ỐC LÁ - LEAF SNAIL - Amphidromus spp. (một giống ốc cạn) 🐚🐚🐚
"Những Kẻ Gây Đau Đầu" Nói đến tiến hóa và đa dạng sinh học, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những loài vượn người cổ và quá...
"Những Kẻ Gây Đau Đầu"
Nói đến tiến hóa và đa dạng sinh học, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những loài vượn người cổ và quá trình tiến hóa của chúng để trở thành con người hiện đại như ngày nay, những loài côn trùng bắt mắt với muôn hình vạn trạng hay những loài hoa đẹp tuyệt trần tô thêm màu sắc cho những cánh rừng mênh mông bạt ngàn. Thế nhưng, có một nhân vật... à không, một đám nhân vật trú ngụ nơi rừng sâu, ít được chú ý nhưng lại có thể biểu hiện ra rất rõ ràng những đặc trưng của sự tiến hóa và đa dạng sinh học, đó chính là các bạn ốc lá, thuộc giống Ốc lá Amphidromus, phân bố ở rất nhiều nơi trên địa phận châu Á!
Đừng có khinh thường và đánh giá thấp những con ốc! Những chú ốc lá màu sắc sặc sỡ kia là một trong những nhóm động vật được quan tâm nghiên cứu nhất để con người ta có thể tìm hiểu về quá trình hình thành các loài mới, các quần thể mới, các loài phụ, phân loài mới,... Để mình kể cho các bạn một câu chuyện. Trong một cánh rừng tuyệt đẹp, có một quần thể ốc sinh sống, những chú ốc to lớn với những chiếc vỏ cứng cáp màu xanh như ngọc bích tô điểm thêm những hoa văn rất rực rỡ, khiến hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, những bạn ốc đấy sống rất vui vẻ và hòa thuận trong cánh rừng. Cho đến một hôm, có một nhóm con người xâm nhập vào khu rừng, họ cưỡi trên những con quái vật có tên là "xe cẩu", "xe xúc", "xe ủi", nghe đâu định làm một con đường đi xuyên qua lòng rừng. Tháng năm dần trôi, khi con đường hoàn thành cũng chính là lúc các bạn ốc bị tách rời nhau, một phần của các bạn ấy cư ngụ ở bên trái con đường, khu vực ấy còn khá xanh tốt và ẩm ướt, còn phần còn lại thì ở bên phải con đường, nơi cây rừng đã thưa thớt đi nhiều, không còn xanh như trước nữa. Vì ở trong hai môi trường khác nhau, các bạn ốc cũng dần thay đổi sao cho phù hợp với môi trường sống, ở khu vực bên trái con đường, các bạn ốc vẫn không có gì thay đổi, vì môi trường ẩm ướt và xanh tốt, các bạn vẫn tiếp tục sống như trước đây, ăn rêu, nấm và trú ngụ ở những nơi rất cao trên tán cây, còn những bạn ốc bên phải con đường thì khác, do cây rừng thưa thớt, không còn xanh như trước, cây cao gần như mất hết, chỉ còn cây thấp, vỏ của các bạn ốc tối màu dần và nhạt đi để hòa quyện với màu vỏ cây, ngoài ra, vì sống ở nơi thấp nên kích cỡ các bạn ấy nhỏ lại, vỏ mỏng đi, rồi sự thưa thớt của cây khiến độ ẩm giảm, rêu không mọc được nên các bạn ấy chỉ còn cách gặm địa y và lá mục sống qua ngày.
Đó chỉ là một câu chuyện mình nghĩ ra cho vui thôi... nhưng nó có thật đấy các bạn! Mỗi năm, người ta khám phá ra hàng chục loài ốc lá thuộc giống Amphidromus, những loài mới được xác định dựa vào sự khác biệt về DNA, tập tính, hình thái,... đối với các loài cũ, chúng hình thành chủ yếu dựa trên sự cách ly địa lý và cách ly tập tính (Sinh học 12). Nhưng đôi khi, ông nói A thì bà nói B, những tiêu chí để chia loài mới, loài cũ đấy lại mâu thuẫn với nhau, từ đó làm xuất hiện những trường hợp những loài khác nhau lại... thuộc chung một loài (mình sẽ giải thích vụ này cho ai quan tâm, chứ không viết vào đây loãng nhóm)! Thật là đau đầu!
Ốc lá (Amphidromus spp.) là một nhóm động vật có tiềm năng kinh tế rất lớn, thịt ốc có thể dùng để làm thức ăn (tụi nó là đặc sản ở một số vùng), vỏ dùng để làm đồ mỹ nghệ, đồ trang trí hay thậm chí là trang sức, ốc sống thường được khai thác để nuôi làm cảnh (nhưng thật ra tụi nó rất khó nuôi, không nên nuôi), nhưng cũng vì vậy mà chúng đang bị đe dọa, số lượng ngoài tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng do bị khai thác lẫn mất môi trường sống do người dân đốt rừng, phá rừng, hiện đã có loài tuyệt chủng.
Ngoài giá trị kinh tế như đã nói ở trên, ốc lá (Amphidromus spp.) còn là một nhóm động vật có giá trị về mặt học thuật và nghiên cứu, thế nên, hãy chung tay bảo vệ ốc lá bằng cách bảo vệ môi trường, nhất là rừng vì đó là môi trường sống của chúng và khai thác chúng một cách hợp lý.
____________
Đây là ảnh vỏ của một số RẤT ÍT các loài ốc lá, hãy tưởng tượng, cứ mỗi năm là hàng chục loài mới xuất hiện, vậy thì cần bao nhiêu tấm ảnh để mô tả hết bọn chúng? À mà ảnh ốc Việt mình mới tìm được 1 bài báo nên chỉ có mỗi 1 ảnh, các bạn thông cảm.
Nguồn ảnh:
1. Nguyễn Ngọc Thạch và Franz Hubert (2014), "A new Amphidromus (Gastropoda, Camaenidae) from Vietnam," Basteria, 78(1/3): 35 - 37 (Phát hiện loài ốc lá mới Amphidromus naggsi ở Việt Nam, hiện là loài đặc hữu) (Ảnh 1)
2. Khamla Inkhavilay, Chirasak Sutcharit & Somsak Panha (2017), "Taxonomic review of the tree snail genus Amphidromus Albers, 1850 (Pulmonata: Camaenidae) in Laos, with the description of two new species," EJT, 330: 1 - 40 (tháng 6 năm 2017) (Ốc lá Amphidromus ở Lào) (Ảnh 2-5)
3. Chirasak Sutcharit và Somsak Panha (2006), "Taxonomic review of the tree snail Amphidromus Albers, 1850 (Pulmonata: Camaenidae) in Thailand and adjacent areas: subgenus Amphidromus," J. Molluscan Stud., 72: 1 - 30 (tháng 2 năm 2006) (Ốc lá Amphidromus ở Thái Lan) (Ảnh 6-7)
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất