(2021) Đọc Giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 192 quyển

Quan niệm của Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức trong xã hội

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức như là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, là cái căn bản của con người. Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?". Đạo đức trở thành nhân tố quyết định mọi sự thành bại của công việc, phẩm chất của mỗi người.
Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tính thống nhất. Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, xem nhẹ mặt tài. Đức là gốc, nhưng đức và tài phải kết hợp, phẩm chất và năng lực phải đi đôi, không thể có mặt này, thiếu mất mặt kia. Đức là nền tảng xây dựng tài năng, định hướng cho tài năng phát triển. Ngược lại, tài là thành tố góp phần bổ sung cho đức, hoàn thiện đức. Như Hồ Chí Minh đã phân tích: “Người có đức mà không có tài thì cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa, không làm hại ai, nhưng cũng chẳng có ích gì cho loài người. Ngược lại, nếu người có tài mà không có đức, thì cũng chẳng khác gì một anh làm kinh doanh giỏi, nhưng lãng phí, tham ô, ăn cắp của công, như vậy, chỉ có hại cho dân cho nước, còn sự nghiệp của bản thân thì sớm muộn cũng đổ vỡ”.
Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tính thực tế. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và nhân loại cũng là một đặc trưng nổi bật của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh trình bày vấn đề đạo đức không hề kinh viện hàn lâm, lý thuyết xa vời, mà là từ trong đời sống thường nhật gần gũi với người dân, với truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời Người cũng bổ sung chắt lọc tinh hoa của nhân loại để cho phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Hồ Chí Minh không phải là người chuyên ngồi viết sách lý luận về đạo đức mà cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là một pho sách sống về lý luận đạo đức. Tìm những vấn đề lý luận văn hoá đạo đức của Hồ Chí Minh không chỉ ở trong các bài nói, bài viết, mà còn phải tìm trong cách đối nhân xử thế, trong hành động, trong cuộc sống hằng ngày của Hồ Chí Minh.  
Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tính toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập vấn đề rèn luyện cho mọi đối tượng (sĩ, nông, công, thương, chính khách, tu hành, nam, nữ, ấu, phụ), cho mọi lĩnh vực (lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu), mọi phạm vi (từ gia đình đến xã hội, từ giai cấp đến dân tộc, từ quốc gia đến quốc tế), mọi quan hệ (với mình, với người, với việc, với đoàn thể)
Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là đạo đức để tu thân mà còn là đạo đức để dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, nói để làm chứ không nói suông, nói cho sướng tai, nói để tô vẽ bề ngoài của mình, nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức. Ở Hồ Chí Minh luôn luôn có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức. Người nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”. Cho đến trước khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc: "Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Cả cuộc đời Người là bằng chứng cho sự nhất quán giữa nói và làm đạo đức. 

Những chuẩn mực đạo đức cách mạng

Theo Hồ Chí Minh, có thể khái quát những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và Tinh thần quốc tế trong sáng.
1.2.1 Trung với nước, hiếu với dân
Trung và hiếu là những khái niệm đạo đức đã có từ lâu trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương đông, phản ánh mối quan hệ lớn nhất, bao trùm nhất: “Trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Phẩm chất này được Hồ Chí Minh sư dụng với nội dung lớn hơn:” Trung với nước, hiếu với dân”. Người nói:” Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước, phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”. 
Trung với nước là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trung với nước, là phải yêu nước, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, phải làm cho dân giàu nước mạnh. Hiếu với dân là phải thương dân, tin dân, thân dân, học hỏi dân, lấy trí tuệ ở dân, kính trọng dân, lấy dân làm gốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc….Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Gốc là tài dân, lực lượng dân, của dân, lòng dân, quyền dân, lòng tin của dân
Hiếu với dân là phải đem lại lợi ích cho nhân dân. Người nói: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
1.2.2 Yêu thương con người
Vì yêu thương nhân dân, yêu thương con người mà Hồ Chí Minh sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để đem lại độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho con người. Tình thương yêu con người ở Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng kiểu tôn giáo, mà luôn luôn được nhận thức và giải quyết trên lập trường của giai cấp vô sản, dành cho các dân tộc và con người bị áp bức, đau khổ.
Tình yêu thương con người là tình cảm nhân ái sâu sắc, rộng lớn, trước hết dành cho những người nghèo khổ, những người bị mất quyền, những người bị áp bức, bị bóc lột không phân biệt màu da, dân tộc. Tình thương người, yêu đồng loại, yêu đồng bào, yêu đất nước mình là tư tưởng lớn, mục tiêu phấn đấu cả đời của Hồ Chí Minh, đã được thể hiện qua ham muốn tột bật của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành..”.
Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh để hiện qua đạo lý “Lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng”. Người đã đề xướng phong trào quyên góp “hũ gạo cứu đói”, kêu gọi đồng bào cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo cứu dân nghèo mà nhờ đó đã giúp cho đất nước vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh thể hiện rất nhiều qua các chiến sĩ, liệt sĩ, những anh bộ đội cụ Hồ. Bác viết: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…”
Theo Bác, yêu thương con người thì phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, giúp con người có điều kiện vươn lên, kể cả với những người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là phải giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn. Phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ. Trong “Di chúc”, Người viết:”Phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”.
Mỗi người đều có khuyết điểm, không ai hoàn hảo, cho nên phải tích cực sửa đổi, giúp đỡ yêu thương nhau. Hồ Chí Minh đã rất tinh tế, Người đã căn dặn chúng ta: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời".
1.2.3 Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Đây chính là những phẩm chất đạo đức truyền thống ngàn đời nay của phương đông. Hồ Chí Minh coi “tứ đức” Cần, kiệm, liêm chính là bốn đức tính nền tảng không thể thiếu của mỗi người, ví như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người.”


Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927). Từ những câu đầu tiên, Hồ Chí Minh đã viết: “ Tự mình phải: Cần Kiệm”.
“Cần” tức là lao động cần cù, siêng năng, cố gắng dẻo dai, làm việc có năng suất, hiệu quả, không lười biếng, không hiệu quả, không dựa dẫm. Phải thấy rõ "lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta".  “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Trong bài báo “Thế nào là Cần”, Bác đã giải thích rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ”.

“Người siêng năng thì mau tiến bộ.

Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.

Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.

Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”.

Trong bài báo Thế nào là Kiệm, Người phân tích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.” Trong bài báo Người đã chỉ rõ mối quan hệ giữa Cần và Kiệm. Đồng thời giải thích cách thức tiết kiệm bằng cách nào, và phân tích thêm: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?  Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa". Vì theo Người, “hoang phí là một tội ác”. Hình ảnh giản dị của Người đã được thể hiện qua bài thơ “Tức cảnh Pác Pó”
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Ngoài tiết kiệm về vật chất, Hồ Chí Mình cũng đặc biệt xem trọng việc tiết kiệm về thời gian. Trong cuốn sách “117 chuyện kể về Bác Hồ”, có đoạn Bác Hồ phê bình một đồng chí về việc trễ 10 phút…
- Chú đến chậm mấy phút?- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ! 
- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây. 
Bác Hồ quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.
“Liêm” là liêm khiết, trong sạch, không cậy quyền cậy thế mà đục khoét của dân, "luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân"; "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân". Phải "trong sạch, không tham lam". "Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại. Hồ Chí Minh đã phân tích “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…”.
“Chính”, "nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn". Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với công việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.
“Chí công vô tư”, là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý. Người nói: "Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc". “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; phải "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Người chí công vô tư thì lòng dạ thảnh thơi, đầu óc tỉnh táo, sáng suốt. Có chí công vô tư mới nêu cao được chủ nghĩa tập thể, từ bỏ được chủ nghĩa cá nhân.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại, chí công vô tư một lòng vì nước, vì dân thì nhất định sẽ được cần, kiệm, liêm, chính. Người chỉ ra rằng: “Phong kiến nêu ra cần kiệm liêm chính nhưng không thể hiện, ngày nay ta đề ra cần kiệm liêm chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân. Cần kiệm liêm chính chí công vô tư là một biểu hiện sinh động cho phẩm chất “Trung với nước hiếu với dân”.
Ngoài ra, Cần, kiệm, liêm, chính còn là thước đo trình độ văn minh tiến bộ của một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.
1.2.4 Tinh thần quốc tế trong sáng
Tinh thần quốc tế trong sáng là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Tinh thần này đã được Người nêu lên bằng mệnh đề "Bốn phương vô sản đều là anh em". Đây chính là là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Thế giới, đã tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới: đối thoại thay cho đối đầu, nhằm kiến tạo một nền văn hóa hòa bình cho nhân loại.

Nguyên tắc xây dựng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Để xây dựng một nền đạo đức mới, Hồ Chí Minh đã nêu lên ba nguyên tắc cơ bản để định hướng cho việc rèn luyện của mỗi người, mỗi tổ chức và toàn xã hội, đó là: Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống và Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
1.3.1 Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức
Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, Hồ Chí Minh đã viết: “Nói thì phải làm”. 
Lời nói phải đi đôi với hành động thì mới có thể đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều, làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng, làm một nẻo thì chỉ đem lại hiệu quả phản tác dụng. Trong ca dao tục ngữ cũng có câu nói lên sự không thống nhất giữa việc nói và làm: “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.
Ngoài ra còn phải nêu gương về đạo đức.Trong gia đình, bố mẹ làm gương cho con cái, anh chị làm gương cho em nhỏ; trong nhà trường, thầy cô giáo phải làm gương cho học sinh; trong cơ quan, tổ  chức, người lãnh đạo làm gương cho nhân viên, cấp trên làm gương cho cấp dưới; trong xã hội, mỗi người đều có thể làm tấm gương cho người khác, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội; thế hệ đi trước làm gương cho thế hệ đi sau ….Đối với cán bộ, đảng viên, không chỉ nói phải đi đôi với làm mà “Người cách mạng phải luôn luôn nói và hành động một cách có ý thức.”. Bất kể là ai, bất kể tổ chức nào, đã nói, đã hứa thì phải làm cho tốt. Có như vậy mới có thể nêu gương đạo đức. 
Người căn dăn cán bộ, đảng viên: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã.”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
1.3.2 Xây đi đôi với chống
Xây tức là xây dựng các giá trị, các chuẩn mực đạo đức mới, chống là chống các biểu hiện hành vi vô đạo đức, suy thoái đạo đức. Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt – xấu, đúng – sai, cái có đạo đức, cái vô đạo đức luôn tồn tại đan xen nhay, đối chọi nhau thông qua hành vi của con người. Trước những hiện tượng phức tạp và đa chiều như vậy, phải giữ vững đạo đức, vận dụng hiểu biết để thực hiện xây đi đôi với chống, dùng chống để bảo vệ những gì đã được xây. Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội. Những phẩm chất chung, mang tính khái quát, phải được cụ thể hóa chi tiết cho phù hợp với từng đối tượng. Trong việc giáo dục đạo đức mới, phải khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh trong mỗi con người để mỗi người tự giác nhận thức được trách nhiệm của mình. Trong khi xây dựng, nồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mới phải đồng thời chống lại cái ác, cái sai, cái vô đạo đức.
Chống suy thoái về đạo đức là chống lười biếng, xa xỉ, quan liêu và đặc biệt là chống sự nhũng lạm. Có quyền mà thiếu lương tâm, không chịu tu dưỡng rèn luyện thì dễ trở nên hủ bại, dễ biến thành sâu mọt. Vì vậy, tham nhũng theo tinh thần Hồ Chí Minh là bệnh của những người có quyền lực, lạm dụng quyền lực cộng với lòng tham để nhũng nhiễu dân. Chống tham nhũng phải bằng giáo dục, công tác tư tưởng. Nhưng chỉ có giáo dục đạo đức không thôi thì không thể xóa bỏ được tham nhũng, mà phải kết hợp chặt chẽ với pháp luật, mà quan trọng là tính khoa học và minh bạch của bộ máy; đồng thời phải dùng cả "pháp trị" với tính nghiêm minh của pháp luật, phép nước theo tấm gương Hồ Chí Minh. 
Chống suy thoái về đạo đức, đặc biệt phải tập trung chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì chủ nghĩa cá nhân là một loại giặc, đồng minh với các loại giặc khác. Chủ nghĩa cá nhân không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, đối với dân tộc, mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. 
Hồ Chí Mình đã viết:” Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình". Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.”
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
1.3.3 Tu dưỡng đạo đức suốt đời
Tu dưỡng đạo đức giống như một cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ. Con người không ai hoàn hảo, ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có cái thiện, cái ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, tự huyễn hoặc bản thân mà phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy, thấy rõ cái dở để khắc phục. Vậy nên đối với mỗi người, việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi quan hệ xã hội. Không những thế, nguyên tắc tu dưỡng đạo đức suốt đời phải được thường xuyên chăm lo tu dưỡng hàng ngày; phải kiên trì, bền bỉ suốt đời. Tinh thần vượt khó, kiên trì tu dưỡng đạo đức được thể hiện rõ trong bài thơ “Tự khuyên mình” của Người:

"Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng".

Trong bài thơ ”Nghe tiếng giã gạo”. Người ví việc tu dưỡng đạo đức là một hành trình đầy đau đớn, giống như việc giã gạo, bỏ lớp bỏ bên ngoài ra. Con người cũng giống như vậy, ai cũng có lớp vỏ xấu, dở bên ngoài. Việc quan trọng là ta có dám tu dưỡng, rèn luyện bản thân không hay thôi. 

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.”


 VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN VÀ ĐỊNH HƯỚNG RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC

Đối với một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường thì việc có tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh soi đường dẫn lối trong mọi hoạt động thường ngày là một điều vô cùng may mắn. Một mặt là phát triển bản thân, mặt khác có thể nhận biết đề phòng những thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, phát triển. Nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vô cùng rộng, việc vận dụng phải trải qua quá trình lâu dài, trong suốt đời người. Đối với cá nhân, tôi sẽ vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh qua những điểm chính yếu sau đây.
Đầu tiên là phải “Cần”,”Ý chí” trong học tập, làm việc. 
Cần cù không chỉ trong lao động mà còn trong học tập. Lao động, làm việc phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, dám nghĩ dám làm, nói thì phải dám làm, không chỉ biết nói suông. Như trong bức thư Bác Hồ gửi thanh niên năm 1947, Bác đã viết:” Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được.”. “Một điều nữa là thanh niên phải có hăng hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, phải có phương hướng.”
Trong Báo Sự Thật, số 89, ngày 10/2/1948. Bác Hồ đã viết:” Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập… Phải có lòng ham tiến bộ, học hỏi, học luôn, học mãi. Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được.”
Trong bài nói chuyện với thanh niên trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An (Hà Nội). Hồ Chí Minh đã căn dặn thanh niên phải ra sức “Học”: “Nhiệm vụ chính của thanh niên là học. Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”.
Trong “Đường Kách Mệnh”, Hồ Chí Minh đã viết bốn câu về tác phong làm việc:
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể.
Thứ hai là phải “Kiệm”
Sinh viên trong giai đoạn học tập trên ghế nhà trường, đa phần chưa tạo ra nhiều tài chính nhất định. Cho nên cần phải thực hành việc tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí, chỉ nên tiêu dùng những gì thiết thực, có lợi cho việc học tập, sinh học. Ngoài ra, tuổi trẻ có một tài sản nhiều nhất là ‘Thời gian”, thanh niên chúng ta cần phải học tập Bác Hồ về tiết kiệm thời gian. Sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, đúng đắn. Lãng phí thời gian là lãng phí tuổi trẻ, cũng như lãng phí tương lai của chính mình. 
Thứ ba là phải “Đoàn kết”, “Yêu thương con người”
Thanh niên cần phải loại bỏ chủ nghĩa ích kỷ, mà phải rèn luyện tinh thần đồng đội, làm việc nhóm ngay từ trong ghế nhà trường. Phát huy cá tính, phẩm chất cá nhân là một điều hoàn toàn đúng đắn, nhưng đồng thời cũng phải biết hợp tác, làm việc chung với mọi người xung quanh. Vì có đoàn kết thì mới phát huy được sức mạnh. Như Bác Hồ đã căn dặn: “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay, chống lười biếng..”
Thanh niên cần phải giúp đỡ nhau trong việc học tập, gắn chặt tình bạn.
Thứ tư là phải “Yêu tổ quốc”.
Hồ Chí Minh đã căn dặn thế hệ thanh niên:”Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”. Hiện nay các thế lợi thù địch đã lợi dụng sơ hở từ thế hệ thanh thiếu niên, chúng lôi kéo dụ dỗ thanh niên vào con đường sai trái. Vì vậy thanh niên cần phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để có tư duy đúng đắn, ý chí vững vàng trước mọi cám dỗ. 
Thứ năm là phải “Tự phê bình, sữa chữa, rèn luyện”
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Hồ Chí Minh đã viết:”Chúng ta phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”.
Thứ sáu là phải “Biết tư duy, lý luận”
Thanh niên cần phải tích cực đọc sách, phát triển tư duy. Vì như Bác Hồ đã viết trong “Sửa đổi lối làm việc”: ”Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. “Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận. Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế”. Vì vậy sinh viên cần phải tích cực trau dồi kiến thức từ trong ghế nhà trường, phải biết trau dồi cả kinh nghiệm làm việc và tư duy. 
Điều cuối cùng là phải sống có nghị lực, vượt lên mọi khó khăn hoàn cảnh. Từ đó mới rèn luyện nên sức mạnh, tinh thần. Như trong bài thơ “Khuyên thanh niên” mà Người đã căn dặn:

“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.”