Độ lệch của giá trị quan là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi.
Bản chất bộ não chúng ta từ khi sinh ra đã được lắp đặt sẵn hai chương trình giá trị quan. Một là giá trị quan của “dopamine”: “là hợp chất được não tiết ra tìm kiếm sự thoả mãn với những thứ mà ta quan tâm đến mức trở nên nghiện” và một là giá trị quan của “serotonin”: “chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò điều chỉnh tâm trạng, trí nhớ… Nó giúp ta cảm thấy thư giản hạnh phúc tự tin.” Đây là hai “chương trình” bẩm sinh, gắn liền với mỗi người từ khi sinh ra.
  • Giá trị quan của dopamine là vị công lao, vị tiền bạc.
  • Giá trị quan của serotonin là vị nhân sinh.
Cuộc sống của chúng ta luôn đầy ắp những mệt mỏi… Căng thẳng mệt mỏi sinh ra, không bắt nguồn từ những thứ mơ hồ như cảm xúc cá nhân hay môi trường xã hội.
Có lúc bạn tự hỏi:
“Luôn cảm thấy mệt mỏi chắc có thể là người yếu đuối?
Luôn cảm thấy mệt mỏi có thể là người bất tài…?”
Nhưng tất cả, những điều đó hoàn toàn không đúng. Những lý do và trách nhiệm của việc cảm thấy mệt mỏi không phải là lỗi của bản thân.
Việc cảm thấy mệt mỏi bắt nguồn từ việc giá trị quan của bản thân bạn khác với giá trị quan của cuộc sống đương thời. “ Muốn tăng thu nhập, muốn nhà cao cửa rộng, muốn kết hôn với người bạn đời như ý…” Chúng ta ai cũng có vô vàn giấc mơ và luôn nỗ lực để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Theo như tâm lý học, những hành vi đó dựa trên giá trị quan của dopamine. Khi đạt được giấc mơ, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng và chính sự sung sướng đó tạo ra khoái cảm cho bộ não. Việc theo đuổi những giấc mơ là con đường cho bộ não theo đuổi khoái cảm.
Nhưng những khoái cảm đó cũng không tồn tại được lâu. Bởi vậy, con người khi hoàn thành được ước mơ hiện tại của mình, ngay sau đó sẽ có ước mơ khác đặt ra. Để đạt được ước mơ đó con người phải liên tục cố gắng. Việc theo đuổi giá trị quan của dopamine chính là sự liên kết khát vọng vươn lên của bản thân. Điều đó, rất quan trọng trong cuộc sống  của mỗi người. Tuy nhiên, nó cũng nảy sinh vấn đề, khi ta không đáp ứng được những khoái cảm của bản thân. Nếu chúng ta không làm cho não bộ đạt được khoái cảm trong thời gian dài, thì chính điều này sẽ trở thành sự mệt mỏi.
Giá trị quan của dopamine là những giá trị thúc đẩy chủ nghĩa năng lực và chủ nghĩa cá nhân.  Chính vì thế mà chúng ta không ngừng cố gắng để nâng cao năng lực cá nhân để được tăng lương lên chức... Có đại vị và tiền bạc trong xã hội... Nếu như những cố gắng của bản thân bỏ ra mà không được thỏa mãn như không được tăng lương, thăng chức bản thân sẽ có cảm giác chán nản, mệt mỏi chẳng muốn cố gắng nữa, suy nghĩ vẩn vơ đầy đọa bản thân, đắm chìm trong đau khổ.
 Tuỳ từng giá trị quan mà cách sống của mỗi người sẽ có sự khác biệt, quy chuẩn về hạnh phúc của hai kiểu giá trị quan cũng hoàn toàn khác nhau. Trong xã hội ngày nay, cách sống phổ biến có xu hướng thiên về giá trị quan của dopamine.
Dục vọng của con người là vô hạn. Nhưng danh vọng, địa vị xã hội, thu nhập… mà xã hội đưa đến cho chúng ta là hữu hạn. Nếu chúng ta để dục vọng chi phối tinh thần, thì lâu dần sinh ra cảm giác không hài lòng về bản thân và dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi.
Xã hội không vận động giống như giá trị quan của dopamine mà chúng ta có. Khi những giá trị qua đó đã được sinh ra, cho dù chúng ta kiềm chế thế nào thì cũng gây ra căng thẳng, mệt mỏi cho bản thân.
Sự căng thẳng, mệt mỏi xuất hiện ở cả thể chất và tinh thần của con người.
Chúng ta luôn nghĩ rằng, những mệt mỏi về tinh thần là những điều được cảm nhận từ trái tim. Nhưng theo qua điểm về thần kinh học hiện đại, những mệt mỏi về mặt tinh thần là những căng thẳng được cảm nhận bởi não bộ thông qua sự dẫn truyền của các xung thần kinh. (Ô mai gót - Oh my god). Vậy là có thêm một trái tim khác nằm ở não bộ mỗi người.
Khi hiểu được cách thức họat động của não bộ, chúng ta cần có những kĩ năng để quản lý rung động của trái tim thứ hai này.
Chính những việc làm cho não suy nghĩ về những giá trị quan của serotonin có thể khiến ta hạnh phúc hơn. Những ý niệm về hạnh phúc của serotonin khác với sự hân hoan, phấn khích được tạo ra bởi dopamine. Đó chính là cảm xúc bình thản trong tâm hồn, tự do và lắng đọng.
Khi biết được điều này, chúng ta sẽ hiểu lúc nào mình cần ưu tiên cho thoả mãn cá nhân, lúc nào cần kiềm chế sự sung sướng và nhu cầu của bản thân. Bước đầu tiên, để có cuộc sống hạnh phúc là giảm bớt những căng thẳng.( Biết là vậy nhưng khi bắt tay thực hiện “cái gian nan là bắt đầu nản liền.” Haha, nói thì dễ làm mới biết dễ òm à! 🤣. Còn nhớ, lúc mới đi làm nước mắt của tui như một dòng sông chảy xiết, cuộn cuộn, trào dâng khi không được thỏa mãn nhu cầu có được một chiếc sơ mi caro. Lúc đó, ham muốn sở hữu nó làm lu mờ hết mọi thứ trong tui, giống như chiếc áo kia là thuốc phiện còn tui là một gã nghiện. Tui đã khóc như mưa mỗi khi đi ngang qua nó. Anh người yêu thì chẳng hiểu ý nắm tay kéo đi, cứ tưởng nhỏ bồ hâm dở lại lên cơn mít ướt. 😂)
Điều cần thiết là, phải làm thoả mãn bản thân bằng tình yêu và sự bình thản trong tâm hồn. Khi biết được giá trị quan của serotonin, hãy mài giũa suy nghĩ trở nên sắc bén. Điều đó, vừa có thể giúp ích cho bạn thích nghi với những thay đổi của xã hội, vừa giúp bạn phát triển được lối sống cá nhân.
Khi đó, hạnh phúc sẽ tìm đến bạn và đó chính là phương pháp giúp bạn giải toả được những căng thẳng, mệt mỏi. Hạnh phúc được tạo ra bởi đặc tính của serotonin- đặc tính của ý chí vững vàng. Việc thay đổi bộ não của mình sang những giá trị quan của serotonin, không chỉ có những căng thẳng, mệt mỏi mất đi, hạnh phúc cũng sẽ đến với bạn.
Kiên trì toạ thiền mỗi ngày, trong một thời gian dài để tạo thành thói quen sẽ khiến cho sự đê tiện, yếu ớt, vị kỷ của con tim dần tiêu biến. Cũng là một cách để tâm trở nên bình thản hơn, những mê muội cũng dần trở nên sáng tỏ.
Có thể, những quan niệm đi ngược với giá trị quan về tiền bạc khiến cuộc sống của ta không dư giả, nhưng sẽ giúp ta khoả lấp tâm hồn và tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong cuộc sống.
Giá trị quan của dopamine cũng không phải là điều xấu. Bởi không có tiền bạc chúng ta cũng khó mà tồn tại, phát triển.

Khi sự chuyển dịch giá trị quan của xã hôi và bộ não không đồng nhất sẽ tạo ra một khoảng chênh lệch. Chính những khoảng chênh lệch này đã làm  nảy sinh những căng thẳng, mệt mỏi của con người. Thế nên, khi hiểu được căng thẳng mệt mỏi đến từ đâu? Chúng ta có thể có những lựa chọn phù hợp với cá nhân để quẳng hết muộn phiền, sống đời an nhiên. (Nói thì vậy đó, còn an nhiên hay không? là còn tùy quan điểm, lựa chọn của mỗi người 🤪)
Ngay cả khi bản thân có thể vứt bỏ giá trị quan của dopamine thoải mái chuyển sang giá trị quan của serotonin mà có lúc vẫn có lúc cảm thấy thẳng .  Chúng ta, có thể nghĩ rằng: Căng thẳng, mệt mỏi xảy ra là một thứ tất yếu, đôi khi do xã hội đem tới và không phải lỗi bản thân chúng ta, như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn… Đánh thức giá trị quan bẩm sinh đang bị lãng quên của bộ não, cũng như xây dựng thói quen sinh hoạt, ăn uống giúp bộ não loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi là một điều cần thiết đối với mỗi người. Trong thời đại nào, thì cũng có những  căng thẳng, mệt mỏi và hình như là nó có nét gì đó giống nhau. Để bình yên, an nhiên thì còn  tùy vào lựa chọn giá trị quan của mỗi người...
Mệt quá à! Bỏ hết đi! Khi chúng ta hiểu ra và đối diện chính mình, buông bỏ thì chúng ta sẽ nhận ra còn rất nhiều con đường tốt đẹp dành cho mình…  
-Phú Trên Mây-