(2021) Đọc quyển Từ Tơ Lụa Đến Silicon - Jeffrey E.Garten : 78 quyển

THÀNH CÁT TƯ HÃN


Sức hút cá nhân của Thiết Mộc Chân đã lôi kéo nhiều người đi theo ông. Từ khi còn niên thiếu, ông đã hiểu rất rõ bản chất mong manh của nền chính trị bộ tộc. Các thủ lĩnh có thể theo ông vào một lúc nào đó, rồi cũng đột nhiên như vậy cắt đứt mối quan hệ. Để ứng phó với thách thức về lòng trung thành của các bộ tộc, Thiết Mộc Chân chuyển sự cướp bóc hỗn loạn thành một hệ thống tưởng thưởng. Sau mỗi cuộc tấn công, ông đòi kiểm soát toàn bộ chiến lợi phẩm. Đó là một sự thoát li rõ rệt khỏi tập tục phổ biến, cho phép mỗi chiến binh chiếm làm của riêng tất cả những gì có thể khuân vác được. Bằng cách tập trung hóa quy trình cướp bóc, Thiết Mộc Chân tạo cho mình một cơ chế phân phát của cải cướp được, theo đó lòng trung thành được tưởng thưởng và sự bất phục tùng bị trừng phạt


Thêm vào đó, khi đánh dẹp một bộ tộc, ông có xu hướng tận diệt các thủ lĩnh chính trị có thể thách thức ông, nhưng lại chiêu mộ những ai có thể ủng hộ cho việc theo đuổi quyền lực của ông. Ông không có chút ưu ái nào cho các quý tộc và con trai của họ. Ông cũng tin vào việc đồng hóa các bộ tộc mà ông chinh phục được vào chính bộ tộc của ông, thậm chí nhận cả những đứa trẻ của các bộ tộc bị đánh bại làm thành viên trong gia đình của chính mình. Thiết Mộc Chân còn dùng sự sợ hãi để cưỡng bách lòng trung thành đối với quốc gia Mông Cổ đang thành hình. Sau khi đánh thắng hết trận này đến trận khác trên thảo nguyên, những câu chuyện về sự hung bạo của ông được lan truyền. Trong một chiến dịch lớn chống lại tộc Tháp Tháp Nhi, ông nổi tiếng vì đã hạ lệnh giết chết tất cả những ai cao hơn trục của cỗ xe, một cách để đoan chắc đã triệt hạ tận gốc cơ cấu quyền lực đang tại vị. Nhiều năm sau đó nữa, khi Thiết Mộc Chân trở thành Thành Cát Tư Hãn và những cuộc chinh phục của ông mở rộng ra những vùng đất ngoại bang, danh tiếng hung bạo của ông cũng đạt tới những thái cực mới. Lúc đó, người Mông Cổ thường phải chiến đấu với những kẻ thù có quân số và vũ khí vượt trội. Để bù lại sự thua kém này, Thiết Mộc Chân chuyển sự linh hoạt quân sự thành một nghệ thuật bậc cao. Ông thường ra lệnh cho quân của mình bao vây một bộ lạc từ mọi hướng, gieo rắc hoảng sợ và hỗn loạn, sau đó rút đi theo những hướng đã kéo đến. Đôi khi, trong lúc rút chạy, người Mông Cổ vứt lại những món vật quý giá như dây thừng hay nữ trang bằng đồng thau để làm chậm bước hay phân tâm những kẻ truy đuổi, hay gài bẫy họ để phản công. Để che giấu quy mô lực lượng của mình, ông tung kị binh ra theo từng đợt sóng, lúc dồn lúc thưa, khiến địch mất phương hướng. Hoặc, khi chập tối, ông có thể ra lệnh cho mỗi binh sĩ thắp năm ngọn lửa, cách nhau nhiều mét, tạo cảm giác một lực lượng lớn đang đồn trú qua đêm. Thiết Mộc Chân đã tạo ra một kiểu quân đội mới trên thảo nguyên. Mô hình cũ là những cá nhân tấn công một cách ngẫu nhiên và hỗn loạn – một “bầy đàn các cá nhân tấn công”. Thay vào đó, ông đã mang đến sự trật tự, một cấp độ kiểm soát cao hơn, một sự đa dạng hơn về sách lược. Và theo từng chiến thắng, Thiết Mộc Chân đã mài sắc hơn nữa tài năng quân sự của mình.
Trận đánh đỉnh điểm đưa Thiết Mộc Chân thành nhà lãnh đạo duy nhất của quốc gia Mông Cổ diễn ra vào năm 1204, khi ông đánh bại tộc Nãi Man (Naiman). Đến năm 1206, vị trí lãnh đạo vững chắc đã cho phép ông triệu tập một hội nghị gọi là Hốt lí lặc đài (khuriltai), quy tụ tất cả các thủ lĩnh trên khắp Mông Cổ. Các túp lều trải dài hàng cây số theo tất cả mọi hướng, và những nghi lễ đã kéo dài nhiều ngày. Tấu nhạc, đấu vật, đua ngựa, thi bắn cung khiến mọi người đều vui vẻ, trong khi các cỗ xe đến phân phát những món ngon – như thịt ngựa hầm – cho các vị khách mời. Vào chính thời điểm đó, Thiết Mộc Chân đã đăng quang, trở thành Thành Cát Tư Hãn. Những người ủng hộ Thiết Mộc Chân khuân ông trên một tấm thảm nỉ để đưa lên ngai vàng. Đại Pháp sư làm phép cầu nguyện, căn dặn Thiết Mộc Chân rằng “mọi quyền hành trao cho ông đều đến từ Thiên đình và Thượng đế sẽ phù trợ và ban phúc lộc cho Thiên tử mà Người chọn nếu như Thiên tử đó cai trị thần dân một cách tốt đẹp và công bằng. Nhưng ngược lại, nếu như lạm dụng quyền lực, Thiên tử đó sẽ lâm vào thảm cảnh”. Thiết Mộc Chân nhận danh hiệu Thành Cát Tư Hãn (Chinggis Khan), một cái tên mà các thần dân Ba Tư sau này đọc là Genghis Khan. Các sử gia đã có nhiều tranh cãi xoay quanh cái
tên này, nhưng ít nhất nó cũng mang ý nghĩa là Nhà Cai trị Tối cao và Toàn năng. “Nếu các ngươi muốn ta trị vì”, ông nói với các thủ lĩnh, “liệu các ngươi có sẵn sàng quả quyết hoàn thành bất kể ý nguyện nào của ta không? Các ngươi có đến khi được ta triệu tập không? Có đi bất cứ nơi đâu ta phái đi không? Có lấy mạng bất cứ kẻ nào ta muốn không?”. Các thủ lĩnh gào lớn: “Có”. Thành Cát Tư Hãn đáp lại: “Thế thì, từ đây về sau, từng lời của ta sẽ là thanh gươm của ta”. Các thủ lĩnh quỳ mọp xuống, dập đầu lạy bốn lạy.
Dù không biết đọc, biết viết, Thành Cát Tư Hãn đã nhanh chóng quy tụ quanh mình nhiều học giả, thư lại, thông dịch viên – bao gồm nhiều người gốc Hoa và gốc Ba Tư – và đã ra lệnh cho họ tạo ra một hệ thống chữ viết. Ông ban hành luật lệ để xử lí các thói quen kích động thù hận và chiến tranh, mặt khác vẫn chừa chỗ cho tập tục và truyền thống. Cho nên ông đã cấm việc bắt cóc, cưỡng bức và buộc làm nô lệ, Ông tuyên bố mọi đứa trẻ đều có quyền hợp pháp, dù cha mẹ có địa vị thế nào. Ông biến trộm cắp thành trọng tội. Ông tuyên bố tự do tôn giáo cho mọi người.
Thành Cát Tư Hãn với đội quân trên lưng ngựa của ông – 150.000 đến 200.000 binh sĩ, mỗi người đều có nhiều ngựa – có thể di chuyển với tốc độ choáng váng, vượt hàng ngàn cây số qua hoang mạc và những rặng núi hiểm trở để tấn công từ những hướng mà kẻ địch không thể nào nghĩ đến vì quá xa xôi. Họ di chuyển với trọng lượng tối thiểu, mang theo công binh để xây dựng tại chỗ những gì cần thiết, sử dụng vật liệu địa phương thay vì kéo theo sau một đoàn dài thiết bị. Họ mang theo rất ít thức ăn và nước uống, sống bằng lương thực kiếm được tại chỗ. Khác với các quân đội truyền thống, thường hành quân theo hàng dọc, họ trải rộng ra trong một khu vực rộng lớn với các thủ lĩnh ở giữa những vòng tròn đồng tâm. 
Do mọi người đều thất học nên mệnh lệnh được truyền đi bằng miệng từ binh sĩ này đến binh sĩ khác dưới dạng một giai điệu cố định chỉ có nội dung là thay đổi, nhờ đó làm cho thông tin dễ nhớ hơn. Thành Cát Tư Hãn tuyển mộ con cháu các chỉ huy quân sự để tạo thành một binh đoàn đặc biệt, giữ vai trò cận vệ cho ông. Ông mua chuộc sự trung tín của họ bằng những phần chia chác chiến lợi phẩm đặc biệt hào phóng, thuyết phục họ báo cáo về sự trung thành của cha họ, đảm bảo cha họ không nổi loạn vì nếu làm vậy thì con mình sẽ lâm nguy. Dần dần, đội cận vệ đặc biệt này còn thực hiện hàng loạt các công việc dân sự nữa, từ xét xử tại các phiên tòa cho đến kiểm soát lối vào các căn lều hoàng gia. Họ trở thành bộ phận hành chính công của hoàng đế.

Nhà thơ cổ Hi Lạp Archilochus: “Cáo biết nhiều điều, nhưng nhím biết một điều lớn”, không mệt mỏi theo đuổi một ý tưởng lớn duy nhất, niềm tin tựa như sứ mệnh, làm điều đó hết ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, thập niên này sang thập niên khác, cho đến tận cùng mới thôi. Năng lực tập trung lâu dài như vậy vào một ý tưởng dẫn đến sự giản đơn và sáng sủa của tổ hợp các thao tác cần thiết nhằm thực thi ý tưởng đó. đã đặt cược cả tài sản và không thể chấp nhận thua. 
Cho nên, khi Cyrus Field thử đặt cáp xuyên Đại Tây Dương lần thứ tư mà vẫn thất bại – trước sự theo dõi của toàn thế giới – ông đã lập tức nói với thủy thủ đoàn, “Việc này phải làm cho xong”, rồi biến khỏi boong tàu để lập kế hoạch cho chuyến đi kế tiếp. Khi Margaret Thatcher đối mặt với áp lực chính trị cực kì dữ dội buộc bà thay đổi các chính sách khắc khổ trong vài năm đầu cầm quyền – không chỉ là áp lực từ phe đối lập mà cả từ trong nội bộ đảng của bà và từ công chúng nữa – bà đã không chỉ khước từ thay đổi cách tiếp cận mà còn nhân đôi các nỗ lực. “Bà đầm này sẽ không quay đầu”, bà đã nói như vậy. Ngoài ra, nhím có vẻ như trơ ra trước sự lăng nhục hay thậm chí trong thảm cảnh. Nỗi tủi nhục do chế độ bài Do Thái tồi tệ đã không hề cản bước Mayer Amschel Rothschild. Hoàng tử Henry đã không ngưng lại ngay cả sau khi đã để mặc em trai chết vì tra tấn chứ không chịu trao trả thành phố Ceuta vừa chinh phục được.
Những con nhím thành công lớn cũng thường chấp nhận rủi ro lớn vì suy cho cùng nỗi ám ảnh của chúng cũng chẳng để cho chúng có lựa chọn nào. Những chiến binh như Thành Cát Tư Hãn và Robert Clive đã hết lần này đến lần khác đặt mạng sống của mình vào hoàn cảnh nguy nan. Những người khác như Jean Monnet, Margaret Thatcher và Đặng Tiểu Bình đều đã đánh cược rằng tư tưởng cách mạng của họ sẽ không thể đảo ngược, khiến họ rơi vào sự quên lãng chính trị. Giống như nhím, họ không chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất mà còn khởi đầu các nỗ lực của mình từ rất sớm và không bao giờ buông bỏ. Không ai nói được rằng họ có một phút lóe sáng hay có thiên tư từ tấm bé. Ngược lại, họ đều khởi đầu sớm và thành tựu của họ được xây dần theo thời gian: Robert Clive, cậu thiếu niên đi sang Ấn Độ rồi từng bước xây sự nghiệp của mình qua từng trận đánh; hay John D. Rockefeller, người trở thành kế toán trong một lĩnh vực kinh doanh hàng hóa để rồi cuối cùng kiểm soát được mặt hàng quan trọng nhất thế giới; hay như Margaret Thatcher, người khởi đầu là một cô gái hoạt động cho các chiến dịch của Đảng Bảo thủ để rồi trở thành “Bà đầm thép”, vẫn gắn bó với cùng một niềm tin trên suốt con đường mình đi; hay như Đặng Tiểu Bình, ở tuổi mười tám đã tham gia vào nhóm các lãnh đạo tương lai của cuộc cách mạng Trung Quốc và leo lên những đỉnh cao quyền lực của Vương quốc Trung tâm. Tất cả họ đều có những nỗ lực dài hạn, những chân trời dài hạn.
Họ cưỡi những ngọn triều lịch sử - Ta có khuynh hướng nói rằng bản chất của thành tựu lớn là thay đổi tiến trình lịch sử, nhưng mười nhân vật trong cuốn sách này không mô tả được ý đó. Từng người họ đều lợi dụng những xu hướng cơ bản đã sẵn có trào lưu. Họ bơi theo dòng hơn là bơi ngược lại. Trong mọi trường hợp, ta đều tìm được người nào khác có thể làm công việc mà từng người họ đã làm. Phải chăng vì họ thông minh hơn, nhanh lẹ hơn, hay bị ám ảnh nhiều hơn so với các đối thủ tiềm tàng? Có thể lắm. Có yếu tố may mắn nào không? Dĩ nhiên rồi. Nhưng dù lí do gì đi nữa, họ không phải như những người khác, thành công được nhờ bám theo sát người đi đầu.
họ chẳng có chiến lược gì to tát trong đầu, và họ chẳng dành nhiều thời gian để mường tượng những chuyển đổi lớn mà họ chính là người tạo ra. Không một ai có ý định thay đổi thế giới lớn, mà chỉ nhằm thay đổi thế giới nhỏ, cá nhân, vốn là thứ mà họ có thể thấy và hiểu. Tăng tốc toàn cầu hóa chưa bao giờ là động lực của họ; thay vào đó, họ bị thúc đẩy bởi khát vọng chiếm lĩnh quyền lực hay tiền bạc, hay danh vọng, hay thứ gì khác nữa đi theo việc giải quyết một tập hợp cụ thể những bài toán khẩn cấp ở ngay phía trước họ. Thật vậy, thành tựu của họ là kết quả của việc tiến lên từng bước một, mỗi bước xử lí một thách đố. Do đó, Thành Cát Tư Hãn được dẫn dắt bởi quyền lực, lòng tham và khát vọng phục thù. 
Hoàng tử Henry, người con thứ ba đầy tham vọng của một vị quân vương gần phá sản, phải nghĩ ra một vai trò cho riêng mình và một cách thức để tạo ra cuộc sống xứng danh với hoàng tộc. Chinh phục và giàu có là động lực của ông chứ không phải là sự thơ mộng khi khám phá những thế giới mới – cho dù ông có thường xuyên nói như vậy.
Khi Mayer Amschel Rothschild bắt đầu quản lí tài chính cho ông hoàng Đức lắm của, tham vọng của ông là làm giàu. Giao dịch này kéo theo giao dịch khác, phát minh nọ đi theo phát minh kia, nhưng ông không hề có ý định biến đổi bản chất của kinh doanh ngân hàng toàn cầu. 
Khi John D. Rockefeller thông đồng với ngành đường sắt để gầy dựng Standard Oil ở Mĩ, thật khó mà không nghi ngờ việc người cựu kế toán này đang định tạo ra một cơ chế bác ái toàn cầu khổng lồ có vai trò vượt ra ngoài khuôn khổ trong thế kỉ 20 và sau đó. 
Khi Jean Monnet trình bày với Bộ trưởng Tài chính Pháp Robert Schuman về kế hoạch thiết lập Cộng đồng Than Thép châu Âu, ông chỉ nhắm đến việc giải một bài toán chính trị hóc búa vào thời đó – mặc dù tôi phải thừa nhận rằng nếu có một ai đó có tầm nhìn xa trong số mười nhân vật của tôi thì Monnet chính là người này. Ông đã hình dung ra một thứ như Liên minh châu Âu trước ít nhất một thập niên.
Trong truyền thống Trung Quốc, quyền lực vạn năng nằm trong  sự huyền nhiễm của chữ “vô”, và mọi thứ ở Đặng hình như đều làm  lu mờ sự hiện hữu của ông. Ông bước vào một căn phòng bao quanh  bởi các trợ thủ, người nào người nấy cao hơn ông cả cái đầu. Ông  chào đón khách bằng cái bắt tay không sinh lực. Ông truyền suy nghĩ  của mình một cách hời hợt, vô cảm. Ông nói năng ngọng nghịu. Ông  thoái thác khi được yêu cầu làm rõ những gì đã nói. “Cũng không hẳn  là ông cản trở mọi gợi ý về sùng bái cá nhân”, học giả về Trung Quốc  Lucian W. Pye viết. Nhưng, theo học giả này, “ông thực sự có vẻ như  cố ý ẩn mình”. Mặt khác, ở Đặng luôn tỏa ra nỗi khát khao đi thẳng  vào trọng tâm vấn đề, không cần mọi sự phô trương. Henry Kissenger  đã hồi tưởng kinh nghiệm của bản thân ông về Đặng. “Do đã quen với  lối triết lí lòng vòng cùng với những ẩn dụ không trực tiếp của Mao,  cũng như sự lịch thiệp đầy chuyên nghiệp của Chu, tôi cần chút thời  gian để điều chỉnh lại cho thuận với phong cách gay gắt, không quanh  co của Đặng, cùng những lần mỉa mai ngắt lời và thái độ xem nhẹ triết  lí, chỉ ưu tiên cho thực tiễn trước mắt”, Kissenger viết nhiều năm sau.  “Chắc nịch và dẻo dai, ông bước vào phòng cứ như thể bị đẩy đi bởi  một lực vô hình để lao ngay vào công việc”. 
Thomas Carlyle: “Lịch sử thế giới là bản tiểu sử của các vĩ nhân”. 
Triết gia chính trị Herbert Spencer: “Trước khi vĩ nhân tái tạo lại xã hội thì xã hội phải tạo ra vĩ nhân đã”. 
Shakespeare: Có một con nước trong công việc của người. Mà nếu lao vào lũ thì sẽ dẫn đến vận hội, Còn bỏ lỡ thì toàn bộ hành trình của cuộc đời. Sẽ bị văng lên cạn, sẽ rơi vào khốn quẫn. Nay ta đang trôi trên một biển lớn như thế.. Và phải đón được dòng khi nó đến, Hoặc sẽ để lỡ mất công cuộc của chúng ta.

(There is a tide in the affairs of men.
Which, taken at the flood, leads on to fortune;
Omitted, all the voyage of their life
Is bound in shallows and in miseries.
On such a full sea are we now afloat,
And we must take the current when it serves,
Or lose our ventures.)