hát những bản tình ca của mình dành cho mối tình cũ cho ta thấy được sự khát khao cháy bỏng đến mức điên cuồng của anh ta cho âm nhạc, thứ mà anh cố bám víu vào để chữa lãnh những vết thương của trái tim. Đây là một trong những cảnh phim mình thích nhất, mình đã phải tua đi tua lại nhiều lần để hưởng trọn cảm xúc của mình đối với cảnh này và dường như cảnh phim này đã bộc lộ rõ được tình cách của nhân vật chính và một vài định hướng cho cuộc đời của gã.
Và khi cú dolly đó kết thúc cũng là lúc anh gặp Cô gái bán hoa, đây sẽ là cuộc gặp gỡ định mệnh mang đến rất nhiều sự thay đổi trong cuộc sống của cả hai nhân vật và đây dường như là nội dung chính của toàn thể cả bộ phim.
Ban đầu, nhân vật này được khắc họa rất tươi sáng trái ngược lại với hình ảnh của chàng nhạc sĩ ở đầu phim. Tuy nhiên càng về sau, chúng ta sẽ được thấy rõ hơn nội tâm sâu bên trong cô thông qua những bài hát ở nữa sau của phim.
Tình yêu dang dở
Mỗi nhân vật đều có một nỗi niềm, một vết thương trong tâm hồn chưa thể chữa lành và đều phải vật lộn với công việc và cuộc sống hằng ngày. Đó không phải là điểm chung duy nhất nhất của hai nhân vật. Điều đó được thể hiện khi từng nốt nhạc của bài hát Falling slowly được cất lên. Không một lời nói, không một cách thể hiện nào khác mà hai nhân vật dường như được dẫn dắt bởi một tia sáng le lói mang tên âm nhạc, cả hai như gần nhau hơn, thấu hiểu và thông cảm với đối phương. Biểu hiện trên gương mặt của chàng trai càng ngày càng có biến chuyển tích cực hơn khi bọn họ cùng hòa chung thanh âm của những con người thống khổ. Điều đó thể hiện cho chúng ta thấy những biến chuyển trong cảm xúc và mối quan hệ của hai nhân vật.
Vậy tình yêu có thực sự tồn tại giữa hai con người này hay không? Mình xin phép trả lời là có. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong phân cảnh khi mà chàng nhạc sĩ hỏi cô có yêu chồng cũ của cô ta không bằng tiếng Séc thì cô đáp lại "Miluji tebe" - em yêu anh. Cô gái trả lời bằng ngôn ngữ mà nam chính không hiểu, cũng giống như cách cô không muốn anh ta biết được tình cảm của mình, vì cô hiểu anh chàng vẫn đang để hình ảnh người con gái cũ bên trong trái tim mình và cô vẫn còn phải có trách nhiệm với con, gia đình và người mẹ của mình. Cuộc tình này không có lời mở đầu, không có lời kết thúc những cả anh chàng và cô gái đều hiểu được tình cảm của đối phương nhưng lại không dám cất thành lời. Đây là một tình yêu đẹp, nhưng lại vô cùng đáng tiếc khi cả hai không thể cùng với nhau đồng hành trên con đường còn lại của đối phương. Liệu nó có hợp lí ?
Giá trị của tình yêu
Hợp lí hay không thì bộ phim này không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho chúng ta. Tuy nhiên với phong cách làm phim về hạnh phúc của John Carney thì mình tin chắc rằng sự lựa chọn của cả hai nhân vật là sự lựa chọn đúng đắn và tích cực cho cả hai mảnh đời đến với nhau một cách tình cờ và chia tay khi không trọn vẹn. Chúng ta gặp nhau, chúng ta đồng hành với nhau để chia sẻ những thứ nhàm chán hằng ngày dường như vô nghĩa, chúng ta cùng sống trọn từng phút giây với đam mê của mình, chúng ta cho nhau niềm tin vào cuộc sống nhưng lại chia tay nhau vào một ngày nắng đẹp. Đúng vậy! Cuộc tình này không dở dang mà lại vô cùng trọn vẹn. Tình yêu của hai nhân vật đã tạo cho đối phương một động lực mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau của mình. Cô gái gặp chàng trai, xoa dịu được nỗi đau trong quá khứ và giúp anh có can đảm để đến London tìm lại cô người yêu cũ và tiếp tục với đam mê của mình. Còn anh thì cho cô sự can đảm để liên lạc với người chồng của mình, đảm bảo hạnh phúc của gia đình và sống tiếp với cuộc sống của cô. Ở con phố Dublin chật hẹp, hai sinh mệnh có duyên gặp gỡ nhau ở một thời điểm cả hai đang loay hoay với những cảm xúc chồng chéo lên của mình, bọn họ gặp đúng người, và gỡ rối cho nhau để đạt đến những thứ tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Đúng vậy bọn họ đã gặp đúng người, nhưng việc gặp đúng người không quyết định rằng lựa chọn người đó là hạnh phúc. Chưa chắc rằng lựa chọn cùng nhau đến London sẽ có kết cục hạnh phúc và chưa chắc rằng việc chưa cất lời yêu cho đối phương là một điều đáng tiếc. Nhưng dưới cảm nhận của bộ phim này thì lựa chọn của cả hai nhân vật là rất hợp lí. Chỉ đến cuối phim ta mới thấy được những hình ảnh về những con đường dọc bờ biển, hình ảnh cây cối dưới ánh nắng lung linh khác hoàn toàn với hình ảnh con phố xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim và cho đến cuối bộ phim mới có được một shot quay Extreme-wide để thoát khỏi không khí ngột ngạt trong cảm xúc lẫn bố cục của cả bộ phim. Đối với cuộc sống chúng ta cũng vậy, đôi khi những tình yêu dang dở và những người chúng ta đã gặp trong cuộc đời đều có ý nghĩa to lớn đối với mỗi chúng ta mà bản thân ta không hề nhận ra. Đôi khi những điều buồn nhất lại là tiền đề cho những hạnh phúc sau này và đôi khi ta gặp được một người vô cùng thích hợp cũng chỉ giúp chúng ta trưởng thành hơn trong tình yêu, giúp ta tự tin hơn và nhận ra được nhiều giá trị tốt đẹp của bản thân mình.
Gia Bảo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất