Nuôi dưỡng sự hứng thú đọc sách của trẻ mầm non (2-5 tuổi)
Tại sao cần nuôi dưỡng sự hứng thú của trẻ mầm non với sách? Một số sai lầm mình mắc phải trong lúc nuôi dưỡng con và một số biện pháp mình thấy hữu ích khi áp dụng.
Vì sao cần nuôi dưỡng sự hứng thú đọc sách ở trẻ mầm non
Hẳn tất cả chúng ta đều đồng ý rằng sách là một kho tàng tài nguyên quý giá tuyệt vời và có rất nhiều lợi ích mà chúng ta có thể có được khi đọc sách.
Với trẻ mầm non, đọc sách sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tưởng tượng, sự sáng tạo, phát triển trí tuệ cảm xúc, gắn kết với bố mẹ…. Và trong những lợi ích tuyệt vời đó, mình thấy một lợi ích tuyệt vời khác đó là nuôi dưỡng khả năng lắng nghe và sự tập trung của trẻ. Bản năng của con là chạy nhảy, vui đùa, lấy mình làm trung tâm, chỉ làm những gì mình thích và thích gì thì cũng nhanh chán. Không phải bạn cứ bảo con tập trung ăn cơm đi, đừng xem tivi điện thoại nữa; con tập trung đọc sách, làm bài đi, đừng ngó nghiêng chơi đùa nữa,….là con sẽ nghe theo. Muốn trẻ biết cách lắng nghe lời người lớn dạy, biết cách tập trung vào việc mình cần làm thì đó là một hành trình dài, chứa đầy thử thách và kiên nhẫn của bố mẹ.
Và trong hành trình đó, sách là một trợ thủ đắc lực mà mình tìm thấy cho gia đình mình.
Một số sai lầm mình mắc phải
Sai lầm 1: Thưởng cho con sau khi đọc sách xong.
Khi Mèo được gần 3 tuổi, mình bắt đầu muốn tạo cho con thói quen đọc sách. Lúc này con chỉ có hứng thú với xếp hình, ô tô, không bao giờ ngồi im lặng một chỗ và cũng không hứng thú gì với đọc sách. Thế là mình nghĩ ra cách là thưởng cho con sau khi con nghe xong mẹ đọc một hay một số cuốn sách. Lúc đầu phần thưởng của con chỉ là đọc sách xong thì mẹ vẽ cho con một hình sau lại là mẹ tặng cho con 1 sticker , mẹ cho con xem một video mình yêu thích. Mình nhận ra rằng, con không yêu thích đọc sách mà con chỉ yêu thích phần thưởng có được sau khi đọc. Hơn thế nữa phần thưởng con yêu cầu sẽ ngày càng cao lên, khi con không còn hứng thứ với phần thưởng đó nữa thì con sẽ lập tức bỏ việc đọc sách. Muốn con tiếp tục đọc, mình phải tiếp tục đưa thêm phần thưởng thú vị khác. Thế nên mình đã dừng việc thưởng cho con lại, và con cũng dừng việc đọc sách lại ở đó.
Sai lầm 2: Đọc đi đọc lại liên tục một cuốn sách cho con trong một khoảng thời gian quá dài.
Khi mình bắt đầu muốn tạo thói quen đọc sách cho Mèo, bạn Mèo đã lên 3 tuổi và là một em bé có cá tính. Con biết mình muốn gì và cái gì mà con nghĩ rằng mình đã biết rồi thì thường không thích nữa. Thế nhưng mình lại có xu hướng muốn con có thể nhớ được nội dung cuốn sách đó trước khi cho con đọc sang quyển khác. Mình hay đọc cho con 1-2 cuốn sách liên tục 4-5 ngày liền. Và đến ngày thứ 5, thứ 6, thứ 7,…khi mình đến mở sách ra đọc, con không chịu đọc nữa. Mình mặc định cho rằng con không thích đọc sách mà không nghĩ đến khả năng là con đã chán đọc cuốn sách đó rồi. Sau này, mình mua quyển sách khác cho con thì con lại thích đọc tiếp, còn sách cũ sẽ được con chọn để đọc lại vào một ngày nào đó.
Một số biện pháp mình đã áp dụng và thấy có hiệu quả.
1. Hứng thú là liều thuốc tốt nhất để con học bất cứ thứ gì
Mình rất thích một câu trong cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì quá muộn” của tác giả Ibuka Masaru đó là “Ở thời kì này, quan trọng không phải là ta sẽ dạy những gì cho trẻ mà là làm cho trẻ có hứng thú và say mê với cái gì”. Nó không chỉ là bởi vì trẻ sẽ làm và ghi nhớ những gì mình yêu thích mà đó còn là tiền đề quan trọng để có thể nuôi dưỡng sự đam mê, ham muốn học tập của trẻ sau này. Nếu bạn đọc sách cho con nghe khi con còn bé, con sẽ bị say mê với những câu chuyện trong sách đó, sau đó con sẽ thích thú với những chữ cái trong truyện, rồi dần dần con sẽ muốn tự mình đọc những chữ đó.
Vậy làm thế nào để tạo sự hứng thú của con với sách? Tất nhiên là bước đầu tiên phải là mua sách rồi. Đầu tiên hãy xem con thích các chủ đề gì, thì hãy mua sách liên quan đến chủ đề đó. Có tiền thì mua dòng sách tương tác hoặc sách sờ, chạm càng tốt, không thì chỉ cần sách màu với chủ đề con yêu thích.
Chọn một khung giờ, chọn một vị trí mỗi tối, cứ đến lúc đó thì mang sách ra rủ con đọc, con không đọc thì bố mẹ ngồi đọc. Bố mẹ cứ ngồi đọc và lên tiếng khen ngợi trầm trồ các sự việc mà con có thể thích. Yên tâm đi, chắc chắn là nếu bạn cứ kiên trì, con sẽ tò mò và lại xem. Mỗi lần con tò mò và ngó lại, bạn hãy hỏi con xem có muốn đọc sách cùng không. Nếu con vẫn chưa thấy hấp dẫn lắm, thì hãy kệ con, chắc chắn sẽ đến lúc con thấy thực sự thích thú và muốn ngồi đọc cùng mẹ, hãy đề nghị con dọn đồ chơi đi hoặc để đồ chơi lại, nói rõ quy định với con là trong lúc đọc sách thì con phải tập trung và không làm việc khác.
2. Dừng lại khi trẻ vẫn còn hứng thú
Nếu bạn được cho một món ba chỉ nướng thơm phức, bạn cảm thấy miếng thịt giòn tan trong miệng, nước miếng ứa ra vì ngon nhưng mỗi hôm bạn lại chỉ được ăn một một hai miếng, ngày mai bạn có muốn ăn tiếp món ăn đó không? Ngược lại, nếu cũng món ba chỉ nướng thơm phức đó, nhưng hôm nào bạn cũng phải ăn nó đến khi thấy được vị mớ ngấy lên trong miệng, còn cái bụng thì căng phềnh, hôm sau, bạn còn có vui mừng khi được cho ăn món đấy không?
Việc đọc sách của trẻ cũng thế, bạn nên quan sát trẻ, nếu trẻ bắt đầu tập đọc nên chỉ đọc 1 -2 phút mỗi hôm và dần dần mới tăng thời gian lên. Sau khi con đã lớn và hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày, mình có thể cố định khoảng thời gian đọc hàng ngày. Còn khi con còn bé và đang trong quá trình xây dựng niềm yêu thích đọc sách của con, khi con có chút biểu hiện của việc không hứng thú nữa thì mình nên dừng và để hôm sau tiếp tục. Một số biểu hiện của việc trẻ còn hứng thú nhưng không nhiều hoặc sắp hết hứng thú như sau:
Con đang tập trung nghe bố mẹ đọc thì nói sang truyện khác hoặc bắt đầu không thích ngồi im một chỗ ⇒ Khi gặp trường hợp này, mình sẽ hỏi con có phải không muốn đọc nữa không và dừng lại, còn nếu còn muốn và vẫn thể hiện thái độ thích thú thì mình sẽ đọc tiếp đến hết thời gian quy định.Con đang đọc thì có dấu hiệu ngáp, buồn ngủ ⇒ Mình sẽ đề nghị dừng buổi đọc hôm nay để nghỉ ngơi đi ngủ. Đồng thời tìm cách sắp xếp lại thời gian đọc để có tránh lúc con sắp buồn ngủ lại.
3. Duy trì sự hứng thú của trẻ
Đọc vào khung giờ cố định hàng ngày: Với các bạn nhỏ thì thường chưa có khái niệm 6 giờ hay 7 giờ, các bạn có thể duy trì việc đọc gắn liền với một thói quen sinh hoạt hàng ngày của con. Ví dụ như đọc sách sau khi tắm xong, hay đọc sách trước khi đi ngủ…. Có một đợt thời gian, mình duy trì thói quen cứ trước khi đi ngủ là đọc sách cho Mèo, bạn ấy thích lắm. Cứ chuẩn bị đi ngủ là PHẢI đọc sách, dù ít hay nhiều cũng phải đọc cho bạn ấy thì bạn ấy mới chấp nhận đi ngủ. Tiếc là có đợt 2 vợ chồng mình mệt, lười và thiếu quyết tâm nên không duy trì việc này nữa. Giờ muốn bắt đầu lại, mình lại đang dụ dỗ lại bạn ấy từ đầu. Nhưng tin vui là, do đã có thói quen từ đợt trước, nên đợt này có vẻ dễ dàng hơn nhiều.Giúp trẻ duy trì sự hiếu kì và tò mò với sách: Hãy trò chuyện với con về các nhân vật trong sách, hãy liên hệ với cuộc sống hàng ngày của con, và ngược lại. Mèo là một em bé mê ô tô, mình mua các sách kể có ô tô là nhân vật chính cho con, in các hình oto trong sách ra cho con tô, mua lego về oto để con lắp ghép, g…. Và nên update thường xuyên tủ sách của con để con luôn duy trì sự mới mẻ với sách. Mình hay mua sách cho bạn Mèo theo tháng, mỗi tháng chỉ vài quyển thôi. Nhưng mỗi lần mình sẽ chỉ giới thiệu 1-2 quyển với con, sau một thời gian con đã quen với những quyển đó, mình lại lôi 1 vài quyển cũ ra đọc rồi mới giới thiệu sách mới tiếp.
Kết luận
Đã gần 1 năm đồng hành đọc sách cùng con, có những lúc hai vợ chồng ngừng lại vì nhiều lí do nhưng rồi cũng sẽ lại tiếp tục với con, con cũng đa số là thích và dành nhiều thời gian cho chơi hơn là đọc sạch. Nhưng điều mình nhận thấy là bé Mèo của mình đã trưởng thành nên nhiều rồi: từ một em bé 3 tuổi chỉ tập trung không quá 5 phút, con đã có thể ngồi vẽ hoặc xếp hình suốt một tiếng đồng hồ. Con từ một em bé chỉ biết khóc khi gặp chuyện, con đã biết (đôi khi) mô tả cho mẹ rằng lúc Mèo giận mẹ thì cảm xúc của Mèo to bằng tòa nhà, lúc dỗi mẹ thì cảm xúc chỉ như một cái bàn. Còn rất nhiều việc để mình thấy em bé của bố mẹ đã trưởng thành hơn nhờ công của sách.
Mở rộng ra, phương pháp này mình thấy không chỉ áp dụng cho việc đọc sách mà có thể áp dụng cho việc học bất cứ thứ gì ở trẻ. Muốn con yêu thích vẽ, hãy bỏ bút và giấy xung quanh trẻ, hãy vẽ nhưng hình ảnh trẻ yêu thích; muốn dạy cho trẻ học toán, hãy làm cho con yêu thích các con số trước.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất