Nước Mỹ đã ưu ái Israel như thế nào?
Nước Mỹ đã ưu ái Israel như thế nào? Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel một lần nữa đặt ra câu hỏi...
Nước Mỹ đã ưu ái Israel như thế nào?
Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel một lần nữa đặt ra câu hỏi tưởng dễ mà khó trả lời. Bảy thập kỷ sau khi nhà nước Israel ra đời, người ta vẫn luôn tìm kiếm lời giải đáp đó.
Người ta đã nói quá nhiều về nguy cơ từ quyết định ngày 7-12 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi các đồng minh của Mỹ phản đối, người Palestine chỉ trích, cộng đồng Ả rập thất vọng, vẫn chưa ai trả lời vì sao nhà lãnh đạo Mỹ lại đi đến quyết định đó.
Vì yếu tố lịch sử, địa chiến lược hay mối quan hệ cá nhân đã khiến tổng thống Trump đảo ngược quan điểm suốt 70 năm của nước Mỹ về Jerusalem, giẫm lên khát vọng của người Palestine và đạp đổ di sản 22 năm của các đời tiền nhiệm?
Cần nhớ, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một cam kết được đưa ra trong thời gian tranh cử của ông Trump. Không ngạc nhiên sau khi ông Trump thắng cử, mối quan hệ giữa Israel và Mỹ đã trở nên nồng ấm sau giai đoạn căng thẳng và nguội lạnh dưới thời ông Barack Obama.
Một số lý giải cho rằng ông Trump - vì muốn giữ lời hứa và xây dựng hình ảnh một Tổng thống hành động, dám nói dám làm, nên đã đưa ra quyết định trên.
Cách lý giải này không thuyết phục, bởi cái giá phải trả là quá lớn, ông Trump chắc chắn hiểu rõ những phản ứng quốc tế để cân nhắc, dù đương kim lãnh đạo Mỹ đã cho thấy ông là người có truyền thống lật lại những gì đã có từ chính quyền tiền nhiệm.
Một lời giải đáp khác, có vẻ hợp lý hơn, rằng Mỹ đang muốn siết chặt tay với Israel, tạo thế đối đầu với liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vừa mới hình thành sau vấn đề Syria.
Chúng ta không thể giải quyết những vấn đề tồn đọng bằng cách tạo ra những giả định thất bại y hệt, lặp lại những chiến lược thất bại trong quá khứ. Những thách thức cũ cần cách tiếp cận mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel
Tuyên bố ngày hôm nay của tôi sẽ đánh dấu cách tiếp cận mới đối với cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine", ông Trump nhấn mạnh như một cách giải thích cho quyết định đầy quan trọng của mình.
Trong khi những đường nét của cách tiếp cận mới của ông Trump vẫn chưa được phác họa, người ta lại một lần nữa thấy rõ tư tưởng "bên trọng bên khinh" của nước Mỹ; giữa một bên là Israel với tư cách là một quốc gia được Mỹ công nhận, bên còn lại là "người Palestine" nói theo kiểu chung chung.
Một báo cáo năm 2016 của Quốc hội Mỹ đã chỉ ra rằng Israel là quốc gia tiếp nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng cộng, trong gần 70 năm, hơn 127 tỉ USD viện trợ đã được chuyển cho Israel, phần lớn trong số này là viện trợ quân sự.
Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ được xem là quốc gia "bảo kê" của Israel. Thống kê cho thấy 2/3 số lần bỏ phiếu phủ quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an là để bảo vệ Israel khỏi các chỉ trích, nghị quyết lên án, bao gồm xây dựng những khu định cư ở Bờ Tây.
Một cuộc khảo sát dài hơi của Gallup, bắt đầu từ năm 1988 - thời điểm Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố nền độc lập cho Nhà nước Palestine, đã cho thấy phần lớn người Mỹ đều dành cảm tình cho người Israel nhiều hơn Palestine.
Nhưng rốt cuộc là tại sao lại có sự thể như vậy?
Đó thật sự là một câu hỏi gây tranh cãi rất lớn, không chỉ trong lòng nước Mỹ. Dù sự ủng hộ của Washington dành cho Israel là rất lớn, bao gồm hàng tỉ đôla viện trợ và sự chống lưng về mặt ngoại giao, các chuyên gia và giới học giả vẫn bất đồng sâu sắc về nguyên nhân.
Một số người đã cố gắng lý giải, cho rằng đó là hệ quả của tâm lý ủng hộ Israel mạnh mẽ trong dư luận Mỹ, số khác chỉ ra sức mạnh của các nhóm vận động hành lang người Do Thái ở Washington.
Một cách lý giải khác lại dựa trên mối quan hệ ý thức hệ và nguyên tắc dân chủ - thứ mà ở Trung Đông nước Mỹ nhận thấy nó ổn định và mạnh nhất tại Israel.
Dù Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận trên thực tế Nhà nước Israel ngay từ khi nó được thành lập, quan hệ giữa hai nước không thực sự gần gũi trong thập kỷ đầu tiên.
Trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, Israel cùng với Anh và Pháp đã tấn công Ai Cập. Tức giận vì không được thông báo trước và lo sợ một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt Israel và NATO nếu không rút quân ngay lập tức.
Khi Chiến tranh Lạnh leo thang, Liên Xô bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông, Israel nghiễm nhiên trở thành ưu tiên của Mỹ trong việc tạo đối trọng và ngăn chặn làn sóng đỏ tại khu vực. Mối quan hệ chỉ thực sự trở nên vững chắc sau khi vũ khí và viện trợ của Mỹ giúp nhà nước Do Thái đả bại cuộc tấn công bất ngờ của khối Ả rập năm 1973 (Chiến tranh Yom Kippur).
Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa hai nước vẫn chặt chẽ, nếu không muốn nói là mạnh mẽ hơn trước.
Một giả thuyết gây tranh cãi, được thúc đẩy bởi Giáo sư John Mearsheimer và Stephen Walt, đã lý giải sự gắn kết đó bằng việc viện dẫn sức mạnh của các nhóm vận động hành lang thân Israel tại Mỹ, đặc biệt là Ủy ban công vụ Israel - Hoa Kỳ (AIPAC).
Cả hai ông, trong bài luận nổi tiếng có tựa đề "Nhóm vận động hành lang Israel" (The Israel Lobby), đã khẳng định rằng chính AIPAC đã tạo ra cuộc chiến tranh Iraq.
Mặc dù vậy, những người chỉ trích cho rằng AIPAC không thực sự mạnh như hai ông Mearsheimer và Walt đã nghĩ. Thất bại lớn và gần đây nhất của AIPAC là đã không ngăn được chính quyền Barack Obama đặt bút ký vào thỏa thuận hạt nhân với Iran - cái gai trong mắt Israel ở khu vực, vào năm 2015.
Sau quyết định của ông Trump, người ta sẽ còn đem vấn đề ra mổ xẻ. Nhưng lý giải và động cơ thật sự chắc chỉ có người đưa ra quyết định mới là người hiểu rõ nhất.
DUY LINH nguồn tuổi trẻ Việt
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất