Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ. Mình chụp bằng máy phim cách đây một năm.
Thời Nguyễn, vua Thành Thái có câu hỏi đi vào sử sách. Nay mình mượn rồi mạn phép sửa lại làm tiêu đề.
“Khi tay dơ thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?”. 
Trong khi mạng xã hội chia sẻ về những thảm hoạ của Amazon, của Australia với tấm lòng nhiệt thành với thiên nhiên thì mình xin chia sẻ với các bạn một bài viết từ những thông tin mình thu thập, đọc, tìm hiểu và chứng kiến. Thật ra có lẽ nhiều bạn đã đọc nó và thấy rằng nó không mới. Nhưng không có gì mới càng chứng tỏ vấn đề vẫn đang nằm im ở đó. Bài viết không nhắc đến những Uỷ hội sông Mekong, Nhà nước Việt Nam và vân vân, nhưng thật đáng buồn khi truyền thông dường như bỏ lơ vấn đề này. Trong khi đó, những người nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải rời bỏ quê hương, tha hương.
Trước khi đi miền Tây thì mình cũng có đọc được một số bài báo về những con đập mà Trung Quốc xây dựng trên Lan Thương (thượng nguồn Mekong), ĐBSCL khát nước, nước lũ và cá linh về trễ hoặc cũ hơn là Tây Nguyên chết khát (đợt hè mình có đi 4 tỉnh Tây Nguyên). Thật sự mình cũng không quá để ý chuyện này, mải lo ngắm cảnh, chụp hình, ngẩn ngơ là chính. Nhưng khi mình làm việc nhiều hơn với lúa gạo, mình buộc phải quan tâm đến chuyện nước nôi. Ông bà ta ngày xưa  “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” mà. Nên mình sẽ điểm một vài thông tin quốc tế mà mình thu thập và mọi người cũng từng đọc được như sau:
- Trung Quốc xây dựng hàng chục (trăm) đập lớn nhỏ trên phần sông chính và chi lưu ở thượng nguồn sông Mê Kông. Trong đó tám con đập lớn nhất chặn 40 tỉ mét khối nước. Với việc kiểm soát cao nguyên Thanh Tạng, Trung Quốc đã nắm trong tay con át chủ bài đối với toàn bộ lưu vực sông Mê Kông của Lào, một phần Thái Lan, Campuchia và Việt Nam chúng ta. Ngoài ra họ còn liên quan đến nhiều đập ở Lào và Campuchia. 
- Hạ lưu Mê Kông đã hoảng loạn khi đập Cảnh Hồng Jinghong (1500 MW) chạy thử (các bạn thử search google “đập Cảnh Hồng” là ra). Vậy chúng ta sẽ hình dung ra sao khi biết Trung Quốc có một loạt đập còn khủng khiếp hơn như Noạ Trác Độ Nuozhadu (5850 MW), Tiểu Loan Xiaowan (4200 MW). Điều gì xảy ra nếu TQ “gặp sự cố” với các đập này? Sự cố đập Xe Pian-Xe Namnoy (410MW) của Lào đã đổ "chỉ nửa tỉ mét khối" xuống hạ lưu tạo thành thảm hoạ khiến hàng trăm người mất tích, hơn 6000 người mất nhà cửa và đất đai.
- Việc sáu con đập lớn trên dòng chính Lan Thương hay Mekong hoàn thành, chiến lược xây dựng và kiểm soát bậc thềm Vân Nam - Mekong Cascades của Trung Quốc về cơ bản là hoàn thành. Nhưng tham vọng của Trung Quốc chưa dừng ở đó.
- Miền Bắc Trung Quốc là vùng công nghiệp, kinh tế đầu tàu nhưng vốn thiếu nước (từ Bắc Kinh lên sa mạc tầm hơn 100km). Để giải cơn khát của vùng bình nguyên Hoa Bắc, TQ thực hiện kế hoạch "Nam thuỷ Bắc điều" từ ý tưởng của Mao Trạch Đông. Trong ba tuyến dẫn nước, có hai tuyến theo hướng Nam lên Bắc và một tuyến ở phía Tây sang Đông. Tuyến thứ ba này sẽ lấy nước từ từ cao nguyên Thanh Tạng, vâng, chính là khởi nguồn của hàng loạt con sông lớn kể cả Mekong và sông Hồng. Xung đột, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng có liên quan đến vấn đề này.
Phong cảnh một đoạn kênh, hình như ở gần thị xã Ngã Bảy - Hậu Giang
Này là chuyện ở bển (Trung Quốc), quay trở lại với ĐBSCL của chúng ta nào. Dưới đây là những quan sát của mình trong các chuyến đi miền Tây:
        - Năm nay nước mặn xâm nhập rất sâu vào đất liền với độ mặn cao, nhiều vùng lúa tôm (tức là những giống lúa chịu được mặn) cũng không thể xuống giống. Điều này vì sao, có thể vì hạn hán, có thể vì nước biển dâng, cũng có thể vì xyz gì đó. Nhưng chắc chắn là có liên quan đến hệ thống đập trên, lượng nước ngọt về ít dẫn đến nước mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng. 
        - Vài năm nay, không ít những phóng sự nhỏ lẻ về những vụ sạt lở đất ở miền Tây. Người ta quy cho cát tặc. Tất nhiên là hợp lý nhưng chưa đủ. Hàng tỉ mét khối cùng phù sa đã bị chặn lại ở những con đập. Đồng bằng sông Cửu Long vốn được bồi đắp từ phù sa nay đang khát cả sữa (nước ngọt) và đói cả cơm (phù sa). Một đồng bằng tan rã là điều không xa.
        - Những mùa cá nước lũ đến thất thường và không còn như xưa. Hàng loạt các kỉ lục về độ thấp của mực nước ở các trạm đầu nguồn hai nhánh chính Cửu Long liên tục bị phá. Cá linh bây giờ hiếm rồi, không còn bán ở mấy chợ lẻ trên Sài Gòn nữa.
Vậy tại sao, chúng ta những công dân sống ở những thành thị phải quan tâm chuyện ĐBSCL tan rã?
Ven đường phía Nam sông Hậu
        - ĐBSCL đang sản xuất ra 56% sản lượng lúa gạo của cả Việt Nam. Trong đó 40% sản lượng của ĐBSCL được xuất khẩu chiếm 95% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng bằng tan rã, chúng ta mất đi hơn 3 tỉ USD ngoại tệ và nguy cơ phải nhập khẩu gạo.
        - Ngay bây giờ, nông nghiệp đã không còn đủ nuôi sống chính những nông dân của ĐBSCL, những đợt di cư lên miền Đông đặc biệt là Bình Dương gần đây là bằng chứng rõ ràng nhất. Và nếu bạn biết ĐBSCL đang là vùng trũng giáo dục của Việt Nam thì sẽ thấy, sinh kế của hàng triệu con người thật mong manh. Hàng triệu lao động vốn gắn với nông nghiệp sẽ tạo ra một khủng hoảng “lưu vong sinh thái” vô cùng tồi tệ. 
        - Nhắc lại rằng, nạn đói năm 1945 một phần đến từ việc lúa gạo miền Nam đã không thể đưa ra miền Bắc cứu đói. Một thảm hoạ an ninh lương thực hoàn toàn có thể xảy ra.
        - Một khi Việt Nam và Trung Quốc xảy ra tranh chấp, không gì đảm bảo những siêu đập này không xảy ra "sự cố". Từ xưa, người Trung Quốc đã dụng binh về thuỷ kế rất tàn độc. Hàn Tín chặn dòng chém Long Thư, Tào Tháo phá đê sông Tứ dìm thành Từ Châu quân vân vân và mây mây. Chỉ riêng việc tích nước vào mùa khô đủ để ĐBSCL chết khát. Hàng tỉ đô xây cống và đê chống mặn cũng sẽ không thể cứu đồng bằng chết dần chết mòn.
Chúng ta hẳn đã nghe đến boiling frog, con ếch chết vì nước trong nồi sôi từ từ. Người ta vẫn đốt rừng Amazon từ cả trăm năm nay để lấy đất canh tác và chăn nuôi. Người ta vẫn coi thường những đám cháy tự nhiên ở Indonesia hay Australia. Nhưng rồi đến một ngày mọi chuyện xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội, họ mới nhận ra mình mất cái gì. Mất mát của Amazon, Indonesia hay Australia có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng mất mát của Mekong sẽ là một thảm hoạ CỦA CHÚNG TA.