Mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm được hơn một năm nay. Dẫu biết là căn bệnh này đã âm thầm gặm nhấm mẹ từ trước, nhưng tôi đã không đủ can đảm để thừa nhận điều đó.
Chỉ khi mà tất cả những nỗi niềm, dằn vặt chất chồng và sóng sánh trong lòng mẹ tôi đến nỗi mà không thể nén nữa, bộc phát ra thành từng biểu hiện, thì lúc đó gia đình và chính mẹ mới thừa nhận về sự tồn tại của căn bệnh này.
Hành trình để gọi tên hố đen ngự trị trong đầu mẹ tôi đã khó, con đường để chấp nhận và đồng hành cùng mẹ vượt qua nó còn gian nan hơn. Tôi đã từng chới với, mông lung và có đôi khi bất lực, nhưng sau cùng tôi chọn không từ bỏ. Hành trình phía trước vẫn còn dài, nhưng chọn can đảm tiếp tục, tôi thấy ánh sáng hy vọng.
Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh như tôi, loay hoay không biết phải làm sao để giúp đỡ người thân chiến đấu với trầm cảm, hãy chuẩn bị cho mình 3 tinh thần can đảm này.

1. Can đảm chấp nhận thực tại

Điều khó khăn nhất của người bệnh và người thân bệnh nhân là thừa nhận những xáo trộn trong cuộc sống và năng lượng mà trầm cảm tước đoạt đi. Khi ý thức được về căn bệnh, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng những biểu hiện của chúng. Những nụ cười vắng bóng trên gương mặt; ánh mắt lờ đờ, vô hồn; hay những lời hỏi han bị cho vào im lặng,...là những nỗi ám ảnh mà bạn phải học làm quen trong thời gian đầu.
Lúc này, bạn cũng dễ bị sa vào tâm lý dằn vặt bản thân hoặc so sánh quá khứ. Việc so sánh hình ảnh của người thân trước và sau khi mắc bệnh chỉ càng làm tăng thêm cảm giác day dứt và mệt mỏi cho chính mình. Vì thế, bạn cần phải chọn cách chấp nhận vấn đề và tìm ra giải pháp.
Đó không chỉ là chấp nhận sự hiện hữu của bóng đen trầm cảm trong người thân của bạn, mà còn là đối diện với những nỗi sợ và bất ổn trong chính bản thân bạn. Có thể đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa đồng hành cùng người thân, bạn phải vượt qua chính mình trước đã.

2. Can đảm đối diện với chính mình

Mọi người vẫn thường bảo tôi: “Con phải mạnh mẽ lên, vui vẻ lên để còn giúp mẹ mau chóng khỏi”. Dần dần, câu nói đó thay vì được hiểu theo nghĩa động viên, an ủi, tôi lại thấy đó như một áp lực. Tôi đã gồng mình mạnh mẽ và giả vờ tích cực. Nhưng mẹ vẫn lặng thinh, trống rỗng trong ánh mắt và khép mình trong những suy nghĩ riêng. Và thế là, tôi kiệt sức và bất lực với bổn phận mà tôi vô tình tự đặt lên vai mình.
Rất có thể bạn sẽ rơi vào trường hợp như tôi, nhưng bạn cần hiểu rằng đó là phản ứng hoàn toàn bình thường. Điều bạn nên làm đó là cởi mở hơn với chính bản thân mình. Bạn không thể ép bản thân lúc nào cũng phải vui vẻ, mạnh mẽ; không thể chỉ chọn những cảm xúc tích cực và gắng trốn chạy cảm xúc tiêu cực được. Không có cảm xúc nào là tốt hay xấu cả, mọi xúc cảm đều có ý nghĩa riêng. Buồn bã, chán nản chính là những tín hiệu cho thấy bạn nên được thả lỏng, và thư giãn để bình tâm và sạc lại năng lượng.
Cảm xúc dễ lây, vì thế đừng lún sâu vào vấn đề của người thân mà quên đi bản thân. Thay vào đó, bạn phải chăm sóc tốt cho chính mình trước, cân bằng cảm xúc và học cách lắng nghe những tiếng nói trong mình. Khi có được sợi dây chắc chắn kết nối với nội tâm, bạn mới có đủ mạnh mẽ để cởi mở đón nhận mọi điều.
Trải qua những lần bản thân vùng vẫy để học cách chấp nhận thực tại và đón nhận những nỗi sợ, tôi đã không trốn chạy hay né tránh nữa. Và tôi hiểu dám đối diện với vấn đề để chọn yêu thương cũng là cả một sự can đảm.

3. Can đảm chọn yêu thương

Không có một phép màu hay thần dược nào có thể thổi bay căn bệnh trầm cảm. Liều thuốc để xoa dịu tâm hồn những người bệnh chính là tình yêu thương. Chọn yêu thương là chọn nhẫn nại, chờ đợi và đặt niềm tin. Mỗi ngày, hãy kiên trì kể chuyện cho người thân của bạn nghe. Đâu cần mẩu chuyện phải được bàn tán xôm sả, giây phút chia sẻ cùng nhau, bình lặng trôi cũng rất đỗi bình yên rồi. Nếu cảm thấy trò chuyện khó quá, bạn có thể thử cùng người thân tham gia những hoạt động thể thao như đánh cầu, chạy bộ,...vừa giúp cải thiện sức khỏe, vừa tăng tính kết nối và thư giãn tinh thần.
Chặng đường đồng hành cùng người thân chiến đấu với căn bệnh trầm cảm chắc chắn rất khó khăn, sẽ có lúc mệt mỏi, nhưng can đảm chọn yêu thương, tôi vững tin cùng mẹ tiếp tục. Khi yêu thương đong đầy, một ngày nào đó, những nụ cười sẽ lại rạng rỡ trên gương mặt mẹ.