Note.114✤Book.311✤9/2021: Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc
Tôi không trả lời. Tôi nghĩ đến mảnh đất thiêng liêng này của phương Đông, mẹ già của các thần linh, nghĩ đến tiếng la to của Prometheus...
Tôi không trả lời. Tôi nghĩ đến mảnh đất thiêng liêng này của phương Đông, mẹ già của các thần linh, nghĩ đến tiếng la to của Prometheus bị cột chặt vào núi đá. Cũng bị cột chặt vào chính những tảng đá ấy, giống nòi chúng tôi đang thét gào. Giống nòi chúng tôi lại đang lâm nguy, đang kêu gọi đàn con cứu giúp. Và tôi đang thụ động nghe, như thể nỗi đau là một giấc chiêm bao và cuộc đời là một vở bi kịch hấp dẫn trong đó ngoại trừ kẻ quê mùa hay đần độn, không ai muốn lao lên sân khấu, tham gia vào hành động.
Điềm đạm như thiên thần, sắc diện như một cái mặt nạ tươi cười, bất động. Còn như điều gì diễn ra đằng sau cái mặt nạ thì đó là việc của chúng ta.
Tâm hồn con người thật nặng nề, vụng dại, nó bị mắc trong vũng lầy xác thịt. Mọi cảm thụ của nó còn thô sượng, cục mịch. Nó không thể dự cảm cái gì rõ ràng và chắc chắn. Nếu nó tiên đoán được thì cuộc chia tay này hẳn đã khác đi bao nhiêu!
Zorba đã bỏ xa những sự kiện đương đại tới mức chúng chỉ còn là những chuyện nhảm nhí lỗi thời. Chắc chắn đối với lão, điện tín, tàu thủy và đầu máy xe lửa, đạo đức và tôn giáo hiện hành, hẳn cũng tương tự như những cây súng trường han gỉ. Tâm trí lão tiến bộ nhanh hơn thế giới nhiều.
Trong chừng mực tôi có thể nhìn nhận thấy là các hạ chưa bao giờ đói, chưa bao giờ chết chóc, chưa bao giờ trộm cắp, thưa bao giờ phạm tội ngoại tình. Vậy các hạ biết quái gì về thế sự? Đầu óc các hạ ngây thơ, da thịt thậm chí chưa bao giờ biết mùi nắng…, lão lẩm bẩm, coi khinh ra mặt. Tôi đâm xấu hổ với đôi bàn tay thanh tú, bộ mặt xanh xao của mình, với cuộc đời chưa từng vấy bùn và máu của mình.
Tự giải phóng mình khỏi một nỗi đam mê để rồi bị thống ngự bởi một đam mê khác cao cả hơn. Nhưng phải chăng cả cái đó cũng là một hình thức nô lệ? Hy sinh cho một ý tưởng, cho một giống nòi, cho Thượng đế? Hay phải chăng điều đó có nghĩa là mẫu mực càng cao, dây buộc của vòng nô lệ càng được thả dài ra? Như vậy chúng ta có thể thích thú vui thơi, đú đởn trong một phạm vi rộng hơn và đền khi chết vẫn chưa vận dụng hết tầm của dây buộc. Vậy phải chăng cái đó ta gọi là tự do?
“Đừng hút thuốc điếu nữa”, anh ta bảo tôi, “Châm điếu thuốc, hút có một nửa rồi quẳng đi, cuộc tình kéo dài có một phút. Thật xấu hổ. Thà cậu dùng một cái tẩu. Nó như người vợ trung thành. Khi cậu về nhà, đã có nó ở đó, lặng lẽ chờ đợi cậu. Cậu sẽ châm tẩu, ngắm làn khói bay lên và cậu nhớ đến mình.”
Mọi thứ trên thế gian này đều có một ý nghĩa tàng ẩn, tôi nghĩ thầm: Con người, thú vật, cây cối, trăng sao, tất cả đều là chữ tượng hình; bất hạnh cho kẻ nào bắt đầu đọc ra những chữ ấy và đoán được ý nghĩa của chúng… Khi mới thấy ta đâu có hiểu. Ta tưởng đó quả thật là con người, thú vật, cây cối trăng sao. Mãi đến nhiều năm sau, ta mới hiểu thì đã quá muộn…
Chúng ta đã cư xử tồi tệ, lão lẩm bẩm. Chúng ta đã cư xử tồi tệ, sếp ạ. Sếp cười cợt tôi cũng cười cợt để mụ nhìn thấy. Và cái cách sếp bỏ đi không nói một lời ưu nhã, làm như mụ đã già khọm ngoài trăm tuổi vậy. Thật đáng xấu hổ! Chẳng lịch sự tí nào, sếp ạ. Xin nói với sếp, đó không phải là cách cử xử của một người đàn ông. Dù sao đi nữa, đó cũng là một phụ nữ, phải không nào? Một sinh vật yếu đuối dễ xúc động. May mà tôi ở lại để an ủi mụ.
Tôi đã thấy đủ mọi thứ, tôi đã làm đủ mọi việc… Người đàn bà không nhằm cái gì khác. Đó là một sinh vật bệnh hoạn, tôi xin thưa với sếp, và dễ bị kích động. Hễ mình không bảo mình yêu và thèm muốn họ là họ khóc liền. Có thể họ chẳng cần gì mình, có thể họ ghê tởm mình, có thể họ khước từ mình, đó là chuyện khác. Song đã là đàn ông, hễ thấy họ là phải thèm muốn họ. Tội nghiệp cái giống ấy, họ muốn thế cơ, cho nên mình phải cố mà chiều họ!
Thợ thuyền đã bắt đầu đến, vai vác cuốc bàn, cuốc chim, xà beng. Tôi nghe thấy tiếng Zorba ra lệnh. Lão đã lao thẳng vào công việc. Người ta cảm thấy lão là một người biết cách chỉ huy và thích gánh vác. Tôi thò đầu ra ngoài ô cửa sổ bán nguyệt và trông thấy lão đang như một gã hộ pháp hậu đậu giữa hơn ba mươi người gày gò nhỏ con, thô kệch và dầu dãi phong sương. Tay lão dang ra hống hách, lời lẽ lão ngắn gọn và chính xác. Có lúc lão túm gáy một gã thanh niên vì gã trù trừ và lầu bầu trong miệng. Muốn nói gì, hả? Zorba quát. Thế thì hãy nói to lên! Ta không ưa cái thói lầm bầm. Bọn bay đã làm việc thì phải hào hứng. Bằng không thì cút về quán rượu cho rồi.
Đừng có đi sâu vào lý lịch của họ như vậy, sếp, Zorba thường cau có nói. Với trái tim dễ thương cảm, sếp sẽ bị lừa phỉnh, sếp sẽ ưa thích họ quá mức, không có lợi cho bản thân họ hoặc cho công việc của chúng ta. Họ làm bất cứ cái gì, sếp cũng tìm ra lý do bào chữa cho họ. Thế rồi, họ sẽ làm việc bôi bác, được chăng hay chớ! Sếp nên hiểu như vậy. Chủ mà cứng rắn, thợ mới kính nể, mới chịu làm việc. Chủ mà nhu nhược, họ bỏ mặc mọi chuyện cho chủ mà rong chơi thoải mái. Sếp hiểu chứ?
– Con người là đồ súc sinh, lão nói, lấy chiếc gậy đập xuống lớp sỏi. Đại súc sinh. Điều đó, đức ông không ý thức được. Dường như mọi sự đã quá dễ dàng đối với đức ông, nhưng theo ý kiến tôi, con người là đồ súc sinh, xin thưa với đức ông như vậy! Nếu ta tàn bạo với nó, nó sẽ kính trọng và sợ ta. Nếu ta tốt với nó, nó sẽ móc mắt ta ra.
“Hãy giữ một khoảng cách, sếp ạ. Đừng làm cho thợ thuyền quá mạnh dạn, đừng có nói với họ rằng chúng ta bình bằng, chúng ta có những quyền như nhau, kẻo họ sẽ thẳng thừng giày xéo lên những quyền của sếp đó; họ sẽ cướp đoạt phần bánh mì của sếp và để sếp chết đói. Hãy giữ khoảng cách sếp ạ, bằng vào mọi điều tốt đẹp tôi cầu chúc cho sếp!”
– Phải, tôi chẳng tin vào cái gì hết. Tôi còn phải nói vậy với sếp bao nhiêu lần nữa. Tôi chẳng tin vào cái gì, chẳng tin vào ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những người khác, hoàn toàn không phải thế, không phải một chút nào! Hắn cũng là súc sinh như tất thảy. Nhưng tôi tin vào Zorba vì hắn là kẻ duy nhất nằm trong phạm vi quyền lực của tôi, là kẻ duy nhất tôi hiểu biết. Còn tất cả mọi người khác đều là những bóng ma. Tôi nhìn thấy bằng đôi mắt này, tôi nghe thấy bằng đôi tai này, tôi tiêu hóa bằng bộ lòng ruột này. Tất cả mọi người khác đều là bóng ma, xin nói với sếp vậy. Khi tôi chết, tất cả mọi thứ sẽ chết. Toàn bộ thế giới Zorba sẽ chìm xuống đến tận đáy!
Con người này không hề cắp sách đến trường, tôi nghĩ thầm, và đầu óc lão không bị làm hỏng. Lão đã trải mọi chuyện đời, đủ vành đủ vẻ; tâm trí lão mở rộng và trái tim lão lớn lên mà không mất đi mảy may tính táo bạo ban sơ. Tất cả các vấn đề ta thấy là phức tạp hoặc không thể giải quyết được, lão xử trí đánh xoẹt như lia một nhát gươm, kiểu Đại đế Alexandre chém phăng cái nút của vua Gordius. Thật khó mà khiến lão trật đích, bởi lẽ hai chân lão trụ vững vàng trên mặt đất bằng trọng lượng của cả thân hình. Những người mông muội ở châu Phi thờ rắn vì toàn thân nó tiếp xúc với mặt đất và do đó, hẳn nó biết tất cả những bí ẩn của trái đất thông qua bụng, đuôi và đầu nó. Nó luôn luôn tiếp xúc hoặc hòa làm một với Mẹ Đất. Zorba cũng vậy. Còn chúng ta, những người có học vấn, chỉ là những con chim đầu óc rỗng tuếch bay trên không.
À, sếp thấy đấy, trước kia nó thường đi đứng bệ vệ đúng cách… Ờ đúng như một con quạ vậy. Nhưng một hôm, nó bỗng nảy ra ý muốn thử đi điệu đàng như bồ câu. Và từ đó trở đi, suốt đời nó, con chim khốn khổ không sao nhớ lại được dáng đi của chính mình nữa. Nó đánh lộn nhào hết, sếp thấy không. Nó chỉ còn biết tập tà tập tễnh thôi.
Có chứ, Zorba, tôi đáp. Bác làm bất kỳ cái gì cũng không thể sai lầm, ngay cả nếu bác muốn sai cũng không được. Bác giống như con sư tử, tạm ví như thế, hay con sói. Cái loài thú này không bao giờ ứng xử như bọn cừu hay lừa; nó không bao giờ phản lại bản chất của mình. Bác cũng vậy, bác là Zorba triệt để đến tận đầu móng tay móng chân.
Mãi tôi mới ngủ được. Đời mình thật phí hoài, tôi nghĩ thầm. Giá tôi có thể lấy một mảnh vải chùi sạch mọi thứ tôi đã học được, mọi cái tôi đã nhìn thấy, nghe thấy, để đến thụ giáo Zorba và bắt đầu học hệ thống chữ cái lớn lao đích thực thì con đường tôi chọn theo hẳn đã khác biết bao! Lẽ ra tôi phải rèn luyện ngũ quan cho hoàn hảo và toàn bộ thân thể nữa để nó biết hưởng lạc và nhận thức. Lẽ ra tôi phải học chạy, đánh vật, bơi lội, cưỡi ngựa, chèo thuyền, lái xe hơi, bắn súng. Lẽ ra tôi phải lấy xác thịt đắp cho đầy linh hồn. Thực tế, lẽ ra rốt cuộc tôi phải dung hòa trong tôi hai yếu tố đối kháng muôn thuở
Sếp có hiểu nổi không? Lão hỏi tôi. Tôi chịu đấy. Mọi thứ đều như có một linh hồn – gỗ, đá, rượu vang ta uống và đất ta giẫm bước lên. Mọi vật, sếp ạ, tất cả mọi vật!
“Tha hồ cho sếp nói với tôi rằng mụ đã hơi chín nẫu, rằng mụ đã sống một cuộc đời khá phóng đãng, chơi bời tung tẩy với đủ loại thủy sư đô đốc, lính thủy, lính bộ, nông dân, kép hát rong, nhà truyền giáo, tăng lữ, cảnh sát, thầy giáo, thẩm phán tòa hòa giải, muốn nói gì cũng vô ích! Thế thì sao? Việc quái gì? Mụ vốn mau quên, cái đồ điếm già ấy. Mụ không nhớ nổi bất kỳ ai trong số tình nhân cũ. Mỗi lần chúng tôi gần gũi nhau – tôi không nói bông phèng đâu – mụ lại trở thành một con bồ câu dịu dàng bé nhỏ, một con thiên nga trắng muốt, một con chim câu mái còn đang bú mẹ, mụ đỏ bừng mặt e thẹn – phải, đúng thế đấy, mụ đỏ mặt e thẹn và run rẩy toàn thân như thể lần đầu biết chuyện ái ân! Đàn bà quả là điều bí ẩn, sếp ạ! Dù có sa ngã ngàn lần, họ vẫn ngàn lần đứng dậy nguyên vẹn trắng trong như một trinh nữ. Nhưng làm sao lại ra như thế, sếp biết không? Bởi vì họ không nhớ gì hết.”
“Tâm hồn con người biến hóa biết bao theo khí hậu, sự tịch lặng, cô liêu hoặc đám bạn bầu trong đó nó sống!
“Nhìn từ cái tâm trạng cô đơn của mình, con người hiện ra trước mắt mình không như bầy kiến, mà trái lại, tựa những con quái vật khổng lồ – những con khủng long, những con thằn lằn ngón cánh sống trong một khí quyển bão hòa a xít cacbônic và dày đặc cây cỏ mục nát từ đó hình thành tạo vật. Một mớ hỗn độn phi lý không sao hiểu nổi. Những khái niệm “quốc gia” và “chủng tộc” mà cậu ưa thích, những khái niệm “siêu quốc gia” và “nhân loại” từng quyến rũ mình; ở đây cùng có giá trị như nhau dưới hơi thở toàn lực của hủy diệt. Chúng ta cảm thấy mình đã ngồi lên để thốt ra mấy âm tiết, đôi khi thậm chí không thành âm tiết mà chỉ là những tiếng ú ớ. Một tiếng “ôi”, một tiếng “ừ!” sau đó, chúng ta bị tiêu diệt. Và ngay cả những ý niệm cao cả nhất, nếu mổ xẻ, cũng lộ rõ là không hơn gì những con búp bê nhồi cám và giấu trong cám là một cái lò -xo sắt.
Sếp này, tôi xin nói với sếp một ý này của tôi, nhưng sếp đừng có nổi giận mới được. Hãy chất đống tất cả sách vở của sếp, cho nó một mồi lửa. Sau đó, biết đâu sếp lại chả hết khờ, sếp thành người hay ho… sếp có thể trở thành một cái gì!
“Vậy thì ai đã tạo ra cái mê cung ấy của phân vân do dự, cái điện thờ ấy của kiêu sa, cái bình chứa tội lỗi ấy, cái cánh đồng với muôn ngàn hạt giống lọc lừa, cái cổng vào Địa Ngục, cái lẵng quả đầy tràn xảo quyệt, cái thứ thuốc độc ngọt như mật ong, cái dây xích cột chặt chúng sinh vào cõi trần ai này: đàn bà?”
Đủ rồi, Zorba, tôi nói. Mỗi người đi theo khuynh hướng riêng của mình. Con người giống như một cái cây. Có bao giờ bác cãi lộn với cây vả vì nó không ra quả anh đào không?
Tôi cũng không thể nói là tôi tin. Dù chết tôi cũng không thể nói vậy. Sếp biết đấy, dạo bé nghe bà tôi kể truyện cổ tích tôi không tin một lời nào. Ấy thế mà tôi vẫn run lên vì xúc động, tôi cười và tôi khóc, y như thể tôi tin đó là thật. Khi cằm tôi mọc râu, tôi bỏ hẳn những truyện ấy, thậm chí còn hay cười giễu nữa; nhưng bây giờ về già – có lẽ tôi đâm ẽo ợt, phải không, sếp. – cách nào đó, tôi lại tin những truyện ấy… Con người thật không thể hiểu nổi!
Con người cuối cùng đã tự trút rỗng mình: chẳng còn mầm hạt, chẳng còn phân bã, chẳng còn máu. Sau khi biến mọi thứ thành ngôn từ, mọi cụm từ thành trò tung hứng âm nhạc, con người cuối cùng còn đi xa hơn nữa: ngồi trên tột đỉnh cô đơn, hắn phân tích âm nhạc đó thành những phương trình toán học câm lặng.
“Ít lâu nay tôi đã nhận chân rằng mình ra đời không phải để làm con trâu hay con ngựa. Chỉ có giống vật mới sống để mà ăn. Để tránh khỏi lời kết tội trên, ngày đêm tôi bày vẽ ra việc cho chính mình. Tôi liều miếng ăn hàng ngày vì một ý tưởng, tôi đảo ngược câu phương ngôn và nói: “Thà làm con gà nước gầy bơi lội trên hồ còn hơn làm con sẻ béo bị nhốt trong lồng.”
“Ối người thành nhà ái quốc mà chẳng tốn kém gì. Tôi không phải là nhà ái quốc và sẽ không bao giờ là thế, bất kể phải trả giá thế nào. Ối người tin ở Thiên đàng và giữ một con lừa cột sẵn ở đó. Tôi chẳng có lừa nào cả, tôi tự do! Tôi không sợ địa ngục, ở đấy con lừa của tôi hẳn sẽ tịch. Tôi cũng chẳng ao ước Thiên đàng, nơi lừa của tôi hẳn sẽ nhồi nhét đầy cỏ ba lá. Tôi là một thằng dốt đặc cán mai, tôi chẳng biết cách diễn đạt ra làm sao, nhưng chắc sếp cũng hiểu tôi, sếp nhỉ.
“Ối kẻ sợ cái hão huyền của sự đời! Còn tôi đã vượt qua cái đó. Ối người lao tâm khổ tứ nghĩ suy. Tôi chả cần suy nghĩ. Tôi không hớn hở với cái tốt mà cũng chẳng tuyệt vọng vì cái xấu. Nếu tôi nghe tin người Hy Lạp chiếm Constantinople thì với tôi, cũng chẳng khác gì bọn Thổ chiếm Athens.
Khi còn trẻ. điều đầu tiên tôi làm với phụ nữ là cấu véo, đùa giỡn. Bây giờ về già, điều đầu tiên tôi làm là chi tiền, chiều chuộng, đãi đằng xả láng. Đàn bà rất thích được đối đãi như vậy. Các mẻng đâm chết mê mình; và dù mình có gù lưng, già cú đế, xấu như ma, họ cũng quên tiệt. Đồ đĩ rạc, họ chẳng nhìn thấy gì khác ngoài bàn tay đổ tiền bạc như nước chảy. Cho nên, như tôi đã nói, tôi đã tiêu một đống tiền – cầu Chúa ban phước lành cho sếp và đền bù lại cho sếp gấp trăm lần – và cô ả nói trên bám riết lấy tôi. Ả xích lại mỗi lúc một gần, áp cái đầu gối xinh xẻo vào hai cẳng chân to tướng xương xẩu của tôi. Những tôi cứ lạnh như tảng băng, mặc dầu bên trong thì nóng bỏng, bồn chồn. Đó là cái làm đàn bà điên đầu, sếp nên biết thế, trong trường hợp sếp ở vào tình thế như vậy điều đó có thể giúp ích cho sếp: cứ để họ cảm thấy mình sôi sục bên trong mà vẫn không thèm đụng tới họ!
Đọc xong thư của Zorba, tôi phân vân mất một lúc, do dự giữa hai bề – không, ba bề. Tôi không biết nên nổi giận hay nên cười, hay chỉ nên thán phục con người hoang sơ ấy đã đập vỡ béng cái vỏ ngoài cuộc sống – lô gích, đạo lý, lương thiện – để đi thẳng vào bản chất của nó. Tất cả những đức tính nho nhỏ, rất hữu ích, lão đều không có. Lão chỉ có độc một đức tính bần tiện, nguy hiểm, khó thỏa mãn, không ngừng thôi thúc lão với một sức mạnh không cưỡng nổi tiến tới những cực hạn, tới vực thẳm.
Khi viết, người lao động thất học này làm gãy bút trong xung khí mãnh liệt của lão. Như những con người đầu tiên trút bỏ lốt khỉ, hoặc như những triết gia lớn, lão bị chi phối bởi những vấn đề cơ bản của nhân loại. Lão nghiệm sinh những vấn đề đó như thể chúng là những nhu cầu trực tiếp và cấp bách. Giống như trẻ thơ, lão thấy mọi vật lần đầu tiên. Lão không bao giờ hết ngạc nhiên và không ngừng tự hỏi: tại sao? Do đâu? Mọi sự đối với lão đều thần diệu và mỗi sớm mai mở mắt thấy cây cối, biển cả sỏi đá và chim muông, lão đều bàng hoàng ngây ngất.
À! con người là dã thú, Zorba đột ngột nói, quá kích động với những bài hát của mình. Bỏ mặc sách vở đấy! Sếp không xấu hổ sao? Con người là dã thú, mà dã thú thì không có đọc sách.
Những câu hỏi hão, ngớ ngẩn muôn thuở, tại sao? Để làm gì? Lại đến đầu độc tâm hồn ta. Chiếc bình dở dang, ở đó vụt tắt cảm hứng sung sướng và đầy tự tin của người nghệ sĩ, khiến lòng ta tràn đầy chua xót.
Lý thuyết thứ nhất của cha là thế này: hình dạng của hoa ảnh hưởng đến màu sắc của chúng, màu sắc lại ảnh hưởng đến đặc tính. Như thế, mỗi loại hoa tác động một khác đối với thân thể một người và do đó, đối với linh hồn anh ta. Vì vậy, ta phải hết sức thận trọng khi đi qua một cánh đồng đang nở hoa.
Đây là lý thuyết thứ hai của cha: mọi ý tưởng có một ảnh hưởng thật sự cũng đều có một tồn tại thật sự. Nó thực sự hiện hữu ở đây, nó không vật vờ vô hình trong khí quyển – nó có một thân thể thực sự – mắt, miệng, chân, bụng. Nó là đực hay là cái và do đó chạy theo đàn ông hay đàn bà, như có thể xảy ra. Vì thế kinh Phúc âm nói: “Ngôi Lời trở thành xác thịt…”.
Lý thuyết thứ ba của cha, ông vội vã nói tiếp, như thể không chịu nổi sự lặng im của tôi, là thế này: có một thứ Vĩnh Cửu nào đó ngay cả trong cuộc đời phù du của chúng ta, có điều chúng ta rất khó phát hiện thấy nó một mình. Những lo toan hằng ngày lái chúng ta đi lạc hướng. Chỉ một số ít người, tinh hoa của nhân loại, có thể sống vĩnh cửu cả trong cuộc đời thoáng qua của họ trên cõi trần ai này. Vì tất cả những người khác do vậy sẽ tiêu vong, nên Thượng đế rủ lòng thương, gửi cho họ tôn giáo – như thế, đám đông cũng có thể sống trong vĩnh cửu.
Con người không may dựng lên cái mà hắn cho là một hàng rào quanh cuộc sống nhỏ nhoi tội nghiệp của mình. Hắn nương náu ở đó và cố đưa vào cuộc đời mình một chút trật tự và an toàn. Một chút xíu hạnh phúc. Mọi sự phải đi theo con đường mòn, cái lề thói chí thánh và tuân thủ những quy tắc đơn giản và an toàn. Bên trong hàng rào đó, ẩn sau công sự phòng chống những cuộc tấn công ác liệt của cái chưa biết, những xác tín tủn mủn của hắn lổm ngổm bò như loài rết, không có gì ngăn trở.
.
Tôi nhìn Zorba vươn cái cổ chim săn mồi, lặng lẽ uống. Tôi quan sát lão và ngẫm nghĩ: cái cuộc đời này của chúng ta quả là một bí ẩn thật sự đáng ngán. Người ta hội ngộ rồi lại ly tán như những chiếc lá cuốn bay theo gió, mắt ta hoài công lưu giữ hình ảnh khuôn mặt, thân hình hay dáng điệu của người mà ta yêu thương, trong vòng mấy năm, thậm chí ta không còn nhớ mặt người đó xanh hay đen nữa.
"Tâm hồn con người lẽ ra phải bằng đồng, bằng thép thay vì chỉ thuần là hư vô"
Không, sếp đâu có tự do, lão nói. Sợi dây ràng buộc sếp có lẽ cũng chẳng dài hơn sợi dây ràng buộc người khác ([67] ). Có thế thôi. Sếp bị buộc bằng một sợi dây dài, sếp ạ, sếp đi đi lại lại thoải mái nên tưởng là mình tự do, nhưng sếp chưa bao giờ cắt rời sợi dây đó. Và khi người ta không cắt dây. . .
Khó đấy, sếp ạ, khó lắm đấy. Muốn làm thế, sếp cần có tí máu điên, tí máu điên, sếp hiểu không? Sếp cần phải liều mọi thứ. Song le, sếp lại có cái đầu tỉnh quá, nó luôn luôn thuyết phục được sếp. Cái đầu của một người giống như anh chủ tiệm tạp hóa, nó luôn tính toán: ta đã mua vào hết ngần này và bán được ngần này, có nghĩa là lãi ngần này hoặc thua lỗ ngần này. Cái đầu là một gã chủ hiệu nhỏ thận trọng, nó không bao giờ liều ném vào cuộc tất cả những thứ nó có, bao giờ cũng giữ lại một cái gì dự trữ. Nó không bao giờ ngắt đứt dây. À không! Nó bám chặt lắm cái đồ năm cha ba mẹ. Nếu để tuột dây, thì cái đầu khốn khổ hỏng kiểu, đi đứt. Nhưng nếu con người ta không bung dây thì xin hỏi sếp, cuộc đời còn có hương vị gì nữa? Vị trà hoa cúc nhạt thếch. Khác hắn với rượu rum, khiến ta thấy được mặt trái cuộc đời.
Tôi bỗng muốn xé nó thành từng mảnh mà không cần mở ra đọc. Việc gì phải đọc khi mà tôi đã biết nội dung? Nhưng than ôi, chúng ta không còn tin ở tâm linh mình nữa rồi. Lý trí, tên chủ tiệm tạp hóa muôn đời, cười nhạo tâm linh, cũng như chính chúng ta cười nhạo những phù thủy và những mụ già làm bùa yểm. Hoặc cười những bà lão lẩm cẩm. Cho nên tôi mở bức điện. Nó được gửi từ Tbilissi. Trong một lúc, các chữ cái nhảy múa trước mặt tôi. Tôi không nhìn ra một từ nào. Nhưng rồi chúng đứng yên và tôi đọc thấy.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất