Tết lúc nào cũng là kì nghỉ dài và được mong chờ nhất năm. Hồi bé tí, nghỉ bao nhiêu ngày thì Tết là bấy nhiêu ngày; nhưng khi lớn lên rồi, suốt ngày thấy mọi người than nhau “chả có không khí Tết gì cả”. Và cứ thế, với “người lớn”, Tết cứ ngắn lại, rồi dần dần, tất cả những “không khí” ấy gói lại vỏn vẹn trong nửa ngày: từ chiều tối 30 Tết đến trước khi mình ngủ dậy vào sáng hôm sau – mồng 1 Tết Nguyên Đán.
 
1.
Âm ẩm.
hue_zing_15

Đầu giờ chiều ngày 30 Tết, mình trên đường từ Đồ Sơn trở về nhà, sau bữa cỗ trưa ở nhà bà nội. Tiết trời hôm nay đã khác hẳn mấy hôm trước. Trời ẩm nhiều hơn, gió cũng ít hơn và chắc do đang ở gần biển nên sương mù mịt cả con đường. Đường quang veo và thẳng tắp, làm người đang cầm lái như mình không kiềm được phấn khích mà rồ ga phóng như bay. Tiếng động cơ êm ru. Sương dày. Kệ sương! Phóng xuyên qua cả sương. Gió tạt vào mặt. Chẳng lạnh! Gió ẩm nên chỉ như vuốt ve thôi. Tiết trời này giống “Tết” quá !!!!
Hơn 50km/h rồi.
Đua không ? 
 
2.
Lên đèn.
20180215_182017

Về đến nhà là hơn 2h chiều. Cả nhà ngả lưng một lúc rồi bắt tay vào sắp mâm cỗ cúng gia đình to nhất trong năm. Loay hoay dọn nhà môt lúc, giúp mẹ nấu cơm một tẹo, mình cứ nghĩ vẫn còn sớm sủa lắm, nhưng nhìn ra ngoài cửa sổ, nắng đã tắt từ khi nào.
Trời nhập nhoạng, phố lên đèn. Người ta lúc nào cũng bật đèn từ trước khi trời tối hẳn, như bật lên một tín hiệu ấm áp trước khi cái lạnh kịp bao phủ không gian. Không phải chỉ phố lên đèn, mà cả ánh đèn còn tỏa ra ấm áp từ cửa các ngôi nhà. Người Việt mình đêm 30 hay có tục mở cửa để đón May, đón Lộc, nên những ánh đèn kia lại càng có dịp thoát ra, cảm giác như có thể mang hơi ấm truyền từ nhà này qua nhà khác, gần gũi ghê gớm lắm.
Bê giúp mẹ mâm cỗ lên tầng thượng để cúng, mình cũng mở cửa hành lang. Gió lạnh ùa vào. Ồ, là ngày Giao thừa. Giao mùa. Và còn rất nhiều thứ khác giao nhau. Như ánh đèn đường bật sớm, để cái ấm áp xen vào trước cái lạnh, để trước khi chìm vào tĩnh lặng lòng mọi người kịp bừng lên cái háo hức, cái “không khí Tết” ấy. Hay là khi mở cánh cửa, để gió lạnh ùa vào, làm dịu đi khói hương mới thắp trên ban, dịu đi cả hơi nóng nghi ngút tỏa ra từ nồi nước lá mùi già mẹ mới đun cho cả nhà tắm. Những ngọn gió giao nhau, hương thơm quyện vào nhau, vậy là, Gió có mùi của Tết.
 
3.
Mùi của Tết.
Ngay-Tat-Nien-Ava

Chỉ có Tết mới được tắm lá Mùi. Thế nên Tết năm nào cũng vậy, câu mình hỏi mẹ nhiều nhất không phải là nhà mình đã mua bánh kẹo chưa, mà lúc nào cũng là mẹ đã mua lá Mùi chưa. Cảm giác Tết rõ rệt nhất cũng là lúc mẹ bắc nồi lá lên bếp, và hương thơm rất dịu cứ từ nồi nước ấy mà lan tỏa khắp cả ngôi nhà.
Tắm lá mùi làm mình có cảm giác như trở lại cái mộc mạc của ngày xưa. Không biết có phải do mùi cỏ dịu quá không mà tắm xong mình tự thấy bản thân dịu dàng. Cảm giác thanh thanh như được gột rửa, không còn vướng bận điều gì, nỗi buồn hay những lo âu của những năm tháng cũ. Thơm tho. Hương lá Mùi thoang thoảng trên da thịt. Mùi của Tết. Hay mình cũng trở thành “Tết” rồi?
 
4.
Cỗ.



Mâm cỗ gia đình to nhất trong năm. Chẳng thế mà lúc nào mình cũng xui mẹ nấu thật nhiều, dù hiếm khi nào ăn được hết. Hôm Giao thừa nhà mình cũng không ăn ở bàn tròn trong bếp, mà ăn ở ngoài phòng khách, trên chiếc bàn vuông. Đèn vàng ở phòng khách rất ấm. Lại có cành Đào ở ngay cạnh. Trước mặt là màn hình tivi mà chỉ chục phút nữa sẽ chiều Táo quân. Mâm cỗ đầy ăm ắp nhìn thích mắt. Tết quý giá lắm cái khoảnh khắc quây quần ấm áp thế này. Chờ cả nhà vào ngồi ăn cơm thôi cũng háo hức quá !!
 
5.
Táo Quân.
27657143102111271382010195476119428234171373n-1517803986861629977867

Đến hẹn lại lên, mỗi năm, Táo quân lại mang đến những vấn đề mới, qua cách kể nửa vui vui, mà nửa thấm thía qua âm nhạc (chế) và những câu bông đùa. Từ hồi bé tí, lúc mình mới ý thức được cuộc đời, là đã có Táo quân. Xem Táo quân đã thành lệ, thành một phần của Tết rồi nên năm nào cũng mong lắm.
2, 3 năm nay bắt đầu có tin xôn xao, Táo quân sắp hết, Táo quân kỉ niệm 15 năm, mới ngỡ ngàng. Ngần ấy năm trôi qua, mình từ một đứa trẻ đã sắp thành người lớn, thì những nghệ sĩ dù năm nào cũng xuất hiện, nhưng họ chắc chắn đã mệt mỏi rồi. Bảo, nếu Táo quân không còn là dàn nghệ sĩ này, thì không phải là Táo quân nữa.  Cũng đúng, mà chẳng được. Vì mình có thể mong Tết, mong được xem Táo quân hằng năm, nhưng không thể yêu cầu mọi người trẻ khỏe mãi, nhỉ…
Táo quân năm nay gắt phết, thỉnh thoảng có chỗ hơi tục, nhưng vẫn vui, cả đâu có dễ mà làm nên một chương trình như vậy, nên mình bỏ qua hết mất thứ lặt vặt, chỉ xem để cười thật vui vẻ. Xem để ý có những đoạn, ngay cả khi các nghệ sĩ đã khéo léo giấu vào vở diễn, nhưng vẫn thấy những nụ cười rất riêng tư. Đó giống như những nụ cười trìu mến, và gần gũi đến mức nhìn vào mà mình cũng tự dưng nở nụ cười được. Có thể đi một chặng đường dài như vậy, và trở thành “Tết” của mọi người, cũng là niềm hạnh phúc lắm chứ. Không biết có phải do không khí ấm áp của Tết không, mà sao mình thấy điều gì cũng gần gũi như gia đình…

6.
Giao thừa
hai-phong-se-co-2-diem-ban-phao-hoa-dem-giao-thua-tet-binh-than1454647756

Pháo hoa thì năm nào cũng như năm nào, toàn mấy bông pháo tròn tròn. Mẹ lại bảo, ôi Việt Nam mình phát triển cái gì cũng chậm lắm, 10 năm nữa chắc vẫn mấy bông pháo thế thôi. Không, thực ra lúc Giao thừa ấy, giữa mấy bông pháo tròn, mình có thấy một bông pháo hình con chuồn chuồn…
Thôi, kệ việc pháo hoa năm nay giống năm ngoái, hay có khi là giống pháo hoa của cả chục năm trước. Kệ hết đi.
Pháo hoa ! Sang năm mới rồi !

Hải Phòng, 21/02/2018
Mồng 6 Tết. Trời đẹp.
Nguồn các ảnh: