Kenji Lambert on Behance
(2021) Đọc 12 cuốn sách về Nhật Bản 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 190 quyển
1/ Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật - Shigeaki Hinohara 
3/ Cai Cach Giao Duc Nhat Ban - Ozaki Mugen
4/ Kokoro - Những Ám Thị Và Âm Vang Trong Đời Sống Nội Tại Nhật Bản - Lafcadio Hearn
5/ La Nguoi Nhat_ Lich Su, Thi Ca Va Kich Ban Hoc Qua Trinh Hinh Thanh Che Do Toan Tri - A. N. Mesheriakov
6/ Lich Su Ton Giao Nhat Ban - Sueki Fumihiko
7/ Ngu Luan Thu - Miyamoto Musashi
8/ Nguoi Nhat - V. Pronikov & I. Ladanov
9/ Nhat Ban Can Dai - Vinh Sinh
10/ Nhat Ban Den Va Yeu - Duong Linh
11/ Nhật Bản Duy Tân 30 năm - Đào Trinh Nhất
12/ Nhung Nguoi Nhat Vi Tha - Isoda Michifumi
13/ Vo Si Dao - Linh Hon Nhat Ban - Inazo Nitobe

Tháng 8 năm 1945, cuộc chiến tranh dài dặc đã kết thúc bằng sự đầu hàng vô điều kiện và tiếp nhận tuy ên ngôn Postdam sau khi Mĩ ném hai trái bom nguy ên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Ngày 30 tháng 8, Tư lệnh tối cao quân đội Liên hợp quốc Mac Arthur đã đến căn cứ Atsuki. Từ tháng 9, sự chiếm đóng của quân đội Liên hiệp quốc chính thức bắt đầu. Ngày 2 tháng 9, lễ kí văn bản đầu hàng đã diễn ra trên chiến hạm Missouri. Trong bối cảnh như thế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Maeda Tamon trong nội các Higashi Kuninomiya một mặt tiến hành việc giải trừ thể chế giáo dục dưới thời chiến như bãi bỏ động viên lao động đối với học sinh, sinh viên; một mặt tích cực bày tỏ phương châm giáo dục sau chiến tranh. Trong văn bản có tên Phương châm giáo dục nhằm xây dựng nước Nhật mới (15/9/1945) có viết: “Giáo dục từ bây giờ trở đi sẽ vừa tiếp tục giữ gìn quốc thể vừa loại trừ tư tưởng quân phiệt và những chính sách của nó, khiêm tốn phản tỉnh nhằm xây dựng quốc gia hòa bình.” Văn bản này nhắm tới mục đích xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, duy trì trật tự chính trị với Thiên hoàng là trung tâm để thoát ra khỏi tình thế khó khăn. Dưới phương châm này , vào tháng 10, Bộ Giáo dục đã tập trung hiệu trưởng các trường đào tạo giáo viên và các viên chức giám học trên toàn quốc, tiến hành một buổi diễn thuyết. Trong buổi diễn thuy ết này , Bộ trưởng Bộ Giáo dục Maeda cho rằng, lý do bại trận là nằm ở “phương diện tinh thần” của quốc dân và huấn thị: “Ở đây chúng ta cần phải đọc lại Sắc chỉ giáo dục và chỉnh đốn tinh thần ở những nơi có lời dạy bảo của đức Thiên hoàng
Vai trò lãnh đạo của MacArthur, với tư cách là người chỉ huy tối cao của GHQ, thường được đánh giá cao. Trước hết, đối với Hoa Kỳ, MacArthur ở trong một tư thế chính trị gần như là lý tưởng: ông là người của đảng Cộng hòa (đảng đối lập), được chính quyền của đảng Dân chủ bổ nhiệm chức này, bởi vậy những đường lối và chính sách cải cách của ông ở Nhật không gây sóng gió trên vũ đài chính trị Hoa Kỳ. Ngoài bản tính cương quyết và phong cách làm việc tận tụy hết mình, MacArthur có lối nhìn sâu rộng, xem nhiệm vụ cải cách Nhật Bản sau chiến tranh là một sứ mệnh lịch sử. Ông đã gây một ấn tượng tốt đối với dân chúng Nhật ngay từ khi bước xuống phi cơ ở phi trường Atsugi (gần Tokyo): mặc dầu đây là lần đầu tiên MacArthur đặt chân lên "đất địch", ông có thái độ ung dung và đầy tự tin, với bộ quân phục giản dị, không mang súng (tay cầm ống điếu), không gắn quân hàm hay huy chương hào nhoáng, và cũng không có những toán quân hộ vệ rầm rộ. Qua tác phong giản dị (nhưng quả cảm), phảng phất nét trầm tư của một triết nhân, dân chúng Nhật đã phần nào đoán được con người đến thay mặt quân đội Đồng minh để đề xuất và thực thi những chính sách có ảnh hưởng quyết định đối với tương lai của đất nước họ không chỉ là một vũ tướng "hữu dũng vô mưu" tầm thường.
Để kiến tạo một nước Nhật Bản dân chủ, một hiến pháp mới được công bố năm 1947 để thay thế cho Hiến pháp Minh Trị (1889). Bản hiến pháp này do chính GHQ soạn thảo và sau đó được quốc hội Nhật thông qua. (Nguyên lúc đầu, Ủy ban soạn thảo hiến pháp của nội các Shidehara Kijuro có đưa ra một dự thảo, nhưng bản dự thảo này trên căn bản không có khác biệt gì đáng kể so với Hiến pháp Minh Trị nên không được GHQ chấp nhận). Theo hiến pháp mới, nguyên tắc "chủ quyền tại dân" được quy định rõ ràng, Thiên hoàng chỉ đóng vai trò "tượng trưng" cho nước Nhật và không có quan hệ trực tiếp đến quốc chính. Ngoài ra, hiến pháp mới tôn trọng những nhân quyền căn bản của dân chúng, quyền nam nữ bình đẳng, quyền đoàn kết của người lao động, quyền đình công, v.v... Một đặc điểm nổi bật của hiến pháp này là "Tuyên ngôn hòa bình quy định trong điều thứ 9 của hiến pháp: Nhật sẽ "từ bỏ chiến tranh" và sẽ "không có quân bị". Bởi vậy hiến pháp mới còn có tên là "Hiến pháp hòa bình" (heiwa kenpo).
Các công ty zaibatsu có những đặc điểm gì? Khác với những công ty thông thường, các công ty zaibatsu không chuyên về một nghiệp vụ mà thường bao quát một số ngành, và do dây liên hệ gia tộc đã tạo được ảnh hưởng lớn trong các lãnh vực kỹ nghệ, tài chính, cùng chính trị. Mitsui và Mitsubishi là hai công ty zaibatsu điển hình. Cả hai công ty này đều có những công ty phụ thuộc lo các nghiệp vụ khác nhau: công ty khai mỏ (để đào khoáng chất), công ty chế tạo (để chế biến các khoáng sản thành sản phẩm), công ty mậu dịch (để bán các sản phẩm này), công ty tàu bè (để chuyên chở các sản phẩm ra thị trường nước ngoài), và ngân hàng (để quản lý tài chính cho tất cả nghiệp vụ của các công ty phụ thuộc). Như đã bàn ở phần trên, công ty Mitsui có liên hệ mật thiết với đảng Seiyukai, và công ty Mitsubishi gần gũi với Minseito. Sau khi Nhật bành trướng quân sự sang Mãn Châu, các công ty zaibatsu tập trung vào kỹ nghệ quân sự; ảnh hưởng chính trị và kinh tế của họ lại càng gia tăng. Thái độ "sống chết mặc bay" của nhóm zaibatsu (mà một số chính trị gia cũng có dính líu) khiến dân chúng càng tin là lời tố cáo "bọn bán nước để làm giàu" không phải là không có căn cứ, và như vậy đã mở đường hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho phái quân phiệt "lên chân".
Điểm tương đồng giữa các hội kín là tôn thờ Thiên hoàng và nhấn mạnh sự bảo tồn và phát huy kokutai (quốc-thể) của Nhật Bản. Thế nào là kokutai? Kokutai là tổng hợp của các khái niệm sau đây: Nhật là nước được các vị "thần" (kami) tạo lập và che chở; Thiên hoàng là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm", từ xưa đến nay chỉ có một dòng Thiên hoàng trị vì (bansei ikkei: vạn-thế nhất-hệ); Thiên hoàng vừa là người cai trị vừa là cha mẹ của dân chúng - quan điểm cho rằng Nhật là một kazoku kokka (gia-tộc quốc-gia: tức là một quốc gia trong đó quan hệ giữa người dân đối với vị lãnh tụ giống như con cái đối với cha mẹ trong gia đình) bắt nguồn từ đây. Từ quan niệm kokutai phát sinh ra huyền thoại Nhật là "ưu việt hơn tất cả các nước khác". Quan niệm kokutai trên thực tế là nền tảng ý thức hệ của chiến tranh Đại Đông Á của Nhật.
Người Nhật gọi nước của họ là Nihon hay Nippon (Nhật Bản), tức là xứ mặt trời mọc. Nước Nhật là một quần đảo hình cánh cung chạy dài từ Hokkaido (Bắc-hải -đạo) ở Đông Bắc xuống quần đảo Ryukyu (Lưu-cầu) gần Đài Loan ở Tây Nam (dài khoảng 3.000 km từ 46 độ xuống 28 độ vĩ độ Bắc). Bốn đảo chính của Nhật Bản theo thứ tự lớn nhỏ là Honshu (Bản-châu), Hokkaido, Kyushu (Cửu-châu), và Shikoku (Tứ-quốc). Tokyo (Đông-kinh)
Tính hiếu kỳ và nhạy cảm đối với văn hóa nước ngoài: Có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hóa của nước ngoài cho bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, đánh giá và cân nhắc những ảnh hưởng của trào lưu và xu hướng chính đối với Nhật Bản. Một điều đáng chú ý khác là khi họ biết trào lưu nào đang thắng thế thì họ có khuynh hướng chấp nhận, học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ. Ví dụ vào thời cổ đại, đặc biệt ở thế kỷ bảy và thứ tám sau Công nguyên, thấy Trung Quốc dưới thời nhà Đường là trung tâm của văn hóa và học thuật ở Đông Á, triều đình Nhật gởi nhiều đoàn học giả và sư tăng qua Trung Quốc để học hỏi mọi ngành, từ chính trị, văn học, tôn giáo, cho đến canh nông, giao thông... Gần đây hơn, vào hậu bán thế kỷ 19, nhận thấy Tây phương là trung tâm của văn minh khoa học tiên tiến, Nhật Bản vừa gởi du học sinh sang Âu-Mỹ vừa mời các chuyên gia nước ngoài sang Nhật để giúp họ canh tân. Tinh thần thực dụng, tính hiếu kỳ, óc cầu tiến của người Nhật là những động lực thúc đẩy họ bắt kịp các nước tiên tiến.
Suy nghĩ và làm việc tập thể (group-orientation): Tập thể đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Nhật. Tập thể có thể là công ty, trường học, hay hội đoàn... Một biểu tượng rõ ràng nhất của khuynh hướng này là cách xưng hô watashitachi hoặc wareware (chúng tôi) thay vì watashi (tôi) khi họ tiếp xúc với người lạ. Trước khi bắt đầu câu chuyện với người lạ, người Nhật thường trình danh thiếp để giới thiệu với người lạ cơ quan mình trực thuộc và tên họ của mình. Khi giao thiệp với người Nhật, việc trao đổi danh thiếp có một ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ không trình danh thiếp có thể hiểu là buổi gặp gỡ không chính thức cho lắm. Vì tập thể mang một ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Nhật nên một trong những việc cấm kỵ nhất đối với họ là làm mất danh dự của tập thể.
Suy nghĩ và làm việc có mục tiêu nhất định (goal-orientation): Một đặc điểm trong lịch sử Trung Quốc (và Việt Nam) là khi triều đại này thay thế triều đại khác thường có hai quá trình "phá" và "lập", tức là trước khi xây dựng một chế độ mới phải phá hủy chế độ cũ trước đã. Ở Nhật thì khác. Ví dụ vào cuối thế kỷ 12, khi giai cấp vũ sĩ (bushi hay samurai) nắm được quyền bính thì họ cũng không triệt bỏ Chế độ Thiên hoàng. Trong gần 700 năm giai cấp vũ sĩ nắm quyền kể từ 1185, tức là lúc giai cấp này bắt đầu xây dựng Chính quyền Bakufu (Mạc-phủ: chính quyền quân sự mà người cầm đầu là Shogun, tức là "Tướng quân") đầu tiên ở Kamakura, cho đến lúc Tokugawa Bakufu bị lật đổ năm 1868, triều đình của ́ ̀ ̀ Thiên hoàng vẫn không bị phế bỏ. Đồng thời, khi quyền bính được phục hồi lại cho Thiên hoàng (Minh Trị Duy Tân), những người trong dòng họ của tướng quân Tokugawa cũng không bị trừng phạt, giết chóc, hay đày ải; ngược lại được cấp bổng lộc và có thể đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng chính quyền Minh Trị.
Tôn trọng thứ bậc (hierarchy) và địa vị: Ý thức tôn trọng thứ bậc có lẽ đã có từ lâu trong đời sống của người Nhật, bằng chứng là sử liệu Trung Quốc, dựa trên sự quan sát của các sứ thần đã đến viếng thăm Nhật Bản, biên soạn vào cuối thế kỷ 3 sau Công nguyên cũng có nói rằng ở đất nước này khi cấp trên đi qua thì dân chúng quỳ xuống hai bên vệ đường. Thái độ nhún mình hoặc khúm núm trước người có địa vị, quyền chức cũng có ở các nước khác trước thời cận đại, có điều là ở Nhật cho đến ngày nay vẫn mang đậm nét. Tập quán này đặc biệt được nhấn mạnh trong hơn 250 năm dưới thời Tokugawa Bakufu. Vào thời kỳ này, xã hội Nhật được chia làm 4 giai cấp: sĩ, công, nông, thương, dựa trên quan niệm xã hội của Khổng giáo. Điều khác với Việt Nam và Trung Quốc là ở Nhật giai cấp sĩ không phải là sĩ phu (người trí thức) mà là samurai (vũ sĩ). Giai cấp vũ sĩ, vào khoảng từ 6% đến 10% của dân số, là giai cấp cầm quyền, và cũng như các giai cấp khác, nói chung là cha truyền con nối. Samurai có quyền trừng phạt hay xử chém người dân thường khỏi cần xét xử. Ngay trong giai cấp vũ sĩ cũng có nhiều thứ bậc, ̀ tùy theo đó mà cách chào hỏi, chỗ ngồi cũng khác nhau. Trường hợp đổi từ giai cấp này sang giai cấp nọ rất ít xảy ra. Chính điểm này cũng khác với Việt Nam và Trung Quốc vì trong thời phong kiến, ở Việt Nam và Trung Quốc ai học hành và thi cử đỗ đạt thì đương nhiên thuộc vào thành phần của giai cấp sĩ phu.
Óc thẩm mỹ: Ấn tượng ban đầu của ai đến thăm Nhật Bản cũng là ngạc nhiên và thán phục về óc thẩm mỹ của người Nhật: từ cách bày biện đồ ăn thức uống, nhà cửa, trang hoàng sách vở báo chí, hàng quán, cho đến các đền chùa, khiến người đến viếng mơ màng về một thuở xa xưa, gian phòng sado (trà đạo) nhỏ nhắn, đơn sơ phảng phất mùi Thiền mà ở đó thời gian như ngừng lại, hay những khu vườn lát đá lưa thưa mà khách bước qua có cảm tưởng như mình đang lìa cõi tục. Nhưng óc thẩm mỹ của người Nhật không chỉ biểu hiện qua các sự tượng bên ngoài mà còn qua lối suy nghĩ và cách làm việc của họ hàng ngày, hay nói rộng ra là trong nhân sinh quan của họ. Một người ́ ́ đan quạt tre ngắm đi ngắm lại thử xem cái quạt mình vừa làm đã cân đối chưa, có cần phải trau chuốt gì chăng. Ai cũng biết rằng nếu càng tốn thì giờ sản xuất thì lợi tức thu hoạch càng ít ra, nhưng đối với anh ta ngoài khía cạnh lợi tức, anh còn muốn đạt một mục tiêu khác không kém quan trọng: đó là cảm giác thoải mái khi vừa hoàn thành tươm tất một công việc cho dù khiêm tốn bao nhiêu đi nữa. Nói rộng ra, đối với người Nhật, dù ý thức hay không ý thức, đó là sự đi tìm cái mỹ (bi) trong công việc. Người Nhật nổi tiếng làm việc cần mẫn, xem công việc của công ti như việc nhà, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Để giải thích vì sao họ cần mẫn như vậy, nếu chỉ nêu ra lý do lợi ích cá nhân (làm việc nhiều thì được tăng lương tăng chức) thì cũng chưa đủ vì công ti Nhật Bản trên nguyên tắc không khuyến khích sự cạnh tranh giữa các nhân viên trong hãng, trong trường hợp tăng lương bổng thì tất cả nhân viên đều được tăng. Phải chăng ngoài lợi ích cá nhân, người Nhật đi tìm, dầu vô ý thức đi nữa, cái mỹ trong sự hoàn tất chu đáo của họ? Bởi vậy, gần đây có người cho rằng có lẽ người Nhật xem công việc của họ không những là "một hoạt động kinh tế" mà còn là một "hoạt động thẩm mỹ"

Người vĩ đại thật sự là người không uy quyền, không giàu có nhưng có sức mạnh thanh tẩy những gì dơ bẩn trở nên sạch đẹp, dù chỉ một ít. 

“Một thiếu nữ cực kì tuyệt diệu” là điều Kimika nói về Kimiko. Để đạt được bất kì tiếng tăm gì trong nghề của mình, một nghệ nương phải xinh đẹp hoặc rất tài tình; và những người nổi danh thường có cả hai, được những người huấn luyện họ tuyển chọn từ lúc còn rất bé theo triển vọng cho những phẩm chất như vậy. Thậm chí lớp ca nữ bình thường hơn cũng phải có nét quyến rũ nào đó trong thời thanh xuân của họ – phải chi vẻ đẹp của ma quỷ là cái đã gợi hứng cho câu ngạn ngữ Nhật rằng ngay cả một con quỷ cũng xinh xắn ở tuổi mười tám(2) . Nhưng Kimiko xinh hơn nhiều. Nàng đáp ứng đầy đủ lí tưởng Nhật về vẻ đẹp; và tiêu chuẩn ấy không thể đạt tới với một phụ nữ trong một trăm ngàn người. Tài tình nàng càng hơn nữa: nàng toàn hảo. Nàng đã sáng tác những bài thơ rất duyên dáng, có thể cắm hoa một cách tinh nhã, trình diễn trà lễ tuyệt không vết lỗi, thêu thùa, làm khảm lụa: tóm lại, nàng quý phái. Và buổi xuất hiện trước công chúng đầu tiên của nàng đã làm rúng động giới phong lưu của Kyoto. Hiển nhiên nàng gần như có thể thu phục bất cứ ai nàng vừa ý, và hạnh vận đang mở ra trước nàng. Nhưng cũng sớm trở nên hiển nhiên, rằng nàng đã được huấn luyện hoàn hảo với nghề của mình. Nàng đã được dạy cách để cư xử trong gần như bất cứ hoàn cảnh khả dĩ nào; bởi điều nàng không thể biết thì Kimika biết hết cả: quyền năng của vẻ đẹp, điểm yếu của đam mê; mẹo hứa hẹn và giá trị của sự thờ ơ; cùng toàn bộ những khờ khạo và xấu ác trong trái tim đàn ông. Thế nên Kimiko đã mắc vài lỗi và rơi vài giọt lệ. Nàng đã mau chóng chứng tỏ mình như Kimika mong muốn – nguy hiểm nhẹ nhàng. Thế nên một ngọn đèn được chong lên với những người chơi đêm: nếu không một số bọn họ sẽ thổi tắt nó. Nhiệm vụ của ngọn đèn là làm hiện rõ mọi thứ dễ chịu: sẽ không có tà ý. Kimiko chẳng hề có tà ý, và không quá nguy hiểm. Những bậc phụ huynh lo âu phát hiện ra rằng nàng chẳng muốn gia nhập vào những gia tộc đáng kính, cũng chẳng rắp tâm đeo đuổi bất cứ sự lãng mạn nghiêm túc nào. Nhưng nàng đặc biệt không thương xót với loại thanh niên kí thư bằng máu của chính họ, và yêu cầu một vũ nữ cắt đầu ngón tay nhỏ nhắn trên bàn tay trái của mình như là lời thề cho tình cảm trường cửu. Nàng đủ láu lỉnh để chữa bệnh si muội của loại thanh niên ấy. Một số kẻ giàu có hiến đất và nhà cho nàng với điều kiện được sở hữu thân xác hay linh hồn nàng, đã thấy nàng chẳng thèm đoái hoài đến. Một người tỏ ra hào phóng để chuộc thân cho nàng không điều kiện, với một mức giá đủ để Kimika trở thành một phụ nữ giàu có; và Kimiko rất biết ơn, nhưng nàng vẫn là một nghệ nương. Nàng khéo léo cự tuyệt với nhiều ứng biến tài tình để kích thích sự ghét bỏ, và biết cách để chữa lành những tuyệt vọng trong hầu hết các trường hợp. Có những ngoại lệ, dĩ nhiên. Một ẳ ông già, nghĩ đời chẳng đáng sống nữa trừ phi có thể độc chiếm Kimiko cho riêng mình, một tối nọ đã mời nàng dự yến, và yêu cầu nàng uống rượu với ông ta. Nhưng Kimika, đã quen đọc mặt, khôn khéo thay trà (có màu y hệt) cho rượu của Kimiko, thế nên bản năng đó đã cứu được sinh mạng quý giá của cô gái, bởi chỉ mười phút sau linh hồn của vị chủ nhà ngây dại đã lên đường tới Mịch Thổ (Meido) một mình, và hẳn là cực kì thất vọng… Sau đêm ấy Kimika đã trông nom Kimiko hệt như một con mèo rừng bảo vệ mèo con của mình.
Mọi xung lực hay hành động của con người ấy là công việc của một vị thần, và rằng mọi người chết đều trở thành thần, là những ý niệm cơ bản của sự thờ kính đó. Tuy nhiên, cũng phải nhớ rằng, thuật từ Kami (Thần), dù được dịch ra bằng thuật từ thánh, thần thánh, hay thần, thực ra chẳng mang nghĩa gì như nó có trong Anh ngữ: thậm chí nó còn chẳng có nghĩa của những từ đó khi quy chiếu với những niềm tin cổ xưa ở Hi Lạp hay La Mã. Nó biểu thị cái “bên trên”, “cao cả”, “thượng tôn”, “siêu quần”, trong những ý nghĩa phi tôn giáo; trong ý nghĩa tôn giáo nó biểu thị anh linh của một người có được quyền năng siêu nhiên sau khi chết. Cái chết là “những quyền năng của bề trên”, “những thượng nhân” – Kami. Ở đây chúng ta có một quan niệm cực kì giống với khái niệm của thuyết Duy linh hiện đại về các hồn ma – chỉ là ý niệm Thần đạo đó không có ý nghĩa công bình đích thực. Thần là những linh hồn có phẩm giá và quyền năng cực kì đa dạng – thuộc về những cấp bậc tâm linh hệt như những cấp bậc của xã hội Nhật Bản cổ đại. Dù về cơ bản là siêu việt hơn người sống ở nhiều phương diện nhất định, tuy nhiên, người sống có thể trao cho họ sự đẹp lòng hay bất mãn, vừa ý với họ hoặc xúc phạm họ – thậm chí đôi khi còn cải thiện điều kiện tinh thần của họ. Song thực tế, những thụy phong (vinh danh sau khi mất) không bao giờ là sự nhạo báng với tâm trí Nhật. Trong năm nay(1) , chẳng hạn, một số chính khách và binh sĩ nổi bật đã được nâng lên hạng cao hơn ngay sau khi họ chết; và tôi vừa đọc trên công báo chính thức hôm nọ, rằng “Hoàng Thượng vui thuận thụy phong Húc Nhật Chương Đệ Nhị Hạng cho Thiếu tướng Baron Yamane, người vừa tử trận ở Phúc Nhĩ Ma Sa (Đài Loan)”. Những hành động của hoàng gia như vậy nhất định không chỉ được xem như những thủ tục nhằm tôn vinh kí ức về những người trung can và ái quốc; cũng không nên xem chúng chỉ là hành động nhằm truy phong biệt đãi với gia đình của người đã mất. Về cơ bản chúng thuộc về Thần đạo, và minh họa cho ý thức về mối quan hệ thân mật giữa thế giới hữu hình và vô hình là đặc trưng tôn giáo khu biệt Nhật Bản với mọi quốc gia văn minh khác. Trong tư tưởng Nhật Bản, người chết không hề ít thực hơn người sống. Họ dự phần trong đời sống hằng ngày của dân chúng – chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui khiêm nhường nhất. Họ tham gia các bữa ăn gia đình, dõi theo hạnh vận của toàn gia, hỗ trợ và vui sướng với sự thịnh vượng của hậu duệ mình. Họ hiện diện ở những đám rước công cộng, ở mọi lễ hội thiêng liêng của Thần đạo, ở những trò chơi quân sự, và mọi sự kiện giải trí đặc biệt dành cho mình. Và họ thường được nghĩ là đang tìm thấy niềm vui với những dâng cúng đã thực hiện hay những vinh dự đã truy phong cho họ.

Ngươi phải quan sát hiện trường. Nên đứng tại vị trí quay lưng về phía mặt trời, với thế thủ với mặt trời ở sau lưng ta. Nếu hoàn cảnh không cho phép ta làm điều đó thì phải tìm cách làm cho mặt trời ở phía bên tay mặt ta. Trong nhà, cũng phải cố gắng để mặt trời chiếu từ sau lưng hay phía bên tay mặt. Phải đảm bảo là mặt sau của ta không có nguy hiểm và bên trái có đủ khoảng trống để chiến đấu, bên phải thủ kiếm. Lúc trời tối, khi ta có thể thấy được địch, hãy giữ cho ánh lửa chiếu từ sau lưng và lối vào bên tay trái. Bằng không thì ta phải vào thế thủ như đã nói trên đây. Ta phải ở thế thượng phong đối với kẻ địch và thủ thế ở những nơi hơi cao một chút, để quan sát chúng từ trên cao.Khi vào cuộc chiến đấu, phải luôn luôn cố gắng truy đuổi kẻ địch về phía tay trái của ta. Phải dồn y vào những chỗ cụt và cố gắng giữ cho lưng y tựa vào những góc chết. Khi kẻ địch bị dồn vào một thế bất lợi, đừng để y quan sát chung quanh, phải chú tâm truy đuổi đến cùng để ghìm y xuống. Dù trong nội thất, phải dồn kẻ địch vào ngưỡng cửa, cửa vào, cửa chính, hành lang, dãy cột, và không để y rảnh trí thấy được tình huống của y. Hãy luôn luôn thúc ép đối phương vào nơi hiểm địa, đầy chướng ngại. Lợi dụng đặc tính của địa hình để giành thế thượng phong và chiến đấu từ vị trí đó. Ngươi hãy suy ngẫm và luyện tập chuyên cần trong việc này.
Khi ngươi quyết định tấn công, ngươi hãy bình tĩnh và nhanh chóng phóng tới khiến cho địch thủ phải chùn bước. Hoặc ngươi có thể tiến lên với dáng vẻ mạnh bạo, cùng với một tinh thần cẩn trọng khiến cho địch thủ bị ngăn khựng lại. Hoặc cách khác, khi tiến lên tinh thần càng dũng mãnh càng tốt và khi đến gần đối thủ, ngươi xông lên nhanh hơn lúc bình thường khiến y bị chao đảo và trong thoáng chốc bị chế ngự. Hoặc là với một tinh thần bình tĩnh, ngươi hãy tấn công liên tục dồn ép đối thủ từ đầu đến cuối. Yếu quyết là thắng ngay trong nội tâm của địch. Các chiến thuật này đều gọi là Ken no sen.
Theo thần đạo, - hệ thống tín ngưỡng Nhật, - thì dân tộc Nhật là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amaterasu, người sinh ra vị thiên hoàng huyền thoại Zimmu (Zimmu-Tenno), lên ngôi năm 660 trước CN, và trị vì “vương quốc Yamato”. Chính vị hoàng đế này là người mở đầu các triều đại thiên hoàng Nhật Bản, thay nhau trị vì xứ sở suốt từ đó đến tận bây giờ. Người Nhật, cũng tương tự như nhiều sắc tộc Á Đông khác, quen phân định niên đại lịch sử đất nước theo các triều vua. Hiện thời, Nhật Bản mới bước vào triều đại Thiên hoàng Akihito, kế vị vua cha là Hirohito, đăng quang năm 1926 và trị vì cho tới năm 1989. Nhân cách các Thiên hoàng và quyền lực của hoàng đế xưa nay vẫn là nhân tố hệ trọng nhất gắn kết thần dân trong nước và chi phối ý thức dân tộc của người Nhật.
Vào thời mạc phủ (shogun) Kamakura (1192-1333), từ giới quý tộc quân nhân phục dịch các mạc phủ, vốn chiếm thế thượng phong, đã nảy sinh một giai tầng mới, gọi là samurai , chủ trương lấy đức “thượng võ” làm nền tảng xã hội. Buổi đầu, các samurai được cấp ruộng đất để thu hoa lợi. Về sau, mạc phủ Yefsuna (1641-1680) ra chỉ dụ đoạt lại các khu đất phong đó, biến giới samurai thành đẳng cấp quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương bổng do các tôn chủ ban phát. Chính các samurai bị đoạt lại ruộng đất đó đã hình thành nên một tầng lớp gọi là ronin . Họ không có tôn chủ bảo trợ, nên buộc phải lang thang khắp nước để tìm cơ hội thi thố võ nghệ và tạo nên một bộ luật đạo đức độc đáo được mệnh danh là bushido (“võ sĩ đạo” - nghĩa đen là con đường của người chiến binh). Dần dà, bộ luật không thành văn này đã trở thành lý tưởng của giới võ sĩ Nhật Bản.
Chính sách “bế quan tỏa cảng” đó đã tạo cho Nhật Bản một mảnh đất màu mỡ để vun trồng chế độ gia trưởng và ấn định nghiêm ngặt mọi chuẩn tắc ứng xử giữa các thần dân trong nước với nhau, nói riêng là qui phạm “tận trung” vốn là nền tảng của lệ Zyunshi (ấn định mọi kẻ bề tôi phải chết theo tôn chủ). Đó cũng chính là nền tảng của lệ katakiuchi, ấn định bổn phận của các samurai phải hạ sát kẻ đã giết hại tôn chủ hoặc con trưởng của tôn chủ. Chẳng hạn, có tới hàng trăm sáng tác văn chương được viết ra nhằm tôn vinh “chiến công của 47 ronin ” đã đồng loạt harakiri để phục hận cho tôn chủ bị giết hại một cách dã man, bởi họ không thể hạ sát kẻ chủ mưu.
Khi giải quyết một vấn đề cụ thể này hoặc khác, người Nhật bao giờ cũng dựa vào vốn kinh nghiệm đã tích lũy được trước đây, chứ không phải bằng các suy lý trừu tượng, do họ tự xây dựng nên. Khi vấp phải một tình huống rắc rối, họ thích viện tới các giải pháp lấy tinh thần duy lợi làm cứu cánh. Nhiều học giả, khi khảo cứu bản sắc dân tộc Nhật, thường nhấn mạnh rằng những gì hễ có giá trị thực tiễn thì sẽ được người Nhật chấp nhận ngay, không chút phân vân. Do vậy, họ có một lô gích tư duy độc đáo ít gặp ở các sắc tộc Âu - Mỹ: lấy tình huống làm căn bản, nhiều hơn là căn cứ vào các nguyên tắc đã định hình.
Ở Nhật hiện vẫn tồn tại những tổ chức gọi là kyodotai (nghĩa đen là “hiệp hội”, “công xã”, “hội tương ái, tương thân”). Các tổ chức này là sản phẩm trực tiếp của các truyền thống lịch sử lâu đời, đòi hỏi các thành viên phải quy tụ lại cùng nhau để hỗ trợ nhau trong công việc và trong cuộc sống thường nhật trên cơ sở dung hòa lợi ích giữa các thành viên có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Người Nhật chấp nhận các tổ chức đó với tư cách các đơn vị thân hữu. Nét đặc trưng cho mọi tổ chức kiểu này là xu thế hợp nhất rộng khắp mọi thành viên có cùng địa bàn cư trú (làng xã, xí nghiệp...) và luôn mở rộng vòng tay để đón nhận các thành viên sẽ gia nhập vào tổ chức trong tương lai. Nét chủ đạo ngự trị trong các tổ chức này là người thủ lĩnh phải đứng ra đỡ đầu cho mọi thành viên theo lối tộc trưởng của mỗi dòng họ, hướng tổ chức vươn tới những giá trị đặc biệt, tạo cho tổ chức một bầu không khí kết đoàn và thương yêu nhau như anh em một nhà. Hệ thống các quan hệ gắn bó được gọi là quan hệ oyabun - kobun . Oyabun chỉ những thành viên giữ cương vị oya (phụ huynh); còn kobun - các thành viên giữ cương vị ko (con cái). Oyabun - thủ lĩnh tổ chức - phải đứng ra bảo vệ lợi ích của nhóm. Vai trò nhân vật này tương tự như vai trò người cha và trưởng tộc mỗi gia đình. Kobun là toàn thể các thành viên còn lại; họ phải cư xử với nhau như anh em, chị em một nhà, phải tuân thủ vô điều kiện oyabun , để giúp tổ chức bền vững hơn, và nhờ đó, đem lại cho mọi thành viên những phúc lợi vật chất ngày càng dồi dào thêm. Về cơ cấu tổ chức, các tổ chức này rất giống với các phường hội thời trung đại.
Ngay từ thời phong kiến, ở Nhật đã phổ biến rộng khắp một châm ngôn gồm 5 chữ: hi - ri - ho - ken - ten (phi - lý - pháp - quyền - thiên). Nghĩa câu này có thể diễn đạt tường minh như sau: điều phi lý phải thuận theo công lý; công lý phải thuận theo luật lệ; luật lệ phải thuận theo quyền uy; quyền uy phải thuận theo Thiên ý (ý Trời).
Suốt một thời gian dài, xã hội Nhật đã bền bỉ vun đắp quan niệm cho rằng quyền uy thế tục không bao giờ vượt lên trên Thiên ý, bởi lẽ Thiên ý luôn mạnh hơn, nhưng chống lại quyền uy thế tục là rồ dại.Ý niệm đó đã ăn sâu trong tâm thức người Nhật, bởi lẽ nó vốn bắt nguồn từ chữ lễ (tiếng Nhật là rei ) của Khổng giáo, vốn ấn định cách xử thế ở đời - cả trong xã hội, tại công sở, cũng như trong đời tư. Giữ đúng chữ lễ là phải nhu thuận, phục tòng và kính nể đối với các nhân vật có uy tín. Nội dung đạo đức Khổng giáo được người Nhật tiếp nhận dưới hình thái sau đây: “Quan hệ giữa người trên với kẻ dưới cũng tương tự như quan hệ giữa gió với cỏ: cỏ phải rạp xuống khi bị gió thổi qua”.
Ý thức phục tùng chẳng những hình thành ở người Nhật thói quen tuân thủ máy móc, mà còn kìm hãm sự phát huy cá tính của người dân Phù Tang. Những tập sách loại Shingaku (luân lý nhật dụng) ấn hành dưới thời Tokugawa, không nhằm một mục tiêu nào khác hơn là truyền giảng trong thần dân tư tưởng phục dịch thượng cấp thật tận tụy quên mình. Vì vậy, người Nhật phải biết tự gạt bỏ mọi sở nguyện thầm kín riêng, bởi đó là những sở nguyện vị kỷ; còn đức tính tối thượng theo Shingaku , là đức xả thân vì tôn chủ, hy sinh mọi lợi ích riêng tư.

SƠ ĐỒ: Cơ cấu tổ chức quản lý của một hãng Nhật Bản.

I. Keieisha (bộ phận quản lý cấp cao nhất).

II. Kanrisha (bộ phận quản lý cấp giữa).

Buchiyo : - trưởng ban, phòng

Kachiyo : - trưởng nhóm, tổ

Kakari (bộ phận quản lý cấp thấp).

III. Ippanasha (công nhân, viên chức thừa hành)
Một trong những nét đặc sắc chủ yếu của nghệ thuật quản lý Nhật Bản là lấy tâm lý trung thành với tập thể nhóm làm nền tảng. Không hề có một cộng đồng người nào trong nhân loại lại đề cao, lại coi trọng thể chế nhóm, bầu không khí trong nhóm đến mức như cộng đồng dân Nhật. Năng suất tăng hay giảm, số sản phẩm kém phẩm chất nhiều hay ít - tất cả đều được coi là hậu quả trực tiếp của tinh thần đoàn kết trong nhóm thấp hay cao, và sự hoạt động của nhóm lao động “trôi chảy” hay “trục trặc”. Mà “chất lượng” của nhóm tốt hay xấu, không ngờ vực gì nữa, đều tùy thuộc vào tính chất của mối quan hệ cá nhân giữa các thành viên trong nhóm hữu quan.
Là một cơ cấu tổ chức kiểu hình tháp, các hãng Nhật nhìn chung vốn được hình thành nên từ nhiều nhóm nhỏ. Dù đứng máy hay lắp ráp, dù điều chỉnh hay làm mới, công việc nào của họ cũng được tiến hành dưới hình thức nhóm lao động. Ở khắp mọi khâu trong hãng, đều có người hơn tuổi và người kém tuổi; ở mọi công đoạn, thậm chí ở cả công đoạn nhỏ nhất trong quy trình sản xuất ở Nhật Bản, cũng đều hiện diện mối quan hệ người điều khiển và người thừa hành. Lệ thường, loại thứ nhất bao giờ cũng lớn tuổi hơn và có thâm niên làm việc lâu hơn, do đó, sẽ có kinh nghiệm hơn loại thứ hai. Vì thế, những ai hơn tuổi bao giờ cũng được nể trọng, có uy tín và quyền lực nhất định. Hình thức trên ở mọi cấp của hãng đều y hệt như vậy. Kết quả trong mọi hãng đều hình thành một kiểu mô hình hành vi, mô hình ứng xử khá nhất trí, xây dựng trên cơ cấu tuân thủ đúng đắn vai trò và cương vị của mọi thành viên. Mô hình này vốn bị quy định một cách nghiêm ngặt bởi một hệ thống các nhân tố bên ngoài (ngoại tại), trong đó nhân tố nổi bật hơn cả là các chuẩn tắc ứng xử xã hội, như chuẩn mực văn hóa thường nhật, chuẩn mực “giri”, chuẩn mực “hàm ơn”
Người Nhật tiếp nhận mọi người trong xã hội qua những cấu trúc được phân định một cách dứt khoát, rạch ròi: sempai (người hơn tuổi), kohai (người kém tuổi) và doryo (đồng nghiệp). Đối với các đồng nghiệp, doryo chỉ dùng để chỉ những ai ngang hàng, chứ không phải chỉ tất thảy những người cùng làm một công việc như nhau. Tuy là đồng nghiệp, nhưng sự khác biệt về tuổi tác, về thâm niên công tác và học vấn cũng lập tức đưa đến những cách đối xử khác hẳn, đẩy họ sang hai nhóm kia: sempai hoặc kohai . Sempai thường dùng chỉ những ai là thủ trưởng, người điều hành; còn kohai - những ai dưới quyền, phải phục tòng thượng cấp.
Lòng trung thành với các lý tưởng của hãng, trong thực tế của Nhật Bản, thường được biểu lộ qua một loạt mức độ khác nhau. Trước hết, đó là sự trung thành với nhóm lao động (như đã nói ở đoạn đầu); tiếp đến, đó là lòng trung thành với phòng, ban, xí nghiệp, và sau cùng là với hãng “nhà”. Cơ sở của lòng trung thành đó dĩ nhiên là sự tận tụy với nhóm lao động của chính mình, một tổ chức nhỏ vốn tích tụ trong bản thân nó mọi lý tưởng chủ yếu của toàn hãng. Tuy nhiên, nhóm chỉ là một bộ phận trong toàn hệ thống. Tuy mỗi viên chức, khi tự bồi dưỡng cho bản thân những lý tưởng của nhóm, đều tự thấm nhuần các lý tưởng của toàn hãng, nhưng lòng trung thành đối với các lý tưởng ấy dẫu sao vẫn phải được hình thành trên một phạm vi xã hội rộng hơn, cụ thể là trong môi trường của hãng, xét như một tổng thể bao quát hơn. Do đó, giới kinh doanh Nhật Bản bao giờ cũng coi việc giáo dục lòng trung thành với hãng là một việc hết sức hệ trọng. Bởi vì, như những người từng khảo sát vấn đề phát triển tinh thần hội xã đã chỉ rõ, không có con đường nào khác để giáo dục lòng trung thành với các lý tưởng của hãng, ngoài việc giáo dục lòng trung thành với chính bản thân hãng “nhà”.

Theo quốc sử Nhật Bản, nguyên là 3000 năm về trước, trên trời có ba vị thần hiển linh: 
Thiên ngự trung chủ tôn 天御中主尊 Amenominakanushi no mikoto 
Cao hoàng sản linh tôn ⾼皇産霊尊 Takamimusuhi no mikoto 
Thần hoàng sản linh tôn 神皇産霊尊 Kamumimusuhi no mikoto   
Ba vị thần xuống phàm kinh doanh thống trị ở trên tám cù lao Nhật Bản. Thần “Thiên ngự trung chủ” làm chúa tể, ở ngôi chính thống, là đức nguyên tổ của các Thiên hoàng (Mikado 天皇), nước Nhật về sau. Còn hai vị thần “Cao hoàng sản linh” và “Thần hoàng sản linh” thì là ngoại tổ của Thiên hoàng. Thuở đó ba vị thần kết hôn với nhau, sinh nở ra thần con thần cháu, dòng dõi phồn thịnh. Duy có dòng dõi thần “Thiên ngự trung chủ” là dòng dõi chính thống chân truyền đời đời nắm quyền thống trị nước Nhật; còn dòng dõi hai thần kia thì làm các chức lớn, phò trợ nhà vua, như là tể tướng, chư hầu, tướng quân… Thành ra vua Nhật là con cháu chính tông của thần đã đành, mà đến các quý tộc danh gia trong nước cũng là con cháu của thần nữa.

Cách sau mười mấy đời truyền nối dòng dõi của ba vị thần nói trên đây, tới “Thiên Chiếu đại thần 天照⼤神 Déesse Amaterasu Omikami, tục gọi là Nữ thần Mặt trời, hay là thần Quốc tổ 國祖, vì chính thần tạo lập ra ngôi vua nước Nhật xưa nay. “Thiên Chiếu đại thần” sai vị thần cháu ngài hóa sinh hình người, lên ngôi vua thống trị nước Nhật; khi đó ngài ban cho hoàng tôn ba món thần khí, là một cái gương, một thanh kiếm, một hòn ngọc, và có lời dạy rằng: “Ngôi báu này, con cháu của thần chính tông đời đời truyền nối nhau, cùng trời đất trường sinh vô tận”. Từ đó Nhật Bản dựng thành quốc gia và có vua cầm quyền trị dân một cách chính thức. Ba món thần khí là cái dấu tỏ thiêng liêng quý báu của nhà vua, từ xưa đến nay, mỗi đời Thiên hoàng lên nối ngôi trị vì, trước hết có cuộc tế lễ rất tôn nghiêm, để bái lĩnh ba món thần khí này, tức là vật truyền quốc chi bảo vậy. Mỗi món thần khí chỉ tỏ ra một đức tính:
Ngọc Bát bản quỳnh khúc ⼋ 阪 瓊 曲 ⽟ tỏ ra đức nhân ái từ bi; 
Gương Bát chỉ ⼋ 咫 鏡 tỏ ra đức trong sạch sáng suốt;
Kiếm cỏ trĩ 薙 草 劍 tỏ ra sức mạnh bạo cả quyết.
Chỉ duy có Nhật Bản, từ khi lập quốc đến nay, gần 2600 năm, và trải 124 triều vua, đều là con cháu của Thần Võ thiên hoàng một dòng truyền nối mà thôi. Vì lòng dân xưa nay tin chắc rằng nước họ là Thần quốc, vua họ là Thần tôn (con cháu của thần), vậy cái ngôi chí tôn chỉ có dòng dõi của thần mới là xứng đáng và muôn đời không thể đổi thay, cũng không ai được xâm phạm tới; trái lại, ai cũng phải kính thờ ủng hộ. Bởi vậy, thuở nay Nhật Bản không có cách mạng bao giờ; thực là một sự lạ lùng đặc biệt của họ. Cách mạng nói đây, nghĩa là một cuộc mưu toan đánh cướp hay đổi thay ngôi quyền thống trị. Ấy là việc thay triều đổi họ làm vua; nước nào trong thiên hạ cũng có trải qua cảnh đó năm lượt bảy phen; chỉ có nước Nhật là không. Tuy là xưa kia Nhật Bản cũng có một vài kẻ gian thần giết vua, và chính trong hoàng tộc cũng từng xảy ra cái nạn tranh ngôi hại lẫn nhau chứ chẳng phải không, nhưng vậy mà trong nước không hề vì đó mà đến đỗi có những cuộc rối loạn nổi lên. Có lúc dòng vua hầu tuyệt rồi cũng trở lại phồn vinh như cũ. Có lúc họ Đằng Nguyên 藤原 [Fujiwara] cũng là một dòng dõi của thần lập ấu chúa, cầm đại quyền, nếu như ở nước khác thì dễ sinh ra việc đoạt quyền thoán vị như chơi, song họ Đằng Nguyên thì vẫn thờ vua một cách cung kính. Cho tới về sau, luôn mấy trăm năm, Thiên hoàng ở ngôi chỉ như phỗng đá, làm vua hư danh vậy thôi, bao nhiêu đại quyền trong nước đều về tay tướng quân nọ tướng quân kia kế tiếp nhau nắm giữ, gọi là Mạc Phủ tướng quân 幕府将軍 [Bakufu Shogun] giống như kiểu “vua Lê chúa Trịnh” ở lịch sử nước Nam ta. Song đời họ nào làm tướng quân cũng vẫn dốc lòng tôn kính hộ vệ Thiên hoàng, chứ không một ông nào dám có ý dòm ngó ngôi báu. Những lúc như thế, ở nước khác có thể đổ bể ra bao phen cách mạng rồi, nhưng ở nước Nhật thì yên ổn như thường.
Trong cuốn sách về thuật dưỡng sinh Youseikun, Kaibara Ekiken 300 năm trước đã từng viết là: “Ăn lưng lửng bụng” . Bí quyết để chúng ta sống khỏe mạnh đã được người xưa thể hiện qua câu chữ và phong cách sống như thế. Chúng ta cần khiêm tốn đón nhận những bí quyết ấy.

Ngay từ năm 1912, Kakehi Katsuhico (1872-1961), luật sư và là Giáo sư trường Đại học Tổng hợp Tokyo, đã viết trong tác phẩm Ý nghĩa vĩ đại của Thần đạo cổ xưa như sau: “Nhân dân Nhật Bản không thể tồn tại mà không có hoàng đế. Hoàng đế vô cùng vĩ đại ban cho dân tộc cuộc sống, không có hoàng đế thì dân tộc không thể hình thành, không có hoàng đế thì dân tộc Nhật Bản sẽ không thể nào tồn tại được

Võ Sĩ Đạo được triển khai trong tầng lớp võ sĩ đầu tiên, nó tác, động đến đông đảo dân chúng, cung cấp tiêu chuẩn đạo đức cho toàn thể nhân dân. Mới đầu, Võ Sĩ Đạo được một số ít các phần tử ưu tú trong dân chúng tôn sùng, về sau nó dần dần trở thành chuẩn tắc đạo đức của toàn dân. Tuy đông đảo người bình dân không thể đạt được tới trình độ tu dưỡng của các võ sĩ, nhưng Yamato Damashii tức Linh hồn Nhật Bản, đã trở thành tượng trưng cho Volksgeist (tinh thần dân tộc) của đảo quốc này. Nếu tôn giáo chẳng qua chỉ là thứ "Đạo đức được xây dựng bởi nỗi xúc động" như Matthew Arnold định nghĩa, thì trên ý nghĩa đó rất ít tôn giáo nào vượt qua nỗi xúc động mà Võ Sĩ Đạo từng gây ra trong lòng người Nhật Bản, rất ít hệ thống luân lý nào sánh được với Võ Sĩ Đạo. Câu thơ dưới đây của Motoori thể hiện tấm lòng người dân nước chúng tôi:

Trái tim Nhật Bản là đâu ? 

Phải chăng chính đoá anh đào ban mai. 

Vâng, cây sakura (xem: Lindley, Cerasus pseudo cerasus) xưa nay được dân nước chúng tôi yêu quý, là biểu tượng của tính cách người Nhật Bản. Hoa anh đào dại trên núi nở vào buổi ban mai là hình ảnh thích hợp để diễn tả loại cây này.
Hồn Yamato - hoa của cây anh đào sakura, không phải là loài cây yếu ớt đã được con người thuần hóa trồng trong vườn, mà là thứ cây dại mọc tự nhiên trên đất Nhật Bản từ thời xa xưa. Có thể là về một số tính chất nào đó, nó không khác gì những cây cùng loại ở nước ngoài, nhưng rõ ràng tính chất căn bản nhất của loài cây này là thuộc về Nhật Bản. Chúng tôi yêu anh đào không phải chỉ vì nó là loại cây mọc trên đất nước mình. Vẻ đẹp duyên dáng thanh lịch của hoa anh đào rất hợp với quan niệm thẩm mỹ của chúng tôi, không loài hoa nào có thể sánh nổi. Chúng tôi không thể chia xẻ tình cảm ái mộ của người châu Âu dành cho hoa hồng, Vì so với hoa anh đào thì hoa hồng thiếu tính bình dị; hơn nữa, ẩn dấu dưới cánh hoa kiều diễm là những cái gai nhọn hoắt, và khi khô héo, bông hoa nằm chết trên cành mà không rụng xuống thể hiện tình cảm quyến luyến sự sống và sợ hãi cái chết. Ngoài ra, hoa hồng có màu sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Tất cả những cái đó khác hẳn hoa anh đào Nhật Bản: dưới vẻ đẹp của nó không có chất độc và gai nhọn; trong chuyện sống chết, nó thuận theo thiên nhiên, sẵn. sàng từ bỏ cuộc sống mà không luyến tiếc; sắc hoa đẹp thanh lịch mà không yêu kiều, hương thơm thoang thoảng mà không làm say lòng người. Nói chung, vẻ đẹp màu sắc và hình dáng đều là thứ ở bên ngoài, hương thơm là phần hồn trôi nổi sẽ bay lên cùng hồn thiêng của sinh mệnh. Vì thế, chúng ta có thể thấy khi mặt trời mọc, ánh hồng rọi sáng khắp các hòn đảo vùng Viễn Đông, cũng vào lúc ấy, bầu không khí ban mai thoang thoảng hương thơm của hoa anh đào; khi hít ngửi mùi thơm ấy, ta cảm nhận được cuộc sống tươi đẹp tràn đầy vẻ thanh tân và khoan khoái.
Trong Hán Ngữ, chữ "Diệu" với hàm nghĩa là thần bí, tốt đẹp, chính là ghép bởi chữ "Thiếu" trong "Niên Thiếu" (tuổi trẻ) với chữ "Nữ trong "Nữ Tử" (con gái). Người đàn bà có vẻ đẹp của cơ thể và sự bí ẩn của tâm hồn - những thứ người đàn ông không có.
Trong Hán ngữ, "Phụ" có nghĩa là người vợ, tự hình của chữ này là người đàn bà tay cầm cái chổi. Cái chổi ấy không phải để dùng làm vũ khí, hoặc để mụ phù thuỷ cưỡi bay lên trời, mà là để thực hiện công dụng vô hại phổ biến nhất là quét nhà - bởi vậy, "Phụ" tức là người đàn bà làm công việc nội trợ. Điều ấy cũng tương tự như trong Anh ngữ, chữ "Người Vợ " (Wife) diễn biến từ chữ "Người Dệt Vải" (Weaver) mà ra; và chữ "Người Con Gái" (Daughter) thì có xuất xứ từ chữ "Người Vắt Sữa" (Duhitar) phát triển thành; nghĩa là bắt nguồn từ gia đình. Đương kim Hoàng đế nước Đức từng nói, phạm vi hoạt động của người phụ nữ không ngoài 3 chữ K - trong tiếng Đức Kũche là bếp, Kirche là nhà thờ; Kinder là con cái.