Một sáng nọ, mình lướt thấy một cái album về các loại ống hút thay thế cho ống hút nhựa, rất nhiều loại từ ống hút giấy, cỏ, tre, inox, v.v. Thời điểm đó, có một doanh nghiệp lên Shark Tank gọi vốn cho sản phẩm ống hút cỏ bàng thì phải. Và liên tục có rất nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào ngành nghề làm ống hút cỏ bàng, xuất khẩu đi các nước thu tiền tỷ. Trong số này có một người cũng làm ống hút cỏ bàng mà mình rất quý mến, mặc dù không hề quen biết, vì quan điểm của anh. Nên đừng nghĩ là mình viết bài để lật đổ chén cơm của người khác. Mình viết trước hết là để cho người tiêu dùng, người sử dụng nhận thức được chuyện tiêu dùng của mình, và cũng là để doanh nghiệp xem lại triết lý kinh doanh của mình, đặc biệt nếu cụm từ “Bảo vệ Môi trường” được đem ra làm 1 trong những lý do bán sản phẩm. Thực hành sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như nào là yếu tố quyết định tác động môi trường của một sản phẩm, các bạn luôn luôn nhớ điều này dùm mình.
Tại thời điểm này cũng có một doanh nghiệp lên gọi vốn trên Shark Tank cho sản phẩm ống hút gạo. Nên mình cũng muốn đăng một bài mà mình đã viết cách đây gần 3 năm, đăng lần đầu trên Wordpress.

Quay ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng...

Bạn có biết ống hút thuở sơ khai cũng làm bằng cỏ khô đó. Năm 1888, Marvin Stone đăng ký bản quyền (patent) ống hút nhân tạo đầu tiên tại Mỹ từ giấy có phủ parafin để chống thấm. Và từ đó ống hút giấy đã được dùng gần 1 thế kỷ cho đến khi ống hút nhựa xuất hiện vào thập niên 1960 - 1970.
Marvin Stone
Bằng sáng chế ống hút giấy dùng 1 lần của Marvin Stone
Image result for ryegrass straws
Cỏ khô rỗng ruột
Source: Wikipedia, Laidback Gardener

Đọc thêm:

Trên mạng có nhiều thông tin về lịch sử ống hút lắm, nhưng mà trong bài này mình sẽ cố giải thích cho các bạn vì sao đôi khi mình cũng cần ống hút và đồ dùng 1 lần lắm, nhưng không thường xuyên như bạn nghĩ đâu. Nếu bạn quan tâm đến môi trường thì mình cũng không cần chuyển qua ống hút thủy tinh, ống hút inox hay ống hút cỏ đâu :D, tại vì mình dùng miệng được mà :D.

Tại sao chúng ta cần dùng ống hút và dùng xong rồi bỏ thay vì dùng lại? 

Đầu tiên thì mình cần trả lời câu hỏi này ha. Sao mình phải dùng ống hút? Tại không có ống hút thì mình không ăn uống được à? Không phải vậy. Nhiều khi mình cần ống hút để hút những chất lỏng/đồ ăn mà mình không thể đổ/húp trực tiếp bằng miệng được. Ví dụ như hộp sữa của tụi con nít đem đi học đó, có 1 cái lỗ bé tí để cắm ống hút để tránh đổ sữa ra người cái bọn nghịch ngợm này nè, nên dùng ống hút thì tiện hơn. Hoặc là mấy thứ sinh tố đặc đặc, hoặc để hút trân châu trà sữa nữa. Nhiều bệnh nhân cũng cần dùng ống hút để tiện uống nước, sữa mà không bị sặc như khi dùng ly nước bình thường nè, bạn nào bị nhổ răng hoặc mới mổ amidan thì cũng vậy đó và để tiện cho nhiều tư thế lúc nằm trên giường bệnh nữa. 
inventors_friedman-joseph_straw_advert-banner
Này là hình quảng cáo ống hút Flex-Straw khi mà Joseph B. Friedman (1900-1982) sáng chế ra cái đoạn gấp nếp để bẻ cong ống hút hồi năm 1937. Thời này ống hút vẫn làm bằng giấy nhen. (http://invention.si.edu/straight-truth-about-flexible-drinking-straw)

Ống hút đưa chất lỏng vào tới trong cuống họng luôn nên nó ko có làm dơ khoang họng nhiều nhưng vì lý do này nên bạn nào cho con cái uống trà sữa hút trân châu, rau câu cũng phải hết sức cẩn thận vì viên trân châu/rau câu khi hút mạnh có thể gây mắc nghẹn hoặc hút vào khí quản gây nghẹt thở nha. Phụ nữ tô son cũng ngại uống trực tiếp do sợ để lại dấu son môi trên ly hoặc làm trôi son, mất đẹp. Còn lại thì thật ra chúng mình đều có thể uống trực tiếp mà không dùng ống hút, nhỉ?
Nhưng mà cuộc sống bận rộn cùng với trào lưu xã hội tiêu dùng đã xây dựng nên mốt “take-away” (đồ mang đi) mà điển hình là cơm mang đi, đồ ăn mang đi, cà phê mang đi hay là cái gì cũng mang đi và luôn luôn đi kèm với những cốc cà phê, trà sữa mang đi này là ống hút. Đặc trưng người châu Á (và toàn thế giới =) ) là thích ăn vặt lắm, lúc nào cũng phải có cái gì gì đó bỏ vào mồm như xoài lắc, cóc lắc, trà sữa, Sting dâu. Mình hồi đó cũng ăn vặt dữ lắm nên mình biết, hihi. Nhưng mà riết sau này thì cái gì cũng mang đi chứ ko còn ngồi quán ăn uống nữa. Nhiều khi cũng buồn, giờ đời sống hối hả nhiều khi ngồi ăn cũng không được. Đồ mang đi thì thôi, toàn là đồ  dùng 1 lần rồi. 


Đọc thêm:

Starbucks và nhiều hãng fastfood, take-away đang thông báo sẽ từ bỏ ống hút nhựa.
Source: WBNS-10TV Columbus, Ohio
Vậy là nhiều khi mình cũng cần ống hút. Nhưng mà sao mình dùng 1 lần rồi mình bỏ mà không dùng lại? Tại cái hình dáng của cái ống hút đó bạn. Ống hút dài mà đường kính thì nhỏ, dao động từ 15 – 5 mm, rất khó để rửa sạch nếu không có bàn chải/cọ để cọ bên trong. Mình có thử rửa để xài lại ống hút trân châu loại lớn rồi, ngâm xà phòng rồi lắc đủ kiểu mà nó cũng không hết. Như vậy các bạn nào dùng kiểu ống hút dùng lại thì phải cọ rửa SAU MỖI LẦN SỬ DỤNG nhen. Chứ không phải xả nước qua là sạch đâu, ĐẶC BIỆT LÀ SAU KHI UỐNG TRÀ SỮA vì trong trà sữa có chất béo nha, nó không có trôi đi được như nước đường đâu :D. Giống như ống nước nhà mình thôi, ống to hơn nhiều mà mỗi lần dùng đều có dòng nước chảy qua nhưng mà thường ống nước rất hay đóng cặn. Cho nên mình xài ống hút 1 lần rồi bỏ đi để lần sau mình xài ống hút mới sạch sẽ hơn, không phải hút vào miệng những cặn dơ của lần dùng trước đó và tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn/virus gây bệnh nếu nhiều người dùng chung 1 ống. Và đây cũng là lý do mà người ta dùng tăm, chỉ nha khoa, kim tiêm, ống chích, túi máu, ống truyền chỉ 1 lần rồi bỏ đi là vậy đó. Vì quá khó để tẩy rửa, mà mấy thứ này cũng nhỏ nhặt nên người ta ưu tiên dùng mới thay vì dùng lại nha.

Rồi tại sao người ta không dùng ống hút cỏ hay ống hút giấy nữa? 

Ống hút cỏ ngày xưa để lâu trong nước uống thì bị bục, rã ra bã mà lại còn làm cho nước uống của bạn có mùi cỏ nữa, làm mình nghĩ là mấy người ngày đó sẽ biết khi bò ăn cỏ thì có vị gì :v haha (https://www.atlasobscura.com/articles/straws-history). Ông Marvin Stone sáng chế ra ống hút cỏ là để không có bị cái mùi cỏ đó nữa mà lại sản xuất đại trà được, và từ năm 1889, công xưởng của ông này cũng đã sản xuất ra 2 triệu ống hút mỗi ngày rồi, tính ra là 700 triệu ống hút mỗi năm đó, cũng đâu phải là ngày xưa thì biết tiết kiệm hơn ngày nay gì đâu, chẳng qua là do dân số lúc đó vẫn còn ít thôi (dân số thế giới tại thời điểm đó là tầm 1.5-1.6 tỷ người, dân số của Mỹ vào khoảng 69 – 70 triệu người).
Tuy đã là một bước tiến so với ống hút cỏ, nhưng ống hút giấy cũng sẽ bị bục, rã khi nhúng nước lâu. Ai hồi nhỏ có chơi trò quấn giấy giả làm điếu thuốc ngậm ngậm thì sẽ biết là một hồi sau giấy sẽ dính vô mỏ luôn, haha và nó cũng sẽ rã ra thành sợi nhỏ nhỏ đi theo nước uống vào trong ruột. Quá trình sản xuất giấy cũng dùng rất nhiều hóa chất, giấy càng trắng thì càng nhiều hóa chất, phụ gia, nên mình nghĩ là các bạn cũng không có muốn dùng ống hút giấy đâu, ghê lắm đó, à hi hi. Ống hút nhựa xuất hiện như một người hùng, sạch sẽ trơn láng, không làm thay đổi mùi vị của đồ uống, cắm vào bình nước bao lâu cũng được. Ống hút nhựa rẻ, nhẹ, có 0.42gr :v.
Ngoài những nhược điểm về mặt công năng sử dụng kém hơn ống hút nhựa, hiệu năng sử dụng vật liệu thấp (tốn nhiều giấy hơn để làm 1 cái ống hút, so với nhựa), tiêu tốn năng lượng khổng lồ cho quá trình sản xuất (đặc trưng của ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy), giá thành cao không cạnh tranh nổi với nhựa đã khiến chúng phải lùi bước trước sự chiếm lĩnh thị trường của ống hút nhựa.
Nhưng rất tiếc, những cảnh tượng nhức mắt của ống hút nhựa bị mắc trong lỗ mũi của một chú rùa biển, rác thải nhựa chủ yếu từ đống đồ ăn nhanh (fast food) đầy rẫy trên các bãi biển đã khiến người tiêu dùng hiện nay quay lưng với ống hút nhựa, với hàng trăm chiến dịch, hàng nghìn nhóm, fanpage đưa ra khẩu hiệu “No Straws”. Miệng nói “No Straws” vậy thôi chứ người ta đang rần rần đi tìm vật liệu thay thế để làm ống hút, và chúng ta đang quay về với ống hút giấy, ống hút cỏ, và giờ là cả ống hút gạo.
Trước khi có mấy vụ này, ống hút chỉ là những sản phẩm bình thường, thậm chí lúc cần mua ống hút cho ông bà, nhiều người cũng còn không biết mình phải tìm ở quầy nào trong siêu thị, cửa hàng nào có bán ống hút. Bây giờ thì hàng chục doanh nghiệp được thành lập, lên gọi vốn, tạo ra bao công ăn việc làm cho nhiều người, lượng bán ra ồ ạt trong nước lẫn xuất khẩu với doanh số tỷ tỷ.

Mặt trái của những sản phẩm thay thế này là gì?

Trong các nguyên tắc về thiết kế, bảo đảm công năng là điều đầu tiên. Nếu một sản phẩm không thực hiện được công năng của nó trong thời gian yêu cầu, thì đó là một sự lãng phí và thất bại trong thiết kế. Ống hút giấy, ống hút cỏ hay ống hút gạo nếu bị bục, rã quá nhanh, không đủ bền trong suốt thời gian sử dụng, thì đó là sự thất bại trong việc thực hiện công năng, và đương nhiên, bạn sẽ phải dùng nhiều ống hơn để đáp ứng nhu cầu và thời gian sử dụng. Điều này có hại về hiệu năng sử dụng vật liệu, và đôi khi sẽ dẫn đến thiệt hại về kinh tế do gây ra cảm giác phiền hà, khó chịu cho người sử dụng/khách hàng.

Một slide trong bài giảng Design for Environment của thầy Benoit Cushman-Roisin, trường Dartmouth College
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến vấn đề tác động môi trường. Như các bài trước mình đã viết, để xem xét tác động của một sản phẩm nào đó thì phải xét toàn vòng đời. Và vì khi xét toàn vòng đời thì có rất nhiều cái hại của các loại ống hút dùng nguyên liệu phải qua trồng trọt, canh tác như gạo, bột mì, khoai mì và cả các thứ được khai thác tự nhiên không qua trồng trọt như giấy, cỏ bàng, tre nứa.
Gạo, bắp, bột mì, khoai mì, muốn có để sản xuất ống hút giấy thì phải trồng trọt. Đây là một trong những nguồn lương thực, thực phẩm chính và việc sử dụng thực phẩm để làm ống hút thay thế cho nhựa là một vấn đề liên quan đến phạm trù “đạo đức” do vấn đề đói nghèo vẫn còn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại, nơi có đến hơn 600 triệu người đang sống trong cảnh thiếu đói, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, tuy là lương thực, thực phẩm, những thứ chúng ta rất cần, rất lệ thuộc để tồn tại, nhưng bạn có bao giờ thắc mắc tác động môi trường của việc trồng trọt ra chúng không? Bạn có biết trồng lúa gạo là một trong những ngành gây ra tác động môi trường cực kỳ lớn, cực kỳ ô nhiễm không? 
Lượng phát thải khí methane của ngành nông nghiệp tại Trung Quốc gần bằng ngành năng lượng. Hoạt động trồng lúa chịu trách nhiệm cho 35.6% tổng phát thải methane của Trung Quốc, với vòng đời tồn tại trong khí quyển là khoảng 10 năm. Báo cáo tác động của quá trình trồng trọt lúa gạo toàn cầu của Miranda et al. 2015.
Ý mình là, quá trình trồng lúa gạo “đóng góp” khoảng 5-19% tổng khí thải methane toàn cầu, là loại khí thải nhà kính có khả năng hấp thụ nhiệt năng mặt trời khoảng 25 lần carbon dioxide, cùng với phát thải ammonium và nitrous oxide rất lớn (bằng lượng tạo ra do 600 nhà máy điện than phát thải trong thời gian dài hoặc 1200 nhà máy điện than phát thải trong thời gian ngắn). Chưa nói tới việc sử dụng phân bón gây hiện tượng phú dưỡng, lượng nước tiêu hao cho quá trình tưới tiêu, và lượng thuốc trừ sâu có khả năng gây độc hệ sinh thái. Bằng ấy những tác động được tạo ra, tiêu tốn biết bao tài nguyên để tạo thành, mà nỡ lòng nào đem làm ống hút, trong khi chưa chắc người ta đã ăn cái ống hút đó khi dùng xong, và cũng chưa chắc rằng người ta vứt bỏ đúng chỗ? Ý tưởng dùng những thứ ăn được (theo logic là phân hủy được) như gạo, bột mì, khoai mì, v.v. để làm ống hút đã có từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có. Nhưng mình hoàn toàn không ủng hộ sản phẩm này vì sự lãng phí mà nó đem lại.
Tác động sơ sơ của nông nghiệp châu Âu về ô nhiễm không khí

Những sản phẩm khai thác tự nhiên không qua trồng trọt thì sao? Tre nứa, cỏ bàng thì khỏe rồi, có sẵn nên khai thác thôi nên không lo? Không đâu bạn ơi, khai thác như thế nào cho bền vững, để cho thiên nhiên phục hồi thì tốt, chứ khai thác, tận diệt, thì cả cá ở đại dương cũng còn cạn kiệt, chứ đừng nói là rừng, tre nứa hay cỏ cây. Hơn nữa, việc khai thác giấy chỉ là sơ khởi để lấy nguyên liệu về thôi, quá trình sản xuất bột giấy và giấy cũng là một trong những công nghệ hao tốn cực kỳ nhiều năng lượng và nước sạch. Mình để ở đây tấm hình so sánh túi nhựa và túi giấy để minh họa thôi nhen, tất nhiên nó không phản ánh chính xác con số của ống hút, nhưng nó cũng có giá trị tham chiếu đó.

Rồi đến quá trình thải bỏ cuối vòng đời. Mình đã phân tích rất kỹ về các vật liệu phân hủy và tác động cuối vòng đời của các sản phẩm phân hủy này ở bài Vật liệu phân hủy rồi. Một cách ngắn gọn, vật liệu phân hủy cũng có thể gây tác động xấu đến môi trường bởi vì nó phân hủy (2 mặt của vấn đề) vì nó cũng tạo ra phát thải, cũng có thể gây hại cho hệ sinh thái và môi trường nếu bị xả bỏ bừa bãi và nó rất có khả năng sẽ tạo ra một tâm lý dễ dãi trong việc vứt rác bừa bãi ra môi trường. Rồi khi chúng ta nhìn thấy tác động tiêu cực do người ta vứt bừa bãi những thứ phân hủy này thì lại đi tẩy chay ống hút cỏ, ống hút tre, ống hút gạo ư? Không không, phải tẩy chay cái thằng vứt nó ra ấy.
Mình đọc được 1 tài liệu hay trên website trường Longwood University “Litter and Debris in Our Waterways” có 1 câu như này: “Một trong những khái niệm quan trọng mà sinh viên cần hiểu rõ đó là đằng sau mỗi mảnh vụn, mỗi thứ rác thải là 1 hành vi (thô thiển, vô văn hóa) của 1 người nào đó”. Các bạn có thể cho rằng nhựa dễ bị vứt bừa bãi, vì nó nhẹ, vì nó mỏng, vì khó dùng lại, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên vứt nó bừa bãi. Tương tự như vậy, ống hút cỏ, ống hút gạo có thể dễ phân hủy, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn nên vứt rác bừa bãi. Điều này cũng giống như victim blaming (đổ lỗi cho nạn nhân) trong các trường hợp hiếp dâm: vì họ mặc đồ sexy, hở hang, nên tôi có quyền hiếp dâm người ta sao? Bottom line ở đây là anh không được cưỡng ép người ta qhtd với anh nếu người ta không đồng ý, dù họ ăn mặc thế nào. Và dù phải xài bất cứ vật liệu gì, thì vứt rác bừa bãi, để lọt rác thải ra môi trường là một việc làm đáng trách, vô ý thức, và chúng ta cần lên án nó chứ không phải “bình thường hóa” nó đi rồi đổ lỗi cho vật liệu, OK?
Ống hút tái sử dụng như inox hoặc hút thủy tinh thì sao? Chúng cũng khá bất tiện, và cũng chưa chắc hợp vệ sinh đâu, do mình đã nói khi nãy, hình dáng của nó khiến cho việc rửa sạch rất là khó khăn (khó chứ không phải làm không được, nếu bạn muốn). Mỗi lần rửa cũng tốn nước nữa, tốn xà phòng, quán nào dùng lại thì lại phải thêm 1 bước là phải tiệt trùng nữa do phải bảo đảm vệ sinh an toàn phòng dịch. Sản xuất ra cũng tốn nguyên liệu lắm, mà nó lại nặng nữa, 20 – 25gr, mình ước chừng thôi, bạn nào cân thử xem tốn mất bao nhiêu nguyên liệu rồi. Mà bạn mua về thì dùng lại bao nhiêu lần? Có phải là lúc nào cũng dùng đâu mà mua chi tốn tiền, hihi. Mà ống hút kim loại thì cũng có vị kim loại nữa đóa, nhiều khi bị rỉ sét cũng không biết vì bên trong tối thui sao thấy. Ống hút thủy tinh thì dễ vỡ nữa.

“Vậy chứ giờ dùng loại nào?” - Sao phải dùng? Không dùng thì có nàm thao?

Đối với một người theo chủ nghĩa deep ecologist (mình chưa có chữ phù hợp để dịch nên không dám dịch, haha) thì trước khi hỏi “Làm sao để cải tiến sản phẩm, hoạt động này?”, họ sẽ hỏi “Tại sao mình lại cần chúng? Liệu chúng ta có thể thực hiện chức năng đó mà không cần dùng tới chúng hay không?” (“Why do we need this? Can we rather do without?”).
Một slide trong bài giảng Design for Environment của thầy Benoit Cushman-Roisin, trường Dartmouth College
 Các bạn thử nghĩ đi, chúng ta đâu cần dùng ống hút nhiều đến như vậy. Uống bia, uống nước hay uống Coca hay thậm chí uống nước dừa thì đổ ra ly thôi chứ cóa gì đâu mà phải dùng ống hút đồ. Uống trà sữa có trân châu thì cần, mà dùng xong thì bỏ thùng rác là được rồi. Ai chịu khó thì dùng muỗng đi ha, hồi xưa mình uống sinh tố lấy muỗng húp rột rột hết còn nhanh hơn hút ống hút đó. Nếu mà bạn không có bị bệnh động kinh hay khuyết tật hay có vấn đề về răng miệng, mới nhổ răng hay amidan hay gì gì đó thì bạn hoàn toàn có thể ăn uống bình thường không cần dùng ống hút mà. Mấy bạn gái xinh đẹp vừa muốn son không trôi, vừa bảo vệ môi trường thì cứ dùng ống hút nhựa (tác động thấp nhất) và quan trọng nhất là BỎ RÁC ĐÚNG CHỖ. Bỏ rác đúng chỗ mà không làm được thì đừng ăn uống gì, cho nó đẹp, đẹp mãi mãi, nhaaaa!
Các bạn làm nhà hàng mà quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thì các bạn không cần đổi sang ống hút thủy tinh hay ống hút giấy đâu, mình vẫn thấy là ống hút nhựa vệ sinh hơn và tốt hơn (nếu bắt buộc phải dùng ống hút và chọn giữa các loại vật liệu). Chỉ cần các bạn không cho ống hút bừa bãi nữa, và hỏi người dùng nếu cần thì bảo các bạn là được. Các bạn có thể bố trí 1 giỏ để khách dùng xong thì bỏ vào giỏ đấy để tạo cho người ta thói quen “dùng miệng/dùng muỗng” + “bỏ ống hút đúng chỗ”. Cách làm này có thể nhấn mạnh ống hút như một thứ gì đó cần được đối xử đặc biệt và tự nhiên người ta sẽ có ý thức hơn về cái ống hút nhỏ bé mà người ta dùng hơn. Có thể sau này họ cũng sẽ để ý hơn khi phải dùng ống hút ở các nơi khác hoặc khi thấy ống hút bị vứt lung tung ở ngoài đường.
Như các bạn cũng đã thấy, việc trồng trọt lúa gạo mà cũng tạo ra tác động môi trường to lớn, nhưng không lẽ chúng ta cũng tẩy chay lúa gạo để đi ăn một thứ khác? Rõ ràng vì chúng ta cần gạo, cần lương thực, thực phẩm để sống, nên việc cần làm ở đây không phải là đi tẩy chay nó mà là thực hành trồng trọt hợp lý hơn, tránh lãng phí thực phẩm nếu có thể chứ, phải không? Hãy làm điều tương tự cho nhựa, bởi tác động môi trường, số phận của sản phẩm, số phận của các loài sinh vật nằm trong tay bạn, trong tay mỗi chúng ta nhiều hơn là bản thân cái vật liệu, sản phẩm đó. 
----
À đúng rồi, người mà mình nhắc đến ở đầu bài đó là anh Tiến làm ống hút cỏ bàng ở Long An. Mặc dù ảnh cũng tạo ra ống hút cỏ để làm giải pháp thay thế tạm thời cho ống hút nhựa, nhưng anh cũng chia sẻ là: "Ngay từ đầu, tôi đã cho rằng việc thu hoạch (cỏ bàng) không bao giờ nên vượt quá mức độ phục hồi cỏ của tự nhiên", anh nói. "Tự nhiên cũng cần có đủ thời gian để hồi phục". Chính vì thế các công nhân làm việc cho anh chỉ làm từ thứ hai đến thứ sáu. Hai ngày cuối tuần là thời gian họ được nghỉ ngơi, và cũng là thời gian để thiên nhiên được hồi phục, theo như chia sẻ của ông chủ 8X với Reuters. Đó là một trong những triết lý kinh doanh bền vững, không bóc lột tự nhiên cũng như con người và không phải ai cũng làm như vậy. Đó là lý do mình quý mến anh và mình mong là mọi người sẽ sử dụng tiết kiệm và hợp lý dù là loại vật liệu gì, chứ đừng theo thói đổ lỗi từ nhựa đến cả cỏ cũng không tha nhen.
Huỳnh Bảo Ngọc
Đăng lần đầu 07.10.2018
Chỉnh sửa ngày 04.06.2021.

Nguồn tham khảo:
Wikipedia on Marvin Stone, Drinking straws.
Miranda et al., 2015 – Environmental Impacts of Rice Cultivation. American Journal of Plant Sciences, American Journal of Plant Sciences, 2015. DOI: http://dx.doi.org/10.4236/ajps.2015.612201
9. https://www.earth.com/news/rice-farming-environmental-impact/
10.https://www.weforum.org/agenda/2019/06/how-rice-is-hurting-the-planet/