Nói về Joint Security Area - Giấc mộng đêm hè hai miền Triều Tiên
Viết về Joint Security Area của Park Chan Wook.
Hôm nọ, xem xong Lady Vengeance, tôi chìm sâu vào thế giới tối tăm, báo thù và máu me của Park Chan Wook - nơi có tiếng dàn dây thánh thót vang lên mỗi khi con người rơi xuống vực sâu đạo đức, hay nhân tính, hay tội lỗi.
Và trong cơn say của một người vừa vô tình té ngã vào cái hố êm ái của điện ảnh Hàn Quốc, tôi nhanh tay tìm thêm một, hai bộ phim nữa với hy vọng sống tiếp không khí cô đặc, chậm rãi của những sự báo thù.
Đã bỏ giỏ Symphony for Mr. Vengeance, trời xui tôi tiện tay mở một tựa phim bên cạnh: JSA - Joint Security Area, một bộ phim được Park Chan Wook sáng tạo trước khi bước vào kỷ nguyên báo thù.
Joint Security Area, hay Khu vực An ninh Chung, là cái tên cải biên dựa trên một khu vực quân sự có thật kéo dài 250km cắt ngang bán đảo Triều Tiên: DMZ - Demilitarized Zone. Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, hai miền Nam Bắc đi đến một Hiệp định Đình chiến để tạm ngừng chiến tranh. Demilitarized Zone là khu vực biên giới đặc biệt nhạy cảm. Và như chúng ta biết, cuộc chiến này vẫn kéo dài cho đến hôm nay.
Giữa một dòng thời gian lịch sử đằng đẵng đầy những căng thẳng trên mặt trận bàn giấy lẫn thực tế ngoài chiến trận của bán đảo Triều Tiên, JSA là đoạn truyện nhỏ bé về tình bạn của những người lính Hàn Quốc và Triều Tiên. Đặt trong bối cảnh thông thường, tình bạn này tưởng rất hợp lý khi 4 người nói cùng ngôn ngữ, cùng tổ tiên và chỉ ở cách nhau một cây cầu chưa đến 300 mét. Nhưng cảm ơn sư phức tạp của chính trị và lịch sử, câu chuyện này chỉ có thể xảy ra trong những giấc mơ hoang đường nhất của đạo diễn Park Chan Wook.
Joint Security Area bắt đầu với vụ án lính Nam Hàn đào tẩu sang Triều Tiên, nhưng một trận đọ súng diễn ra dẫn đến việc 2 sĩ quan Triều Tiên tử vong. Nữ đặc phái viên của Phái đoàn Trung lập Thụy Sĩ được cử đến điều tra. Cô đi dần vào câu chuyện của những người trong cuộc và nhận ra họ không chỉ hành động vì động lực chính trị thông thường.
Khác với Crash Landing On You, series cùng đề tài nhưng lấy rất đậm chủ đề cách biệt văn hóa, hay đẩy bật những sự thú vị, lạ lùng trong văn hóa của quốc-gia-Cộng-Sản-cô-lập-nhất-thế-giới, JSA lại tập trung thể hiện sự phát triển bản năng con người khi bị đặt vào hoàn cảnh phi lý.
Sapiens có một đoạn tương đối thú vị, đại ý "nếu muốn tập hợp, kết nối và dẫn dắt được số đông hình thành nên một tổ chức để hợp tác với nhau, ta cần kể họ nghe và tin vào những câu chuyện hư cấu". Chính trị là một câu chuyện hư cấu. Hệ tư tưởng là một câu chuyện hư cấu khác. Đoàn kết đem lại sức mạnh lớn.
Nhưng giữa người với người thì khác biệt. Chỉ huy Triều Tiên không có lý do gì để gỡ mìn giúp một trung tá Hàn Quốc, nhất là khi thấy trung tá này bù lu bù loa như đứa trẻ. Ngược lại, anh lính Nam Hàn không cần cùng hệ tư tưởng để làm thân với anh bộ đội Bắc Hàn. Lý do đơn giản là "Tôi không có anh. Tôi gọi anh là anh được không". Bên trong họ, tình bạn ở phòng gác này và hệ tư tưởng mà họ tin vào là hai phạm trù tách biệt. Những lời mời gọi "đầu quân" và "đào tẩu" hoàn toàn không có một kí lô trọng lượng dù xuất phát từ phía nào đi nữa.
Tôi băn khoăn điều gì làm những người này liên kết với nhau, và hình thành một mối quan hệ gắn bó đến mức sống chết? Có phải do nhận thức rằng dù thế nào, họ cũng có cùng một tổ tiên, sống cùng một văn hóa truyền thống? Nhưng nếu tổ tiên và văn hóa cũng là những chuyện hư cấu của loài sapiens, tôi cho rằng cảm xúc hoàn toàn con người và bản năng đã kéo họ lại với nhau. Và điều đó "thuận tự nhiên".
Tuy vậy, cho đến cuối, những nhân vật đã để cảm xúc bản năng trỗi dậy vẫn phải chấp nhận để bức tường của những hệ thống đổ sập lên người. Không ai thoát ra được. Có người chết, có người tung hô lãnh tụ, có người tự tử bất thành, có người đến cùng đã vỡ vụn ra.
Tất cả các nhân vật dường như đều là nạn nhân của "cuộc chiến hèn nhát, phi lý và đáng xấu hổ", như họ tự nhận xét. Thậm chí, nữ đặc phái viên trung lập đến cuối cũng mất quyền điều tra vụ án vì cha cô là một lính Triều Tiên, và "không thể để con gái của một lính Cộng Sản điều tra được".
Dù đã vẽ ra bức tranh đáng yêu và sáng sủa về những "sứ giả hòa bình", Park Chan Wook có lẽ vẫn không thể thoát được ý nghĩ về thực tế tàn khốc trước mắt của dân tộc. Nhưng vẫn có một hy vọng nào đó, ít nhất trong giấc mơ của ông. Thời điểm là năm 2000, Hội nghị Liên Triều được tổ chức lần đầu ở Bình Nhưỡng.
Hy vọng tìm thấy những thành tố quen thuộc như những cú cắt cúp bất ngờ, nhịp phim đặc nghẹt hay những câu thoại sắc lẹm, tôi hoàn toàn (không thể gọi là thất vọng, nhưng) ngạc nhiên với JSA.
Nếu Old Boy và Lady Vengeance đẩy cao trào lên mức cao nhất để khán giả phải thấp thỏm trước diễn tiến của phim, thì với JSA, Park Chan Wook chọn cách tiếp cận vừa phải, chừa chỗ thở cho người xem. Nói cách khác, trước khi thả những quả bom bi kịch mà khán giả biết buộc phải đến do nhận thức được bối cảnh lịch sử cố hữu, đạo diễn lại chọn kể một đoạn khác của câu chuyện - một đoạn đáng yêu, con trẻ và nhẹ nhàng hơn. Để rồi sau đó, khi bi kịch tiếp diễn, người xem cũng tìm được một điểm cân bằng vững chãi và đón nhận hành động của nhân vật như lối thoát nhẹ nhàng nhất.
Hơn một lần khi xem JSA, tôi phải thầm cảm ơn Park Chan Wook vì sự giải thoát này.
Tuy hình ảnh không thuộc dạng xuất sắc như những tác phẩm về sau của ông và âm nhạc cũng không quá nổi trội, Park Chan Wook vẫn biết cách để lại cho người xem âm vang cảm xúc, ngay cả khi bộ phim đã kết thúc.
Vốn không mong chờ cái kết đẹp cho một bộ phim về hai miền Triều Tiên (Tôi cho Crash Landing On You là phim giả tưởng), Joint Security Area vẫn đem lại một cảm giác thoải mái khi xem xong, có lẽ từ chính sự bế tắc gần-với-hiện-thực của nó?
Tôi cũng không biết.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất