Tình hình là tôi mới hoàn thành xong cuốn Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo. Nghe đồn bên cạnh Nhà thờ cổ kính ở Paris, Hugo đã xây bên cạnh một Nhà thờ bằng văn chương vĩ đại không kém tòa Nhà thờ dựng lên từ kiến trúc. Và quả thật là vậy, đó đúng là một tác phẩm văn chương kinh điển. Cuốn sách có một cốt truyện khá ngắn và tương đối đơn giản, nhưng bao hàm, chứa đựng một ý nghĩa văn chương cực lớn và một lượng kiến thức về kiến trúc dày dặn.

I. Bàn về nhân vật

Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật trung tâm là phó giáo chủ Claude Frollo, thằng kéo chuông Nhà thờ Quasimodo và cô gái Bohémiens - Esméralda. Ngoài ra còn có vài ba nhân vật chính khác như Pierre Gringoire, một thi sĩ nghèo, Phoebus de Chateaupers, đội trưởng đội cung thủ hoàng gia. Tất cả đều được Victor Hugo xây dựng với một tư tưởng, một tính chất riêng và cố định.
Claude Frollo là một thầy tu khô khan, đạo hạnh, uyên bác nhưng lỡ sa vào địa ngục khi ông bắt đầu say mê cô gái hát rong. Ông ghen tuông mù quáng với cái tình yêu không thuộc về mình, nói đúng ra, ông không yêu cô Esméralda, mà muốn chiếm hữu nhiều hơn. Trong khoa học, ông dằn vặt giữa những tư tưởng triết lí khác nhau, trong đời sống, ông tiến thoái lưỡng nan giữa tình yêu và Chúa.
Quasimodo, thằng kéo chuông của Nhà thờ Đức Bà, con nuôi của phó giáo chủ. Nó là một con người khiếm khuyết một nửa, không có gì lành lặn. Lưng nó bị gù, chân nó bị thọt, bị mù một bên mắt, tai còn bị điếc, đầu óc thì khù khờ. Victor Hugo đã tạo ra một con người còn xấu hơn cả Chí Phèo, ắt hẳn Nam Cao mà còn sống cũng phải thốt lên như vậy. Nhưng không chờ Thị Nở xuất hiện, trái tim của thằng kéo chuông mãi là một trái tim đẹp đẽ. Nó biết ơn phó giáo chủ đã nhận nuôi nó, nó coi ông ấy là chủ nhân của mình. Nó lảng tránh thế giới xung quanh vì sự dè bỉu, coi thường mà xã hội đã trao cho cái ngoại hình của nó, mà không mảy may căm hận. Nó chiến đấu vì thứ nó biết ơn, và cả vì tình yêu đẹp đẽ của mình. Quasidomo là người duy nhất thực sự yêu trong câu chuyện này, yêu, chính là muốn người mình yêu được hạnh phúc.
Esméralda, cô gái hát rong xinh đẹp tuyệt trần với đôi chân không tì vết và lòng trinh bạch được gìn giữ cẩn thận để tìm lại người mẹ thất lạc 15 năm. Cô gái là một người tốt bụng khi kết hôn giả với nhà thơ Pierre để cứu mạng anh chàng. Nhưng là một người quá đỗi si tình và có phần mơ mộng khi yêu say đắm Phoebus de Chateaupers, một anh chàng cung binh lăng nhăng, trăng hoa và đa tình, được cái tốt mã. Đối với Esméralda, Phoebus là chàng hoàng tử của cuộc đời mình, cho tới lúc chết, thứ cô duy nhất nghĩ tới, có lẽ cũng chỉ là cái tên Phoebus.
Nhân vật tấu hài chính của bộ truyện có lẽ là nhà thơ Pierre Gringoire. Một anh chàng theo triết lí hoài nghi, cân bằng mọi thứ. Anh ta cực kì sợ chết và nói rất nhiều, mỗi lần tới lời thoại của Gringoire thì bét lắm cũng dài một trang giấy. Pierre không có nhu cầu về phụ nữ, chỉ cần ăn uống ở đầy đủ, và mặc dù làm chồng nhưng không được sờ tới người cô gái hát rong, anh chàng vẫn rất thỏa mãn và có vẻ còn yêu con dê của cô gái nhiều hơn.
Victor Hugo đã khéo léo khắc họa những nhân vật với những tính cách như vậy. Ta thấy sự lạc lối và điên cuồng của Claude. Ta thấy được cái đẹp đẽ trong tâm hồn của Quasimodo. Esméralda truyền cho ta cảm giác khờ dại của tuổi trẻ với một tình yêu nồng cháy còn hơn cả Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. Tất cả nhân vật ấy đã trộn lại với nhau, tạo nên một bản hòa âm phối khí xuất sắc và đánh bật được thông điệp của Victor muốn truyền tải.

II. Vòng tròn định mệnh

Cái thông điệp của Victor muốn truyền tải là gì? Tôi chưa đủ trình độ để tự tin thấu hiểu và cảm nhận hoàn toàn được, tác phẩm đã sống được gần hai thế kỷ nhưng vẫn còn giữ nguyên được nét sống động của nó. Và có một vài điểm thú vị mà tôi nhận thấy được trong tác phẩm.
Tính ngẫu nhiên giữa hai số phận của Quasidomo và Esméralda là một thứ khá… ngẫu nhiên. Một con người đẹp tuyệt trần, một gã dị dạng gớm ghiếc. Một cô gái vui tươi, hóm hỉnh, một anh chàng lầm lì, u uất. Người ta đã đem đứa con gái bé bỏng khỏi người mẹ, và để lại một con người bị thần thánh đày đọa, người mẹ lại đem vật quái lạ đi tới Nhà thờ Đức Bà, một linh mục nhận nuôi nó, và nó cuối cùng lại yêu cô gái.
Trong truyện, nhân vật Quasidomo và Phoebus có lẽ là hai mặt tương phản nhau. Quasidomo là một đứa con rơi, có ngoại hình đáng kinh sợ, nhưng anh chàng sở hữu một tấm lòng đáng quý, thậm chí đã đốt sơ sơ Nhà thờ Đức Bà, thứ nó coi như xác thịt của mình để bảo vệ cho cô Esméralda. Còn Phoebus, một anh chàng quý tộc thượng đẳng, đẹp trai tốt mã, nhưng là một kẻ xấu tính. Sau khi người con gái hát rong bị kết tội tử hình, anh chẳng mảy may thương sót lấy một giây mà đã kiếm được tình mới của mình. Gặp ai, anh ta cũng có thể thề thốt là tôi chỉ yêu mình em. Thật ghê tởm và đáng xấu hổ. Nhưng nàng Esméralda cũng chỉ yêu một mình chàng bạch mã hoàng tử Phoebus, còn Quasidomo, gã gù đáng yêu tội nghiệp ấy, sau cùng chẳng là gì với cô gái cả.
Trong truyện, người mà tôi đồng cảm nhất có lẽ là lão giám mục có cái đầu hói và tóc muối tiêu - Claude Frollo nhất. Gã say mê, gã điên cuồng với khoa học một cách khiến tôi ao ước. Mặc dù lão là nhân vật phản diện chính của bộ truyện, nhưng tôi lại thấy lão là nhân vật đáng thương nhất. Cha mẹ chết trong bệnh dịch hạch, một mình lão phải chăm lo số lãnh địa và đứa em trai bé bỏng, lớn lên thì thằng em không lo học hành mà ăn chơi trác táng, chỉ biết móc túi người anh. Lão đã nhận nuôi Quasidomo cũng vì để tích phước cho đứa em. Nhưng cuối cùng thì chính Quasidomo đã tán vỡ sọ và khiến thằng em chết lơ lửng trong Nhà thờ. Còn lão, thì cũng bị Quasidomo đẩy từ trên cao của Nhà thờ, hưởng cái chết tan xác và không được chôn chất trong vùng đất thánh. Tôi sẽ thấy thú vị hơn nếu thấy Frollo sau này sống trong cô độc và dằn vặt vì cái chết của Esméralda, nhưng không, sẽ rất khó xảy ra điều đó vì lão đã điên cuồng và mất lí trí vì người con gái đó. Và nếu như thế, lão vẫn sẽ nhận được vinh dự lúc cuối đời. Chi tiết ông ấy bị đẩy ngã xuống, đối với tôi, đó là biểu hiện của sự sa ngã, chi tiết ông bấu víu Nhà thờ, đó là lúc ông cố gắng thoát khỏi sự lạc lối, và cuối cùng, khi ông buông tay, chính là lúc ông đã sa ngã thật sự, và trả giá điều đó là danh dự và cái mạng của mình. Cái chết của lão giám mục ấy, thật là một cái chết đắt giá.
Còn người tôi có vẻ gai mắt nhất là Esméralda, e hèm, tôi không ganh tị với sắc đẹp của cô gái ấy. Mà tôi giận nhiều hơn. Khi chàng cung binh buông lời dụ dỗ, cô ta dường như quên mất 15 năm gìn giữ của mình để gặp lại mẹ. Ấy, mẹ có là gì khi ta chỉ cần có chàng thôi. Tôi không hiểu tại sao lại có thể xem trọng tình yêu nhiều hơn tình thân như thế, có lẽ bởi vì tôi chưa, hay không biết tình yêu nam nữ nó như thế nào. Nhưng cô gái đó, quá ngốc, quá mù quáng. Thậm chí khi thấy chàng Phoebus ôm người con gái khác nhìn mình bị dẫn đi rửa tội để xử tử, cô ta vẫn không thôi vỡ mộng mà còn tiếp tục tơ tưởng tới chàng trai tuấn tú kia. Cô ta còn nhờ Quasimodo dẫn Phoebus tới cho cô ấy, nhưng chàng quý tộc nào còn nhớ tới con bé hát rong có đôi chân đẹp tuyệt trần kia nữa. Thật đáng thương cho Quasimodo vì đã yêu cô gái không yêu mình. Và giây phút cô gặp lại mẹ, tôi lại thấy nó kệch cỡm ghê gớm, có lẽ vì phản cảm những lời cô ta từng tỉ tê với Phoebus, và thật tội nghiệp cho người mẹ, nếu như đứa con gái không quá dại trai thì biết đâu mọi việc đã khác. Nhưng phải nói, Victor Hugo đã quá thực, thực tới từng khuôn bậc khi miêu tả tình yêu của cô gái mới 15, 16 tuổi này. Tình yêu của tuổi trẻ lúc nào mà chẳng dại khờ như vậy. Ít nhất, cô gái hát rong của chúng ta, cho tới khi chết, thì tình yêu của cô vẫn chưa bị vụn ra như cám mà vẫn còn đẹp, còn tươi nguyên như vậy. Tính cách hờ hững và nông nổi, tôi thấy cô ta như vậy đấy.
Còn chàng gù tội nghiệp Quasidomo, về một mặt nào đó, có lẽ là người hạnh phúc nhất bộ truyện này. Chàng trai cách biệt với thế giới bên ngoài, nó hạnh phúc với cái Nhà thờ Đức Bà này. Những cái chuông là người yêu của nó cho tới khi cô gái hát rong xuất hiện. Những bức tượng, những mảnh phù điêu là bạn bè của nó. Nó yêu Nhà thờ như một phần máu thịt của nó, và nó, chính là linh hồn của Nhà thờ. Quasimodo là một kẻ bị xã hội xa lánh, được gọi là quỷ sứ, nó đau đớn giữa chủ nhân và tình yêu của mình. Ấy, nhưng mà nó không đau khổ như Claude Frollo, vì nó không tự tạo đau khổ cho chính mình, nó không có lỗi. Còn lão giám mục kia, mọi thứ đều do tự lão tạo ra, tự lão dằn vặt và chết trong suy nghĩ của mình, giống như tôi. Nên tôi thấy chàng gù hạnh phúc hơn, ít nhất, anh chàng còn có thể tự tay chăm sóc, ngắm nhìn người mình yêu, và sau khi cô gái ấy chết, anh ôm cô ấy, hai người chết chung. Người ta gỡ hai bộ xương ra, chàng gù hóa hư vô. Định mệnh giống như Quasidomo sinh ra là để chết vì Esméralda vậy. Anh chàng hạnh phúc, vì anh không đòi hỏi nhiều ở bất kì điều gì.

Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo đã tái hiện lại Paris một cách chân thực và sắc xảo khó tin. Qua tác phẩm, ta cảm nhận được không khí nhốn nháo của Paris tráng lệ, sự phân quyền của chế độ phong kiến và một ông vua đang cố tập quyền lại. Những đường nét tinh tế của Nhà thờ Đức Bà lan truyền qua từng con chữ, nhìn thấy như được hơi thở của từng bức tường, Nhà thờ như khung cảnh của một trò chơi định mệnh vĩ đại khi chính nó đã chứng kiến hết thảy mọi việc xảy ra, từng vở bi, hài kịch của đời người. Bút họa của Victor thật khéo léo và tuyệt vời.
Một tác phẩm kinh điển.