7/2021: Đọc cuốn sách Người quét dọn tâm hồn - Hiroshe Kamata - Tổng số sách đọc được - 269
Night Custodial: Custodial trong tiếng Anh có hàm ý công viên liên quan đến dịch vụ chăm sóc, bảo vệ. Trong sách còn hay gọi tắt từ này là Cast, nghĩa là diễn viên, ngụ ý đến việc nhân viên quét dọn ở Disney không chỉ có nhiệm vụ quét dọn, mà còn chăm sóc, bảo vệ công viên, hướng dẫn khách tham quan. Hơn nữa, nhờ sự quét dọn của họ, ta mới có được những sân khấu cho các nhân vật hoạt hình biểu diễn, khu vui chơi sạch sẽ cho khách tham quan, nên họ thường được ví như một người diễn viên ở hậu trường –
Sachiko: “幸子” gồm chữ Hạnh và chữ Tử, nghĩa là đứa trẻ hạnh phúc

Câu chuyện thứ nhất Đồ đánh rơi tại vương quốc của những giấc mơ

Đó là một buổi tối không khí trong lành dưới ánh sáng dịu nhẹ của vầng trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên bầu trời đẹp như trong tranh vẽ. Vào ngày cuối năm khi Disneyland gần được 3 tuổi, một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi quan điểm về ước mơ, về công việc của một nhân viên quét dọn.
Ngày 10 tháng 12 năm 1986 Hôm đó, ban quản trị đưa ra một chỉ thị cho các Night Custodial (nhân viên quét dọn vào ban đêm sau khi công viên đã đóng cửa): “Vào ngày cuối năm, Disneyland sẽ mở cửa cả ngày. Lượng khách có thể lên đến hơn 100.000 người. Nên, chúng tôi đề nghị hôm đó đội nhân viên ca đêm cũng phải giúp đỡ đội ca ngày dọn vệ sinh trong thời gian mở cửa”.
Đó quả là một chính sách chu đáo và linh hoạt để chào đón Disneyland mở cửa 24/24 lần đầu tiên trong ngày cuối năm. Vì Disneyland rất coi trọng vấn đề vệ sinh, nên thay vì tuyển dụng nhân viên thời vụ làm một ngày, ban quản trị cho rằng bố trí thêm những nhân viên đã am tường công việc thì sẽ tiện lợi hơn nhiều. Lúc đó, là giám sát ca đêm, tôi lập tức truyền đạt yêu cầu này lại cho các Night Custodial. Ngay sau đó, một người nhân viên đến xin tôi cho phép miễn làm ban ngày vào ngày cuối năm. Người nhân viên này tên Minagawa, một tổ trưởng đã ngoài bốn mươi tuổi và là một người rất có trách nhiệm trong công việc. Tôi tự nghĩ, một người sẵn sàng đổi ca với người khác khi công việc yêu cầu như ông ấy tại sao lại từ chối làm ban ngày vào ngày cuối năm? Vì vậy, sau khi ông dứt lời, tôi liền hỏi:
– Anh Minagawa à, anh có thể cố gắng sắp xếp làm ban ngày vào ngày cuối năm được không?
– Việc này… Tôi thật lòng xin lỗi!
– Thú thật, anh Minagawa à, nếu anh không làm thì chúng ta sẽ rất thiếu người.
– Với người đàn ông khiêm nhường này, tôi đề nghị một cách cẩn trọng hơn bình thường. Thế rồi, ông đành nói thật.
– Thật ra… kể chuyện này ra thật đáng xấu hổ, con gái tôi bảo rằng có thể hôm đó nó sẽ đến đây chơi cùng bạn trai…
– Con gái anh? Có phải là Sachiko không? Cô bé có bạn trai chẳng phải là chuyện vui sao? Nhưng việc cô bé đến chơi có liên quan gì đến việc anh không làm ca ngày chứ? – Vâng, là do… tôi đã nói dối con bé.
– Nói dối? – Đúng vậy, tôi không cho con bé biết công việc của tôi là dọn vệ sinh. Tôi bảo nó tôi đang làm vị trí giám sát của anh Kaneda.
– Tại sao anh phải nói dối như vậy?
– Nếu tôi còn trẻ thì chẳng nói làm gì, đằng này đã từng tuổi này rồi mà còn làm công việc dọn vệ sinh thật có chút xấu hổ… Để không cảm thấy xấu hổ với con bé, nhân cơ hội đổi chỗ làm, tôi đã lỡ nói dối như vậy. Nghe xong câu chuyện của Minagawa, tôi có chút thất vọng vì không ngờ một người vô cùng nhiệt tình với công việc như ông mà lại có suy nghĩ như vậy. Ông vẫn luôn lẳng lặng làm tất cả mọi việc không một lời phàn nàn, dù cho đó là việc không ai thèm nhận. Vậy mà ông lại chất chứa trong lòng một nỗi xấu hổ về công việc của mình. Tôi có thể hiểu được suy nghĩ của ông ấy. Công việc quét dọn cũng không thể coi là một nghề nghiệp đem ra khoe khoang, lại còn làm ca đêm. Nhưng đến mức nói dối gia đình về chức vụ của mình thì tuyệt đối không đúng. Phải làm sao để ông Minagawa có được sự tự tin bây giờ? Tôi đã hiểu vì sao ông không muốn làm việc ban ngày vào ngày cuối năm, nhưng tôi không thể chấp nhận được lý do đó. Để giúp ông một cách cứng rắn hơn, tôi quyết liệt đưa ra chỉ thị phải làm ban ngày. Một tuần trước Bố tôi cũng từng làm nhân viên quét dọn trong một thời gian dài. À không, thật ra bây giờ ông ấy vẫn đang làm công việc đó. Ông không những là một người cha vô cùng trách nhiệm mà còn là một nhân viên cực kỳ tận tâm. Mỗi lần được cử đi quét dọn ở các tòa nhà cao tầng hay trường học, ông đều nhận được một tấm giấy khen nhỏ mang về. Lúc nhỏ, tôi thường đem giấy khen đó đi khoe bạn bè và cảm thấy rất tự hào, tự hào về ông và cả về công việc ông đang làm. Vậy mà người cha tuyệt vời đó dạo gần đây lại đang nói dối tôi… Mùa xuân vừa rồi, ông chuyển địa điểm công tác đến Disneyland. Tôi lo lắng không biết liệu một nơi xa hoa như Disneyland có phù hợp với người cha giản dị của mình không, nên tôi đã hỏi thăm ông.
– Con đừng lo. Bố không làm công việc ban ngày tấp nập người qua lại mà làm giám sát ca đêm nên không sao đâu.
– Bố tôi trả lời.
– Giám sát là sao ạ?
– Tôi hỏi.
– Là vị trí quản lý mọi người đấy. Bố đã tốt nghiệp công việc dọn dẹp rồi!
– Bố nói bằng giọng đầy tự hào. Dù bố có làm công việc gì, thì hơn ai hết, tôi luôn kính trọng sự tận tâm của ông với tất cả tấm lòng. Không gì vui hơn việc ông được công nhận, nhưng chỉ khi đó là sự thật… Đằng này, ông đã nói dối tôi. Việc ông đang làm giám sát ở Disneyland là một lời nói dối trắng trợn. Tôi phát hiện ra điều đó vào một buổi tối đầu thu se lạnh. Tôi đang làm việc tại một công ty bánh kẹo, nhiệm vụ của tôi là kiểm tra chất lượng hàng được gửi đến từ nhà máy. Vì những đơn hàng tới dồn dập, hầu như cả tháng này, tôi phải trở về nhà rất khuya. Hôm đó, khi đang kiểm tra sản phẩm cùng các nhân viên khác đến tận nửa đêm, một chị đồng nghiệp bắt chuyện với tôi:
– Minagawa ơi, bố em đang làm ở Disneyland đúng không?
– Vâng, bố em làm ở Disneyland… Sao chị lại hỏi thế? – Vì bố của thằng em họ chị cũng đang làm Night Custodial giống bố em đấy.
– Night Custodial?
– Ừ, nhân viên quét dọn ca đêm ấy. Hình như lúc hai bác ăn cơm với nhau có nói về chuyện gia đình, rồi bác ấy bảo có đứa con gái đang làm ở công ty này, nên nó hỏi chị có biết em không.
– À, ra là vậy. Nhưng bố em là giám sát ca đêm ở đấy, chắc là nhầm người rồi.
– Chị cũng nghĩ như vậy nhưng nhân viên ca đêm chỉ có đúng một người tên Minagawa thôi. Tôi không biết nên tin ai nữa. Tôi không nghĩ bố lại nói dối mình. Nhưng chị đồng nghiệp cũng chẳng có lý do gì để nói dối tôi. Hơn nữa, dù là một nhân viên cũ giàu kinh nghiệm, chị luôn tận tình chỉ bảo tôi chứ chưa từng tỏ thái độ kiêu ngạo. Bước lên chuyến xe điện cuối cùng về nhà, lòng tôi cứ băn khoăn mãi. Bố tôi làm việc lúc công viên đóng cửa, từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng nên tôi không thể kiểm chứng được. Giả như bố tôi đang nói dối thật thì mục đích là để làm gì? Lúc tôi về đến nhà thì chỉ còn mỗi chiếc đèn trước cửa còn sáng, mẹ tôi cũng đã đi ngủ. Bố tôi làm đêm nên cũng đã đi từ lâu rồi. Tôi ăn hết cơm tối mẹ để phần cho mình rồi về phòng. Vẫn mặc nguyên bộ đồ công sở, tôi ngã xuống giường và suy nghĩ thêm một lần nữa về chuyện của bố. Thật ra bố tôi làm gì không quan trọng, là quản lý cũng được mà là nhân viên quét dọn cũng không sao… chỉ là, việc bố nói dối khiến tôi chạnh lòng. Vì tôi là con gái sao? Hồi nhỏ bố đã rất thương tôi, thường dẫn tôi đi đến nhiều nơi mà? Ngày tôi còn bé, có lần bố lén dẫn tôi đến chỗ làm, tôi giả làm động tác trượt băng trên sàn nhà bóng loáng vừa lau, thật vui vẻ biết bao. Nhưng tôi càng lớn, hai bố con càng ít có cơ hội nói chuyện, đến số lần ăn cơm cùng nhau cũng ít dần đi. Dù vậy lòng tin của tôi dành cho bố không bao giờ thay đổi. Cách nói chuyện của bố có phần thô lỗ nhưng tôi vẫn luôn kính trọng bố bởi bố là một người giàu tình cảm và đầy trách nhiệm. Vậy mà… tại sao bố lại nói dối tôi? Tôi ngủ thiếp đi mà trong lòng vẫn đầy băn khoăn, cảm giác như vừa bị phản bội. Hôm sau, vì được nghỉ làm nên tôi ngủ đến tận trưa. Tôi dậy thay quần áo mặc ở nhà rồi đi ra phòng khách. Hình như hôm nay bố tôi cũng được nghỉ, ông đang ngồi đọc báo một cách thư thái trên ghế xô-pha. Tôi rót trà đại mạch ra cốc, uống một hơi rồi ngồi xuống đối diện với bố, bắt chuyện để tìm kiếm câu trả lời.
– Con chào bố.
– Chào buổi sáng, Sachiko. Trông con vẫn còn ngái ngủ đấy.
- Vâng, con hơi mệt. Bố ơi, làm việc ở Disneyland vào buổi đêm cảm giác thế nào ạ?
– Vui lắm. Cảm giác như con đang đi thám hiểm một nơi bị cấm vào vậy.
– Vậy à, nhưng mà bố từng bảo con rằng bố có thể nói chuyện với mọi người qua lại khi làm công việc quét dọn trước đây nên thấy rất vui. Bây giờ không có những mối quan hệ như vậy nữa, bố có buồn không?
– Tôi vừa đáp lời vừa thăm dò từng thay đổi cảm xúc trên nét mặt ông. Bố tôi liền gấp đôi tờ báo lại, để lên bàn và bắt đầu hồ hởi kể về công việc của mình như một đứa trẻ: “Không phải thế đâu!”. Bố kể rằng ở Disneyland cách gọi tên được thống nhất bằng một ngôn ngữ riêng, người làm thuê gọi là “Cast”, khách hàng gọi là “Guest”, đồng phục gọi là “Costume”. Tôi bắt đầu bị cuốn vào câu chuyện. Quả nhiên bố tôi là người không thể nói dối được. Tôi càng tin chắc điều đó lúc nhìn vào gương mặt tươi cười đang kể chuyện của ông. Điều thú vị nhất là những người làm ca đêm có thể nghe được tâm sự của “Guest” qua một cuốn sổ khách hàng. Cuốn sổ đó nằm trên buồng lái của một con tàu hơi nước ba tầng tại Western Land tên là “Mark Twain”. “Guest” sẽ viết suy nghĩ và cảm nhận của mình vào cuốn sổ đó. Bỗng nhiên tôi rất muốn được xem thử cuốn sổ đó, tôi nói: – Con cũng muốn đến tàu Mark Twain vào ngày cuối năm! – Ngày cuối năm? – Vâng, con sẽ đi Disneyland vào ngày cuối năm. – Vậy à, sẽ rất vui đấy. Thế con đi cùng ai? “Chết rồi,” – tôi nghĩ. Hôm đó tôi sẽ đi Disneyland cùng người bạn trai mà tôi đã hẹn hò được hai năm. Nhưng tôi vẫn chưa kể cho bố nghe về anh ấy. Khoảng nửa năm sau khi vào công ty, anh ấy nói với tôi rằng: “Anh rất thích em. Anh muốn có một mối quan hệ nghiêm túc đi đến hôn nhân. Mình hẹn hò nhé!”, tôi đã đồng ý khi anh hỏi đến lần thứ hai. Thật ra, tôi cũng thầm để ý anh từ lúc mới vào làm nên khi anh tỏ tình, tôi đã rất vui. Không thể kiềm chế niềm hạnh phúc đó, tôi kể cho mẹ nghe ngay khi đi làm về. Mẹ cũng mừng cho tôi: “Tốt quá, con hãy trân trọng người ta nhé”. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy khó nói chuyện này với bố nên đã dặn mẹ: “Mẹ đừng nói cho bố biết nhé!”. Cứ như vậy đã hai năm trôi qua, hôm trước anh ấy cũng bảo tôi rằng muốn được giới thiệu với gia đình. Hay nhân cơ hội này nói cho bố biết thử xem sao? Biết đâu vì ngạc nhiên bố sẽ đòi gặp anh ấy? Hơn nữa, bố cũng đâu có lý do gì để phản đối chuyện này. Anh ấy là người rất chân thành, nếu gặp mặt, bố nhất định sẽ thích! Sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi quyết định nói cho bố biết về anh ấy. – Thật ra… con có người yêu rồi. Ngày cuối năm, con sẽ đi cùng anh ấy. – … – Chúng con làm cùng công ty, anh ấy bảo rằng muốn hẹn hò để tiến tới hôn nhân… Anh ấy cũng muốn đến chào hỏi bố mẹ, được không bố? Trong năm thì lại bận rộn nhỉ? – Không, bố không… – Sao ạ? – Bố không gặp anh ta đâu. – Tại sao? Bố không muốn biết người yêu con là người như thế nào sao? – Không, không phải vậy, dù sao thì bố cũng không gặp đâu. Nói xong, bố liền đứng lên đi về phòng ngủ. Lại một lần nữa, tôi không hiểu nổi bố đang nghĩ gì. Ngày 17 tháng 12 năm 1986 Một tuần trước, giám sát Kaneda đã yêu cầu tôi phải làm cả ca ban ngày vào ngày cuối năm. Mệnh lệnh của công ty tuyệt đối không thể làm trái được. Dù cậu ta có kém tôi tận một giáp, nhưng chức vụ lại cao hơn nên tôi không thể không nghe theo. Tôi đã nghĩ trong đầu rất nhiều lần: “Giá mà mình là giám sát thật”. Nếu vậy thì chắc chắn tôi sẽ đi làm mỗi ngày với cảm giác vô cùng tự hào mà không cần phải nói dối bất cứ ai… Nhưng bây giờ, quan trọng nhất là phải làm sao để Sachiko không phát hiện ra lời nói dối đây? Đen đủi nhất là tại sao con bé lại đi đúng ngày cuối năm chứ? Hôm trước, Sachiko cố ý bắt chuyện với mình chẳng phải để nói chuyện về người yêu của con bé sao? Tôi cứ nghĩ nó đơn giản thân mật hỏi thăm tôi, nhưng chắc chắn nó chỉ lấy đó làm cái cớ thôi. Nghĩ đến vậy, tôi bỗng thấy buồn. Có lẽ đây là cảm giác mà ông bố có con gái nào cũng phải trải qua. Nói vậy không có nghĩa là tôi phản đối chuyện Sachiko có bạn trai. Tôi đã qua rồi độ tuổi thích can thiệp vào chuyện người khác, và hơn hết, tôi cũng đã biết chuyện đó từ trước rồi. Nhiều tháng trước, tôi đã vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa Sachiko và mẹ nó. Nhưng có vẻ như con bé không có ý định kể cho tôi nghe. Tại sao Sachiko lại giấu tôi chuyện nó có người yêu? Cái thời mà con bé cái gì cũng “bố ơi, bố ơi” sẽ không bao giờ quay trở lại nữa sao? Con bé bây giờ đã trưởng thành, có thể tự trang trải học phí, tự mua sắm quần áo, vai trò làm bố của tôi đã hoàn thành và chấm dứt rồi sao? Nếu tôi vô tình gặp Sachiko và bạn nó trong công viên thì sao đây? Tôi đã sĩ diện ưỡn ngực nói với nó rằng: “Bố đã tốt nghiệp công việc dọn dẹp rồi”. Tôi phải làm thế nào để nói với nó: “Tất cả chỉ là nói dối?”. Mới chỉ tưởng tượng đến cảnh tôi vừa cầm chổi và cái hốt rác vừa chào người yêu của Sachiko: “Rất vui được gặp cháu, hãy yêu thương con gái bác nhé!” là tôi đã thấy chán ghét bản thân rồi. Bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực, trách móc xuất hiện trong đầu tôi. Kể cả lúc đang thay quần áo, tôi vẫn không ngừng tự vấn bản thân. Bỗng giám sát Kaneda đến gần tôi. – Anh Minagawa ơi, về ngày cuối năm ấy… “Dù là thương cảm hay vì lý do gì cũng được, chỉ cần đừng bắt tôi làm ca ngày được không?”, tôi thầm cầu điều ước nhỏ nhoi và nghe tiếp lời anh Kaneda nói. – … Anh sẽ phụ trách khu vực gần Western Land, nơi anh vẫn thường làm nhé. – Vâng… nhưng nếu được, tôi có thể phụ trách khu vực ngoài công viên không? – Ngoài công viên? – Vâng. – Điều này hơi khó. Em hiểu anh không muốn con gái nhìn thấy nhưng đây là lần đầu tiên anh làm ca ngày, có thể phải tiếp xúc với quan khách nên em nghĩ anh nên phụ trách khu vực quen thuộc của mình. – Anh Kaneda trả lời. Hồi Sachiko còn nhỏ, tôi rất tự hào về công việc này vì tôi đã nuôi sống cả gia đình bằng chính sức lao động của mình. Không chỉ vậy, tôi luôn có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái khi ngắm nhìn mọi người bước đi trên sàn nhà sạch bóng, và thích thú với những bước chân tạo ra âm thanh “lanh canh” vui tai. Nhưng cùng với sự trưởng thành của con gái, chẳng hiểu sao niềm tự hào đó cứ ngày một nhỏ dần đi trong tôi. Có quá nhiều áp lực, về công việc, rồi việc làm cha làm mẹ, rồi cả việc phải nói dối này nữa… Dù vì lý do oái oăm gì chăng nữa, tôi cũng không thể thay đổi được sự thật là mình đã nói dối. Hay tôi cứ nói đại rằng: “Bố lại bị chuyển xuống làm nhân viên quét dọn rồi!” xem sao? Biết đâu con bé sẽ không phản ứng gì và mọi chuyện lại được giải quyết ổn thỏa. Không, quan trọng nhất là không để Sachiko và bạn nó nhìn thấy tôi vào ngày hôm đó là được. Disneyland rộng lớn như vậy, vô tình chạm mặt nhau mới là thần kỳ đấy! Ngày 23 tháng 12 năm 1986 Đã 3 tuần trôi qua, tôi bị cuốn vào vòng xoáy công việc bận rộn nên cũng dần quên đi việc bố có nói dối hay không. Hơn nữa, tôi vẫn còn hối hận khi nói cho bố biết về người yêu của mình. Tôi ngồi trên tàu điện trở về nhà mà lòng đầy trăn trở, làm sao để bố chịu gặp anh ấy đây? Hóa ra từ đầu bố vốn đã không muốn gặp rồi sao? Lần này tôi sẽ không thông báo bất ngờ nữa mà sẽ hẹn bố đàng hoàng rồi năn nỉ bố gặp anh ấy. Nhưng vì hai bố con khác biệt giờ làm, nên mãi tôi vẫn chưa gặp được ông để có một cuộc nói chuyện tử tế. Sau khi nói với người yêu: “Anh đợi thêm một thời gian nhé!”, tôi kể cho anh nghe chuyện không biết bố có đang nói dối về công việc của mình không. Anh nhẹ nhàng trả lời: “Dù làm gì thì ông vẫn là ông mà. Sao phải mất công đi kiểm chứng hả em?”. Anh trả lời vậy cũng không làm tâm trạng tôi bớt u ám đi mấy. Bước trên con đường về nhà, tôi vẫn không thôi suy nghĩ. Vừa đến trước hiên nhà thì cánh cửa bật mở, mẹ tôi cầm một hộp cơm đi ra. – Con chào mẹ. – A, Sachiko đã về rồi hả con? – Đây là cơm hộp cho bố ạ? – Ừ, mẹ đã làm xong hết rồi mà bố con lại quên mang đi. Tôi nhìn đồng hồ, đã quá 10 giờ tối rồi. Tôi bỗng nhớ tới những lời nói của chị đồng nghiệp. Bố tôi bảo bố đang làm giám sát, còn chị ấy bảo ông làm Night Custodial. Từ đây đến Disneyland mất chưa đến 30 phút đi xe. “Biết đâu đây chính là cơ hội để mình tìm hiểu sự thật,” – tôi nghĩ. – Mẹ để con mang đi cho. – Hả? Mất công con lắm, không cần đâu. – Nhưng chẳng phải mẹ đang định mang đi sao? – Ừ… nhưng mà thôi không sao đâu. Bố con có phải trẻ con nữa đâu, với lại bố con nói ở đấy cũng có căng-tin mà. – Có phải mẹ biết bố nói dối con nên mới bảo con không cần mang cơm cho bố đúng không? – … – Thật ra bố không phải giám sát mà là nhân viên quét dọn đúng không mẹ? – Sachiko… con biết rồi sao? – Tại sao bố lại nói dối con? – Không phải bố nói dối con đâu. – Bố không nói thật thì là nói dối rồi còn gì. – Không phải, không phải đâu Sachiko. Tôi cùng mẹ vào nhà. Trong lúc mẹ pha trà, tôi vào phòng thay quần áo rồi trở lại phòng khách. Dù chỉ là loại trà rẻ tiền mua ở siêu thị nhưng tỏa hương thơm ngào ngạt làm tinh thần người ta thấy thoải mái y như trà cao cấp vậy. Tôi cho hai thìa đường vào cốc trà, uống một ngụm rồi đặt cốc xuống bàn. Mẹ tôi nhẹ nhàng bắt đầu câu chuyện.
– Sachiko à.
– Dạ?
– Con có giận việc bố nói dối con không?
– Con cũng không biết mình có giận hay không. Con chỉ thấy không thoải mái thôi.
– Ừ, nói dối là không đúng. Nhưng giờ con đã là người lớn rồi, vậy nên mẹ mong con hãy tha thứ cho bố.
– Tha thứ?… Con không thù ghét gì bố cả, con chỉ muốn biết tại sao bố lại nói dối con thôi. Mẹ tay vẫn cầm chặt cốc và tiếp tục nói:
– Con có nhớ lúc con 6 tuổi, có lần con cùng mẹ đến chỗ làm của bố không? – Con đi cùng mẹ sao?
– Ừ, hôm mẹ con mình đi mua quần áo để mặc đi dự đám cưới dì của Nigata đó. Lúc về mẹ con mình đã tạt qua chỗ bố làm để tạo bất ngờ.
– À, vâng… con nhớ rồi. – Tòa nhà bố quét dọn khi ấy rất là lớn.
– Vâng, đúng rồi. Đó là một công ty thương mại nào đó, con nhớ có rất nhiều nhân viên văn phòng đi qua đi lại.
– Đúng rồi, khi con nhìn thấy những nhân viên đó, con có nói rằng: Ước gì bố cũng như thế nhỉ?
– Con có nói vậy sao? Con không nhớ gì cả…
– Bố con vô tình nghe được rồi ông cứ nhìn xuống chân mình.
– Chân?
– Ống quần trắng ông đang mặc đã biến thành màu xám do dính đầy sáp và nước bẩn.
– Con không hề có ý đó…
– Mẹ hiểu mà, mẹ không trách con. Mẹ chỉ mong con hãy hiểu tâm lý bố, tại sao ông ấy lại nói dối con.
– Con chưa bao giờ xấu hổ vì công việc của bố cả. Trái lại, con còn rất tự hào vì sự chuyên tâm của bố.
– Ừ, mẹ cũng biết điều đó. Nhưng đối với bố con, khoảnh khắc đó mãi mãi ám ảnh ông. Có khi ông ấy cũng không nhớ những lời con nói đâu nhưng trong vô thức, ông ấy đã nảy sinh cảm giác rằng công việc của mình là thấp kém.
– Con đã làm tổn thương bố rồi…
– Không phải tổn thương mà có lẽ ông ấy cảm thấy có lỗi với con nhiều hơn. Vậy nên hãy hiểu cho bố con, ông ấy không nói dối để tạo hình ảnh đẹp với con đâu mà chỉ là nói dối để mong bé Sachiko hạnh phúc hơn thôi.
– … – Sachiko, con có biết ước mơ của bố con là gì không?
– Ước mơ của bố ạ?
– Ừ, ước mơ của bố con không phải là thăng quan tiến chức, cũng không phải là kiếm thật nhiều tiền, điều ông ấy mong muốn nhất là con được hạnh phúc. Có lẽ đây chỉ là một điều ước bình dị nhưng ông đã luôn mơ ước giản đơn như vậy từ khi con còn trong bụng mẹ. Vì vậy, chúng ta mới đặt tên con là Sachiko(2) đấy. Tôi tự thấy xấu hổ. Bố không lừa dối tôi mà tôi đã buộc ông phải làm thế. Chắc bố đang cảm thấy hối hận lắm vì đã nói dối tôi. Làm sao tôi có thể giúp ông rũ bỏ được cảm giác đau khổ đó? Làm sao để ông nói ra sự thật đây? Đúng lúc đó, tôi chợt nghĩ ra một cách. Ngày cuối năm, 31 tháng 12 năm 1986 Hôm đó là ngày đầu tiên Disneyland mở cửa xuyên đêm. Cuối cùng, cho đến ngày cuối năm tôi vẫn chưa thể nói sự thật cho Sachiko. Tôi vào vị trí làm việc, thầm cầu nguyện: “Xin ngày hôm nay hãy trôi qua bình yên. Xin đừng để ai phát hiện ra con”. Lần đầu tôi làm ca ngày, công viên đúng là cực kỳ lộng lẫy, khác hẳn hình ảnh tĩnh mịch về đêm tôi vẫn nhìn thấy thường ngày. Nào là những gia đình chụp ảnh chung với chuột Mickey và vịt Donald, nào là những cô cậu thanh niên đeo máy ảnh trước cổ, các cặp đôi vừa xem bản đồ vừa đi dạo quanh công viên, thật nhộn nhịp quá sức tưởng tượng của tôi. Hơn hết là các vị khách bắt chuyện với tôi rất vui vẻ. Dường như ở Disneyland, sự tồn tại của nhân viên quét dọn là điều gần gũi nhất đối với khách tham quan. Các đồng nghiệp của tôi cũng đang vô cùng vui vẻ. Tôi tiếp tục công việc của mình, đội chiếc mũ cụp xuống để tránh bị Sachiko nhìn thấy. Đúng lúc kim đồng hồ kiểu cổ ở Western Land chuẩn bị chỉ 12 giờ trưa, đường dây điện đàm số 1 phát tiếng. Có một vị khách bị mất nhẫn trong công viên rộng lớn này. Sau đó, mỗi khu vực cử hai người, tập trung lại được mười người, trong đó có tôi, bắt đầu tìm kiếm chiếc nhẫn. Vì nghĩ rằng đồ có thể bị rơi trong thùng rác của công viên nên tôi tìm kiếm tất cả những chỗ có thể như khu tập trung rác ở Tomorrow Land. Sau khi tìm kiếm khoảng 3 giờ đồng hồ, anh Kaneda đến chỗ tôi. – Anh Minagawa ơi, thế nào rồi? Có tìm được không? – Làm sao tìm được hả anh, ngay cả rơi ở đâu cũng không biết thì làm sao tìm? – Em hiểu mà, nhưng cứ thử tìm thêm anh nhé. Hình như đấy là một chiếc nhẫn rất quan trọng. – Quan trọng? – Vâng, hình như là nhẫn đính hôn. – Vậy à? Người làm rơi chắc đang buồn lắm, nhưng ở công viên rộng thế này thì việc tìm được chiếc nhẫn đó như mò kim đáy bể vậy. – Em biết là vậy nhưng Disneyland là vương quốc của những giấc mơ. Cảm giác sẽ ra sao nếu ngay một giây trước anh còn đang ngập tràn niềm vui trong giấc mơ, một giây sau tỉnh giấc anh bỗng phát hiện một đồ vật quan trọng của mình biến mất? Cảm giác sẽ vô cùng thất vọng. Vậy nên, đồ bị rơi ở vương quốc của những giấc mơ này nhất định phải tìm được. – Anh Kaneda à, có cần thiết phải như thế không? Người đó cũng có lỗi khi làm mất một vật quan trọng như thế mà. Tôi đã tìm hết sức rồi, thật sự là làm quá sức giới hạn của tôi rồi. – Anh Minagawa à, giới hạn là khi anh bỏ cuộc. – …!
– Em đã học điều đó từ Thần quét dọn.
– Thần quét dọn?
– Vâng, ông ấy tên là Chuck Boyajian, là quản lý đầu tiên của đội Night Custodial, người được ông Walt Disney đặt trọn niềm tin. Lúc Disneyland vừa ra đời, khi đến hướng dẫn chúng em, ông đã nói thế này: “Bất kể việc gì bạn cảm thấy mình không làm được, chỉ cần tin tưởng và cố gắng, sẽ có lúc bạn có thể vượt qua giới hạn bản thân”. Tôi cảm thấy bất ngờ khi nghe được những lời đó. Nghĩ lại thì lúc nào tôi cũng tự quyết định giới hạn cho bản thân: “Mình làm thế này là đủ rồi”. “Mình làm được thế này là đáng khen ngợi rồi”. Đối với Sachiko cũng vậy, tôi nghĩ rằng: “Vì con bé đã trưởng thành rồi nên vai trò người bố của mình vậy là xong”. Vậy nên tôi mới có những suy nghĩ bao biện rằng không mở lòng nói chuyện với con bé được cũng là chuyện đương nhiên thôi. Việc gì cũng vậy, khi bạn không đặt ra giới hạn mà cứ nỗ lực hết mình, bạn mới thấy được thực lực thật sự của bản thân mình. Không, không phải là tôi vừa phát hiện ra điều gì mới, chỉ là tôi đang tự nhìn nhận lại bản thân thôi. Giá như bây giờ tôi có thể lấy lại niềm tự hào công việc tôi luôn có trước đây. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi, rằng nếu có thể tìm được chiếc nhẫn nhỏ xíu trong công viên rộng lớn này, tôi sẽ trở lại là chính mình, ưỡn ngực tự hào nói với Sachiko: “Bố là nhân viên quét dọn”. Và dù cho không tìm được chăng nữa, tôi cũng không hối hận vì như anh Kaneda nói, tôi đã tin tưởng và cố gắng. Bây giờ, tôi sẽ vượt qua giới hạn này. Và sau đó, tiếp tục vượt qua những giới hạn khác của bản thân, tôi sẽ không sống cuộc đời của một kẻ nói dối nữa. Tự hứa với bản thân như vậy, tôi chỉnh chiếc mũ lại ngay ngắn, không để nó cụp xuống che hết mặt nữa, và tiếp tục lao vào tìm chiếc nhẫn. Chẳng mấy chốc, trời bắt đầu tối.
Đã 5 tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa có kết quả gì dù tôi đã tìm tất cả mọi ngóc ngách, đến nỗi không còn chỗ nào để tìm nữa. Đúng lúc đấy, một tiếng còi vang lên sau lưng tôi, tiếng còi từ chiếc tàu hơi nước ba tầng Mark Twain. Dĩ nhiên không có ai ở trên tàu Mark Twain vào ban đêm cả nên chiếc tàu Mark Twain chở đầy hành khách như hôm nay trông thật sống động và nhộn nhịp. “Có khi nào ở trên tàu không? Mình sẽ lên tàu tìm thử trong thời gian ngắn ngủi đoàn khách ra vào.”
– Tôi nghĩ. Khi tàu đỗ vào bờ, tôi nhanh chóng nhảy lên. Tàu sẽ dừng lại một chút trước khi toàn bộ khu vực sáng đèn lên đón khách. Cầm đèn pin, tôi chạy lên tầng cao nhất, tìm đến từng góc nhỏ trên boong tàu. Chợt tôi nhìn thấy một vật nhỏ bé sáng lấp lánh một góc boong tàu nơi cắm lá cờ Mỹ. Tôi lập tức với tay lấy, đó chính là chiếc nhẫn, không phải một món đồ chơi mà là một chiếc nhẫn thật sự. Tôi lập tức liên hệ với Kaneda qua điện đàm. Những đặc điểm mà tôi miêu tả gần như trùng khớp với những đặc điểm mà người chủ chiếc nhẫn đã nói. Tôi nhẹ nhàng dùng khăn mùi soa gói chiếc nhẫn vào. Trong lúc đi xuống cầu thang, cuốn sổ trong buồng lái bỗng đập vào mắt tôi. Đó là cuốn sổ dành cho các hành khách viết lại cảm tưởng và suy nghĩ của mình.
Tôi nhớ lại lời Sachiko: “Con cũng muốn đến Mark Twain vào ngày cuối năm”. Không biết con bé có cùng người quan trọng kia đến con tàu này không nhỉ? Lần đầu tiên đến Disneyland vào ban đêm, không biết con bé có vui không? Mới lúc nãy thôi, tôi còn lo sợ đến nỗi phải đội mũ cụp xuống để không bị phát hiện, còn chẳng có thời gian nghĩ xem liệu con bé có vui không.
Vô giác tôi mở cuốn sổ ra, vừa nhìn vào trang đang mở, toàn thân tôi như rã rời. “Con thích nhất được nhìn bố trong bộ đồng phục màu trắng. Ký tên: Sachiko.” Đây đúng là chữ của Sachiko rồi. Từ nhỏ chữ con bé đã hơi nghiêng sang bên phải một chút. Bộ đồng phục màu trắng…? Con bé đã biết chuyện tôi là nhân viên quét dọn rồi sao? Hay đây là một thông điệp dành cho tôi? Con bé đang cho tôi một cơ hội để nói ra sự thật chăng? Từ nhỏ Sachiko đã là một đứa thông minh, đáng yêu rồi. Tôi yêu nhất những lúc lén dẫn con bé đến chỗ làm, ngắm nhìn con hồn nhiên nô đùa trên sàn nhà bóng loáng làm tôi quên hết đi mọi mệt mỏi. Tôi cảm thấy biết ơn chiếc nhẫn này. Có lẽ do tôi không bỏ cuộc mà quyết tâm tìm đến cùng nên thần linh đã dẫn tôi đến đây. “Giới hạn là do bản thân mình tự quyết định! Càng không phải việc người khác có thể quyết định.”
– Tôi nghĩ vậy. Tôi đặt cuốn sổ lại chỗ cũ và đi xuống tàu. Anh Kaneda đã đứng chờ tôi phía dưới từ lúc nào. Anh ấy mừng rỡ nói: “Anh vất vả rồi!” và nắm chặt tay tôi. Tôi cũng nắm lại tay anh. Chúng tôi nhanh chóng đi đến chỗ chủ nhân chiếc nhẫn. Chủ nhân chiếc nhẫn là một người đàn ông rất trẻ. Cậu ấy nói rằng đây là chiếc nhẫn cầu hôn, một vật rất quan trọng đối với cuộc đời cậu. Cậu ấy rất vui, cám ơn chúng tôi liên hồi. Nhìn thấy khuôn mặt hạnh phúc đó, bao mệt nhọc vì tìm kiếm chiếc nhẫn như tan biến.
– Cháu định cầu hôn cô ấy ở đây tối nay. Cháu muốn trực tiếp đeo vào tay cô ấy, nhưng vừa định lấy ra khỏi hộp thì nó đã rơi đâu không biết…
– Anh nói. “Thật may mắn, vậy là không lãng phí khoảnh khắc để đời rồi.”
– Tôi thật lòng nghĩ vậy. Và động viên cậu: “Chúc cháu thành công nhé!”. Chàng trai tươi cười: “Vâng ạ!” rồi cẩn thận cho chiếc nhẫn vào hộp. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa đến vậy. “Bất kể việc gì bạn cảm thấy mình không làm được, chỉ cần tin tưởng và cố gắng, sẽ có lúc bạn có thể vượt qua giới hạn bản thân.” Tôi tin đây chính là khoảnh khắc đó. Những nhân viên tìm nhẫn và cả vị khách làm rơi nhẫn đều cùng có chung niềm tin và cố gắng, nhờ vậy chúng tôi đã tìm được chiếc nhẫn. Có lẽ cả đời tôi cũng không quên được câu chuyện cảm động này. Bỗng tôi có cảm giác ai đó đang gọi mình từ phía sau. Tôi quay lại và thấy Sachiko, trang điểm xinh đẹp hơn bao giờ hết, đang đứng đó.
– Bố! Chàng trai đã cho hộp nhẫn vào túi, đi về hướng Sachiko và gọi: Sachiko em! Hình như chiếc nhẫn ấy dành cho Sachiko. Tôi thật lòng cảm ơn phép màu này. Tôi nhớ ra một việc cần phải nói cho Sachiko biết. Tôi hít một hơi thật sâu rồi nhìn thẳng vào mắt Sachiko và nói:
– Bố đã đọc cuốn sổ rồi.
– Thế ạ? Con nghĩ rằng nếu viết ở đó, nhất định có một ngày bố sẽ đọc được. Vì bố từng bảo con rằng cuốn sổ này là cách giao tiếp của những người làm đêm với khách vào thời gian nghỉ như thế này.
– Bố không nghĩ là con lại nhớ kỹ câu chuyện của bố như vậy.
– Tất nhiên là con nhớ chứ. Từ nhỏ con đã thích nghe bố kể chuyện rồi.
– Vậy sao, bố xin lỗi. – Không, người phải xin lỗi là con. Bố à, con xin lỗi.
– Tại sao Sachiko lại xin lỗi bố? Người phải xin lỗi là bố chứ?
– Không, là con. Tôi nhớ ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Đó là “ước mơ” làm bé Sachiko hạnh phúc. Tôi đã quên cả việc mình từng có ước mơ như vậy. Vì cứ đổ lỗi cho công việc, đổ lỗi cho sự trưởng thành của con gái mà tôi đã đánh mất niềm tin vào bản thân mình, đánh mất cả điều quan trọng nhất đối với bản thân. Khoảnh khắc tìm thấy chiếc nhẫn, vượt qua giới hạn của bản thân, tôi đã bước một bước gần hơn đến ước mơ của mình. Tôi đã tìm ra được chiếc nhẫn – một vật có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Sachiko. Mắt chàng trai sáng lấp lánh, anh nhìn vào mắt Sachiko rồi hỏi: “Từ nay về sau, hãy để anh được làm Sachiko hạnh phúc nhé?”. Rồi cậu quỳ một chân, đeo chiếc nhẫn xinh đẹp ấy lên tay con bé. Tôi nói những điều chất chứa trong sâu thẳm cõi lòng từ lâu rồi.
– Sachiko!
– Sao vậy bố?
– Hãy sống hạnh phúc nhé con! Sachiko vừa khóc vừa gật đầu liên tục. Hiện giờ, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về bộ đồng phục trắng này. Và từ nay cho đến mãi về sau, tôi sẽ luôn cầu chúc cho hạnh phúc của Sachiko trên con đường mới của cuộc đời.
Ngày 4 tháng 01 năm 1987 Ngày mở cửa 24/24 cuối năm đầu tiên của Disneyland Tokyo thành công ngoài mong đợi. Minagawa, người từ chối làm ca ngày, cũng đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về công việc vào ngày hôm đó. Ông đã vượt qua cảm giác thấp kém khi nghĩ về công việc quét dọn. Hiện giờ ông đang vui vẻ làm việc hơn bao giờ hết, thậm chí ông còn có cảm giác rằng mình đang thực hiện một sứ mệnh. Đó có lẽ là do ông không tự đưa ra giới hạn của bản thân nữa mà chỉ tập trung nỗ lực vào công việc. Nhờ câu chuyện này, tôi cũng tự hoàn thiện bản thân mình và nhớ lại những lời dạy của thầy. “Bất kể việc gì bạn cảm thấy mình không làm được, chỉ cần tin tưởng và cố gắng, sẽ có lúc bạn có thể vượt qua giới hạn bản thân.” Tôi khắc sâu lời dạy đó trong tim thêm một lần nữa mỗi lần đi tuần tra vòng quanh công viên ban đêm. Và trong một đêm đi tuần, vừa bước vào khu sân khấu biểu diễn của chuột Mickey, tôi bỗng nghe thấy một âm thanh lạ nghe như tiếng rên rỉ của một con vật. Đi về hướng phát ra âm thanh, đập vào mắt tôi là một cảnh tượng không thể tin nổi.