Vào một ngày ngẫu nhiên, tôi bất chợt nhìn lại tôi của ngày hôm qua và bất chợt đến ngỡ ngàng. Rằng tôi của hiện tại đã mất đi một phần nào đó của đứa trẻ đó. Một phần nào đó mà tôi không thể lấy lại được nữa. Cảm giác đó khiến tôi đôi khi, chỉ là đôi khi thôi, cảm thấy như mình đã mất đi một phần linh hồn.
Và tôi khi xem "Only yesterday" chính là tôi của những lúc "đôi khi" đó.
Để cho những ai chưa biết thì "Only yesterday" là bộ phim hoạt hình được sản xuất bởi Ghibli dưới bàn tay nhào lặn của đạo diễn Isao Takahata. Những thông tin như thế này có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng nên tôi sẽ không nói chi tiết nữa.
Về nội dung, bộ phim là những thước phim lồng ghép giữa thực tại 27 tuổi và quá khứ tuổi thơ 10 tuổi của cô gái tên Taeko. Nếu so sánh "Only yesterday" với hàng tá tác phẩm nổi bật của Ghibli thì phải thừa nhận rằng đây không phải là một trong bộ phim nổi tiếng nhất, nhưng đây là tác phẩm mà tôi thấy ấn tượng nhất. Không bàn đến những vấn đề vĩ mô, không lấy đề tài kì ảo giả tưởng, không có những nhân vật mang tính biểu tưởng hay khả năng siêu phàm nhưng cũng chính vì thế "Only yesterday" lại chạm đến trái tim tôi và chắc chắn là của nhiều khán giả khác. Ở đó, ta như thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình.
Tại sao Taeko của năm 27 tuổi lại cứ ám ảnh mãi về Taeko của năm 10 tuổi? Tại sao Taeko của hiện tại với cuộc sống nhiều người mơ ước nhưng vẫn thấy trống trải và không hạnh phúc? Tại sao cô lại bỏ cuộc sống tiện nghi nhiều người ước ao ở Tokyo để về với làng quê? Tôi bị níu lại với bộ phim bởi những câu hỏi đó, cũng như tôi đang đau đáu với câu hỏi ý nghĩa cuộc đời tôi là gì? Và Tôi là ai?
Càng theo chân câu chuyên đan xen giữa thực tại và quá khứ của Taeko, ta càng tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi đó. Tại sai quá khứ lại quan trọng nhỉ? - Bởi lẽ quá khứ là một phần của ta, tạo nên ta của hiện tại, và quá khứ cũng chứa đựng những đam mê, nhiệt huyết đơn thuần nhất mà ta chỉ có thể có được ở tuổi đôi mươi không bị vướng bận bởi cơm áo gạo tiền mà thôi.
Lần đầu xem phim, khi còn quá nhỏ để hiểu được thứ phim đang muốn nói, tôi đã khóc mà chẳng hiểu tại sao. Nhưng với lần xem lại này, tôi dường như đã có được câu trả lời - bởi tôi đồng cảm. Ở cảnh cuối của bộ phim, khi Taeko được chính mình của năm 10 tuổi dẫn tay để lựa chọn ở lại với vùng quê, rời xa Tokyo - quê hương của cô, tôi đã khóc như một đứa trẻ, vì tôi biết, nếu là tôi, tôi cũng sẽ lựa chọn ở lại - ở lại theo chính tiếng gọi của đứa trẻ bên trong, chính mong muốn sơ khai nhất của bản thân mình.
Và tôi sẽ chỉ có khả năng đưa ra được một lựa chọn mang tính lý trí một cách tình cảm đến thế nếu tôi thực sự biết tôi muốn gì, và chính hành trình tìm lại và soi chiếu bản thân của Taeko đã giúp cô làm điều đó. Và chính tôi cũng đang cần một hành tình như thế. Chắc hẳn nó sẽ dài, gian nan và không biết bao giờ tôi mới có được câu trả như Taeko, nhưng tôi vẫn sẽ bắt đầu nó.