Cảm nhận về Normal People (2020)
[Vài lời giới thiệu ngắn gọn: Mình đã xem xong 12 tập phim chỉ trong một ngày và trải qua một chuyến tàu lượn cảm xúc đầy dữ dội nên bài viết này có thể sẽ hơi dài nhưng cảm ơn các bạn rất nhiều nếu mọi người có thể đọc hết nó vì với mình đây là một bộ phim mà cần được xem và mỗi người chúng ta đều có thể nhìn thấy bản thân mình của quá khứ hoặc hiện tại nằm trong 2 nhân vật chính của phim – cho dù nó có là hoàn cảnh gia đình hay là quan điểm sống thì ai cũng sẽ tìm thấy được một điều gì đó mật thiết với họ, sự khác biệt nằm ở góc nhìn của các bạn.]
Phải nói gì đây nhỉ? Có lẽ bắt đầu một chút thông qua đôi lời về gu xem phim (cụ thể là phim tình cảm) của mình vì cảm xúc của mình sau khi xem xong 12 tập phim này có thể gói gọn trong 2 chữ: NGHẸN NGÀO. Không chỉ riêng mình mà mình nghĩ ai cũng đã hoặc vẫn đang có một cái hứng thú đối với những phim mang yếu tố tình cảm màu hồng, bay bổng và vui tươi và mình cũng từng như vậy cho đến khi mình thấy nó khiến cho mình có những cái tưởng tượng có thể gọi là hơi bay bổng quá và không thực tế chút (dù mình chưa từng ở trong mối quan hệ nào nhưng cũng có thể nói là có chút trải nghiệm và rút ra vài điều từ vài lần đơn phương ;__;) thì dần dần, mình hơi xa lánh thể loại này chút.
Cho đến khi đọc được bài viết của Hiếu trên blog về Top những bộ phim yêu thích nhất 2020 (Link bài viết: https://spiderum.com/bai-dang/Nhung-bo-phim-tui-yeu-thich-nhat-2020-zkd), lúc đó cái tên Normal People hiện lên trên top đầu với nội dung chính theo chân cuộc đời 2 bạn trẻ là Connell và Marianne – 2 con người xuất thân từ những gia cảnh khác nhau tại một thị trấn nhỏ ở Ireland. Bộ phim bám theo cuộc đời của họ từ đời sống tình cảm cho tới đời sống gia đình, bạn bè một cách đầy lặng lẽ nhưng cực kỳ chân thực. CHÂN THỰC – Đây cũng là cụm từ nổi bật trong bài viết của Hiếu mà đã gây nên cho mình một sự tò mò cũng như hứng thú nhất định bởi mình luôn thích những bộ phim khắc họa về tâm lý/cuộc sống gia đình một cách thực tế (Các bạn có thể tìm đọc bài viết về Never Rarely Sometimes Always cũng như Minari của mình, mình sẽ để link ở cuối bài).
Trải qua mỗi tập phim của Normal People, chúng ta được giới thiệu và đi sâu vào khám phá về cuộc đời của 2 nhân vật chính: Connell và Marianne. Chúng ta được làm quen với họ ở thời điểm hai người còn là những học sinh trung học và kéo tới lúc họ học đại học. Phải! Thứ mà khiến mình nói mỗi người đều có thể có được những liên hệ với cá nhân chính là nằm ở chỗ trong lốt là một bộ phim tình cảm thì đây cũng là một bộ phim về tuổi mới lớn (coming-of-age) và được khắc họa một cách mạnh mẽ và có phần nặng nề: nó cũng như ngoài đời vậy, lớn lên không phải là ta chạy theo một con đường trải đầy hoa hồng mà trên đường đi, chắc chắn không ít lần ta sẽ sa lầy, hoặc giẫm vào những cái gai đầy đau đớn để có thể trở thành một con người/một hình mẫu mà mình hướng đến.
Bối cảnh của bộ phim được đặt tại một thị trấn nhỏ mang tên Sligo ở Ireland trong giai đoạn của thập niên 2010, Normal People cho ta được làm quen cô học sinh Marianne – một cô gái có xuất thân từ một gia đình giàu có và tiếng tăm tại địa phương; Connell – một chàng trai xuất thân bình thường hơn và mẹ của anh là người dọn dẹp cho nhà gia đình Marianne. Ở đây, bộ phim đảo ngược lại mô típ thông thường đó là giữa nhân vật nhà giàu nổi tiếng với mối quan hệ rộng trong trường với nhân vật nhà nghèo có phần trầm tính và xa lánh: Marianne là một cô mọt sách, trầm tính và mang trong mình một tính cách hơi nổi loạn, chống đối; trong khi Connell là một chàng trai khá ưa nhìn, chơi thể thao giỏi và tuy hơi có chút ngượng ngùng nhưng vẫn được nhiều người yêu quý, theo đuổi.
Điểm chung liên kết giữa họ nằm ở sự thông minh của 2 người và sự kính trọng mà họ dành cho nhau. Ngay từ đầu, khi mới yêu nhau – họ đã lao vào nhau không chút ngần ngại, đắm mình trong khoái cảm. Đúng! Bộ phim này có rất nhiều cảnh nóng/quan hệ nhưng thành công của bộ phim này nằm ở chỗ nó rất coi trọng những phân cảnh đó. Sex trong bộ phim này không phải chỉ là sex để câu khách như loạt phim 50 Sắc Thái hay là cố tình gây sốc như 365 Days – mà nó chính là công cụ, là chìa khóa cho người xem và cho cả chính nhân vật của phim nhìn thấu được vỏ bọc bên ngoài mỗi cá nhân. Mỗi phân cảnh sex ở đây chính là một phép thử để đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Thực sự thì bạn có hiểu rõ chính mình không?”; “Bạn là người như thế nào?” và “Bạn muốn gì trong cuộc đời này?”, nó cho ta thấy được những khoảnh khắc mạnh mẽ cũng như yếu đuối nhất mà một con người trong mối quan hệ có thể trải qua: Ẩn sau sự nổi tiếng thì Connell là một chàng trai có phần hướng nội, mang trong mình nhiều tâm tư phức tạp nhưng xen lẫn cũng là sự ngây ngô; Marianne mang trong cô một cảm xúc mạnh mẽ, mãnh liệt, quyết đoán hơn và hai người họ đã có những quyết định ở thời điểm non trẻ đó – những quyết định mà âm vang của nó vẫn còn đọng lại mãi bất kể thời gian có trôi qua nhiều như nào.
Và khi thời gian trôi qua, những bản chất cốt lõi ẩn sâu bên trong họ dần được mở khóa cho người xem chúng ta. Một Connell trầm tính, hướng nội và có phần lạc lõng trong việc kết nối bạn bè gặp nhiều khó khăn với bệnh trầm cảm của mình khi lên đại học; Một Marianne có phần quá nổi loạn khi ở cấp 3 thì giờ đây lại tìm được sự hòa hợp thoải mái với những người bạn tâm đầu ý hợp. Cả 2 đều trải qua những thăng trầm trong cuộc đời mình, trải qua nhiều mối tình khác nhau: Mối quan hệ giữa Connell và Marianne luôn khiến người xem mang đủ những cung bậc cảm xúc của sự vui sướng, tò mò, bứt rứt và nhiều khi là ức chế vì nó là mối quan hệ lên xuống thất thường (on-off) tan – hợp, tan – hợp….
Tô điểm đậm hơn cho bộ phim chính là diễn xuất đầy sâu lắng của Paul Mescal và Daisy Edgar – Jones. Sự tương tác và liên kết ấn tượng của 2 người được phô diễn bằng những cú quay cận cảnh khuôn mặt như 1 dụng ý để đặt người xem vào góc nhìn của từng nhân vật, thấu hiểu được cảm xúc của họ, cùng sẻ chia và cảm thông cho nhau, hứng chịu từng nỗi đau cùng nhau. Ngoài ra mình có để ý rằng hiệu ứng làm mờ phông nền có một cái màu sắc gì đó rất đặc biệt để còn tạo cho người xem một cảm giác hoài niệm (không phải kiểu hoài cổ mà cứ như là ta được sống trong ký ức của nhân vật vậy).
Mỗi tập phim chỉ dài tầm 20 tới 30 phút (giống một bộ phim truyền hình của VTV vậy) nhưng được chỉ đạo đầy tài tình khiến bạn sẽ không thể cảm nhận được là nó chỉ ngắn như vậy. Có vài tập phim cực ngắn nhưng lại khiến bạn phải tự chất vấn là khi nào nó mới kết thúc, khi nào mình mới thoát được cái sự ngột ngạt, bí bách, ức chế này vì mọi cảm xúc đều được tiết chế một cách khó tin, “lố” là một từ không thể dùng đối với kịch bản của bộ phim này (Mình nghe nói nguyên tác tiểu thuyết cùng tên của Sally Rooney cũng rất hay).
Đối với cá nhân mình, Normal People là một chuyến hành trình về tình yêu, về tuổi mới lớn phức tạp, giàu cảm xúc và thực sự có nhiều lúc nó khiến mình thấy đau lòng, tổn thương và phải thực sự khóc. Khóc không phải vì có chi tiết câu nước mắt khán giả mà khóc vì mọi thứ nó đến một cách quá tự nhiên, mình thực sự…thực sự cảm nhận được cảm xúc của nhân vật đó và thậm chí là nhìn thấy một phần của bản thân mình, và nó thực sự rất đau lòng, nghẹn ngào khi thấy chính mình xuất hiện trong đó. Kết thúc bộ phim tuyệt đẹp nhưng cũng đột ngột khiến cho người xem dù lúc đó có thấy vui hay đau buồn cũng sẽ muốn được xem thêm nữa….được tiếp tục chuyến hành trình cuộc đời với Connell và Marianne.
-QMinh-