Mấy tháng trước, anh Nguyễn Phong Việt có đăng một bài nói về việc tranh chấp tên gọi của cuộc thi hoa hậu giữa hai đơn vị tổ chức thi hoa hậu. Mới hay bây giờ Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, đến mức tên gọi cũng phải tranh nhau.
Mình thấy cũng bình thường. Khi người ta làm ra lúa gạo dư dả, hoặc không còn đất để làm, thì họ chuyển sang may quần áo, làm giày dép.. đủ rồi thì lại làm nghề ca hát, làm thơ văn.. dần dần không phải là chỉ có cầu mới có cung nữa mà người ta tạo ra sản phẩm xong rồi dạy cho khách hàng rằng "các bạn cần sản phẩm này". Đó là cách phân công lao động trong xã hội được vận hành bằng chủ nghĩa tiêu dùng vậy. Và hoa hậu, phải chăng cũng là một dạng nhu cầu, một loại sản phẩm như vậy?
Một cuộc thi hoa hậu nào đó gần đây, có một phần "biểu diễn" mà người ta cho thí sinh "xướng tên" quê hương của người đó theo một tiết tấu kỳ lạ nhất có thể. Điều này khá mới mẻ, thu hút được nhiều sự quan tâm, tất nhiên là cả lời khen tiếng chê. Về chuyện này, mình cũng thấy bình thường.
Nói về sự khác biệt, ông anh mình - nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần - là người rất ưa thích sự khác biệt, thậm chí là quái dị. Có những thứ xem xong ổng cũng sẽ không bao giờ xem lại, nhưng nếu nó khác biệt so với phần còn lại thì dù không thích ổng cũng đánh giá cao. Điểm âm tốt hơn điểm không.

Giữa hàng tỷ tỷ thứ có sẵn trên đời, để làm ra một thứ khác với phần còn lại là một điều không hề dễ. Dù nó có là thứ kỳ quặc, quái dị, thì cũng thú vị.

Có điều nếu như một thứ "khác biệt" được làm ra rồi, mà nó quái dị, không có giá trị hay phản lại giá trị hiện có mà lại được sao chép, thì các bản sao đó có còn giá trị không?
Mục tiêu ban đầu của người tạo ra sự khác biệt (có khi là vô tình) chỉ là bản thân sự khác biệt mà thôi. Còn mục đích của những người copy thì chẳng đáng để bàn tới nữa. Và vụ "xướng tên" quái lạ kể trên thì không phải là một sự khác biệt, mà là một bản copy. Vậy nên tốt nhất là nhận 0 điểm về chỗ.
Ở bài này mình chủ yếu muốn nói một ý mà anh Nguyễn Ngọc Thuần từng nói với mình về sự phán xét: Mày biết tại sao con người cảm thấy bình an khi ở với thiên nhiên, cây cỏ hơn là trong xã hội không? Đó là vì cây cỏ không "phản chiếu" lại những gì mày thể hiện.
Đúng vậy, sự phản chiếu gây ra mệt mỏi. Nếu đó là phản hồi xấu, mà đa phần là vậy, thì sẽ khiến ta bị sợ hãi, chỉ dám thể hiện những gì được người khác chấp nhận. Sơ sẩy một chút sẽ bị phán xét liền. Nếu là phản hồi tốt cũng là mệt mỏi, vì ta sẽ vô hình trung cứ phải giữ cho mình tốt hoài để khỏi nhìn thấy sự thất vọng trong mắt người khác, để giữ "fan"..
Ta vẫn đang sống trong xã hội, chẳng thể nào khiến người khác không "phản chiếu" về mình. Cũng không cần quá bó buộc mình sống theo ý người khác. Điều ta có thể làm chính là để cho mọi thứ "xuyên qua" chính mình, không phản chiếu bất kỳ điều gì về bất kỳ ai.
Nếu muốn sống trong rừng, hãy làm một cái cây.
("Heal the world" là một dự án lắng nghe, tư vấn, chữa lành kết hợp Tarot và Nhân số học do mình thực hiện từ tháng 6/2022. Nếu bạn cần người lắng nghe hoặc tư vấn thì liên hệ FB mình nhé)