Arne Höpfner on Behance
(2021) Đọc vài cuốn sách về chạy bộ 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 115 quyển 🕮
✤1/ Sinh Ra Để Chạy - Christopher McDougall
✤2/ Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (What I Talk About When I Talk About Running) - Murakami Haruki
✤3/ Bước chạy thanh xuân (Run with the Wind) - Miura Shion

Người Tarahumara chạy bộ như niềm vui trên đôi giày tái chế bằng vỏ cao su.

Một bộ tộc sinh sống ở nơi thiên nhiên nguyên sơ, suốt đời không bệnh tật, tuổi thọ là trăm năm, già trẻ gái trai đều có khả năng chạy bộ vô biên – khiến cả thế giới kinh hoàng! Một người Tarahumara có thể chạy liên tục một hơi bốn trăm dặm (tương đương với hơn sáu trăm bốn mươi km). Họ săn bắt bằng cách chạy theo con mồi cho đến khi nó bật móng kiệt sức từ bỏ. Thật khó để chấp nhận và hiểu được sự thật này, nhất là đối với những người chạy bộ chuyên nghiệp trên toàn thế giới… 2017, thế giới lại một lần nữa bàng hoàng trước câu chuyện cô gái 22 tuổi Maria Lorena Ramirez thuộc bộ lạc Tarahumara giành huy chương vàng cuộc thi marathon Ultra Trail Cerro Rojo tổ chức ở Pueda, miền Trung Mexico. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như trang phục chạy marathon 50 km của cô gái này không phải là váy hoa và đôi dép cao su tái chế từ lốp xe, không một dụng cụ hỗ trợ nào được sử dụng.
Lương thực của họ là gì, rất đơn giản, chủ yếu chỉ là ngô và đậu. Ngoài ra, để lý giải sự kì diệu này, các nhà khoa học cho rằng, người Tarahumara ăn loại hạt chia (Salvia Hispaniola) giúp các mô và cơ bắp dẻo dai, chắc chắn, mạnh mẽ hơn. Ngày nay, rất nhiều người sử dụng hạt chia để ổn định huyết áp, bổ sung chất xơ, chống lão hóa xương khớp,…
Nói tới các cự ly siêu dài, chẳng gì có thể đánh bại một người chạy bộ Tarahumara – kể cả ngựa đua, báo đốm, hay vận động viên marathon Olympic. Có rất ít người từng nhìn thấy người Tarahumara thể hiện sức mạnh, nhưng những câu chuyện kỳ thú về sức bền bỉ siêu phàm và sự bình thản của họ đã vượt khỏi các hẻm núi từ nhiều thế kỷ trước. Một nhà thám hiểm thề rằng ông ta đã nhìn thấy một người Tarahumara tay không bắt hươu, sau khi rượt đuổi con vật dẻo dai “đến long móng guốc” và khiến nó gục chết vì kiệt sức. Một người phiêu lưu mạo hiểm khác thì kể anh ta phải mất tới 10 tiếng đồng hồ trên lưng một con la để vượt qua một đỉnh trong Copper Canyon; trong khi một người Tarahumara chạy bộ hết chính quãng đường đó chỉ vỏn vẹn 90 phút
Họ không tái tạo cơ giữa các bài tập bằng thanh protein; trên thực tế, họ hầu như chẳng ăn chút protein nào, chỉ sống nhờ vào ngô, có gia giảm chút sơn hào là thịt chuột nướng. Đến ngày chạy đua, người Tarahumara cũng chẳng luyện tập hay giảm khối lượng. Họ chẳng căng giãn cơ hay khởi động. Họ chỉ dạo bước đến vạch xuất phát, cười nói và trêu đùa nhau… rồi chạy như điên trong 48 giờ tiếp sau đó.
Tại sao họ lại không gặp chấn thương? Tôi thắc mắc. chẳng phải chúng ta, những kẻ có giày chạy với công nghệ hiện đại nhất và miếng lót chế tác riêng – lẽ ra mới là người có tỷ lệ thương tật bằng không, còn người Tarahumara – chạy nhiều hơn trên nền sỏi đá, với đôi giày thậm chí không thể gọi là giày – phải thường xuyên chịu thương tổn chứ?
Cô gái đến từ bộ lạc dành giải nhất cuộc chạy Marathon mà không cần một thiết bị thể thao hỗ trợ nào.
María Lorena Ramírez
Chạy bộ dường như là phiên bản thể thao của việc lái xe khi say rượu: bạn có thể bình an trong một thời gian, thậm chí có cả lúc vui thú, nhưng thảm họa luôn rình rập ngay sau mỗi lối rẽ.
Linh dương không bao giờ bị đau ống đồng. Sói không bao giờ phải chườm đá đầu gối. Và tôi ngờ rằng 80% lũ ngựa hoang không tàn phế mỗi năm vì chấn thương. Điều này khiến tôi nhớ lại một câu cách ngôn của Roger Bannister, nhà nghiên cứu y học, đồng thời làm việc với tư cách nhà nghiên cứu lâm sàng, tác giả của nhiều câu châm ngôn, và cũng chính là người đầu tiên vượt qua được ngưỡng kỷ lục chạy một dặm trong bốn phút: “Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc.” Bannister nói. “Nó hiểu rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị ăn thịt. Mỗi buổi sáng, một con sử tử thức dậy. Nó hiểu rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói. Là sư tử hay linh dương không quan trọng – khi Mặt trời mọc, bạn phải bắt đầu chạy.”
Bộ tộc Tarahumara - giày chạy bộ có phải một cú lừa?

Đối với phần còn lại của thế giới, người Tarahumara sống rất mâu thuẫn; họ xa lánh người lạ, nhưng lại bị thế giới bên ngoài quyến rũ. Theo cách nào đó, thì điều này có lý: khi bạn yêu thích việc chạy những cự ly dài đến phi thường, thì hẳn bạn sẽ bị cám dỗ bởi sự buông lơi, mặc cho đôi chân đưa bạn tới tận đâu. Một người Tarahumara từng có lần xuất hiện ở Siberia. Người ta không hiểu bằng cách nào mà anh ta lại lạc lên một con tàu hơi nước và lang thang qua các thảo nguyên nước Nga trước khi bị bắt và gửi trả về Mexico. Vào năm 1983, người ta bắt gặp một phụ nữ Tarahumara trong bộ váy truyền thống lòe xòe, đi lang thang trên một con phố tại Kansas; cô phải trải qua 12 năm trong một nhà thương điên trước khi một nhân viên xã hội nhận ra cô đang nói một thứ ngôn ngữ bị lãng quên, chứ không phải những lời lảm nhảm vô nghĩa.

Sí, de acuerdo.” Ángel nói. Có, tôi nghe thấy anh rồi. “Chạy bộ đã ăn vào máu cậu bé. Cha nó là một nhà vô địch vĩ đại.” Cha của Marcelino, Manuel Luna, có thể đánh bại gần hết người tham gia trận rarájipari xuyên đêm, phiên bản người lớn của trò chơi mà tôi đang được chứng kiến. Ángel giải thích, môn bóng rarájipari là trái tim và tâm hồn của người Tarahumara; mọi điều làm nên sự độc đáo của người Tarahumara đều được phô bày trong “sức nóng” của một trận rarájipari. Trước tiên, hai ngôi làng sẽ gặp nhau và dành cả đêm để đặt cược, đồng thời cụng ly tesgüino, loại bia ngô tự ủ, nặng đến rộp cả họng. Khi Mặt trời mọc, đội bóng của hai làng sẽ bắt đầu thi đấu, với khoảng từ ba đến tám người chạy bộ mỗi bên. Người chơi sẽ chạy ngược xuôi trên một dải đường mòn dài, đưa bóng của mình lên phía trước như cầu thủ bóng đá dẫn bóng bứt phá. Cuộc đua có thể kéo dài đến 24, thậm chí là 48 giờ, tùy thuộc vào thỏa thuận từ đêm hôm trước. Thế nhưng, các cầu thủ chẳng bao giờ được ra nghỉ hay ngơi bước. Với quả bóng nảy tưng tưng và 32 cái chân di chuyển như điện xẹt, họ hầu như chỉ đứng trên đầu ngón chân, lúc thì dâng lên, đổi hướng hay chạy hình chữ chi.
“Tôi luôn bị lạc và phải trèo dốc dựng đứng, với chai nước cắn giữa hai hàm răng, và lũ chim ó lượn vòng trên đầu.” Anh nói. “Thật tuyệt.” Một trong những điều đầu tiên và quan trọng nhất mà anh học được từ người Tarahumara là khả năng vọt chạy đi bất kỳ lúc nào, giống như việc con sói sẽ làm khi đánh hơi được một con thỏ. Đối với Caballo, chạy bộ đã trở thành cách di chuyển ưu tiên số một, như dân ngoại thành lái ô tô; đến bất kỳ nơi nào, anh cũng bước đi với tâm trạng phấn chấn, lên đường và mang theo rất ít đồ đạc, như những thợ săn thời Đá mới và chẳng quan tâm đến chuyện sẽ đi tới điểm nào hoặc xa tới tận đâu. “Nhìn này!” Anh nói, chỉ tay vào cái quần leo núi cũ mèm và đôi xăng đan Teva đáng vứt vào thùng rác từ lâu. “Tôi chỉ ăn mặc như vậy thôi, và tôi luôn luôn mặc như vậy đó.”
Choguita khá lạnh vào buổi đêm và bị ánh mặt trời thiêu đốt vào ban ngày, vì vậy, ngay cả khi chạy bộ, người Tarahumara ở làng Choguita vẫn giữ ấm cơ thể bằng các tấm áo choàng len dài gần đến gót chân. Mỗi khi họ sải bước chạy xuống đường mòn, trong tấm áo choàng tung bay, trông họ như những ảo thuật gia, hiện ra từ một làn khói.

(Hãy nhìn cách họ chạy với ngón chân hướng xuống dưới, chứ không hướng lên trên, giống như các vận động viên thể dục dụng cụ đang tập trên thảm. Và lưng họ nữa! Họ có thể đội cả xô nước mà chẳng sánh ra ngoài một giọt. Đã bao nhiêu năm mình dặn học trò phải giữ thẳng lưng và chạy từ phần thân giữa cơ thể như vậy?)
Đó mới thực sự là bí mật của người Tarahumara: họ chưa từng quên tình yêu dành cho chạy bộ. Họ nhớ được rằng chạy bộ chính là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thủy. Rất lâu trước khi chúng ta nguệch ngoạc vẽ lên trên vách hang động, hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệthuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – Người Chạy Bộ. Chạy đường dài được tôn sùng vì nó thiết yếu; đó là cách chúng ta sống sót, phát triển và nhân rộng ra khắp hành tinh này. Bạn chạy để kiếm ăn và để tránh bị ăn thịt; bạn chạy để tìm kiếm bạn tình và gây ấn tượng với nàng, và cùng nàng, bạn lại chạy để xây dựng một cuộc sống mới. Bạn phải yêu thích chạy bộ, nếu không, bạn sẽ chẳng còn sống để yêu bất kỳ thứ gì khác. Và cũng như mọi điều khác mà chúng ta yêu thích – tất cả những gì ta hay gọi một cách uỷ mị là “đam mê” và “ham muốn” – nó thực sự là một điều tất yếu được lập trình sẵn về mặt di truyền. Chúng ta sinh ra để chạy; chúng ta sinh ra bởi vì chúng ta chạy. Tẩt cả chúng ta đều là Người Chạy Bộ, điều mà người Tarahumara luôn hiểu rõ
Bộ tộc Tarahumara - giày chạy bộ có phải một cú lừa?
Cô gái người Tarahumara vượt 50 km địa hình chỉ với đôi dép cao su tái chế
Nhưng, theo cách tiếp cận của Mỹ thì – ôi chao. Thối rữa từ bên trong. Quá nhiều thứ nhân tạo và gượng ép, Vigil tin như vậy. Mọi thứ đều hướng về chuyện thành tích, và làm sao giành được nó ngay: những tấm huy chương, hợp đồng tài trợ với Nike, hay cặp mông đẹp đẽ. Nó không còn là một nghệ thuật nữa; tất cả là làm ăn, là đổi chác trần trụi. Không lấy gì làm lạ khi có nhiều người ghét chạy bộ đến vậy. Nếu bạn nghĩ rằng nó chỉ là một phương tiện để đi đến một điểm kết thúc nào đó – một khoản đầu tư để trở nên nhanh hơn, thon thả hơn, giàu có hơn – thì việc gì phải gắn bó với nó nếu bạn không nhận đủ lợi ích từ vụ đổi chác này?
Ted Chân Đất tin rằng chúng ta có thể thoát khỏi các chấn thương ở chân bằng việc vứt bỏ những đôi giày Nike, và anh ta sẵn sàng lấy bản thân mình ra làm bằng chứng: anh đã chạy giải marathon Los Angeles và Santa Clarita bằng chân đất và hoàn thành đủ nhanh để đạt tiêu chuẩn tham dự giải đua cấp cao Boston Marathon. Người ta đồn rằng anh luyện tập bằng cách chạy chân trần trên dãy núi San Gabriel, kéo vợ cùng con gái qua các con phố ở Burbank trên xe kéo. Bây giờ, anh đang tới Mexico để gặp gỡ người Tarahumara và tìm hiểu xem bí quyết cho sự bền bỉ đáng kinh ngạc của họ có phải là do họ chạy gần như hoàn toàn bằng chân trần hay không.
“Rất nhiều chấn thương bàn chân và đầu gối đang hành hạ chúng ta là do chúng ta chạy bằng những đôi giày làm bàn chân yếu đi, khiến ta tiếp đất má ngoài nhiều hơn, gây ra những vấn đề cho đầu gối. Cho tới tận năm 1972, trước khi Nike phát minh ra giày thể thao hiện đại, thì con người vẫn chạy bằng các đôi giày có đế rất mỏng, có bàn chân khoẻ khoắn, và ít bị chấn thương đầu gối hơn nhiều.”
Liệu thực hiện giãn cơ như một bậc thầy yoga có giúp bạn thoát được số phận đó không? Câu trả lời là không. Trong một nghiên cứu năm 1993 về các vận động viên Hà Lan đăng trên tờ Tạp chí Y học Thể thao Hoa kỳ, một nhóm người chạy bộ được dạy cách khởi động làm nóng và giãn cơ, trong khi nhóm thứ hai không được huấn luyện gì về “phòng tránh chấn thương”. Tỷ lệ chấn thương của họ ra sao? Giống nhau hoàn toàn. Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm tiếp theo tại Đại học Hawaii, việc giãn cơ thậm chí còn gây hậu quả tệ hơn; nghiên cứu này chỉ ra rằng, những người chạy bộ thực hiện giãn cơ có tỷ lệ chấn thương cao hơn đến 33%

Somerset Maugham', Graham Sutherland OM, 1949 | Tate

Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý. Tôi hoàn toàn tán thành. Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định. 
Tôi thích môn squash, nhưng nói chung hễ là một môn đối kháng với ai đó thì cái khía cạnh tranh đua của nó đều làm tôi khó chịu. Và nếu lại là võ thuật nữa thì bạn có thể coi như không có tôi. Đừng hiểu lầm tôi - tôi không phải là hoàn toàn không có tinh thần đua tranh. Chỉ là không hiểu sao tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến chuyện tôi đánh bại người khác hay thua người khác. Cảm nghĩ này hầu như không thay đổi khi tôi lớn lên. Bất luận ta đang nói về lĩnh vực nào – việc đánh bại ai khác là điều không hợp với tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến chuyện tôi có đạt được các mục tiêu đã tự đặt ra mình hay không, nên theo nghĩa đó thì chạy đường trường hoàn toàn phù hợp với một não trạng như não trạng của tôi.
Hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua. Chỉ cần có thể chinh phục được mức thời gian ấy là y sẽ cảm thấy mình hoàn thành được cái y đã bắt tay làm, còn nếu không làm được, lúc ấy y sẽ cảm thấy mình chưa hoàn thành. Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình – và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy – thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp.

Với tôi, chạy bộ là rèn luyện đồng thời là một ẩn dụ. Chạy ngày này qua ngày khác, tích góp các cuộc đua, từng chút một tôi nâng cao chuẩn, và bằng cách vượt qua từng mức độ mà tôi nâng mình lên. Ít nhất thì đó là lý do tôi dốc hết sức mình ngày này qua ngày khác: để nâng cao tầm mức của riêng mình. Tôi không phải là một người chạy giỏi, hoàn toàn không. Tôi ở một mức bình thường - hay có lẽ giống như tầm thường hơn. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Vấn đề là ở chỗ tôi có hoàn thiện hơn ngày hôm qua hay không. Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách cũ của ta.
Thời gian chạy của tôi, thứ hạng tôi đạt được, vẻ ngoài của tôi – tất cả những thứ đó đều là thứ yếu. Đối với một người chạy như tôi, điều thực sự quan trọng là đạt được mục đích chính mình đặt ra, trong khả năng của mình. Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể. (Nó phải là cụ thể, dù có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa).