(2021) Đọc 10 cuốn sách về Nguyễn Hiến Lê - Lê Thẩm Dương  🕮 Tổng số sách đã đọc được: 218 quyển
1/ Bảy bước đến thành công - Nguyễn Hiến Lê
2/ Lê Thẩm Duong-Cảm xúc là kẻ thù số 1 của thành công
3/ Lời Khuyên Thanh Niên (NXB Thanh Tân 1966) - Nguyễn Hiến Lê
4/ Luyện Lý Trí (NXB Văn Hóa Thông Tin 2003) - Nguyễn Hiến Lê
5/ Luyện Tinh Thần (NXB Văn Hóa Thông Tin 2000) - Nguyễn Hiến Lê
6/ Nhatbook-Thư-Ngỏ-Gởi-Tuổi-Đôi-Mươi-NXB-Văn-Hóa-Thông-Tin-2011-Nguyễn-Hiến-Lê
7/ Sống 365 Ngày Một Năm (NXB Tổng Hợp 2012) - Nguyễn Hiến Lê
9/ Tay Trắng Làm Nên (NXB Long An 1989) - Nguyễn Hiến Lê
10/  Tổ Chức Công Việc Theo Khoa Học (NXB Văn Hóa Thông Tin 2003) - Nguyễn Hiến Lê
11/ Tương Lai Trong Tay Ta (NXB Văn Hóa Thôn Tin 2005) - Nguyễn Hiến Lê

Thức dậy nhảy ngay xuống sàn là cách luyện nghị lực rất công hiệu vì thái độ của ta lúc đó ảnh hưởng đến thái độ của ta suốt ngày. Những người hoạt động đều có thói quen tốt đó. Khi hành động thành thói quen, rất khó nhổ rễ nó. Tập diệt nó cho kỹ được tức là rèn nghị lực. Lúc mới đầu mất nhiều công phu, nhưng rồi dễ lần lần, cho nên dù việc nhỏ tới đâu đi nữa, cũng phải dùng hết nghị lực làm cho lần đầu có kết quả liền. Nhưng khi thành công được nhiều lần thì việc ta làm sẽ trở nên một tạp quán khác. Lúc đó ta phải tự nhủ: “Ta làm việc này vì muốn như vậy chứ không phải vì thói quen như vậy”. Vì khi một hành động đã thành thói quen thì nó lại làm hại nghị lực của ta.
Khoẻ mạnh. Một câu phương ngôn Ả Rập nói: “Có sức khoẻ thì có hi vọng, có hi vọng thì có tất cả”. Người ốm yếu không thể có một nhân cách mạnh mẽ, mà theo khoa học huyền bí thì muốn có nhiều nhân điện cũng phải có nhiều sức khoẻ
Ông John D. Rockerfeller có lần mướn một người chủ sở suốt ngày có vẻ không làm gì hết, chỉ vơ vẩn ngó mây ngó đất. Nhiều người lấy làm lạ. Ông đáp: “Ông đó vô tích sự ư? Mới rồi ông ta nghĩ ra được một ý, giúp tôi kiếm được cả triệu mỹ kim đấy. Tôi mướn ông ta chỉ để kiếm ý giúp tôi thôi”.
Ông H. F. De Bower, người sáng lập ra Học đường Alexander Hamilton nói: “Một số người thành công vì họ vui vẻ chịu trả giá sự thành công đó, còn những kẻ khác cũng ham muốn thành công lắm, nhưng lại không chịu trả cái giá của nó. Mà giá đó là: dùng hết can đảm của ta để bắt ta chú ý vào vấn đề đương xét, luôn luôn suy nghĩ về nó và quả quyết thực hành cho được điều đã dự định, không lúc nào xao nhãng, dù gặp nghịch cảnh cũng mặc”.
Người ta nói rằng ông A. Edition cần ngủ mỗi đêm từ bốn đến năm giờ thôi. (Có thể như vậy được, nhưng coi hình, tôi nhận thấy trong phòng làm việc của ông có chiếc giường để ông nghỉ ngơi trong khi ông làm việc). Còn tổng thống Wilson lại phải ngủ trên 9 giờ mỗi đêm. Vậy ta thấy rằng ngủ nhiều hay ít là tuỳ mỗi người chứ không có luật nào nhất định hết. Trung bình, người lớn phải ngủ 8 giờ một đêm. Nhưng phải ngủ say thì mới thấy khoẻ người. Ba, bốn giờ ngủ say bồi bổ cơ thể nhiều hơn là 8 giờ ngủ mơ màng, trằn trọc.
Nếu bạn mập quá thì người khác nhìn bạn sẽ có cảm tưởng rằng bạn chậm chạp, ham nhậu nhẹt. Nếu bạn ốm quá thì người ta có cảm tưởng rằng bạn quạu quọ hay đau, không đủ sức làm những việc quan trọng. Những cảm tưởng đó không tốt cho bạn, vậy nên đừng ốm quá đừng mập quá. Phần đông sở dĩ mập quá là vì ăn nhiều mà vận động ít. Có khi đau trong xương, vận động không được mà sinh ra mập. Mập quá thường sinh những bệnh như đường sí (trong nước tiểu có đường), đau tim, đau thận. Công ty bảo hiểm nhân mạng không thích bảo hiểm nhân mạng cho những người mập.
Francis Bacon nói: “Có loại sách chỉ nên nếm, có loại khác chỉ nên nuốt, có ít cuốn cần phải nghiền ngẫm, nghĩa là có những cuốn chỉ nên đọc từng đoạn thôi, những cuốn chỉ đọc qua cho biết và có một ít cuốn phải đọc hết, siêng năng chăm chú đọc rồi suy nghĩ”.
Nhiều người bảo tiếng Việt nghèo. Về vài phương diện, lời đó đúng, như: những danh từ khoa học ta hoàn toàn phải mượn của nước ngoài và cũng mới mượn được chút ít thôi. Những tiếng trừu tượng của ta cũng ít, phải mượn của Trung Quốc. Nhưng nhiều khi tiếng của ta cũng rất phong phú. 
Chắc bạn đã nghe nhiều người cử ra thí dụ sau này. Tiếng Pháp chỉ có một tiếng “Porter” mà tiếng Việt thì có cả chục tiếng như: mang, ẵm, bế, bồng, bưng, cầm, cắp, cáng, cõng, chở, đem, đội, đeo, đèo, gánh, gồng, kèm, khênh, khiêng, khuân, mặc, ôm, quảy, tải, vác, võng, xe, xách, thồ…
Tiếng Pháp chỉ có mỗi một tiếng “Noir” mà tiếng Việt có: đen, mun, mực, ô, hắc.
Tiếng “bọn” cũng vậy, có cả chục tiếng đồng nghĩa như: bầy, bè, đám, đàn, đảng, đoàn, hội, lũ, nhóm, phe, phường, toán, tốp, tụi, vạn
Ông tổ của khoa luyện trí nhớ là Simonides, một thi sĩ Hi Lạp, sống cách đây non 2.500 năm. Một đêm ông dự một đám tiệc có đủ những nhà tai mắt ở thành Athènes. May cho ông, khi tiệc gần tan, ông vừa ra về thì nóc nhà sập, bao nhiêu khách trong phòng chết hết, thịt nát xương tan, không sao nhận diện được, nhưng ông Simonides nhớ được hết tên và chỗ ngồi của từng người, nhờ vậy mà nhận được những xác đó là của ai. Phương pháp luyện trí nhớ của ông tóm tắt như vầy: ông chia mỗi phòng làm năm chục khoảng, mỗi khoảng có một số từ một đến năm chục. Mỗi số làm ông liên tưởng tới một vật hoặc một biểu tượng gì đó, rồi ông chỉ còn tìm một liên lạc giữa vật hoặc biểu tượng đó với đồ đạc trong phòng là nhớ được ngay vị trí những đồ đạc ấy. Ví dụ có một món đồ đặt ở chỗ số 10. Số 10 làm cho ông liên tưởng tới một chục trứng chẳng hạn và ông tìm xem món đồ đó có gì làm cho ông nghĩ tới trứng không. Ông thấy món ấy thuôn thuôn như trứng gà, hoặc vẽ một người mẹ che chở cho con (như gà mẹ úm gà con vậy). Như thế, khi nhớ hình ảnh hoặc bức vẽ của món đồ đó, ông nhớ ngay tới trứng và trứng làm cho ông liên tưởng tới một chục và sau cùng tới số 10. Do đó, ông kiếm lại được vị trí của món đồ
Ông Charles William Eliot, nguyên khoa trưởng đại học Harvard thú rằng hồi mới, ông không sao nhớ được tên những người mới quen, sau ông phải tập, mỗi lần gặp người lạ, ông nhìn thẳng vào mặt người ấy một hồi lâu cho tới khi hình ảnh và tên người đó in vào trong óc ông mới thôi. Sau ông nổi tiếng là bất kỳ ai, ông gặp một lần cũng nhớ được hết.
Bác sĩ W. Melville Arnott, giáo sư trường Y học ở Đại học đường Birmingham (Anh) bảo rằng nghỉ ngơi quá nhiều có thể làm cho cơ thể thay đổi một cách có hại. “Còn sự làm lụng không làm hại cho những bộ phận làm mạnh”. Ông nói thêm: “Làm việc, dù nặng nhọc và đôi khi nguy hiểm đi nữa, mà vẫn ăn đủ, ngủ đủ, nghỉ ngơi đủ thì không hại gì hết, còn có lợi là khác”.
Bà già tám mươi mốt tuổi ở Kansas City, nhận được một cái ghế xích đu của con gái bà gởi tặng, bèn gởi trả lại, với hàng chữ: “Má bận việc quá, không có thì giờ nằm ghế xích đu”.

“Từ xưa tới nay và tới thời gian vô cùng, không bao giờ có hai người sống một cuộc đời y như nhau trên đường đời. Mỗi người có một cuộc phiêu lưu riêng biệt”.
Emerson ra như vầy: “Tìm mọi cách nhìn theo quan điểm của người khác, nhưng luôn luôn hành động theo quan niệm của ta”.
1. Khen vợ. Nếu ông phải hà tiện trong một món nào đó thì xin ông đừng hà tiện về món đường với bà. Bà nhà sẽ làm như mọi để hầu hạ ông, đảm đương kiếm ăn khi ông mất việc, mất sức khoẻ, và chịu bận chiếc áo cũ thêm một năm nữa mà không phàn nàn một lời, nếu ông không ngớt khen bà là người vợ hiền số một. Thật lạ lùng, sao nhiều anh chàng thông minh bực nhất mà không hiểu rằng đàn bà thèm cái món căn bản đó. Họ nghĩ rằng chỉ một việc họ cưới một cô nào đó cũng đủ là lời khen mà cô vợ sẽ nhớ suốt đời rồi. Đàn ông biết rằng mình thành công khi được thăng chức, tăng lương, thưởng mề đai… Còn đàn bà chỉ nhờ có lời khen của chồng mới biết được đời làm vợ của mình có phước hay không. Đàn bà quý những lời tặng như vậy hơn là một ngân phiếu, vì nó chứng tỏ rằng họ thành công trong hôn nhân.

2. Phải rộng lượng và ân cần với vợ. Vì một lẽ gì đó, đàn ông thường tưởng rằng rộng lượng với vợ là đưa cho vợ đủ tiền chi tiêu, rồi thỉnh thoảng đưa thêm một số tiền nào nữa. Này, xin các ông hãy nghe tôi này: sự rộng lượng mà đàn bà mong mỏi ở chồng có rất ít liên lạc với tiền nong.  Và trong đám đông, người chồng tỏ vẻ ân cần với vợ như với một mỹ nhân chưa hề quen biết. Có bao giờ ông ngồi trong khách sạn ngó các cặp vợ chồng không? Thú lắm, nên thỉnh thoảng thử đi. Cặp nào cũng yên lặng ăn. Chồng thì chú hết ý vào miếng gà, mặt chẳng ngó ai, trừ anh bồi ra, mà vợ thì chán ngán mân mê cái khăn bàn. Họ có vẻ như xa lạ với nhau. Trái lại, ông nào dắt tình nhân đi thì xun xoe đỡ cô ta ngồi xuống y như đặt một vật bằng pha lê, sợ nó bể mất, rồi tìm những chuyện hay nhất kể cho cô ta nghe, lựa những món cô ta vừa ý nhất. Tôi còn nhớ một cuộc tiếp tân tại một nhà danh vọng nọ. Đối với mọi người, trừ với bà vợ ra, ông ta lịch thiệp làm sao. Ông ta không hề ngó bà vợ, y như quên rằng có mặt bà ta ở đó. Giá ông ta bớt ân cần với người khác một chút thôi thì chẳng có hại gì cho xã giao của ông mà còn có lợi cho sự vui vẻ trong gia đình ông biết bao không? Ai cũng như ông thì hôn nhân sẽ tan thành li dị, điều ấy có gì lạ. Lòng ân cần, tình hoà nhã, cử chỉ lễ độ, cũng như phép lịch sự phải bắt đầu từ trong gia đình.

3. Săn sóc bề ngoài. Hình như ai cũng nhận rằng chỉ đàn bà mới phải trang điểm mà hễ bà nào mất vẻ xuân của mình thì rồi cũng mất luôn ông chồng. Nhưng còn đàn ông thì sao? Đầu tóc bù xù, râu ria xồm xoàm, đánh cái quần đùi nằm đọc báo! Nếu tôi bảo họ rằng đàn bà cũng thích các ông sạch sẽ, chải chuốt thì chắc họ ngạc nhiên lắm.

4. Hiểu công việc vợ. Chồng phải hiểu rằng công việc nội trợ của vợ buồn chán, bận bịu suốt ngày, đi chợ, may vá giặt ủi, chưa xong bữa sáng đã lo bữa chiều. Ngoài ra, còn phải trông con, nuôi trẻ, săn sóc cả nhà lúc ốm đau. Thường khi công việc bề bộn mà không có người giúp. Mà có được phần thưởng gì đâu, ngoài cái vui thấy gia đình thịnh vượng, hoà thuận. Người chồng phải khuyến khích, hiểu công việc của vợ thì vợ mới hăng hái làm bổn phận được.

5. Phải tiếp tay vợ, cho vợ có thể trông cậy ở chồng được. Một người chồng có thể trông cậy được như vậy quý bằng trăm những anh hùng lãng mạn trong tiểu thuyết. Và chồng chẳng những phải giúp vợ trong những lúc khủng hoảng quan trọng mà cả trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày nữa, chẳng hạn trong việc sắm đồ đạc, dạy con, trong hành động xã hội của vợ…

6. Biểu đồng tình với vợ. Sự thành công trong hôn nhân phần lớn tuỳ theo sự biểu đồng tình và hợp tác của hai bên. Khi giải quyết một tình thế nào trong nhà thì “mình” và “tôi” phải đổi là “chúng ta”. Chúng ta phải nghỉ mát ở đâu?Chúng ta nên thay những nệm ghế trong phòng khách hay nên mua một cái máy đánh chữ? Vợ chồng càng có tinh thần hiểu biết lẫn nhau trong những chức vụ riêng biệt của nhau, thì quyết định càng dễ dàng mà tình hoà hảo càng tăng. Đàn ông thường cho rằng những việc lặt vặt trong nhà như may vá, bếp núc, không đáng cho mình để ý tới. Nhưng nếu đàn ông muốn cho gia đình đầm ấm thì phải bỏ thái độ đó đi. Ừ, tại sao chồng muốn cho vợ chăm chú nghe mình khi mình kể việc trong sở làm mà lại lơ đãng khi vợ kể chuyện mua được món hời cho mình nghe. Nhà văn già tâm lý André Maurois khuyên đàn ông muốn được lòng vợ thì phải “tỏ ý quan tâm tới tất cả những cái gì mà vợ cho là quan trọng: sự trang sức của vợ, những gắng sức của vợ cho nhà cửa thêm vui, đẹp… Có thì giờ thì mua bán với vợ… Bày tỏ ý kiến với vợ… quan tâm tới mọi việc nhỏ trong đời vợ, kinh nghiệm của vợ trong sự dạy dỗ các con, công việc trong những hội mà vợ là hội viên, sự giao du với bè bạn. Nếu vợ thích âm nhạc, hội hoạ, văn chương thì rán tìm hiểu sở thích của vợ. Như vậy chẳng bao lâu chồng sẽ ngạc nhiên thấy mình cũng thích những cái vợ thích”.

7. Yêu “cô nàng”! Nhà văn Vicki Baum viết: “Một người đàn bà được yêu thì luôn luôn thành công”. Được yêu tức là thành công đối với đàn bà. Bổn phận của người chồng là làm cho vợ thấy sự thành công đó. Không phải chỉ đeo một chiếc nhẫn cưới vào ngón tay vợ là đủ đâu, mà phải tỏ ra hàng ngày cho vợ thấy tình yêu của chồng. Mà có cả ngàn cách tỏ cho đàn bà thấy rằng họ được yêu. Nhưng đàn ông ít người hiểu tâm lý đó. Lòng yêu vợ không phải là một tình cảm bồng bột. Nó gồm những đức: tế nhị, lễ độ, cảm xúc và kính trọng. Nhiều người đàn ông nói: “Ai mà hiểu được các bà ấy, tốn công vô ích”. Họ tin rằng đàn ông là mặt trời, đàn bà là mặt trăng, không thể nào hoà hợp nhau được. Họ tin vậy để khỏi phải gắng sức tìm hiểu đàn bà. Nhưng họ không chịu nghĩ rằng đàn bà cũng là người, mà hiểu đàn bà không phải là một việc ngoài sức họ. Vì thiếu gì người đàn ông đã hiểu đàn bà. Nếu ông muốn hiểu bà nhà thì trước hết ông phải yêu bà, tỏ cho bà thấy như vậy đã. Có nhiều ông nhanh nhẩu cướp lời tôi, bảo đàn ông phải lo kiếm cơm cho gia đình, phải tập trung tất cả năng lực vào công việc làm ăn, còn thì giờ đâu để tìm hiểu đàn bà và luyện tập những đức làm chồng. Nhưng nào phải vợ và chồng chỉ sống bằng cơm mà thôi đâu. Trách nhiệm của đàn ông đâu phải chỉ kiếm tiền cho vợ. Đó chỉ mới là bước đầu thôi.

Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu
.

Phép thứ nhì là phép qui nạp. Qui nạp ngược với diễn dịch. Diễn dịch suy từ một sự lý chung đến một sự lý riêng. Qui nạp thì bằng cứ vào nhiều sự lý riêng để gom lại, lập thành một sự lý chung. Ta thấy hoặc biết rằng nhiều người, đồng thời với ta hoặc ở thời trước ta, đều chết. Mỗi cái chết đó là một sự thực riêng về một người. Ta thu cả lại, gom lại, tìm được một luật chung: là người thì ai cũng phải chết. Như vậy là ta dùng phép qui nạp
Cái nhân sinh quan của người khác mà hồi đi học ta đọc ở trong sách và nhận là đúng, chưa chắc đã phải là nhân sinh quan của ta. Muốn cho nó thành nhân sinh quan của ta thì phải đợi khi ta đã sống, đã từng trải ít nhiều để có thể thấy rằng nó đúng với quan niệm của ta về đời sống. Tôi nghĩ rằng sớm lắm cũng từ ba chục tuổi trở lên, nghĩa là ít nhất cũng phải từng trải việc đời được độ mươi năm thì mới có thể nói là có một nhân sinh quan được
Riêng về Thượng Đế (hoặc Thiên Chúa) triết gia Kierkegaard đã nói một câu chí lý: "Muốn chứng minh sự hiện hữu của Thiên chúa là làm một việc điên, gàn. Bởi vì một là Thiên chúa thực sự hiện hữu thì ta không thể nói là chứng minh (cũng như ta không thể chứng minh có anh Ất, nhưng chỉ có thể đưa ra những bằng chứng về anh ta, mà như vậy là ta giả thuyết có anh rồi!) - hai là nếu Thiên chúa không hiện hữu thì càng không thể chứng minh có Ngài được". Vậy tin hay không là ở lòng ta chứ không ở lý trí, và không bao giờ nên thuyết phục ai tin những điều mà mình tin.
Riêng về phần tôi, tôi không bao giờ quan tâm tới khi chết đi, linh hồn tôi còn trường tồn hay không? tôi sẽ sống một kiếp khác hay không? Trên hai chục năm trước đọc câu này của Khổng Tử: " Vị tri sinh, yên tri tử?" (Chưa biết được việc sống, sao biết được việc chết?), tôi cho là hợp lý quá rồi, khỏi phải thắc mắc gì nữa. Lo cái việc sống đi đã. Vấn đề linh hồn bất diệt không quan trọng bằng vấn đề "tam bất hủ" nghĩa là lập đức, lập công, lập ngôn để được bất hủ. Mà ngay như cái điều chết rồi có bất hủ hay không, nghĩa là còn có ai nhắc nhở tới mình hay không, tôi cho là vấn đề phụ nữa. (Chết rồi, còn biết gì không nhỉ?). Điều quan trọng là trong khi sống, có giúp được gì cho đời hay không, vậy thì có lập đức, lập công, lập ngôn cũng là vì hạnh phúc của người khác, chứ không phải là vì cái tiếng tăm ở đời.
"Đời xưa muốn làm sáng đức trong thiên hạ thì trước hết phải trị nước mình; muốn trị nước mình thì trước hết phải tề nhà mình, muốn tề nhà mình thì trước hết phải sửa thân mình, muốn sửa thân mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình, muốn chính cái tâm của mình thì trước hết phải làm cho tinh thành cái ý của minh; muốn làm cho tinh thành cái ý của mình thì trước hết phải có tri thức xác đáng. Tri thức xác đáng ở chỗ xét kỹ mọi vật. "Mọi vật đã xét kỹ thì sau tri thức mới xác đáng; tri thức đã xác đáng thì sau cái ý mới tinh thành; cái ý đã tinh thành thì sau cái tâm mới chính; cái tâm đã chính thì sau cái thân mới được sửa; cái thân đã sửa thì sau nhà mới tề; nhà đã tề thì sau nước mới trị; nước đã trị thì sau thiên hạ mới bình. Từ thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy sự sửa mình làm gốc; gốc loạn mà ngọn trị là điều chưa hề có; cái gốc mình đáng hậu mà lại bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà lại hậu là điều chưa hề có".
Arnold Bennett trong cuốn Sống 24 giờ một ngày nói một câu chí lý, đại ý rằng: Người ta sở dĩ khổ là sống không hợp quy tắc của mình. Bạn thử nhận xét bản thân và nhận xét những người chung quanh xem có phải như vậy không. Riêng tôi, tôi biết một người giàu thì không giàu nhưng phong lưu, có danh vọng, vợ hiền, con ngoan và thông minh, mà lúc nào cũng cau có, bi quan, chua chát, chỉ tại ông ta muốn dân tộc mình được bình đẳng tự do ngay như dân tộc Thụy Điển, xã hội mình không có những kẻ giàu quá hoặc nghèo quá, cũng như Thụy Điển, mà ông ta không có cách nào cải tạo xã hội mình được cũng không có cách qua sống bên Thụy Điển, nên suốt đời bất mãn.
Đứng về một phương diện khác, các bác sĩ và các nhà tâm lý học còn chia ra bốn hạng người:
- Hạng thần kinh chất, mắt sáng, ưa hoạt động, tưởng tượng mạnh, có sáng kiến nhưng không bền chí. Hạng này nên ngủ sớm và đúng giờ, không nên dùng nhiều chất kích thích như rượu, trà và cà phê đậm, nên tập những môn thể dục nhẹ nhàng.
- Hạng huyết chất, nhiều huyết, da hồng hào và nóng, ăn nhiều, ngủ cũng nhiều, rất hoạt động, dễ cảm, nhưng nông nổi. Có thể thức khuya, dùng những chất kích thích và tập những môn thể dục mạnh mẽ vì hạng này trái với hạng trên, dễ an phận.
- Hạng đảm chất, trong máu có nước mật, da thường nóng, khô, vàng, nhiều xương, ít thịt, tính tình nóng nảy, hiếu thắng, hay ghen. Nên ăn và uống những món có tính chất dịu thần kinh, nên ở chỗ tĩnh.
- Hạng lâm ba chất, có nhiều mỡ, da mát, bắp thịt nhão, làm biếng, không hoạt động. Nên vận động nhiều giữa thiên nhiên, sống trong đoàn thể.

"Trong cái thời mà biết bao người nói đến sự yên ổn này, yên ổn trong mọi việc, miễn sao cho khỏi bị lạnh, bị mưa hoặc bị đói khát, tôi phải bảo cho các bạn biết rằng nếu bạn muốn thực hiện một hoài bão gì mà đòi được hoàn toàn yên ổn thì các bạn đã lầm đường rồi đấy. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng loài người không còn tiếp tục tồn tại được nếu đã có được sự hoàn toàn yên ổn. Đời sống chỉ đáng sống khi nào có sự chiến đấu cho một mục đích cao cả, và trong sự chiến đấu không khi nào có sự yên ổn hoàn toàn".
Chúng ta oán ghét ghê tởm Hitler, Mussolini nhưng chúng ta không thể khinh họ được. Vì ít nhất họ cũng có cái chí chiến đấu với Anh, Pháp, những nước đã hiếp đáp họ, để tạo cho dân tộc họ một địa vị hùng cường. Cái hạng người chỉ hiểu thành công theo cái nghĩa có nhà lầu và xe hơi mới là đáng khinh nhất. Bọn này không cho đời có một giá trị nào ngoài đồng tiền. Họ bảo họ chiến đấu để sống, nhưng sự thực họ chiến đấu không phải để có cơm ăn, áo mặc, mà để làm giàu hơn họ hàng, bạn bè, để vượt những kẻ trước kia ngang hàng với họ về phương diện tiền tài. Mục đích của họ chỉ là kiếm tiền, kiếm càng nhiều càng tốt, kiếm bằng mọi phương tiện, rồi kiêu hãnh khoe của. Tinh thần ganh đua để "thành công" đó là một nguyên nhân gây khổ não, chiến tranh cho nhân loại
Trong cuốn L'importance de vivre Lâm Ngữ Đường chê người Mỹ không biết nghệ thuật sống. Ông bảo:"Ba tật lớn của người Mỹ là tính làm việc có hiệu năng, tính đúng giờ và tính muốn thành công. Những tính đó làm cho họ rất khổ sở và rất quạu quọ. Nó ăn cắp của họ cái quyền không thể nhượng được là quyền thơ thẩn và làm cho họ mất những buổi chiều nhàn rỗi tuyệt thú."
Darwin khi về già phàn nàn: "Đã từ lâu rồi tôi không chịu đọc lấy một câu thơ, mới đây tôi rán đọc Shakespeare và tôi thấy chán quá, đến ngấy lên. Tôi cũng gần như mất cái thú ngắm tranh và nghe nhạc (...). Tôi còn hơi thích ngắm cảnh đẹp nhưng không còn thấy thú lạ lùng như hồi trước (...) Hình như óc tôi đã biết thành một cái máy để nhào vô số những sự kiện rồi rút ra những luật tổng quát, nhưng tôi không hiểu được tại sao khả năng tìm tòi suy nghĩ đó làm cái phần kia của óc, phần thưởng thức cái đẹp, teo lại được. Một người mà tinh thần được tổ chức khéo hơn hoặc cấu tạo hoàn bị hơn chắc không bị cái bệnh đó như tôi. Nếu tôi được làm lại cuộc đời thì tôi sẽ đặt quy tắc này là ngâm thơ và nghe nhạc ít nhất là một tuần lễ một lần. Nếu được luyện tập thì cái phần hiện nay teo lại trong óc tôi chắc bảo tồn được hoạt động của nó. Không thưởng thức được những cái đẹp đó là mất hạnh phúc ở đời; nó có thể hại cho óc thông minh và chắc là hại cho tính tình vì nó làm nhụt cảm xúc của ta đi".
Lâm Ngữ Đường đã viết được nhiều trang sâu sắc để bàn về hôn nhân và gia đình. Ông bảo muốn xét trình độ văn minh của một dân tộc thì chỉ cần xét xem dân tộc đó tạo được những người chồng, người vợ, người cha, người mẹ ra sao. Điểm đó quan trọng nhất, còn những điểm khác như nghệ thuật, triết lý, văn chương, sự tiện nghi về vật chất đều không có nghĩa lý gì cả, vì tất cả những cái đó chỉ là những phương tiện để tạo những người chồng, người vợ, người cha, người mẹ hiền lương, ưu tú. Ở thời nào, xứ nào cũng có chín chục phần trăm con người là chồng hoặc là vợ, và cả trăm phần trăm đều có cha, có mẹ. Vậy thì tất nhiên cái văn minh nào tạo được những hạng người đó lương hảo nhất phải là cái văn minh cao nhất. Số nghệ sĩ, triết gia, bác học nhiều lắm là được một phần ngàn dân số: đào tạo hạng người đó có lợi cho nhân loại thật, nhưng đào tạo họ cũng chỉ có mục đích để họ cải thiện xã hội, nâng cao tâm trí của quần chúng tức của những người chồng, người vợ, người cha, người mẹ; nếu không thì công việc nghiên cứu, sáng tác của họ có lợi gì đâu? Một nước có được những thiên tài vào hạng Descartes, Shakespeare, Pasteur, mà quần chúng là những người chồng tàn bạo, những người vợ biếng nhác, những người cha, người mẹ không biết nuôi con, dạy con thì nước đó có thể gọi là văn minh được không?

Loài người có nhiều khí chất khác nhau, nên nhiều nhà đã tìm cách phân loại tuỳ theo xu hướng của chúng. Có nhiều lý thuyết lắm, tôi sẽ giản dị hoá đi. Tôi cho rằng lối phân loại hồi xưa mà Kant đã chép lại trong cuốn Nhân loại học của ông, dễ hiểu cho em hơn cả Vậy tôi sẽ lần lượt xét các khí chất sau đây: Đa huyết - Ưu sầu - Giận - Lãnh đạm
Khí chất đa huyết là khí chất của tuổi thơ. Về thể chất, nó phát hiện bằng những dấu hiệu này: hoạt động, có khi là náo động nữa một cách dễ dàng và không ngừng. Trẻ em thường quá dồi dào sức lực. Về tinh thần có những biểu hiện: lanh lợi, luôn luôn để ý tới mọi vật (nhưng không chịu suy xét kỹ một vật, đi sâu một vấn đề nào cả), nhiệt thành một cách tự nhiên, khẳng khái, hào hiệp tới mức phất phát. Nếu em có khí chất đa huyết thì sự học hỏi của em có nhiều lợi vì em tò mò chú ý tới nhiều vấn đề khác nhau, như vậy có thể có hại cho sự uyên thâm. Những cảm giác nhỏ nhặt cũng có thể kích thích em được; điều đó rất có lợi. Những phản ứng của em thường kỳ dị và trái ngược nhau. Em tiến từ cực đoan này tới cực đoan khác, như một em bé mới khóc đó đã cười được rồi. Còn nhỏ mà nếu khóc xong mà không cười, nếu không có cái khả năng dễ quên của một khí chất đa huyết, nếu cứ nhớ hoài những kỷ niệm buồn, những nỗi nhục nhã, bất công, thì là điều đáng lo chứ không đáng mừng. Em không giận lâu, oán dai và đó là một đức quí của em. Em lanh lợi, vui tính, được nhiều người thương. Khi bàn cãi về một dự định, các bạn của em còn do dự, cân nhắc lợi hại thì em đã bừng bừng lên, quyết định liền, đề nghị một đường lối hoạt động, giảng giải cách làm, thuyết phục bạn để rán lôi cuốn họ. Không còn ngờ gì hết: khi bắt đầu hoạt động thì khí chất đa huyết có lợi cho em; nhờ nó em có sáng kiến. Nhưng rồi tiếp theo đó thì không có lợi nữa. Mới có những cảm giác đầu tiên, em đã tức thì phản ứng lại liền, do đó mà thiếu sự kiểm soát, thiếu sự nhất trí, thận trọng trong cách hoạt động. Em suy nghĩ ít quá. Em không nhìn thấy cái đại thể của vấn đề, không biết nắm được nó, vì những phần tử trong cảm xúc của em làm tản mạn sự chú ý và cảm tính của em. Mà trong mọi việc, mọi hành động, phải xét đến mục đích, đến chung cục; công việc cần thiết đó, hạng người khí chất đa huyết khó mà dự bị, dự liệu được. Tổ chức một cuộc hội họp tại nhà, dự tính một cuộc du lịch, sáng lập một hội thể thao cho trường, sửa soạn một kỳ thi, đối với thiếu niên hăng hái như em, có gì là khó đâu. Nhưng tới lúc chót, em mới sực nhận ra rằng thiếu dĩa chén, cái loa phóng thanh hư rồi, rằng em không biết tổ chức một buổi tranh đua thể thao, rằng kỳ thi đã tới mà chương trình còn nhiều chỗ chưa thuộc. Người đa huyết lớn lên vẫn như một em nhỏ, dễ thương, nhưng không tin cậy được. Vì thiếu cá tính rõ rệt, nên ít được người khác chú ý tới. Nói quá, nhiều quá đi, nên bị người khác cho là hạng phổi bò, vui tính, hoặc một chàng hề, không được ai coi trọng. Cho đóng vai phụ “trang trí” mà xã hội nào cũng cần dùng thì được. Vai đó rực rỡ và nhất thời, nhưng chỉ là phụ thuộc. Làm sao sửa được những tật đó? Dù em chẳng tự sửa thì đời sống cũng sẽ thu hẹp khu vực tìm hiểu của em, không cho em để ý tới mọi vật được; trước hết em phải học, rồi phải tập một nghề nó bắt em chú ý nhiều hay ít, mất thì giờ nhiều hay ít; có những nghề đơn điệu, buồn tẻ, không thể nào khác được. Ngay từ bây giờ em sắp biến chuyển. Tới tuổi thanh niên, em sẽ quen lựa những cảm xúc của em. Có nhiều cái hồi nhỏ làm em say mê rồi đây sẽ làm em lãnh đạm. Trái lại, cái gì em thích em sẽ hăng hái để cả nhiệt tâm vào. Sự dao động bất tuyệt trong thâm tâm em kích thích óc tưởng tượng, phát triển tánh ngông của em, mà óc tưởng tượng và tánh ngông đó chính là cái lợi cho việc sáng tác nghệ thuật hoặc giản dị hơn, cho sự tìm tòi ý tưởng. Có khí chất đa huyết là có khiếu về nghệ thuật, em có xu hướng lựa một ngành nghệ thuật. Nhưng tánh hồn nhiên, mẫn cảm, lanh lợi của em bắt em phải hãm bớt lại những tình cảm quá mạnh, đặc biệt là trong lúc phật ý. Người mau quên là người sung sướng đấy, nhưng cũng cần biết chống lại cái tánh hung hăng, tính bẩm sinh dễ lo buồn, tính dễ có những tình cảm lộn xộn nó làm cho em mất bình tĩnh. Nếu em không thể tự chủ ngay lúc đó được thì đi qua phòng khác ngay đi, hoặc đi ra khỏi nhà đi; nếu là kỳ thi thì rán nghiến răng lại, mà nín thinh. Nếu để phát cơn giận ra thì em phải hối hận một cử chỉ khinh suất, mà lúc đó đã quá trễ. Em rán kiên nhẫn ít nhất là “trong khoảng một đêm” đi, như Victor Hugo đã nói. Thực tế, có một mối nguy hiểm cần phải tránh: đừng lang thang
Em là một thanh niên nghiêm trang, quá nghiêm trang đối với tuổi của em. Em suy nghĩ nhiều quá. Do đó mà em già giặn hơn các bạn. Hoạt động của em không tản mác như hoạt động của một người khí chất đa huyết. Em sâu sắc hơn. Em biết trình bày nguyên do và biện giải cho một ý kiến. Em mê đọc sách. Em mê tình cảm. Em tưởng chừng sẽ làm được nhiều bài luận văn rất hay, nhất là khi gặp một đầu đề phân tích một tư tưởng hoặc tinh thần một thời đại! Những tác giả mà em thích đều sống ở thế kỷ XIX[13]. Đối với em, phong trào lãng mạn trong văn học là một sự phát hiện kỳ dị. Em làm quen ngay với Lamartine và Musset. Lần lần, Victor Hugo xuất hiện ra với em, em cảm thấy tất cả sức mạnh của tình cảm ông ta. Thời đó, có lẽ người ta không chết vì thất tình đâu, nhưng trong sách, người ta cho người yêu chết một cách sao mà cảm động thế! Một thứ bệnh đa sầu đến tột bực mà người ta gọi là “bệnh của thế kỷ”, đúng quá. Em như có vẻ như khó vui được, đôi khi em có thái độ thản nhiên. Em không thích suy nghĩ, do đó mà hay mơ mộng. Em không nổi nóng, không vồn vã, và không ai ngờ được rằng phía sau cái bề ngoài bình thản đó, sao mà em có nhiều nhiệt tình đến thế. Em tốt bụng và rất đa cảm. Em yêu loài vật, không chịu được sự bất công, mà hỡi ơi! Đâu đâu em cũng gặp sự bất công nó làm cho em chán đời, chán loài người. Tính thận trọng, yếm thế của em thường chỉ có những nguyên nhân đó. Em có tấm lòng chung thuỷ. Không dễ gì tâm sự với ai đâu, hạng thanh niên “rừng rú” như em. Nhưng một khi đã yêu ai rồi thì tình của em đằm thắm và không thay đổi. Em ít bạn thân, nhưng đều là những bạn tốt. Tuy nhiên em có nhiều tật phải sửa. Cái xu hướng bi kịch hoá mọi chuyện làm cho em quá coi trọng những tiểu tiết trong đời sống hằng ngày. Một chút gì cũng làm cho em phật ý. Cha mẹ, thầy học hoặc bạn bè có một lời nhận xét nào mỉa mai hoặc nghiêm khắc về em là đủ làm cho em lầm lầm lì lì, “chui vào trong cái vỏ” của em rồi. Em nghiêm khắc xét những người đó và đôi khi nuôi lòng oán hờn nữa vì đã động chạm tới em! Bẩm tính ít nói, em hay hờn dỗi, thói đó khả ố lắm. Em thấy có một sợi dây gì đứt ở trong lòng, mất sự liên lạc giữa người khác với em. Phải vài ngày sau em mới lấy lại được sự thăng bằng trong tâm hồn mà không còn ẩn ý nữa. Tôi đã biết nhiều người hờn dỗi tới tám ngày mới nguôi. Người chung quanh vốn không có ác ý, thấy vậy, phỏng có vui gì không? Vả lại cái thói đi sâu vào mọi chi tiết đó, thói chi li “chẻ sợi tóc ra làm tư” đó làm em mất thì giờ, mất sáng kiến đi. Em hoá ra do dự, hoài nghi hết thảy. Sau cùng tánh âu sầu của em có thể làm cho em nhìn đời dưới một khía cạnh quá bi quan, bất lợi. Vì nỗi buồn vốn có tính cách thụ động, nên em không hăng hái làm một việc gì cả. Em miễn cưỡng làm bài, em đãng trí, ít giúp đỡ người khác, thường khi sống ở trong gia đình mà như một người khách. Tánh thụ động đó có hại cho sức khoẻ của em. Em ru rú trong nhà, mất cái thú gắng sức, có vẻ khinh bỉ những bạn đá banh, chạy nhảy hoặc leo trèo. Em cho sự phát tiết cái sinh lực dồi dào của tuổi trẻ là một cực hình, một sự lao động mệt sức rất đỗi vô ích.
Người có khí chất giận dữ là người có ý chí cương quyết. Nhưng hoạt động không hào hiệp, lộn xộn như người đa huyết. Có suy nghĩ, tính toán trước, có kiểm soát nữa để đạt tới một mục đích. Nếu có ý chí mà lại thông minh, khôn khéo để tránh cực đoan thì là đáng mừng. Bất kỳ trong việc gì em cũng chịu khó một cách chính xác. Em có khả năng tập trung tư tưởng ít thấy trong số bạn cùng tuổi, em lại có sức làm việc và chú ý, đó là điểm tốt cho sự học của em. Sau này, em dễ thi đậu. Người ta khen em: “Nó biết nó muốn cái gì”. Bạn bè khi tiếp xúc với em, thấy vui vẻ hăng hái lên. Họ như bị em quyến rũ. Em đa cảm, phải, nhưng không để lộ ra. Tôi không bảo rằng em biết cách giấu tình cảm của em đâu, em còn nhỏ quá, chua “làm chủ” tình cảm của em được. Nhưng em hơi biết chống lại nó. Em lờ mờ đoán rằng nó có ảnh hướng xấu tới nghị lực và sự làm việc của em.Có thể rằng một chút vớ vẩn êm đềm làm chậm trễ sự học của em và em mong tới nghĩ hè để hưởng cảnh nhàn tản thú vị. Không phải là em có thể tự ý làm cho tình cảm, mơ mộng của em thành hình, linh động lên được, nhưng hễ công việc, bài vở của em xong rồi là em không nghĩ tới nó nữa. Và cái nhiệt tâm mà em cố nén được đó khi phát ra lại càng nồng nàn, mãnh liệt hơn: vì em biết sống mãnh liệt cũng như biết làm việc hăng hái. Cái nhiệt tâm bất tuyệt nó phát từ lòng em ra đó tỏ rằng em có một bản chất phong phú và nhiều đức đầy hứa hẹn, có lẽ là những đức của một nhà lãnh đạo. Đối với người khác em cũng cương quyết, người ta cho em là độc tài. Nhưng em gây được lòng tin. Bạn bè sẵn lòng nghe em. Em có uy thế đối với họ. Ngay từ bây giờ đức chỉ huy của em hiện rõ, và bạn bè em sẽ nhờ em đại diện lên thưa với giáo sư về một bài làm hay để xin một điều gì đó. Mọi điều đều tuỳ động cơ nó thúc đẩy em. Khí chất của em sẽ giúp em nhiều lắm để bênh vực một lẽ phải, một điều thiện. Tự tin, có quyền uy, biết quyết đoán, kiên nhẫn, can đảm (một hình thức cao của ý chí), những cái đó là những khí giới tốt nhất của em. Khi chiến đấu em là một địch thủ đáng ngại cho đối phương. Tất cả các danh nhân đều phải cương quyết một cách dữ tợn để thắng được vô số trở ngại trên con đường tiến lên của họ. Nhưng khí chất đó có những bất lợi nào không? Nếu những động cơ thúc đẩy ý chí của em là xấu xa, bậy bạ, thì khổ cho em đấy. Không một khí chất nào có thế tự mình hại mình bằng khí chất giận dữ. Mặc dầu em hăng hái làm việc và có lòng tốt, em có thể dễ bị ghét lắm vì cái thói hung hăng của em. Tôi biết em thành thực, tưởng rằng mình có lý; em thuyết phục người khác rồi em quạu quọ, tệ hơn nữa, em nổi cơn lên. Người nào mến em sẽ bỏ qua cho em, nếu không mến em thì sẽ xa lánh em... và em mang cái tiếng đáng ghét là độc tài, tàn bạo. Sau những cơn lôi đình đó, khó mà lấy lại được tình hoà hảo trước kia. Em nhìn chung quanh thấy ai cũng có vẻ như khó chịu. Không có gì làm cho ta chưng hửng bằng sự chê bai lặng lẽ của những con người lễ độ. Lúc đó, em cũng núp sau sự làm thinh, nhưng cái lối làm thinh của em khác. Em ra vẻ vênh váo, chẳng cần ai cả. Và em giữ hoài được thái độ đó một cách dễ dàng. Thực tình, em quả là “nan du”. Làm sao sửa được thói “ngựa tơ bất kham” đó, cái thói do thiếu kinh nghiệm ở đời. Và có thể tha thứ ở tuổi trẻ đó? Trước hết, phải dùng nghị lực để tự chủ được mình. Dù em có lý hay không, thì đùng đùng nổi giận vẫn là không nên. Con người văn minh thì không bao giờ dùng bạo động để thuyết phục người khác.Em nên bớt hăng đi, nếu cần, nói ít đi. Lợi dụng những lúc nghỉ ngơi để kiếm tài liệu và kiểm soát xem mình có lầm không? Tuổi nào cũng có thể sửa tính được, không bao giờ quá trễ đâu, Victor Hugo hồi 62 tuổi còn chép trong nhật ký: “Tối qua tôi đã nổi giận. Mỗi năm, xảy ra một hai lần như vậy, nhiều quá, tôi quyết định tự hôm nay không bao giờ còn nổi giận nữa”. Lời hối hận của danh nhân đó thực cảm động và đáng cho chúng ta suy nghĩ. Một tật thứ nhì nữa đương rình em: tật bướng bỉnh. Trong trường hợp trên, em chỉ cần nén được một xúc động; trong trường hợp này, em phải tránh đừng cố chấp, khăng khăng giữ thái độ, chủ trương của mình. Để dẹp cơn giận, em chỉ cần gắng sức tức thì và quyết liệt trong một lúc; nhưng để trừ tánh bướng bỉnh, ngoan cố, em phải gắng sức lâu một cách bền bỉ, chín chắn. Người ta khó tha thứ cho em nếu em tỏ ra ngoan cố. Người ta bảo rằng em không muốn nghe điều phải. Ý chí của em đưa vào cái chiều bậy, cái chiều tiêu cực rồi. Điều đó không thể tha thứ được vì đã gọi là ý chí thì phải có đắn đo trước, phải lý luận, suy nghĩ trước khi làm. Ai cũng có thể lầm lỡ, cho nên lầm lỡ là điều không đáng trách. Nếu đã chót lầm thì phải sửa lỗi và thú lỗi. Chỉ những kẻ ngu xuẩn mới không bao giờ lầm lẫn[14]. Nếu em dẹp được lòng tự ái, thắng được thói kiêu căng của mình thì em càng được thầy và bạn yêu mến hơn. Em sẽ kinh nghiệm và thấy rằng bọn lừa gạt dễ bị lột mặt nạ và người ta sẽ bắt họ trở về địa vị xứng đáng của họ, nghĩa là ở phía sau. Và bây giờ chúng ta xét tới tật thứ ba của em phải đề phòng: thói hay phản đối, một thói chung của loài người. Vì “muốn” tự bênh vực mình, lần lần em thành cái thói, hễ nghe người đối thoại nói gì là tự nhiên nhảy lên phán đối liền, chẳng cần suy nghĩ. Với một ác ý rõ rệt, em quyết liệt đứng về phía phán đối. Cái tinh thần hay phản đối đó không có lợi ích gì cả, nó làm ngăn cản sự phát triển của trí khôn. Nhưng đừng nên lầm nó với tinh thần phê phán vì tinh thần này đặt cơ sở trên sự thực do nhận xét sự kiện và tìm liên quan giữa các ý. Tinh thần phê phán là một đức tốt kích thích trí khôn của ta và giúp ta có óc sáng chế, phát minh. Nhờ sự giáo dục và sự học hỏi, em sẽ luyện được tinh thần phê phán, mà cá tính của em được vững mạnh hơn.
Khi bạn bè tranh biện ở chung quanh em, hăng hái vì một dự định gì đó, thì em tự hỏi như vậy có bõ công không? Không phải là em hoàn toàn thản nhiên với vấn đề đó đâu, em cũng nghe đấy, cũng “ghi nhận” đấy, nhưng em ngạc nhiên rằng sao bạn bè có thể hăng say như vậy được. Chỉ thầm nghĩ vậy thôi chứ em không để lộ phản ứng của em ra. Nhưng vẻ lãnh đạm, thờ ơ không sao hiểu nổi, nó gần như thói lười biếng đó, bạn bè của em nhận thấy rõ lắm. Em chậm chạp, không bắt tay vào việc liền đâu. Có lẽ là do sự dinh dưỡng, các tế bào - các tế bào trong óc - không nhận được đủ dưỡng khí, kích thích tố, thành thử em suy nghĩ chậm chạp lắm. Vẻ bình tĩnh bề ngoài của em, vẻ bình tĩnh “thụ động” đó (em không cần gắng sức cũng bình tĩnh được), có thể tới cái mức nguy hiểm là biến thành nọa tính. Em không có vẻ bảnh bao vì lưng gù, chân khệnh khạng, tay đút túi quần. Bức hoạ của tôi có lẽ hơi đậm nét quá. Em là một thanh niên mệt mỏi, ngại cử động và không bao giờ làm gương cho nguời khác về hoạt động. Tính lãnh đạm của em làm cho các bạn bực mình trong các trò chơi. Họ nổi quạu, muôn la rầy em, đôi khi muốn đá cho em một cái nữa để em chịu nhúc nhích lên. Nhưng không phải là em thiếu thông minh cùng nghị lực. Có điều là cả hai cái đó không hiện rõ ra và bẩm sinh em thấy ngán theo đà, ngán hoạt động. Phải suy nghĩ lâu rồi em mới quyết định được: cân nhắc lợi hại, dự tính tất cả những việc có thể xảy ra, nhất là xét kỹ xem có hợp lúc, hợp cảnh không để khỏi thất bại. Khí chất đó có hai đức đáng quí: có mực độ và bình tĩnh. Tuổi trẻ hiếm có những đức ấy, cho nên bạn bè chú ý tới em liền, khen em là bình tĩnh, biết phán đoán. Không! Không bao giờ em nóng nảy. Em nói ít, giọng nhỏ nhẹ. Khi cả nhóm đưa ý kiến rồi, nguời ta hỏi ý kiến em. Người ta thích coi trọng ý kiến của em. “Sao, bạn nghĩ sao?” - Dù sao người ta cũng nhận em là đứng đắn. Ăn nói có ý thức là một sức mạnh trong cuộc sống. Nói nhiều quá chỉ có hại: dễ để lộ chân tướng của mình ra, như vậy là một nhược điểm. Tôi tuyệt đối không ca tụng tính giấu giếm, nhất là thói giả dối, giả nhân giả nghĩa; nhưng em có nhiều cơ hội nhận rằng sự làm thinh quí như vàng. Tật xấu của em: Trong việc học hành, tánh của em không có lợi cho em đâu. Phải siêng học ngay từ bây giờ, sửa soạn kỹ cho các kỳ thi sau này đi. Phải tận lực chống lại tánh thờ ơ nó có thể biến thành nọa lực. Đáng lo là em có nhiều cơ hội để bỏ bê sự học. Em thích chơi (chơi mà không chịu mệt sức lắm), em thích thơ thẩn trên đường khi ở trường về. Em phải hoạt động lên, tập gắng sức đi và tỏ ra có tinh thần tự phát ngay từ bây giờ. Không ai đợi lên tới lớp đệ nhất[15] mới dự bị để thi tú tài, mà phải dự bị từ những lớp đầu ban Trung học để có thể nhìn bao quát mỗi môn. Những qui tắc về ngữ pháp, những định lý về Toán đều phải thuộc nằm lòng như một nhân viên điện tín thuộc mẫu tự Morse. Nếu bỏ phí thì giờ thì sau này khó mà bắt lại được. Coi chừng tánh bình thản của em đấy đừng vội vững bụng mà lầm. Không chịu gắng sức học như tôi mới khuyên thì phải có một phép mầu em mới thì đậu tú tài đuợc. Không đậu tú tài thì tuơng lai sẽ tầm thường. Đa số những nhân viên phụ thuộc đều ở hạng người lãnh đạm. Em ít nói cho nên cũng có ít bạn. Nên giao du nhiều hơn để người ta biết em hơn. Ở tuổi em, nếu làm thinh hoài thì người khác cũng không vui vẻ nói chuyện, em phải mở lòng trước đi...