Thật khó để ta quên đi chiếc điện thoại di động đầu tiên của mình.
Hay chính là chiếc Nokia 5190 đối với nhiều "tín đồ công nghệ" vào năm 1999.
Xét theo tiêu chuẩn hiện đại, 5190 là một chiếc điện thoại di động… quá khổ, và cũng chẳng có tính năng gì đặc biệt ngoài nghe gọi đi kèm đầu game "Rắn săn mồi" kinh điển. Hãy quên đi những tấm nền "Retina Display" hay OLED thời thượng, bởi 5190 chỉ có màn hình cùng đèn nền đơn sắc. Nhưng Nokia 5190 cũng (bất đắc dĩ) trở thành một phụ kiện thời trang, bởi chiếc điện thoại này được bán kèm một cái bao da (có thể kẹp vào thắt lưng), thứ mà hẳn các tín đồ của Nokia đã đeo trên mình một cách đầy tự hào.
Vào thời điểm ra mắt, đây là một sản phẩm hoàn hảo.
Nokia đã trở thành vị đại sứ đưa rất nhiều người bước vào thế giới “wireless”, lược bỏ đi sự gò bó của dây chạc hay bốt điện thoại. Đặc biệt, những chiếc điện thoại như 5190 là cánh cửa mở ra thời kỳ mới cho thế hệ trẻ, đi cùng những sản phẩm góp phần đưa rất nhiều tín đồ công nghệ hiện tại bước chân vào giấc mơ di động.
Nhìn vào thời điểm hiện tại, Samsung và Apple đang được coi là những gã khổng lồ uy hiếp toàn bộ các thế lực khác trên thị trường điện thoại di động, nhất là khi các dòng điện thoại “ngu” thậm chí bây giờ không còn nhiều đất sống so với smartphone. Song, cả hai cũng chỉ có tổng thị phần chưa đầy 40%.
Nên nhớ, vào năm 2007, Nokia nắm giữ tới 41% thị trường di động.
Thật khó có thể tưởng tượng ra được tình cảnh của một công ty từng chiếm tới 41% thị phần trong ngành” - Ken Hyers, một nhà phân tích của Strategy Analytics nhận định.
Nokia từng có thời là một thế lực gần như không thể bị lung lay. Chính sức mạnh khủng khiếp này đã đặt công ty Phần Lan vào thế tự kiêu, và những vết nứt của Nokia đã bị chiếc Razr của Motorola khai thác. iPhone của Apple xuất hiện, tiếp tục chọc sâu vào lỗ hổng này và đẩy Nokia vào dĩ vãng.
Bởi vậy, chẳng có gì là khó hiểu khi sự sụp đổ của Nokia khiến không ít người phải ngậm ngùi tiếc nuối. Thương vụ Microsoft thâu tóm Nokia trong quá khứ với cái giá rẻ mạt chỉ "vài" tỷ USD (và hiện tại đang nhượng quyền thương hiệu cho HMD Global, một công ty cũng đến từ Phần Lan) là lời nhắc nhở đầy cay đắng với cả thế giới công nghệ rằng, ngay cả những thế lực hùng mạnh nhất cũng có thể ngã gục.
“Khi bạn cao đến thế, to lớn đến thế, cú ngã sẽ xảy ra rất đột ngột và bi thảm”.

Từ giấy và cao su...

Vào đầu thập niên 90, Nokia vẫn là một tập đoàn công nghiệp hoạt động đa lĩnh vực. Thời điểm đó, tập đoàn này đang rơi vào tình cảnh hỗn loạn sau khi thực hiện một loạt các quyết định đầu tư sai lầm, chỉ để thoát khỏi hình ảnh của một công ty sản xuất giấy. Đây cũng là vào thời điểm quốc gia Phần Lan đang rơi vào tình cảnh suy thoái kinh tế. Thậm chí, công ty còn từng cân nhắc bán đi mảng điện thoại di động còn khá non trẻ.
Khi CEO Jorma Ollila lên nắm quyền vào năm 1992, vị CEO tài năng đã chèo lái Nokia theo một hướng đi mạo hiểm: Không chỉ tiếp tục sản xuất, kinh doanh điện thoại, công ty Phần Lan còn sẵn sàng từ bỏ các gánh nặng khác, chỉ để giữ lại mảng điện thoại di động và hạ tầng viễn thông.
Chân dung vị CEO đã đưa Nokia lên đỉnh cao danh vọng, Jorma Ollila.
Chân dung vị CEO đã đưa Nokia lên đỉnh cao danh vọng, Jorma Ollila.
Thời kỳ đầu tại Nokia, Ollila đã đặt cược nhiều ván bài nguy hiểm, và cũng đạt được nhiều thành quả đáng mong đợi.
Chính Nokia đã góp phần quan trọng trong việc định hình tiêu chuẩn công nghệ GSM (hay còn được biết đến là mạng 2G đối với người dùng Việt Nam). Đây là một tiêu chuẩn viễn thông vẫn còn được sử dụng tới tận ngày nay.
Ollila cũng đã chỉ đạo xây dựng một chuỗi cung ứng cho Nokia, giúp công ty có thể sản xuất các sản phẩm nhanh chóng và hiệu quả.
Lúc đó, thị trường điện thoại di động đang bị phân mảnh khá rõ rệt. Nhiều công ty sản xuất điện thoại chỉ coi mỗi quốc gia là một thị trường đơn lẻ. Với tầm nhìn của một "ông lớn" từng đi đầu, Nokia đã sớm nhận ra tầm quan trọng của thị trường quốc tế, từ đó, công ty đã cho ra mắt các mẫu điện thoại có thể sử dụng được trên phạm vi toàn cầu.
Cùng lúc, Nokia cũng nhận ra tầm quan trọng của chiến lược tấn công vào tất cả các phân khúc giá. Điện thoại của công ty đến từ Phần Lan có mặt tại các thị trường đắt đỏ của phương Tây; thậm chí còn xuất hiện trong nhiều bộ phim bom tấn như The Matrix hay Transformers. Các sản phẩm Nokia cũng đến tay thị trường Ấn Độ, nơi mức giá của một chiếc Nokia chỉ là khoảng 40 đô (khoảng hơn 800 nghìn đồng), một mức giá rất "phổ cập" nếu đem so với thu nhập của người dân Ấn Độ vào thời điểm ấy.
Chiếc 8110 đồng hành cùng nhân vật Neo trong The Matrix (1999)
Chiếc 8110 đồng hành cùng nhân vật Neo trong The Matrix (1999)
Đến năm 1998, Nokia vượt mặt Motorola để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Không lâu sau, Nokia vươn lên, đạt được con số 25% thị phần.
Điều đó đồng nghĩa với việc, cứ 4 chiếc điện thoại di động bán ra thì có 1 chiếc mang thương hiệu Nokia.
"Nokia của thị trường điện thoại di động giống như là Kleenex trên thị trường giấy ăn." Hyers khẳng định. "Đó là cách họ thống trị".
“Những năm đầu tiên thật điên rồ”, Petra Soderling, một cựu quản lý đã từng làm việc cho Nokia từ 2000 đến 2012 nhận định. "Nhân sự mới cứ dồn dập xuất hiện… Thậm chí sự sụp đổ của bong bóng dot-com dường như cũng không gây ảnh hưởng nhiều tới tốc độ tăng trưởng của thiết bị di động".
Điểm mạnh của các dòng điện thoại Nokia không chỉ đến từ chất lượng gia công và độ bền. Các sản phẩm điện thoại Nokia đều có ngoại hình bắt mắt, và công ty Phần Lan luôn cố gắng hết sức để thay đổi ngoại hình cũng như kích thước các dòng điện thoại mỗi khi đặt chân sang một thế hệ sản phẩm mới.
Vẻ đẹp của các dòng điện thoại Nokia rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. "Hồi đó, điện thoại di động trông đơn giản, nhưng lại thiếu đi phong cách. Rất nhanh chóng, Nokia đã cải thiện khía cạnh đó".
Cùng điểm lại một số thiết kế "ấn tượng" của Nokia:
<i>Nokia 3650, được bán tại các khu vực Bắc Mỹ với tên gọi&nbsp;Nokia 3600, là chiếc điện thoại đầu tiên có tích hợp camera dành cho thị trường này.  Một điều rất đặc biệt&nbsp;ở mẫu điện thoại này là bàn phím tròn retro độc đáo.</i>
Nokia 3650, được bán tại các khu vực Bắc Mỹ với tên gọi Nokia 3600, là chiếc điện thoại đầu tiên có tích hợp camera dành cho thị trường này. Một điều rất đặc biệt ở mẫu điện thoại này là bàn phím tròn retro độc đáo.

<i>Nokia N-Gage được trình làng với tư cách là đối thủ của máy chơi game cầm tay Game Boy Advance, nhưng chính do thiết kế thô kệch (như cái bánh taco) không phù hợp với việc chơi game, nên chiếc "điện thoại" này còn có tên gọi đầy mỉa mai khác, "điện thoại Taco".</i>
Nokia N-Gage được trình làng với tư cách là đối thủ của máy chơi game cầm tay Game Boy Advance, nhưng chính do thiết kế thô kệch (như cái bánh taco) không phù hợp với việc chơi game, nên chiếc "điện thoại" này còn có tên gọi đầy mỉa mai khác, "điện thoại Taco".
<i>Được sinh ra chủ yếu phục vụ cho mục đích thời trang, "giọt nước" Nokia 7600 có thể hơi kì cục với một số người.</i>
Được sinh ra chủ yếu phục vụ cho mục đích thời trang, "giọt nước" Nokia 7600 có thể hơi kì cục với một số người.
<i>Được mệnh danh là "điện thoại thỏi son", Nokia 7280 cũng được sinh ra để phục vụ cho mục đích thời trang. Màn hình của điện thoại có thể biến thành gương soi khi cần.</i>
Được mệnh danh là "điện thoại thỏi son", Nokia 7280 cũng được sinh ra để phục vụ cho mục đích thời trang. Màn hình của điện thoại có thể biến thành gương soi khi cần.
Nokia cũng từng đi tiên phong, lên ý tưởng về một "Nokia DNA" – trong đó các dòng sản phẩm điện thoại vẫn có sự nhất quán dù sẽ có khác biệt về ngoại hình (đôi nét khá giống với hệ sinh thái Apple ngày nay).
Nhưng, dù cho đa dạng nhiều thiết kế và mẫu mã, nhưng các dòng điện thoại Nokia vẫn trung thành với hình dáng “thanh kẹo”. Đây chính là lối mòn tạo ra vết nứt đầu tiên trong đế chế của ông vua "không ngai" này.

Motorola Razr - Làn gió mới thổi qua lối mòn...

Khi người ta vẫn đang mải chạy theo các dòng điện thoại hình thanh kẹo của Nokia, người tiêu dùng tại Bắc Mỹ đã bắt đầu để ý tới một thiết kế mới lạ hơn: điện thoại nắp gập (hay còn gọi là điện thoại vỏ sò).
Lần này, Motorola mạnh mẽ đi đầu trào lưu điện thoại nắp gập với đỉnh cao là chiếc Razr siêu mỏng ra mắt vào cuối năm 2004. Razr vẫn là một trong những mẫu điện thoại thành công nhất lịch sử, nắm giữ vị trí đầu bảng về doanh số trong suốt 3 năm.
"Lưỡi dao" Razr từng là mơ ước của rất nhiều người.
"Lưỡi dao" Razr từng là mơ ước của rất nhiều người.
Nhưng công ty đến từ Phần Lan không hề có một chút khẩn trương nào cả, cố chấp tới nỗi sẵn sàng bỏ qua xu hướng của cả một thị trường. Thậm chí, nhiều lãnh đạo cấp cao của Nokia gọi trào lưu điện thoại nắp gập chỉ là một trào lưu "nhất thời".
Thậm chí, theo Hyers kể lại, một giám đốc điều hành của Nokia đã than phiền về việc ông ta không thể mở điện thoại nắp gập bằng một tay. Lúc này, nhiều đồng nghiệp của Hyers đã chuyển sang dùng điện thoại nắp gập (và tất nhiên họ không gặp nhiều trục trặc khi sử dụng bằng một tay).
Đây cũng chính là thời điểm mà Nokia bắt đầu rời bỏ thị trường Mỹ. Một số nhà phân tích thị trường cho rằng Nokia đang "cậy thế" rằng mình là hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới, nên không chịu có ý định hợp tác với các nhà mạng tại Mỹ như AT&T, Sprint, Verizon hay T-Mobile. Và quan trọng hơn, Nokia không bao giờ chịu để tên nhà mạng được đứng trước thương hiệu của hãng. (Với các nhà mạng Mỹ, tên nhà mạng thường được đứng trước).
Theo một cuộc khảo sát vào đầu 2010, tại một cửa hàng AT&T, mẫu điện thoại Nokia cao cấp nhất đang được phân phối chỉ là một chiếc E71 có bàn phím QWERTY đi kèm bản hợp đồng dịch vụ kéo dài 2 năm. Tại cửa hàng của T-Mobile, số lượng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao: một chiếc 2720, một chiếc 5130 và một chiếc 5610 XpressMusic. Tại cửa hàng của Verizon tuyệt nhiên không có bóng dáng của Nokia. Trên những cửa hàng trực tuyến của Verizon hay Sprint, chỉ xuất hiện những mẫu máy cấp thấp hay thậm chí... chẳng xuất hiện bất cứ mẫu nào.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Trong khi Nokia từ chối, các công ty mới nổi với thị trường Mỹ như Samsung hay LG rất sẵn lòng đáp ứng nhu cầu này. Mất đi sự hậu thuẫn của các nhà mạng, Nokia dần trở nên lẻ bóng trong chính chiến trường mà mình từng nắm vị trí độc tôn. Tất cả những gì Nokia còn chỉ là một vài cửa hàng bán lẻ sót lại.
“Nokia không đáp ứng được nhu cầu của nhà mạng, hoặc là đáp ứng không đủ nhanh. Các thương hiệu Hàn Quốc (Samsung, LG) có thể đáp ứng nhanh hơn, và họ đã tận dụng được điểm yếu đấy của Nokia”, Tuong Nguyen, một nhà phân tích của Gartner nhận định.
Một trong những ví dụ điển hình của câu chuyện này chính là chiếc Nokia N95. Đây là một sản phẩm "đáng mơ ước" đối với các tín đồ Nokia khi hỗ trợ rất nhiều tính năng được coi là "đi trước thời đại", và cũng được xem như đỉnh cao cuối cùng của đế chế Symbian. Song, do không được các nhà mạng hỗ trợ, chẳng mấy ai biết đến sự tồn tại của chiếc điện thoại này tại Mỹ.
Lúc này tại Mỹ, Motorola đã chiếm vị trí dẫn đầu. CEO của Motorola lúc đó là Ed Zander tuyên bố rằng: Motorola đã sẵn sàng cạnh tranh với Nokia trên thị trường toàn cầu. Nhưng, chuyện gì đến cũng sẽ đến, ngay cả Motorola cũng mắc một sai lầm tương tự: ngủ quên trên chiến thắng quá lâu với thành công Razr.
Quyết định từ bỏ thị trường Mỹ của Nokia chưa tạo ra quá nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, Nokia tiếp tục gia tăng thị phần và đạt đỉnh vào nửa sau năm 2007.

Và rồi iPhone xuất hiện.

Không giống như nhiều người vẫn nghĩ, Apple chưa phải là tên tuổi đầu tiên tạo nền móng cho khái niệm smartphone. Trước khi màn hình cảm ứng "multi-touch" của Steve Jobs xuất hiện, Nokia đã từng là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh smartphone với độ bao phủ gần một nửa thị trường.
Nhưng, sự xuất hiện của iPhone đã làm thay đổi gần như toàn bộ cục diện của sân chơi smartphone, tái định hình lại khái niệm “điện thoại thông minh” một cách mới lạ chưa từng thấy trước đây.
Steve Jobs mỉa mai cụm bàn phím vật lý trên các dòng điện thoại "quá khó sử dụng", bao gồm cả một chiếc Nokia.
Steve Jobs mỉa mai cụm bàn phím vật lý trên các dòng điện thoại "quá khó sử dụng", bao gồm cả một chiếc Nokia.
Không phải là một thiết bị phức tạp chỉ dành cho khía cạnh công việc, iPhone sinh ra để dành cho tất cả mọi người. Màn hình cảm ứng cỡ lớn kết hợp giao diện trực quan của iOS đã hoàn toàn thay đổi cách người dùng tương tác với điện thoại của mình.
Trong khi đó, phần đông người dùng đã quá ngán ngẩm với các sản phẩm smartphone sử dụng những hệ điều hành cũ kỹ, kém trực quan như Symbian.
Đáng lẽ, công ty đến từ Phần Lan nên cảm thấy “rùng mình” bởi ngôi vương có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào từ những sự đột phá đến từ các công ty đối thủ. Nhưng, phải đến 1 năm sau khi iPhone ra mắt, Nokia mới tung ra sản phẩm điện thoại di động màn hình cảm ứng, không có bàn phím vật lý đầu tiên: chiếc Nokia N5800 XpressMusic . Nhưng, đúng như tên gọi, đây chỉ là một chiếc điện thoại di động được dùng chủ yếu phục vụ cho việc chơi nhạc. Một sản phẩm “nửa nạc nửa mỡ” theo đúng nghĩa đen.
Một yếu tố tạo nên sự thành công của Apple chính là phổ biến khái niệm “gian hàng ứng dụng”. Nokia từng là tên tuổi đầu tiên đi tiên phong với chợ ứng dụng Ovi, nhưng nó quá khó để sử dụng, chủ yếu hướng đến người dùng có hiểu biết nhất định về kỹ thuật. Apple đã thành công trong việc “khóa chặt” người dùng ở lại với hệ sinh thái của Apple bằng kho ứng dụng phong phú, đa dạng của mình.
Cũng không quá khó hiểu khi Nokia lại thiếu khẩn trương đến vậy. Thị phần của Nokia trên cả mảng điện thoại phổ thông và thông minh đều có dấu hiệu sụt giảm, nhưng không đáng kể. Các thành phần lãnh đạo cấp cao của Nokia trong nhiều cuộc phỏng vấn vẫn tự tin cho rằng công ty của mình vẫn đang ở vị trí vững chắc, bằng chứng là thị phần luôn ổn định ở top đầu.

HỒI KẾT

Tháng 9/2013 là mốc thời gian đáng nhớ của thị trường điện thoại, khi Microsoft tuyên bố mua lại bộ phận điện thoại của Nokia vào năm 2013 trong một thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD).
Một cái giá quá rẻ mạt.
Không ai nghĩ rằng sẽ có ngày Nokia phải cúi đầu xuống thấp tới như vậy. Đây là một bài học quá đắt giá cho tất cả các công ty công nghệ. Có thể hiện tại đang là giai đoạn hoàng kim của Apple và Samsung, nhưng Tim Cook không được quên rằng, đã có thời điểm Nokia thậm chí còn có thị phần gấp đôi Apple hiện tại.
Và cũng có thể, trong tương lai, HMD Global cùng thương hiệu Nokia sẽ cho ra mắt những mẫu điện thoại với nhiều tính năng và chất lượng tốt hơn nữa.
Nhưng, chương hoàng kim của công ty đến từ Phần Lan đã khép lại từ rất, rất lâu rồi.
Nhưng, đối với các tín đồ công nghệ, thứ in sâu trong họ vẫn luôn là những ngày tháng mà khái niệm “điện thoại di động” đồng nghĩa với “điện thoại Nokia”; bản nhạc chuông “Grande Valse” vang lên khắp mọi ngóc ngách, và “Rắn săn mồi” là trò chơi khơi dậy niềm đam mê của các “game thủ” thế hệ đầu.
Không biết cây nào bền hơn, Nokia hay Mjolnir?
Không biết cây nào bền hơn, Nokia hay Mjolnir?