Với các bạn sinh viên y thì chắc hẳn rất quen thuộc với cái tên hormone Oxytocin. Và với sự ảnh hưởng của môn Sinh Lý sắp thì hiện tại trong đầu nhiều bạn vẫn còn nhớ “Oxytocin là hormone do vùng dưới đồi tiết ra, dự trữ ở thùy sau tuyến yên, có tác dụng co bóp tử cung khi sinh nở và bài xuất sữa… bla bla” (Nội dung trong sách chỉ có thể tóm gọn lại chừng có vậy). Nhưng với tôi, những kiến thức hay ho thường không đến từ sách giáo khoa.
Nếu bạn có tìm hiểu, chức năng của hormone Oxytocin trong cơ thể hết sức đa dạng và thú vị, đến nỗi người ta còn mệnh danh cho nó là “hormone tình yêu”. Đúng như cái tên đó, Oxytocin có vai trò hết sức quan trọng trong chuyện tình cảm. Từ tình cảm nam nữ, tình bạn bè cho đến tình cảm gia đình. Nó được tiết ra khi ta yêu, quý mến ai đó, khi âu yếm mẹ con, thậm chí ngay cả khi chỉ đụng chạm cơ thể. Và khi tiết ra thì khiến chúng ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. 
Ngoài ra, trong lĩnh vực tâm lý con người cũng như trong các mối quan hệ xã hội. Hormone này cũng có những tác động có thể kể đến như tăng cường đức tính rộng lượng và lòng tin tưởng. Đồng thời nó cũng khiến ta dũng cảm hơn, kiên cường hơn và gắn bó với nhau hơn. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình lại thường thấy hấp dẫn với những người có tính cách, sở thích giống mình không? Đúng vậy, đó cũng là một tác dụng của Oxytocin, gắn kết những cá nhân có tính cách giống nhau, gọi là những người cùng trong cùng “nhóm”. Ví dụ như lòng tự hào dân tộc [*].
Không dừng lại ở vai trò trong các mối quan hệ người với người, Oxytocin còn đóng vai trò trong mối quan hệ giữa người với thú cưng. Một nghiên cứu cho thấy lượng Oxytocin ở cả người và chó tăng lên sau một khoảng thời gian âu yếm chơi đùa với nhau. 
Với những tác động tích cực kể trên, Oxytocin ngoại sinh đã được ứng dụng trong y khoa, cụ thể là trong việc hỗ trợ sinh sản và có triển vọng trong việc cải thiện hành vi xã hội ở trẻ tự kỷ [1]. 
Trái lại, nó cũng như hoa hồng, hoa hồng thì đẹp và đồng thời cũng có gai, hormone này cũng có những chức năng tiêu cực nhất định. Nổi bật nhất có lẽ là một tác dụng ngược với tác dụng [*] ở trên. Đó là nó làm tăng tính thiên vị, thành kiến của chúng ta và dẫn đến hành vi tỏ ra khó chịu đối với những cá nhân có tính cách không giống mình, những người ở ngoài “nhóm”, những nhóm khác. Trong thực tế, điều này được thể hiện ở việc phân biệt chủng tộc, tâm lý bài ngoại. Gần hơn nữa, nó có liên quan đến một hành vi gọi nôm na là “sống hộ”.
Có lẽ chẳng phải cần có dẫn chứng hay chứng minh thì chúng ta cũng đã ngầm hiểu với nhau rằng tính cách của mỗi người là khác biệt và cách sống của người này không giống người khác là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên. Nhưng đôi khi chúng ta lại tỏ ra không hài lòng khi người khác sống không giống mình (?!). Mặc dù điều này dưới góc nhìn sinh lý là bình thường, nhưng nó chỉ bình thường khi ta giữ lại trong suy nghĩ thay vì nói ra để nhằm mục đích nào đó, khiến người khác thấy khó chịu chẳng hạn.
Ở kỳ học này, tôi đã có được một chút quyết tâm hơn trước, có thể nói là chăm hơn trước, kèm theo đó là sự quan trọng về điểm số có vẻ cũng sâu sắc hơn trước. Và tất nhiên, điều này nhiều khi khiến tôi áp lực, khiến tôi không còn giống một bộ phận người nào đó. Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ đây. Trong thời gian suy tư, quan sát tôi bắt đầu nhận ra một hành vi không hay ho cho lắm mà hình như ngày trước mình cũng đã mắc phải. Đó là những lời nói kèm theo hoặc không kèm theo chút khó chịu nào đó, kiểu như “tao là tao không quan trọng điểm số, sao cũng được, đỡ đau đầu” hay “sao phải quan trọng điểm số thế nhỉ?”. Đại loại vậy.
Đầu tiên phải nhắc lại rằng CHÚNG TA KHÔNG GIỐNG NHAU. Từ cách sống, mục tiêu, lý tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan,...v.v đều không giống. Bạn nói vậy để làm gì? Nhằm mục đích gì? Để khuyên tôi hãy sống như bạn chăng? Sống một cuộc đời đơn giản và nhẹ nhõm. Tôi nghĩ là ai cũng muốn thế, nhưng cuộc sống này đâu đơn giản vậy. Với bạn, nó màu hồng, với anh này nó lại là màu đỏ, với chị kia nó lại là màu xanh hay thậm chí với loài chó nó chỉ là một số màu nhợt nhạt. 
Học bổng hay không có quan trọng? Điểm cao hay thấp có thực sự quan trọng? Một lần nữa, điều này quyết định ở mỗi chúng ta. Tôi cũng biết rằng không dễ để quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nhưng thử suy nghĩ về ví dụ này nhé! Chàng trai buồn bã vì vừa tạch học bổng có thể không phải anh ta buồn chỉ đơn giản vì tạch cái học bổng ấy, mà anh ta lo lắng vì kỳ tới không biết xoay sở tiền học phí hay sinh hoạt phí ở đâu. Hoặc nhìn vào bản thân bạn đi chẳng hạn, điểm không quan trọng đúng không? Vậy giờ điểm trung bình của bạn dưới 7.0/10.0 chẳng hạn, liệu bạn có còn vỗ ngực rằng không đáng để bận tâm không. Kể cả có đi chăng nữa thì tôi cũng cho rằng ít ai mà kiên cường (hoặc bất cần) như bạn. Với tôi, trong thời buổi hiện tại, không có gì để đánh giá năng lực cụ thể, trực quan và dễ làm hơn điểm số. Điểm số không chỉ đem đến cho tôi danh hiệu nào đó hoặc một học bạ đẹp sau này mà nó còn là bằng chứng giúp tôi nhận thấy những cố gắng của mình không phải là vô nghĩa. Chúng ta đâu có cố gắng chỉ để đem về kết quả thấp hay vừa vừa, phải không nào?
Không thể phủ nhận là đôi khi có những người tỏ ra hơi thái quá, kiểu “khóc vì không phải là người điểm cao nhất”. Trường hợp đó tôi không bàn tới.
Hầu hết chúng ta đang hành động và suy nghĩ cho tương lai. Mỗi người đều chọn cho mình một con đường để xây dựng tương lai đó. Hiện tại, tôi chọn con đường học thuật. Trong trường hợp này, sự kém cỏi về nhận thức cũng như hiểu biết là một điều gì đó khó thể chấp nhận. Ngoài ra, không chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình, điều này còn giúp tôi không phụ lòng những người đã đặt kỳ vọng vào mình, có người đã đặt cả cuộc đời. Và trong tương lai không xa, tôi mong là mình có thể đáp lại những điều đó.
Có nhiều cách để quan tâm người khác, nhưng không phải cách nào cũng tích cực và ý nghĩa, “sống hộ” là một kiểu như vậy. Và lần sau, nếu định có phát ngôn nào đó, mong bạn hãy suy nghĩ một chút về điều mình sắp nói. Đôi khi chỉ cần bạn cứ sống cuộc đời của riêng mình, bạn đã giúp xã hội này phát triển rồi.
Nồng độ Oxytocin cao có thể giúp bạn là một người vui vẻ, lạc quan. Nhưng trái lại nó cũng có thể khiến bạn trở thành một kẻ vô duyên khó chịu. Hoặc chẳng cần tác động gì của hormone nào, bạn đã là kẻ khó chịu sẵn rồi.

Nguồn tham khảo:
Những thông tin còn lại về Oxytocin mình tham khảo ở:

Nếu có thông tin nào trên đây là sai, hãy cho mình biết ở dưới phần bình luận.