Notes On A Conditional Form - Một Đống Hỗn Loạn Hay Là Một Sự Đổi Mới Toàn Diện Của The 1975?
Sau sự thành công của album thứ 3 “ A Brief Inquiry Into Online Relationships ” (viết tắt “ ABIIOR ”) - được cho là một trong những...
Sau sự thành công của album thứ 3 “A Brief Inquiry Into Online Relationships” (viết tắt “ABIIOR”) - được cho là một trong những album hay nhất của năm 2018, những người hâm mộ của nhóm nhạc indie pop rock The 1975 đã không khỏi mong chờ thêm những sản phẩm âm nhạc đến từ 4 anh chàng này. Và vào tháng 5 vừa qua, họ đã kết thúc một kỷ nguyên âm nhạc của mình bằng album mới có tên “Notes On A Conditional Form” (viết tắt “NOACF”).
Bất chấp việc phải ra mắt sau tận một năm so với ngày phát hành được ấn định, "NOACF" vẫn gây được sự chú ý ngay từ những single đầu tiên. Album xuất hiện ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng Billboard chỉ sau chưa đầy 2 tuần ra mắt, là album đầu tiên của The 1975 đạt được thành tựu này. Được sáng tác chủ yếu trong những chuyến lưu diễn của ban nhạc và được thu âm tại 16 phòng thu khác nhau, đây là album dài nhất và đa dạng nhất của The 1975 từ trước đến nay.
Tuy vậy, sự đa dạng chưa phải là tất cả. Nhiều ý kiến cho rằng album này là một đống hỗn độn và không có một hướng đi cụ thể. Sự pha trộn rock và cả electropop, UK garage, techno, ambient,… có làm The 1975 bị mất đi chất nhạc mà đã khiến các fan hâm mộ đã hằng yêu mến? Album này liệu có thể đạt được thành công như “ABIIOR” — một sản phẩm được ví như là “đại diện cho tiếng nói của cả một thế hệ”?
1. Hành trình qua từng bài hát.
“NOACF” bao gồm 22 bài hát — là album dài nhất của The 1975 từ trước đến nay — với phần interlude “The End (Music For Cars)” dẫn nhịp album vào một không gian khác biệt hoàn toàn. Trong vòng 8 phút bắt đầu của album, ban nhạc nói lên quan điểm của họ về tình hình thay đổi khí hậu của thế giới qua lời phát biểu của Greta Thunberg - một nhà hoạt động môi trường qua phần intro có tên “The 1975”. “The 1975” đã đánh dấu một sự thay đổi so với tất cả các phần intro của 3 album trước đó - nói bật lên được góc độ chính trị trong âm nhạc của họ. Trưởng nhóm nhạc và giọng ca chính Matty Healy đã miêu tả phần intro trong album này là “khá đẹp nếu nhìn từ bên ngoài, nhưng thực sự khá buồn và đáng lo ngại”. Ban nhạc cũng đã từng nói lên quan điểm của họ về vấn đề này trong “Love It If We Made It” và “I Like America & America Likes Me”. Tuy nhiên, phải đến đĩa đơn tiếp theo “People”, người nghe mới thực sự hiểu được sự phẫn nộ và nhức nhối — bản nhạc nói lên mối lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu, chủ nghĩa tư bản và cả sự tuyệt chủng của loài người. Lời ca “It’s Monday morning and we’ve only got a thousand of them left!” như lời một lời cảnh tỉnh đối với thế hệ này nếu chúng ta không dần chung tay làm những điều có ích.
70 phút còn lại của album đi theo hướng nội tâm hơn nhưng cũng không kém phần ngổn ngang: trải từ những bản nhạc dance mê hoặc khiến người nghe đứng ngồi không yên như “Shiny Collarbone”, “Having No Head”, cho đến những bản ballad sâu lắng (Playing On My Mind). NOACF thực sự đã nâng tầm mọi thử thách mà The 1975 đã đề ra kể từ khi ra mắt như một ban nhạc emo từ đầu những năm 2010. Bước vào hành trình này, người nghe sẽ đầu tiên đến với “Frail State Of Mind” - với mô típ chia sẻ về chứng sợ xã hội của Matty - như anh đã mô tả trong một buổi phỏng vấn với Dazed. Vấn đề về sức khỏe tâm thần trong ngành âm nhạc không còn là một điều xa lạ trong ngành công nghiệp âm nhạc. Âm nhạc chính là cầu nối để anh có thể chia sẻ thẳng thắn nỗi lo và sự lối hỗi của mình, được thể hiện qua lời ca “I’m sorry ‘bout my (Frail state of mind)” xuyên suốt bản nhạc.
Tiếp đến là “The Birthday Party”, một bản nhạc đồng quê nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng thực sự lại là đề cập đến quá trình cai nghiện của mình và trước khi bắt đầu trở nên nổi tiếng. Đây không phải là lần đầu tiên Matty đề cập đến vấn đề này trong các bài hát, vì đây là một chủ đề rất phổ biến. Những bài hát đáng chú ý bao gồm cả “URG!” trong album thứ hai và gần đây nhất là “It’s Not Living (If It’s Not With You)” trong ABIIOR, nơi mà Matty kể chi tiết về cuộc đấu tranh của mình với chứng nghiện heroin và biến nó thành một bản tình ca. Mọi thứ tích cực hơn với hai single tiếp theo “Jesus Christ 2005 God Bless America” - bản ballad tình cảm về tình yêu của Matty dành cho Chúa - và “Me & You Together Song” - bản pop rock, dream rock về những giấc mơ và ảo tưởng của một người dành cho người mình thích thầm kín.
Tua nhanh đến “If You’re Too Shy (Let Me Know)” - một bản nhạc uptempo như những bản soul ngất ngây từ những năm 80. Bài hát phụ thuộc nhiều vào cách dùng ngôn ngữ tượng hình, phức tạp. Nhưng nhìn chung, câu chuyện được dựa trên mối quan hệ online của chàng ca sĩ với một cô gái trên FaceTime. Qua đó nêu bật lên một vấn đề xã hội mà ban nhạc muốn gửi gắm vào bài hát. “Sự thân mật giữa hai người được thể hiện trên mạng đang dần trở nên có ý nghĩa hơn ngoài đời hơn bao hết”. Nét gần gũi cả về giai điệu lẫn lời ca của “If You’re Too Shy (Let Me Know)” là lý do đây là single được yêu thích nhất của album. Matty chia sẻ: “ Đây là một trong những bản nhạc có giai điệu lời ca và độc tấu guitar mà tôi yêu thích nhất".
Album kết thúc với “Guys” - một bản nhạc mà sẽ “đốn tim” bất kể người nghe nhạc nào - về mối quan hệ mà tất cả những thành viên trong ban nhạc dành cho nhau. “You guys are the best thing that ever happened to me” có thể là một trong những đoạn lời ca giàu tình cảm nhất mà các bạn sẽ từng được nghe của bất cứ ban nhạc nam nào. “Sẽ hầu như không có nhiều bản tình ca về những mối quan hệ mạnh mẽ, đẹp nhất trong cuộc sống của bạn. Đặc biệt là về những người bạn trai thẳng hoặc tương tự như vậy trong nhạc rock. Họ thường không viết nhạc để bày tỏ tình yêu với những người bạn đời như thế nào, hoặc điều này sẽ trở nên phù phiếm và hoàn toàn vô nghĩa như thế nào khi chúng tôi không cùng làm với nhau. Chúng tôi đã là một ban nhạc từ khi còn 13 tuổi, và họ là những người bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi chưa từng xa cách nhau. Đây là một bài hát thực sự chân thành. Họ là những người đã mang lại cho tôi mục đích.” - Matty Healy nói về “Guys”.
2. Đa dạng thể loại hay một đống hỗn độn?
Việc chấp nhận sự mạo hiểm và đa dạng của một người nghệ sĩ cho phép họ có thể sáng tạo hơn, qua đó đạt được nhiều điều hơn với tài năng của họ. Khi chúng ta mong đợi một nghệ sĩ chỉ gắn bó với những gì họ biết để sản xuất những sản phẩm tương tự năm này qua năm khác, chúng ta giới hạn khả năng phát triển của họ. Với tư cách là người nghe nhạc, chúng ta có trách nhiệm tiếp nhận sự thay đổi, tiếp nhận sự phát triển và tiếp nhận với những nghệ sĩ có tầm nhìn - những người luôn muốn tìm kiếm một bước đi ra ngoài vùng sáng tạo của họ.
Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều cho album lần này của The 1975. Theo như tờ báo Paste, các nhà phê bình đã coi “Sự hoài bão trong album này là quá nhiều và không cần thiết, cùng với bản thân chính album cũng không có sự nhất quán”. Roisin O’Connor của tờ The Independent đã lên án chỉ trích “Từng bài hát trong album như một cái bánh răng rỉ sét chạy trong một cỗ máy”. Đối mặt với những ý kiến như vậy, bản thân nhóm nhạc The 1975 đã có những suy nghĩ như thế nào? Và tại sao hướng đi của họ lại như vậy trong album này?
Trong quá khứ, đã có nhiều câu hỏi từ dư luận cũng như là các khán giả về thể loại nhạc của The 1975. Theo một trang blog có tên Pilerats, khi được hỏi câu hỏi “Trong album này các anh đã tự thử thách mình với nhiều thể loại nhạc, cả đồng quê, cổ điển, UK grime,… Liệu các anh có thấy rằng sự biến thể này sẽ làm nhiều fan hâm mộ cảm thấy xa lạ hoặc choáng ngợp không?” Matty đã có câu trả lời như sau: “Lý do chúng tôi không đi theo một thể loại nhạc cố định là vì, chúng tôi đã là một ban nhạc trong gần 18 năm và chúng tôi đã dành gần như mỗi ngày với nhau và làm những bản nhạc với nhau để sống với nhau, sau những lúc đi lưu diễn với nhau. Chúng tôi thức dậy mỗi ngày và tạo ra âm nhạc, vậy nên nếu chúng tôi ăn cùng một đồ ăn hay chơi một game mỗi ngày thì sẽ rất nhàm chán; tạo ra những thứ âm nhạc như nhau mỗi ngày, sẽ rất nhàm chán. Ngoài việc đang cố gắng để trở nên táo bạo, nó cũng sẽ là thứ để tránh bị nhàm chán. Tôi không biết chúng tôi làm điều này như thế nào, sẽ không có một bản thiết kế nào cho album của nhưng điều duy nhất chúng tôi có thể làm là tận hưởng những thứ mà chúng tôi đang làm”.
Với The 1975, mỗi album đều là một sự trưởng thành cả về lời ca, phong cách âm nhạc và hướng đi nghệ thuật. Bắt đầu với album cùng tên “The 1975”, mang cho mình thiên hướng pop punk, pop rock. Mở rộng đến album thứ hai mang theo âm hưởng của synth-pop, new wave và jazz. Cho đến kỷ nguyên “Music For Cars” bao gồm 2 album “ABIIOR” và “NOAFC” chịu nhiều sự ảnh hưởng của nhạc điện tử và UK Garage — một thể loại được bắt nguồn từ chính quê nhà của ban nhạc. Sự đa dạng cả về âm nhạc và hình ảnh chính là lý do tại sao The 1975 là một trong những ban nhạc pop-rock có tầm ảnh hưởng và đáng chú ý nhất trong thế hệ hiện nay.
3. Sự hướng ngoại trong âm nhạc gần đây của The 1975.
Chính thức bước chân ra ánh sáng vào năm 2013, vào những khoảng thời gian đầu, âm nhạc của The 1975 đã được Scott Kerr của AllMusic miêu tả như là “Sự kết hợp những mảng tối mà trẻ trung của tình yêu, tình dục và nỗi sợ hãi với chất nhạc alternative rock thanh tao”. Khi mà album đầu tay cùng tên “The 1975” ra mắt với nội dung xoay quanh cuộc sống của một người đàn ông thiếu kinh nghiệm nhưng hoang dại trong tình yêu, album thứ hai “I Like It When You Sleep, for You Are So Beautiful yet So Unaware of It” còn có mặt nội tâm sâu sắc hơn. Đến hai album gần đây nhất “ABIIOR” và "NOACF", The 1975 mới bắt đầu mở rộng tầm nhìn, nói lên những quan điểm của họ về chính trị, môi trường như vấn đề phân biệt chủng tộc, hiệu ứng nhà kính,… điều mà ở hai album đầu tiên họ chưa từng nhắc đến và thực hiện. Vậy điều gì đã thúc đẩy họ đưa những sự hướng ngoại này vào trong âm nhạc? Và tại sao đây là một điều quan trọng đối với họ?
Quan điểm hướng ngoại của ban nhạc được thể hiện ngay trong single cùng tên đầu tiên “The 1975” của album, khi họ không bắt đầu bằng những lời ca “Go down. Soft sound” như của 3 album trước mà thay vào đó là lời phát biểu của Greta Thunberg - một nhà hoạt động môi trường. Việc hợp tác của ban nhạc với cô cũng có thể được coi là một “Sự lật đổ khôn ngoan” đối với sự ám ảnh của ngành công nghiệp âm nhạc với khái niệm “features (có sự xuất hiện của các nghệ sĩ khác)” — nơi mà các nghệ sĩ siêu sao kết hợp lại để càn quét, thống trị các bảng xếp hạng, lượt stream, radio… The 1975 chưa từng có sản phẩm với sự xuất hiện của các nghệ sĩ khác, họ còn chỉ trích về việc này trong quá khứ cho rằng đó là một sự không hổ thẹn để chiếm lĩnh các vị trí trên bảng xếp hạng. Họ đã dùng chính sự ngoại lệ lần này để làm tâm điểm cho lời nhắn thiết yếu của Thunberg, càng làm nổi bật nó hơn, đến được với nhiều khán giả hơn. “Tôi cảm thấy biết ơn vì đã có cơ hội được chia sẻ lời nhắn của mình cho một số lượng lớn khán giả theo một cách mới. Tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời khi The 1975 đã và đang bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào những phong trào về khủng hoảng khí hậu. Chúng ta cần nhanh chóng khiến tất cả mọi người ở mọi ngách của xã hội tham gia. Và sự hợp tác này thực sự là một thứ gì đó mới mẻ”. — đôi lời từ Thunberg về intro của “NOACF”.
Tại buổi phỏng vấn Matty Healy của GQ, một câu hỏi tương tự đã được đặt ra: “The 1975 chưa từng là một ban nhạc về chính trị. Điều gì đã làm các anh quyết định mở rộng đến lĩnh vực này?”. Matty trả lời thắng thắn: “Tôi nghĩ rằng âm nhạc của chúng tôi đã từng nghiêng nhiều về mặt nội tâm, nhưng khi bạn dần trưởng thành lên, mặt nội tâm này sẽ trở nên hẹp lại, hoặc nhàm chán đi. Nên vậy, về mặt hướng ngoại, được nhìn ra thế giới, đưa ra những ý kiến của mình về nó, là những thứ mà các nghệ sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ (David Bowie, Michael Jackson, Janet Jackson,…) đã từng làm. Đó là những thứ đã truyền cảm hứng cho tôi phải trở nên vĩ đại như họ.”
4. Đánh giá của chuyên gia.
Với một album có sức chứa đựng và bao quát rộng như vậy, chắc hẳn The 1975 và “NOACF” sẽ thu hút được sự chú của rất nhiều chuyên gia cũng như những nhà báo có đánh giá chuyên môn. Tại trang Metacritic với thang điểm là 100 từ các nhà phê bình âm nhạc, “NOACF” nhận được điểm trung bình là 69 dựa trên 26 đánh giá, với phần lớn là những phê bình tích cực.
Báo New Musical Express cho rằng, “The 1975 bằng cách nào đó đã tạo ra được album mà bạn có thể đeo tai nghe vào và nhảy ở giữa phòng khách cả ngày. Một thứ gì đó sâu lắng, ngổn ngang và đôi khi có phần ngớ ngẩn để bạn có thể đào sâu hơn nhiều lần tiếp theo nữa, trong lúc đó bài hát yêu thích của bạn sẽ thay đổi hàng ngày. Một thứ gì đó đòi hỏi thời gian và sự chú ý - một thứ gì đó vừa ý cho thời điểm này”.
Theo báo PopMatters, “Theo nhiều cách, album này có thể hơi bị bứ quá, nhưng nó cũng không hẳn là một điều xấu bởi vì nó cho thấy một mức độ tham vọng, sáng tạo và sự tò mò không thể chối cãi mà chúng ta hiếm thấy được ở nền âm nhạc pop hiện nay."
“Nó có thể không đáp ứng được các mục tiêu cao cả, nhưng sự táo bạo mà “NOACF” thể hiện đã tạo nên được một một luồng gió mới thổi vào những gì mà từng được gọi là “rock n roll”. - theo Slant Magazine.
Một tờ báo nổi tiếng khác là Rolling Stone chuyên về giải trí đã có sự phê bình theo cả 2 hướng: “Album này có một cách tiếp cận khác, uốn khúc hơn so với và đó có thể là điểm yếu lớn nhất của nó: quá dài… Tuy nhiên, với album này, đã chứng tỏ họ là những người thợ xuất chúng, ngay cả khi chúng nghe có lố lăng thế nào đi chăng nữa.”
5. Lời nói cuối.
Với “NOACF”, The 1975 đã đưa người nghe vào một hành trình âm nhạc với đầy đủ các thể loại cung bậc cảm xúc: vui, buồn, điên loạn, trầm lắng, nhố nhăng, chân thành,… Album đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên “Music For Cars” - một kỷ nguyên mà The 1975 thực sự chú trọng vào mảng sản xuất âm nhạc, tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật chân thực nhất với cá tính và cuộc đời của tất cả các thành viên trong nhóm.
Nhắc đến nước Anh là nhắc đến cái nôi của âm nhạc, quả thực vậy, để tự mình sản xuất được một album phức tạp với mức độ hoàn mỹ như vậy, cả bốn anh chàng đã phải đặt ra thật nhiều chuẩn mực trong việc khám phá các thể loại, chất liệu nhạc khác nhau mà không làm mất đi điều đã khiến họ trở nên đáng chú ý ngay từ đầu.
Vậy cuối cùng, liệu “NOACF” có giúp The 1975 giữ vững vị thế của mình với tư cách là một band nhạc indie pop, rock, đồng thời gây dựng thêm tên tuổi của mình trong giới nhạc dance? Hay mục tiêu của họ không phải là bất cứ thứ gì đã kể ở trên, mà họ chỉ muốn tạo ra những thứ âm nhạc thành thật, xuất sắc và gây ảnh hưởng nhất đối với họ có thể? Nếu đó là sự thật, hãy cùng kiểm chứng sự thật đó bằng việc bật to hết loa ở nhà bạn lên, hoặc đeo tai nghe vào để tự bắt đầu hành trình dài 22 bài của “NOACF” nhé! Chắc chắn đây sẽ một trong những chuyến đi âm nhạc chứa nhiều cung bậc cảm xúc nhất mà bạn sẽ từng trải nghiệm đấy!
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất