Ở một mình
Khi tự đứng bằng hai chân, tự nhìn ngắm thế giới chung quanh bằng hai mắt, tự nuốt cả niềm vui nỗi buồn vào trong, tự gãi đầu sồn sột trước cái khiếm khuyết của chính mình, ta thấy cuộc đời này đáng sống hơn.
Tôi mới vừa chân ướt chân ráo bước vào năm đầu Đại học. Xa rời cái nơi chốn mà mình từng gắn bó suốt mấy chục năm tuổi trẻ để lên Hà Thành xô bồ, nhộn nhịp. Cái đứa trẻ ham vui trong mình cũng được dịp mở mang đầu óc khi được nhấm nháp chút đỉnh của cái thi vị mang tên "Hà Nội băm sáu phố phường". Dẫu vậy, nó còn non nớt chán so với bè bạn dưới cùng một mái trường - phần lớn là cư dân nơi đây tự thuở bé con. Họ khúc khích cười nói trên những hàng ghế đá sân trường, chuyện trò về thể dục thể thao, uống ăn, bài vở và thi thoảng là cả những con người chẳng mảy may để tâm đến mình chút nào. Những chiếc xe máy của sinh viên xếp thành hai hàng dài dọc con đường dẫn vào khu nhà học nằm lẩn khuất bên mạn phải ngôi trường - một tứ cảnh có lẽ phải thuộc vào hàng tinh hoa trong nghệ thuật sắp đặt (dĩ nhiên là không có chủ đích gì cả). Nhành cây đâm tua tủa ra khỏi từng khe hở của ban công phía tầng trên, rũ mình rủ xuống mái che của tòa nhà. Lá cây đủng đỉnh rung rinh theo gió nhẹ. Một làn gió man mát chào thu sang. Thổi nhẹ vào da thịt hãy còn nóng hổi cái nắng gắt gỏng của hè rồi.
Căn phòng này đủ cho hai người trọ, nhưng đến giờ mới có mình tôi thuê. Vừa đủ tiện nghi cho sinh viên ở, dù là mức giá cũng không sinh viên cho lắm. Mấy đứa bạn dạo trước vẫn ca cẩm chuyện tôi được ở một mình mỗi lần chúng nó được dịp nghe kể về cái không gian thoáng đạt bị một thằng lỏi chiếm hữu, trong khi cả bọn tụi nó phải ở cùng với những người khác. Giờ giấc thành thử cũng eo hẹp phải biết. Thế nhưng ít nhất thì các bạn thân yêu của tôi không phải trải qua cái cảm giác nửa tỉnh nửa mê bật dậy vào lúc chợp sáng với bốn bức tường sơn trắng bao quanh mình. Và không một ai khác cả. Hay việc sống chung với những nỗi lo âu bớt chợt - chuyện thường như ở huyện của một thanh niên nhạy cảm thái quá, làm tôi chỉ muốn bật khóc hay gào vỡ cái gương trong phòng tắm. Chẳng buồn kể về những suy nghĩ ấy đâu, bởi nếu có kể thì sẽ mất cả ngày dài mà liệt ra đầy đủ từng ý niệm vớ vẩn một tắc tị lại trong cái đầu này.
Nhưng cũng chẳng được bao lâu, tôi đã có cho mình vài người bạn. Thân thiết? Gọi là vậy cũng không sai. Nhưng hai chữ ấy đã thay đổi nhiều biết bao nhiêu so với dạo trước. Cái dạo mà tôi hãy còn là một chú bé hay lo nghĩ vẩn vơ, chứ chưa phải là một cậu sinh viên bị rối loạn lo âu. Khi ấy, tôi cũng hay ở một mình. Không phải hoạt động ưa thích, mà là thói quen. Khi đã ở quá lâu với bản thân và cảm thấy thoải mái trước điều ấy, ta sẽ không còn muốn bước ra khỏi chính mình nữa. Ta nhốt chính ta, ở bên trong ta. Và mong ta giải thoát chính ta ra khỏi ....ta
Tôi cũng mong nhiều. Kêu cứu cũng nhiều. Bằng cách ném mình vào giữa đám đông. Tham gia vào với lũ bạn của mình: 20/10, đi chơi với hội bạn, đi ăn, văn nghệ, đi xem phim, làm việc nhóm... đủ cả. Nhưng mỗi lần tiệc tàn, tôi chỉ còn bơ vơ mỗi mình. Cái cảm giác hụt hẫng hậu sinh nhật ấy. Bộ phim hay đủ để cho thằng "tôi ở thời điểm sau khi rời rạp về phòng trọ" ngồi phóng tâm viết vài lời nhạc ngẫu hứng, hay đăng bài lên Facebook. Sau lại đi ngủ. Rồi thức dậy vào sáng hôm sau. Cuối cùng là uể oải đắp lên mình một bộ trang phục chẳng khác mấy so với hôm trước. Và đến trường. Một mình. Thi thoảng lại có vài mống cùng lớp đi xe vọt qua phía sau mình giơ tay chào. Tôi cũng chỉ ậm ừ đáp lễ.
Được khoảng năm hay sáu tuần thì thần trí bắt đầu rơi vào chu kỳ chán nản. Deadline thì ngập mồm, nhưng vẫn cố làm cho xong. Cũng nắn, chỉnh và ngắm nghía lại cho kĩ càng bởi cái tính cầu kỳ sẵn có. Nhưng sau cùng vẫn chỉ là ngồi phơi xác đợi một cái deadline khác, hoặc là một tảng thiên thạch lớn đâm xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất đánh ruỳnh một cái. Vang trời toét đất. Cho cái không khí bớt loãng, vơi nhẹ đi. Lưng và hai cánh thì không bớt đau nữa, nhưng chí ít cũng có chút gì mới mẻ trong cái phần đời đen trắng hiện thời.
Tôi lại nhớ đến cái tích "Hóa thân" của Kafka, về một cậu chàng bị biến thành một loài bọ vào một sáng thức dậy. Người ta đoán già đoán non cái thứ sinh vật trong truyện thực ra là gì. Chẳng mấy ai quan tâm đến công việc cậu chàng ấy làm, kể có là "Sinh viên năm tốt" thì cũng không mống nào bận lòng mà nghĩ đến. Tôi thắc mắc, nếu một ngày kia mình thức dậy và bị biến thành một chậu hoa thì sẽ ra sao. Liệu hai người con gái phòng bên có để tâm tới mình hơn chút nào không? Liệu phần đời của mình từ lúc ấy sẽ khác biệt bao nhiêu so với năm sáu tuần đầu bước vào Đại học? Nếu vỡ chậu thì mình sẽ biến thành cái quỷ gì tiếp? Một con bọ như cậu thanh niên kia à? Đống suy nghĩ chất lại trong đầu ngăn không cho mạch máu được lưu thông, làm cho hai bên thái dương và một nửa hộp sọ của tôi như muốn bửa tung ra thi thoảng.
Tôi nhớ về cái hồi mình còn viết dạo trên Wattpad. Tầm năm 2017 hay muộn hơn khoảng đầu 2018. Một tá truyện ngắn kinh dị. Giọng văn thì khò khè, lắm lúc non choẹt vì vốn sống chưa có nhiều. (Giờ vẫn vậy nhưng khấm khá hơn chút nhiều) Nhưng nhớ nhất vẫn là cái cảm giác nặng nề mỗi lần viết xong một truyện - tầm năm lớp Chín. Hồi ấy, tôi đã bước qua cái ngưỡng cửa mông lung, loạn lạc, rối bời không biết phải chọn con đường gì cho đời mình. Không biết khả năng của bản thân đến đâu hay cái mình thực sự giỏi là gì. Cái thời điểm mà vỏ ngoài của tôi dần phình to đến độ nuốt luôn cả khổ chủ vào trong. Ấy là thời điểm mà một loạt trường đoạn tình ái đơn phương của tôi cùng một lúc vỡ tan thành từng mảnh. Những năm cấp Ba chịu ảnh hưởng trực tiếp - hay nói vui là nhận một miếng đánh vỗ mặt, thẳng vào trung lộ, đe dọa cầu môn (Tôi bị cuồng bóng đá mấy năm gần đây), khiến cho thằng bé con trong mình bao giờ cũng bất an, chẳng dám ló cái mặt ra trước bàn dân thiên hạ nữa. Thằng lớn thì càng lẩn ác hơn, như thể một cái bóng ma đang tồn tại giữa một bầy người có hình có dạng. Tôi bấu víu vào điện ảnh như là nguồn đức tin, nguồn sống trơ trọi bên cạnh cả tá những niềm hy vọng mông lung khác liên quan đến chuyện tình cảm (một phần trải nghiệm khiến cá nhân mình ghét thậm ghét tệ việc xem phim tình cảm về sau này - nhưng không hiểu sao vẫn xem đôi lúc). Khi ấy, tôi viết nhiều hơn, giọng văn cũng già dặn và cứng cáp so với thuở bắt đầu tập tành viết lách. Khốn nỗi, càng viết càng đơn độc, càng đau, càng mỏi mệt như bước mãi trên một con đường không có đích đến. Viết những trang văn mà không một con mắt nào thèm ngó ngàng tới. Tư tưởng chết dính trên giấy mà chẳng thể nào bay ra một phương trời nào đẹp đẽ hơn cho được, chính như cái kẻ đã mang nặng đẻ đau ra chúng nó. Nhìn chết trân vào cái màn hình laptop. Đánh từng dòng từng chữ trong căn phòng ngủ lay lắt thứ ánh sáng bàn học. Ý thoát ra khỏi đầu như nước chảy, lặng lẽ thầm thì rằng cái đầu tuôn chảy ra nó nên treo mình lên cao tít trần nhà đi cho nhẹ nợ. Nhưng cái đầu quá run sợ trước ý tưởng táo bạo ấy mà chẳng dám làm gì.
Giờ thì cái đầu mới ngẫm ra sự đúng đắn của ý tưởng khi ấy, nhưng có vẻ là hơi muộn. Cái đầu đã quá run sợ để làm bất cứ điều gì, duy chỉ trừ việc viết ra. Phương cách duy nhất để tương tác với bên trong mình, cái phần bị khóa kín bởi đủ mọi loại nỗi sợ trên trần đời này. Việc ở một thân một mình trong căn phòng, giống với cái hồi cấp Ba, cho tôi vô vàn thời gian và không gian để sáng tác. Tôi vẫn đau, vẫn bệ rạc tinh thần lắm khi, vẫn muốn câm lặng trước cái thế gian xào xạc lắm điều xung quanh mình - nhưng đáng tiếc là lại bị hút vào trong đó, hay tệ hơn là trở nên lắm điều chẳng khác gì nó, nhưng ít nhất thì bây giờ được viết và dám viết nhiều, viết xa và viết sâu hơn xưa. Ấy âu cũng là một niềm an ủi. Hạnh phúc hơn cả là một ước mơ mới bắt đầu nảy nở trong tâm thức lắm phiền muộn của mình - trở thành biên kịch. Có lẽ còn xa lắm cái ngày mà sự viết không còn chỉ là ủi an, xoa dịu hay thoát li mà trở thành một cái nghề, một cái "cần câu cơm số hai" bên cạnh "cần câu cơm số một" - là ngành học hiện tại của mình (xin phép được giữ kín). Vả lại, cũng chẳng mấy người theo đuổi ngành học của mình cho đến tận khi ra trường, vì có biết bao nhiêu là khúc sông dẫn ra cái đại dương dài rộng ngoài kia.
Thú thật nhé, tôi chẳng biết nhiều hơn tôi nghĩ mình biết được bao nhiêu về cái thế giới này. Vì nó xoay vần đến chóng mặt. Nhưng tôi biết mình, biết chút đỉnh về các bạn mình và cũng biết thêm đôi chút về nỗi cô đơn đắt giá của trưởng thành. Có lẽ vậy là đủ.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất