Mình học được gì từ các trải nghiệm nói trước đám đông?
public speaking 101 cho người mới bắt đầu
Tuy không nhiều, nhưng ở tuổi 19 mình đã may mắn có đa dạng trải nghiệm nói trước đám đông; từ các sân khấu nhỏ như tại các trường cấp 3, cho đến sân khấu lớn hơn như làm diễn giả TEDx.
Bản thân mình là một người hướng nội chính thống nên việc mình có thể đứng nói trước đám đông phải qua rất nhiều sự luyện tập. Và sau đây mình sẽ chia sẻ một số bài học quan trọng mà mình đã học được từ trải nghiệm của mình (và từ google) cho các bạn.
1. Tầm quan trọng của sự chuẩn bị
Đối với mình, nói trước đám đông không như tưởng tượng của nhiều người, cứ nhớ một vài ý trong đầu rồi lên chém gió là xong.
Trước mỗi bài phát biểu, mình thường luyện đi luyện lại ít nhất là 5 lần, cho đến khi mình có thể nói trôi chảy mà không có chút sạn nào. Ngoài ra mình cũng nghĩ trước cách mình sẽ bước đi trên sân khấu, cách mình giao tiếp với khán giả, và một số tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Hãy luyện tập sao cho các cử động của bạn trở nên tự động, để khi lên sân khấu đỡ phải vừa nói vừa nghĩ nên bước đi thế nào, rồi trả lời ra làm sao.
Tuy nhiên, các bạn không nên soạn ra một tờ sớ dài dằng dặc và học thuộc từng chữ, như thế sẽ khiến bài của bạn nghe rất cứng nhắc, và tăng rủi ro bạn quên bài hơn. Thay vào đó, mình thường chỉ nhớ các ý chính trong đầu và tự freestyle trước ở nhà, chỉ cần không đi lệch dàn ý, còn lại lỡ nói sai vài câu thì cũng không sao.
Chuẩn bị trước chính là chìa khóa để bạn có thể tự tin bước lên sân khấu.
2. Tư thế đứng và ngôn ngữ hình thể
Thực sự, tư thế đứng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự tin của bạn, và nó cũng ảnh hưởng đến cách khán giả nhìn nhận sự tự tin của bạn.
Trong bài Ted Talk nổi tiếng của mình, nhà tâm lý học Amy Cuddy đã đưa ra một bài tập để gia tăng sự tự tin - có tên gọi là “Power Pose”. Trước bài diễn thuyết hay bất kỳ sự kiện nào khiến bạn lo lắng, hãy tìm một chỗ riêng tư, thực hiện tư thế Power pose - đứng thẳng, khiến người của bạn chiếm nhiều không gian xung quanh hơn bằng cách đưa hai tay lên hông giống như wonder woman (hoặc đưa tay hình chữ V giống vận động viên ăn mừng) và đứng như thế trong vòng hai phút.
Tư thế này sẽ giúp bạn đưa tín hiệu đến não của mình rằng bạn đang tự tin và sẵn sàng đối mặt với thử thách, từ đó khiến bạn thực sự trở nên tự tin hơn.
Trong quá trình diễn thuyết, bạn cũng cần giữ cho mình tư thế đứng thẳng và đừng khép người một cách khúm núm.
Ngoài ra, hãy hạn chế khua tay quá nhiều, mỗi cử động tay cần gọn gàng, chắc chắn. Khi di chuyển trên sân khấu, đừng đi qua đi lại liên tục bởi nó sẽ khiến khán giả chóng mặt, và nó cũng thể hiện là bạn đang lo lắng. Hãy đứng yên một chỗ, nói hết một ý, sau đó mới di chuyển sang vị trí khác của sân khấu. Những điều này theo mình là không nên lên sân khấu rồi mới ứng biên, mà cần luyện tập trước ở nhà.
3. Giọng nói và ngữ điệu
Thực ra phần này mình vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, nhưng mình vẫn sẽ chia sẻ những điều mình học được cho các bạn. Những điều dưới đây chủ yếu được rút ra từ video Ted Talk nổi tiếng của Julian Treasure.
- Hạn chế sử dụng giọng mũi, thay vào đó hãy sử dụng giọng ngực để tăng sức nặng của lời nói.
- Nhấn nhá những chỗ cần nhấn, lên giọng ở cuối câu hỏi, và hạ giọng nếu đó là một câu khẳng định. Hãy tránh việc nói đều đều như người máy, hoặc câu nào cũng lên giọng khiến cuộc đời chỉ toàn là những câu hỏi.
- Nhịp độ (Pace): Chúng ta có thể nói nhanh nếu đó là một thông tin khiến ta phấn khích, hoặc nói chậm lại để khiến người khác chú ý hơn đến những gì ta nói (đối với các thông tin cần nhấn mạnh). Trong trường hợp ta diễn thuyết trước đám đông, xuyên suốt bài nói ta nên giữ một nhịp độ từ tốn, không chậm nhưng cũng không quá nhanh.
Khoảng lặng: Điều này tối quan trọng nhưng hiếm ai để tâm đến. Các bạn không cần phải lúc nào cũng thêm từ đệm hoặc ầm ờ để tránh khoảng lặng. Khi chưa nghĩ ra ý để nói, hoặc trước mỗi thông tin quan trọng, bạn hoàn toàn có thể im lặng một lúc. Điều này thực ra sẽ khiến khán giả tập trung hơn vào bài nói của ban, và trong ngóng điều bạn sắp nói ra.
Còn rất nhiều thông tin hay mà bạn có thể tìm trong bài nói này, cũng như trên internet về giọng nói và ngữ điệu.
4. Một số mẹo nhỏ khác
- Bạn không nên mở đầu bài nói bằng câu nói truyền thống: “xin chào tất cả mọi người, hôm nay mình sẽ nói về …” Thay vào đó, hãy thử bắt đầu bằng một câu chuyện, một câu hỏi, một sự thật bất ngờ,… Nói chung là những gì thực sự có thể thu hút người nghe.
- Thu âm và nghe giọng nói của bạn: Nhiều người sẽ rùng mình khi làm điều này, nhưng nó thực sự cần thiết; bởi nó giúp bạn dễ tìm ra lỗi sai của mình hơn.Hãy cố gắng phát triển bài nói của bạn từ một ý tưởng lớn, đừng để bị lan man mà quên mất trọng tâm mình muốn nói là gì.
Kết
Trên tất cả, mình mong các bạn nhớ rằng sẽ không sao cả nếu các bạn mắc một vài lỗi trên sân khấu. Kể cả khi bạn có một bài nói thực sự tệ, người ta cũng sẽ bỏ nó ra khỏi đầu chỉ trong một ngày, không ai chú ý đến lỗi lầm của bạn nhiều như bạn nghĩ. Vậy nên hãy cứ chuẩn bị thật kỹ cho bài nói của mình, làm hết sức có thể để phòng tránh rủi ro và sau đó đừng lo lắng gì nữa.
Chúc các bạn thành công.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất