(2021) Đọc 2 quyển sách về Me Tư Hồng 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 93 quyển 🕮
✤1/ Cô Tư Hồng - Đào Trinh Nhất
✤✤2/ Me Tư Hồng - Nguyễn Ngọc Tiến

Nhưng cô ả có tính hợm đời và đỏng đành làm kiêu đáo để. Nghèo khổ mặc kệ, trong túi cũng có chiếc gương Tư mã, ngày đôi ba dạo mở ra soi hình ngắm dáng, hình như có ý tự phụ: Ta thế này lại đi lấy chồng quê mùa cục mịch sao? - Thế bực người thế nào thì cô mới chịu lấy cơ? Cô muốn làm thứ phi hay mệnh phụ chắc?
Chúng ta nên biết nguyên xưa Hải Phòng tiếng là một trấn vua ta đặt ra để trông coi việc phòng bị giao thông ngoài bể, nhưng chỉ có danh nghĩa thế thôi. Toàn cảnh chẳng qua chỉ gồm có một dinh thự cỏncon cho viên trấn hải sứ, một vài xóm nhà lá, một vài vạn chài, đại khái cũng như cửa Hàn trong kia trước lúc có thúy sư đề đốc Rigault de Genouiỉly tới, chứ không phải đã có châu thành và thương cảng gì hết. Sau việc Hà Nội thất thù lần đầu năm 1873, triều đình cắt nhường khu đất Hải Phòng cho nước Pháp làm thương phụ. Người Pháp ra tay mở mang ngay: mở đường sá, cất phố buôn bán, đặt tòa lãnh sự để giao thiệp với quan ta, dọn đến cho tàu thuyền ra vào. Ấy là viên đá thứ nhất của thương cảng Hải Phòng. Đến khi cả xứ Bắc hoàn toàn thuộc quyền bảo hộ thì Hải Phòng đã có cái cơ sở, cái quang cảnh một thành phố tân thời sớm hơn được mươi năm rồi. Công cuộc kinh doanh tạo lập cho nên một thương cảng to và mới, những cánh tay khoa học mỗi ngày làm mãi, mở mãi không lúc nào ngừng.
Người ta vẫn nói đàn bà có thể làm quan tắt, làm giàu tắt, chẳng có lạ gì. Duy có chỗ khác người ta là Thị Lan đã bước chân vào đầu mối con đường nó đưa một cô ả nhà quê đi lần tới những thú đoạn kinh doanh vừa khôn ngoan vừa quỷ quyệt đến nỗi: “từ tay trắng làm nên cơ nghiệp lớn, má hồng trang điểm phấn son vua ”, có lẽ có một không hai ở trong lịch sử phụ nữ cận đại xứ ta.
Chú Hồng thương yêu chiều chuộng vợ một cách gần như có ý nghĩa tôn giáo. Không phải vì nhan sắc hay mĩ đức gì - sự thật, vợ chú đâu có hai của quí ấy! Chỉ vì thấy từ khi lấy vợ về, việc buôn bán được thêm phấn chấn và càng ngày phát tài hơn trước. Chú Hồng tin chắc tuổi vợ có quan hệ mật thiết với cuộc làm giàu của mình nếu rời bỏ nhau ra thì sự nghiệp mình đến phải nghiêng đổ, nguy khốn. Người Tàu có lòng tin tưởng ấy nhiều lắm.
Chúng tôi được thấy một nhà thầu khoán Hoa kiều lấy một cô giang hồ một trăm phần trăm về làm vợ. Cô này vừa già vừa ốm, nghiện thuốc phiện mỗi ngày nửa lạng là ít lại ham mê đồng cô bóng cậu đến nỗi lúc nào không đi lễ bái, nhảy nhót ở đền kia phủ nọ thì ở nhà nằm li bì cạnh bên bàn đèn. Cái lạc thú giữa vợ chồng hầu như không có nữa. Thế mà ông chồng hết sức chiều chuộng, kính sợ, nào là cho cô thờ tự, đồng bóng ngay ở trong nhà, nào là mua thuốc phiện thượng hạng cho hút và sâm Cao li chính hiệu cho cô bổ dưỡng. Người ta có thể bảo là chú thờ bà vợ. Chỉ vì chú tin rằng tuổi vợ rất hợp với cuộc làm ăn của chú, từ khi lấy cô về, chú thầu khoán được toàn việc to, kiếm ra bạc vạn luôn luôn. Thành ra vợ muốn gì được nấy, tới nước đòi làm phép cưới (vì chú Hoa kiều này vào làng Tây) và cho của để riêng, chồng cũng chịu ngay. Chú Hồng thương yêu chiều chuộng bà vợ đại khái cũng do một tâm lí ấy; hay nói cho đúng, cũng thờ một tin tưởng ấy.
- Ấy, cô ả phá thành bắt được vàng chôn từ đời xưa mới chóng giàu to như thế, bà ạ. Chứ công việc dọn mấy đống gạch, dù có lời lãi cũng không tậu nổi hai ba dãy phố như thế kia! Phàm là chốn kinh sư, bao giờ cũng tụ tập những cùa trân kì quí báu. Trong chỗ cung vi chứa nhiều vàng ròng, của lạ đã cố nhiên, lại còn các phủ vương công, các nhà quyền quí, các tay phú hào, thiếu gì kim ngân tích súc.
Từ xưa, đàn bà xứ Bắc mình buôn bán vẫn tài giỏi đảm đang có tiếng. Người thì thắt lưng bó que, gồng gánh đi hết chợ này đến chợ kia thế mà tảo thần chu cấp được cho cả chồng con, cửa nhà. Người thì ngồi cửa hàng cửa hiệu, tiếp rước khách khứa rất thiệp, xem xét giá cả hàng hóa rất sành. Nhiều nhà buôn bán, tiếng thì đàn ông đứng tên, nhưng mọi việc chủ trương tháo vác khôn ngoan, chính là ở bà vợ. Từ đồng xu cho tới bạc vạn, chẳng có món hàng gì, mối lợi gì mà phụ nữ Bắc ta bỏ sót không buôn. Ấy là cái thực trạng ở xứ này, ai cũng phải thấy

Hơn năm trước ở quê ra, người nó còn bốc mùi đồng chiêm ung ủng, da mai mái như ngã nước, giờ phổng phao, da mịn màng dù bữa nào cũng cơm rau với mắm. Mùa hè, nó lên đê hóng mát, gió đông nam luồn vào bên trong cái yếm nâu cổ xây làm mảnh vải căng như buồm hé một nửa bộ ngực tròn rắn. Có hôm nó tắm sông, lúc lên bờ, cái yếm dính chặt làn da, chũm cau nhu nhú làm miếng vải lồi lên khiến mắt phu già, phu trẻ muốn đớp, chỉ có chồng bà phải quay mặt đi. Bà mắng bao lần “con gái phải giữ ý giữ tứ”, nó vâng dạ rồi đâu lại vào đấy. Bữa cơm tối bà lẫm lũi ăn, không kể chuyện nhặt nhạnh ở quán nước như mọi ngày còn chồng bà cũng chẳng nói gì, chốc chốc đưa chén rượu lên môi nhấp nhấp