(2021) Đọc cuốn Sống đẹp - Lâm Ngữ Đường  🕮 Tổng số sách đã đọc được: 219 quyển

Triết lí về nhân sinh đó do bốn phần tử dưới đây tạo thành: tinh thần thực tế rất cao, tinh thần lí tưởng hơi thấp, tinh thần hài hước rất phát triển, và thi cảm thì mẫn nhuệ. Hình như thực tế và lí tưởng là hai động lực mạnh nhất của sự tấn bộ. Hai động lực đó chống đối nhau trong mọi hoạt động của con người, chỉ khi nào chúng hòa hợp nhau một cách thích đáng thì mới thực có sự tấn bộ.
tôi cho rằng loài người quí hơn loài vật ở những điểm này: biết tò mò một cách không vị lợi, có xu hướng tự nhiên tìm hiểu tri thức, có khả năng mộng tưởng, hoài bão một lí tưởng cao, mà cũng có khả năng (rất quan trọng) dùng tinh thần hài hước và tinh thần thực tế mạnh mẽ để kiểm chứng mộng tưởng mà hãm bớt lí tưởng lại. Sau cùng, có khả năng không phản ứng với hoàn cảnh như một cái máy mà biết tính toán, quyết định những phản ứng của mình, cải biến hoàn cảnh theo ý mình. Nói cách khác, con người là một sinh vật tò mò, mơ mộng, hài hước và ngông.
Thái độ của người Trung Hoa có thể tóm trong câu này: “Cái gì cũng nên vừa phải thôi”, đừng đòi hỏi nhiều quá hay ít quá. Con người ở giữa cái khoảng trời, đất, giữa cái lí tưởng và cái thực tế, giữa những tư tưởng cao thượng và những tình dục đê hèn
Bản chất của con người đã như vậy (không hoàn toàn tốt, không hoàn toàn xấu) thì thái độ phải chăng, hợp lí là tìm cách thích ứng với nó. Với lại cũng không có cách nào tránh được nó kia mà.
Tôi cho rằng về phương diện sinh lí, đời sống con người không khác chi một bài thơ. Nó có vần luật, tiết điệu, có những chu kì thịnh suy của nó. Mới đầu là tuổi nhỏ ngây thơ rồi tới tuổi xuân vụng về, rán thích ứng với xã hội, nhiều nhiệt tình, nhiều tham vọng, dại dột mà có lí tưởng; tiếp tới một tuổi hoạt động kịch liệt, rút được nhiều kinh nghiệm trong xã hội và về bản chất con người; tới tuổi trung niên, hoạt động giảm đi, tính tình dịu đi, như một trái cây đương chín hoặc một thứ rượu ngon đã hết nồng, đối với nhân sinh lần lần có một quan niệm khoan dung hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng ngạo nghễ hơn, “bất chấp” hơn; rồi tới khi bắt đầu xế bóng, các hạch nội tiết hoạt động giảm đi, chúng ta mới thật là có được cái triết lí của tuổi già, cái tuổi hòa bình, ổn định, nhàn dật mà mãn nguyện; sau cùng, sinh mệnh tàn lụi và ta ngủ một giấc vĩnh viễn. Đáng lẽ, người ta phải nhận được cái đẹp của những nhịp điệu đó trong đời sống như nhận được cái đẹp trong những bản đại hòa tấu chứ; nhận được chủ đề, những chỗ gấp, chỗ khoan cùng chỗ hòa âm cuối cùng của nó. Sự tiến triển của các chu kì trong một đời sống bình thường thì đại thể là như vậy; nhưng bản nhạc của đời cũng do cá nhân diễn tấu nữa. Một vài người tấu vụng, nhiều âm không điều hòa, mỗi lúc một lớn mãi lên, át hẳn cả điệu chính, có khi còn làm cho khúc nhạc phải nhưng lại và người đó phải nhảy xuống sông hoặc bắn một phát súng vào đầu mình. Chỉ tại những người đó thiếu sự giáo dục, chứ bình thường thì đời người phải tiến trong một một cuộc vận chuyển rất mực nghiêm túc.
Ai cũng phải nhận rằng đời người từ tuổi thơ, tuổi tráng niên tới tuổi già là một sự hòa hợp mĩ mãn, cũng như ngày thì có buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều mà năm thì có bốn mùa. Không có cái gì tự nó tốt hay xấu. Hễ hợp với tuổi với mùa thì là tốt. Nếu chấp nhận quan niệm sinh lí đó và rán sống hòa hợp với tuổi của mình thì chỉ trừ những kẻ điên rồ, tự cao tự đại, hoặc hoài bão những lí tưởng viễn vông, còn thì ai cũng nhận rằng đời có thể đẹp như một bài thơ.
Sự diễn tiến của lịch sử nhân loại giống với cuộc hành trình qua Tây Thiên của những động vật nửa người nửa thú trong truyện đó. Con khỉ Tôn Ngộ Không tượng trưng sự thông minh của loài người; con heo Trư Bát Giới tượng trưng cái phần bẩm tính thấp nhất của chúng ta, Sa Họa thượng tượng trưng cái lẽ phải thông thường; còn Huyền Trang pháp sư tượng trưng trí tuệ và thánh đạo. Pháp Sư được bọn tùy tòng kì quái đó hộ vệ, từ Trung Hoa qua Tây Trúc thỉnh kinh. Lịch sử tấn bộ của loài người y hệt cuộc hành trình của bọn người có nhiều khuyết điểm đó, vì ngu xuẩn hoặc vì tàn ác mà luôn luôn gặp tai nạn hoặc gặp những tình cảnh tức cười. Biết bao lần Pháp sư phải trừng trị con khỉ tinh quái và con heo ham mê khoái lạc kia! Trong cuộc hành trình của nhân loại tới sự hoàn thiện của thần, thánh, các bản năng xấu xa xuất hiện liên liền: nhu nhược, giận dữ, muốn phục thù, hung bạo, ham khoái lạc, không độ lượng, nhất là tự cao tự đại. Con người càng tài giỏi thì sức phá hoại càng tăng, và cũng như con khỉ Tôn Ngộ Không có phép đằng vân giá võ, ngày nay chúng ta có thể bay lên mây, lộn nhào trong không trung, nhổ những lông chân của chúng ta để tạo thành những con khỉ khác, sai chúng tấn công kẻ thù của ta, lại có thể gõ cửa Thiên môn, gạt phắt vị thần coi cửa ra một bên, sầm sầm tiến vào đòi được một chỗ ngồi trong cuộc quần tiên đại hội.
Chúng ta thông minh thật, nhưng chưa đủ. Bộ óc của chúng ta chỉ là một đốt xương sống khuếch trương mà thành cho nên công dụng của nó cũng như công dụng của xương sống, chỉ là để cảm thấy cái nguy, kịp thời phản ứng hầu bảo vệ sinh mạng – chứ không phải để suy nghĩ. Về việc suy nghĩ thì thường thường chúng ta dở lắm. Tước sĩ Balfour đáng được lưu danh chỉ nhờ nói được một câu mạnh mẽ này: “Bộ óc con người là một cơ quan để kiếm thức ăn cũng như cái mồm con heo vậy thôi”. Tôi không cho lời đó là ngạo đời mà cho rằng ông sáng suốt hiểu bản chất của chúng ta lắm.
Lòng ái quốc là gì, nếu không phải là lòng yêu những món ngon mà mình được ăn hồi nhỏ?
Khoa thực vật học và động vật học không phát triển ở Trung Hoa vì nhà bác học của họ không thể lạnh lùng ngắm một con cá mà không nghĩ ngay đến cái vị của nó và muốn xực nó. Trông thấy một con nhím, họ nghĩ ngay đến cách làm thịt ra sao cho hết chất độc; đối với họ, chỉ có vấn đề đó là thực tế và quan trọng, còn như loài nhím sống ra sao, có công dụng gì, khi thấy thù địch thì da nó làm sao mà dựng đứng những lông nhọn lên được, tất cả những câu hỏi đó họ cho là phù phiếm, vô ích. Phương Đông phải học môn động vật học và thực vật học của phương Tây, nhưng có thể dạy lại phương Tây cách thưởng thức cây cối, hoa cỏ, chim chóc, động vật.
cái tôn nghiêm đó có bốn đặc tính dưới đây của hạng người phóng lãng mà văn chương Trung Hoa đã đề cao: có tánh tò mò không vị lợi, có khả năng thơ mộng, có tinh thần hài hước để kiểu chính bớt khả năng mơ mộng, và tính cách bất thường, không thể đoán trước được
Tất cả các triết gia Trung Hoa đều nhận trong thâm tâm rằng chỉ có mỗi vấn đề này là khá quan trọng: làm sao hưởng đời được và ai hưởng được đời hơn cả? Không truy cầu sự toàn thiện, không đeo đuổi những mục đích hão huyền, không tìm hiểu những cái không thể biết được; bản chất tầm thường của con người ra sao thì chịu nhận nó như vậy, rồi tự tổ chức lối sống
Trương Trào: “Người đa tình tất hiếu sắc, nhưng kẻ hiếu sắc vị tất đã đa tình”, hoặc như trong câu: “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”.
Ở đời có vô số cái bả nó phỉnh gạt ta và Phật giáo ở Trung Hoa chia nó làm hai loại chính: danh và lợi. Người ta kể chuyện rằng vua Càn Long khi du Giang Nam, một lần đứng trên một ngọn núi, nhìn ra biển thấy thuyền buồm qua lại rất nhiều, hỏi một vị đại thần: “Hàng trăm chiếc thuyền đó đi đâu vậy?”. Vị đại thần đáp chỉ trông thấy có hai chiếc, một chiếc tên Danh, một chiếc tên Lợi. Nhiều người có học tránh được cái bả Lợi, nhưng chỉ hạng vĩ nhân mới tránh được cái bả Danh. Một vị hoà thượng bảo đệ tử: “Tránh cái lợi dễ hơn tránh cái danh. Ngay những bậc ẩn sĩ, những bậc tu hành cũng mong được người ta biết đến mình. Họ muốn giảng kinh thuyết pháp trước đám đông, chứ không muốn ở ẩn trong một cái am nhỏ mà đàm đạo với một đệ tử như chúng mình lúc này đây”. Đệ tử đó đáp: “Bạch thầy, quả thực Thầy là bậc duy nhất tuyệt được lòng ham danh ở đời”. Và vị hoà thượng đó mỉm cười.
Ông cố ông thường mỗi sáng khiêng một đóng gạch lại một nơi khác rồi chiều lại khiêng trở về chỗ cũ, để vận động cơ thể cho khỏi làm biếng. 
1. Mùa hè, tháng bảy, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lửa, không một con chim nào dám bay lại. Mồ hô đổ khắp mình, chảy như suối. Cơm dọn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ, ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao, thì bỗng mây đen cuốn tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất khô như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Chẳng cũng khoái ư? 
2. Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp hỏi han đi đường thuỷ hay đường bộ, cũng chưa kịp mời bạn ngồi ở giường hay ở ghế, vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: “Bà có sẵn đấu rượu như bà Đông Pha không?”. Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư? 
3. Đêm ngồi một mình trong phòng không, đương bực mình vì một con chuột ở đầu giường, sột soạt không biết gậm đồ vật nào hay nhấm cuốn sách nào. Trong lòng nghi hoặc, không biết phải làm sao thì bỗng thấy một chú mèo dữ, đuôi ngoe nguẩy, mắt chăm chú như ngó cái gì. Tôi yên lòng nín thở đợi xem; bỗng nghe kêu chít lên một tiếng nhỏ, con chuột chạy biến đi như gió. Chẳng cũng khoái ư? 
4. Trước thư trai, chặt các cây hải đường rũ lá và các cây tử kinh để trồng một vài cây chuối. Chẳng cũng khoái ư? 
5. Đêm xuân uống rượu với vài bạn hào sĩ (kẻ sĩ hào phóng, lãng mạn), tôi đã nửa say, do dự không biết nên uống nữa hay ngừng. Một đồng tử đứng bên, hiểu ý, đem lại một gói trên mười chiếc pháo bông, tôi đứng dậy châm lửa đốt. Mùi lưu hoàng xông vào mũi, vào óc, toàn thân nhẹ nhàng. Chẳng cũng khoái ư? 
6. Đi chơi ngoài đường thấy hai gã tranh lí với nhau, mắt trợn mặt đỏ, tưởng chừng như không đội trời chung nữa, vậy mà vẫn làm bộ lễ độ, chắp tay đưa lên, khom lưng xuống, miệng đầy những tiếng “chi, hồ” (nghĩa là ngôn ngữ rất nhã nhăn), thao thao bất tuyệt. Bỗng một tráng phu vung tay tiến lại, dõng dạt quát một tiếng, giải tán hai gã kia. Chẳng cũng khoái ư? 
7. Nghe trẻ đọc thuộc sách làu làu như nước trong bình chảy ra. Chẳng cũng khoái ư? 
8. Sau bữa cơm, không biết làm gì, dạo chợ, thấy một món đồ nhỏ, muốn mua. Trả giá cũng gần xong, số tiền chỉ còn cách nhau một chút, mà người bán không chịu nhường, cố tranh cho được. Tôi lấy ở trong tay áo ra một vật giá trị cũng xấp xỉ chỗ sai biệt đó, ném xuống quầy cho người bán hàng. Hắn đổi ngay sắc diện, cười cười, chắp tay thưa “không dám, không dám”. Chẳng cũng khoái ư? 
9. Sau bữa cơm, không biết làm gì, sắp đặt lại một chiếc rương cũ, bỗng thấy hàng chục hàng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn, kẻ mất, nhưng đều toàn là vô hi vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, tôi gom lại, châm lửa đốt hết, nhìn lên trời cao không gợn một chút mây. Chẳng cũng khoái ư? 
10. Một ngày hè, đầu trần chân không, cầm cây dù che nắng, nhìn tráng phu vừa đạp nước vừa hát khúc Ngô. Nước cuồn cuộn đưa lên trắng phau như bạc, như tuyết. Chẳng cũng khoái ư? 

11. Sáng sớm thức dậy, nghe như có tiếng gia nhân than thở rằng: Có người nào mới chết ban đêm. Tôi liền lên tiếng hỏi ai chết, thì chính là một kẻ giảo quyệt mưu mô nhất trong thành. Chẳng cũng khoái ư? 
12. Một ngày hè, dậy sớm, thấy người ta cưa tre làm ống nước ở dưới một mái che. Chẳng cũng khoái ư? 
13. Mưa dầm suốt tháng, sáng nằm ở giường không muốn dậy, như người say rượu hoặc đau. Bỗng nghe chim ríu rít mừng nắng. Tôi vội đưa tay vén màn, đẩy mạnh cửa sổ ngó ra, thấy ánh mặt trời long lanh, rực rỡ và cây trong rừng như mới gội. Chẳng cũng khoái ư? 
14. Ban đêm hình như cảm thấy có người nào đó ở xa nghĩ tới mình, sáng dậy thử lại thăm. Qua cửa sổ ngó vào trong phòng, thấy đúng người đó đương ngồi ở bàn đọc một văn thư. Thấy mình vô, người đó lặng lẽ vái, kéo tay áo bảo ngồi rồi nói: “Bác đã tới đây thì thử đọc văn thư này đi”. Rồi cùng nhau vui cười, cho đến khi ánh mặt trời đã biến hết. Chủ nhân thấy đói, hỏi khách: “Bác cũng đói chứ? Chẳng cũng khoái ư? 
15. Vốn không có ý cất nhà, ngẫu nhiên được một số tiền thì cũng thử cất chơi. Từ hôm đó, không sáng nào, tối nào là không nghe om om bên tai những tiếng kêu thiếu gỗ, thiếu đá, thiếu ngói, thiếu gạch, thiếu vôi, thiếu đinh. Tôi phải chạy khắp nơi kiếm tiền mua thêm, mà trong thời gian đó cũng không thể ở nhà được nữa, cho tới khi an phận chịu cảnh đó vậy. Bỗng một hôm nhà cất xong, tường đã quét vôi, sàn đã lau chùi, cửa sổ đã dán giấy, tranh đã treo. Thợ thuyền về hết, bạn bè tới, chia nhau ngồi. Chẳng cũng khoái ư? 
16. Đêm đông uống rượu, trời chuyển lạnh dữ, đẩy cửa sổ nhìn ra thấy những nấm tuyết lớn phủ mặt đất tới ba bốn tấc. Chẳng cũng khoái ư? 
17. Ngày hè, cầm dao bén cắt một trái dưa hấu vỏ xanh bày trên một cái mâm đỏ. Chẳng cũng khoái ư? 
18. Đã từ lâu muốn làm tì khưu, nhưng khổ nỗi không được công nhiên ăn thịt. Nếu được làm tì khưu, lại được công nhiên ăn thịt thì mùa hè nấu một nồi nước, dùng con dao bén, cao đầu cho sạch. Chẳng cũng khoái ư? 
19. Có ba bốn mảng phong lở ở chỗ kín, thỉnh thoảng đóng cửa lấy thuốc nóng rửa. Chẳng cũng khoái ư? 
20. Mở rương ra, vô tình tìm được một bức thư của cố nhân. Chẳng cũng khoái ư? 
21. Một hàn sĩ lại mượn tiền, nhưng còn ngại ngùng và nói bâng quơ những chuyện đâu đâu; đoán được khổ tâm của bạn, kéo lại chỗ vắng, hỏi cần bao nhiêu; rồi đi vô nhà trong, lấy đủ số ra đưa. Và hỏi bạn có cần về gấp để thu xếp công việc không, nếu không thì ở lại uống vài chén rượu. Chẳng cũng khoái ư? 
22. Ngồi trong chiếc thuyền nhỏ, gặp gió tốt, khổ nỗi không có buồm để giương cho nó hả. Bỗng thấy một chiếc thuyền lớn tiến vùn vụt như gió. Thử liệng cái móc qua, hi vọng níu được. Không ngờ mà móc trúng, rồi lấy dây đỏi cột vào đuôi thuyền lớn, và ngâm hai câu của Đỗ Phủ: “Màu xanh làm ta nhớ tiếc núi, màu đỏ bảo ta rằng có cam quít” (Thanh tích phong loan, hồng tri quất dữu) rồi vui vẻ phá lên cười. Chẳng cũng khoái ư? 
23. Từ lâu muốn kiếm một ngôi nhà để ở với một người bạn, nhưng chưa được chỗ vừa ý. Bỗng có người cho hay có một ngôi nhà không rộng lắm, khoảng trên mười gian, cửa ngó ra sông cái, lại thêm cây cối tươi tốt. Giữ người đó lại, ăn cơm xong rồi cùng đi coi nhà, vì cả hai đều chưa biết ngôi nhà ra sao. Vô khỏi cổng, thấy ngay một khoảng đất trống độ sáu bảy mẫu, sau này khỏi lo thiếu dưa, rau. Chẳng cũng khoái ư? 
24. Xa quê đã lâu mới được về, ngó thấy cửa thành, hai bên bờ sông đàn bà trẻ con đều nói giọng cố hương. Chẳng cũng khoái ư?
 25. Một đồ sứ đẹp đã bể, không sao gắn lại được. Lật đi lật lại, càng nhìn càng bực mình, không biết làm sao. Bảo giao cho người bếp dùng làm gì thì dùng, miễn là khuất mắt mình đi. Chẳng cũng khoái ư? 
26. Mình không phải là bực thánh, làm sao không có lỗi. Ban đêm bất giác làm một việc quấy không ai hay, sáng dậy áy náy, thực không an lòng. Bỗng nhớ rằng theo phép Bồ Tát của nhà Phật, hễ không giấu lỗi tức là sám hối rồi; như vậy bèn vui vẻ kể lỗi ra với khách chung quanh, cả thân lẫn sơ. Chẳng cũng khoái ư? 
27. Nhìn người ta viết chữ triện lớn, chẳng cũng khoái ư?
 28. Mở cửa sổ cho ong bay ra, chẳng cũng khoái ư? 
29. Làm quan huyện, mỗi ngày cho đánh trống lui hầu. Lúc đó, chẳng cũng khoái ư? 
30. Thấy chiếc diều đứt dây, chẳng cũng khoái ư? 
31. Nhìn cảnh đốt đồng, chẳng cũng khoái ư?
 32. Trả hết nợ, chẳng cũng khoái ư?
 33. Đọc truyện Cầu nhiêm khách, chẳng cũng khoái ư?
Ba tật của người Mĩ là tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Họ rất khổ, rất quạo quọ vì ba tật đó cướp mất của họ cái quyền nhàn tản, cái quyền hưởng một buổi chiều an nhàn, vui vẻ. Chúng ta phải quen với ý này đi: ở đời không có gì là tai hoạ cả và bên cạnh cái nghệ thuật làm việc còn có một nghệ thuật cao cả hơn nữa là chẳng làm gì cả.
Phụ nữ nhờ có cảm giác về sinh vật tính sâu sắc hơn đàn ông nên biết rõ điều ấy. Thiếu nữ Trung Hoa nào cũng mơ mộng được bận quần hồng và ngồi kiệu hoa; còn phụ nữ phương Tây thì mơ mộng được bận áo voan và nghe chuông giáo đường khi làm lễ kết hôn. Tôi tin chắc rằng Tạo hoá phú bẩm cho đàn bà tính tình để làm mẹ hơn là làm vợ, nên họ mới có óc thực tế, biết phán đoán, yêu trẻ con và những kẻ yếu, thích săn sóc cho người khác, có nhiều thành kiến, đa cảm… Cho nên triết học mà không kể tới bản năng làm mẹ đó, rán tìm hạnh phúc ở ngoài gia đình cho phụ nữ, là đi lầm đường. Tất cả những người đàn bà vô học hoặc có một học thức lành mạnh đều có mẫu tính, mẫu tính này phát sinh từ hồi nhỏ, càng lớn lên càng mạnh; còn phụ tính của đàn ông ít khi xuất hiện trước ba mươi lăm tuổi, hoặc trước khi con trai hay con gái đầu lòng tròn năm tuổi. Tôi không tin rằng một chàng trai hai mươi lăm tuổi đã muốn có con. Chàng chỉ mê một thiếu nữ nào đó, vô ý mà sinh một đứa con rồi chẳng nghĩ tới nữa, cho tới khi, khoảng ba chục tuổi, chàng mới bỗng nhiên nhận ra rằng mình có một đứa con trai hay gái, có thể dắt nó đi chơi hoặc khoe khoang với bạn bè, và lúc đó chàng mới cảm thấy rằng mình là cha. Đàn bà thì trái lại, cho có con là việc quan trọng nhất trong đời, và khi có con thì từ tính tình đến thói quen đều có thể biến đổi hẳn. Ngay từ khi có mang, họ đã nhìn đời khác trước rồi. Họ đã thấy rõ sứ nạng của mình, mục đích của mình trong đời sống. Tôi đã thấy một thiếu nữ con trong một gia đình Trung Hoa giàu có, được cha mẹ nuông chiều quá đỗi, vậy mà bỗng thành ra can đảm, bỏ ngủ trong mấy tháng để săn sóc con đau. Theo luật tự nhiên, bản năng hi sinh đó không cần thiết cho người cha, vì đàn ông cũng như con vịt hay con ngỗng đực, chỉ lo kiếm ăn nuôi con thôi. Cho nên người đàn bà sẽ đau khổ về tâm lí nếu không sanh con, nuôi con được. Nền văn minh Mĩ làm cho bao nhiêu thiếu nữ diễm lệ như vậy không có cơ hội kết hôn, thì quả thực là không nhân từ với phụ nữ chút nào cả.
Thật lạ lùng, rất ít người nhận được sự quan trọng của nghệ thuật nằm trên giường, mặc dầu, theo tôi, chín phần mười những phát minh lớn lao về triết học, khoa học đã xuất hiện trong óc các nhà bác học khi họ nằm ở giường, hồi hai giờ hay năm giờ sáng. Ai mà đồng ý với tôi rằng nằm nghỉ trên giường là một thú vui lớn trong đời thì tôi cho người đó là thành thực, không đồng ý với tôi thì tôi cho là nói dối[113]. Nghỉ ngơi trên giường là một thái độ về thể chất và tinh thần. Ta cắt hết liên lạc với thế giới chung quanh lui về thế giới tâm tư của ta trong một tư thế nghỉ ngơi, bình tĩnh hợp với sự trầm tư. Có một cách thích nghi, thư thái để nằm trên giường. Khổng Tử, một nghệ thuật gia về lối sống, không bao giờ nằm thẳng cẳng cứng đơ như một cái xác ở trên giường (tẩm bất thi), và luôn luôn nằm nghiêng, mình co quắp lại. Tôi cho rằng quắp chân lại mà nằm là một lạc thú ở đời. Tư thế của cánh tay cũng là một điều rất quan trọng để cho thân thể được khoan khoái và tinh thần được mẫn nhuệ. Tôi nghĩ, nằm ngang không bằng nằm xiên khoảng ba chục độ, trên một chồng gối, một hay hai cánh kê lên đầu. Nằm như vậy thì thi sĩ nào cũng có thể làm được những câu thơ bất hủ, triết gia nào cũng có thể cải cách được tư tưởng của nhân loại và khoa học gia nào cũng có thể tìm ra được những phát minh đánh dấu một thời đại.
Lạ thay, rất ít người nhận được giá trị của sự tĩnh mích và sự trầm tư. Ý nghĩa của nghệ thuật nằm trên giường không phải chỉ là để nghỉ ngơi sau một người làm việc mệt nhọc, hoặc để xả hơi hoàn toàn sau khi tiếp xúc với một hạng người, sau khi khôi hài, đùa cợt với bạn thân, sau khi phải nghe những lời khuyên nhủ rất bực mình của các ông anh, các bà chị, ông nào bà nào cũng muốn sửa tính nết giùm cho mình, muốn mình phải đi vào con đường ngay để khi chết đi, được cứu rỗi. Ý nghĩa có như vậy thật đấy; nhưng còn hơn như vậy thật kia. Vì nếu được luyện cho đúng phép thì nghệ thuật đó còn ý nghĩa là tự vấn lương tâm, tự tỉnh nữa.

SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH 

Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít. Có thể đọc những cuốn sách không có chữ (chẳng hạn cuốn sách ngoài đời) thì mới nói được những câu kinh nhân; có thể hiểu những điều giảng không được thì mới thấu được cái huyền vi nhất của đạo Phật. Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ. Văn chương là sơn thuỷ trên án thư, sơn thuỷ là văn chương trên đất. Thú nhất là đọc sách; đọc sử thì vui ít mà giận nhiều, nhưng chỗ giận đó cũng là chỗ vui. Nên đọc kinh thư vào mùa đông, để tinh thần được chuyên nhất; nên đọc sử vào mùa hè vì ngày dài; nên đọc chư tửvào mùa thu vì nhiều ý lạ; nên đọc chư tập vào mùa xuân vì thời tiết đổi mới. Văn nhân mà bàn về binh thư, phần nhiều là bàn luận trên giấy (nghĩa là trên lí thuyết); võ tướng mà bàn về văn chương, một nửa là nghe lỏm. Người biết đọc sách thì cái gì cũng là sách: sơn thuỷ cũng là sách, cờ rượu cũng là sách, hoa nguyệt cũng là sách. Người biết đi coi phong cảnh thì cái gì cũng là sơn thuỷ: thư sử cũng là sơn thuỷ, hoa nguyệt cũng là sơn thuỷ. Người xưa muốn đọc sách mười năm, du ngoạn sơn thuỷ mười năm, rồi mười năm kiểm điểm lại kinh nghiệm. Tôi nghĩ kiểm điểm chẳng cần tới mười năm, chỉ hai ba năm cũng đủ, còn đọc sách và du ngoạn sơn thuỷ thì gấp hai, gấp năm lần mười năm cũng chưa mãn nguyện. Có lẽ “phải sống ba trăm năm” như Hoàng Cửu Yên nói, may mới đủ chăng? Cổ nhân nói: “Thơ, có khổ rồi mới khéo” (thi tất cùng nhi hậu công) vì có khốn khổ rồi giọng mới có nhiều cảm khái mà dễ có sở trường. Còn hạng người phú quí đã không lo buồn về cảnh nghèo hèn, thì chỉ vịnh về phong vân tuyết lộ, thơ có gì mà hay? Muốn thay đổi đi thì chỉ có cách đi du lịch, để được thấy núi sông, phong thổ, sản vật, nhân tình, hoặc thấy cái khổ của dân chúng sau những cuộc binh đao, trong những năm mất mùa vì hạn vì lụt, rồi tả trong thơ. Thế là mượn cái cùng sầu của người để cung cấp cho sự ngâm vịnh của ta. Vậy thơ cũng bất tất phải khổ rồi mới khéo.