[Viết cho cá nhân].
Rồi cũng đến lúc ta phải thoát ra khỏi "Vùng an toàn": Thử kéo dài thời gian chạy từ 40 phút lên tới 120 phút, lần đầu tiên trong đời, xem thử thế nào? Một loạt những câu hỏi hiện lên:
- Kéo dài thời gian chạy lên liệu có ổn không nhỉ? Liệu ta có xem việc chạy bộ, thứ từng dùng để phục vụ cho sức khỏe là thứ "Nằm dưới" lý trí của ta. Việc Thử thách bản thân như vầy có đi ngược lại với cách suy nghĩ từ trước đến giờ không? Liệu ta có đẩy kỳ vọng lên nữa, lên mãi không? Thử thách bản thân để làm gì? Có phải để ta thỏa mãn cơn khát tìm hiểu bản thân? Như vậy, nó có đúng đắn không nhỉ? Chạy 40 phút như bình thường thì có vẻ đang nhàm chán và ta chỉ đang thuần kỷ luật như ăn cơm uống nước. Chạy lên 120 phút, dĩ nhiên sẽ thách thức và hấp dẫn hơn nhiều. Thế nhưng ta vẫn lo ngại. Liệu nó có mặt trái nào không? Ta bị giằng co giữa hai luồng suy nghĩ: nỗi khát khao tìm kiếm giới hạn bản thân, và nỗi sợ khi kỳ vọng tăng cao mà ta quên mất phải sống một lối sống cân bằng.
- Có lẽ, chỉ thử một chút, một chút thôi, và không bao giờ luyến chấp vào nó. Cũng như học Duolingo, tính game hóa (Gamification) của nó rất mạnh. Một khi leo lên mức học 600XP/ ngày và tốn khoảng 120 phút, với một loạt các cơ chế cạnh tranh như Thành tựu, giữ vững thứ hạng,... phải cần nhiều sự dũng cảm để bước xuống mức 300XP/ ngày, vì mục đích cắt giảm thời gian, vì học cho vui, học chỉ vì học. Dẫu nó có làm các chỉ số cá nhân trong Duolingo của ta giảm xuống, dẫu nó có làm ta rớt khỏi thứ hạng ta đang có, vì đơn giản ta không lệ thuộc vào chúng.
Khi đó, khi ta tự nhận thức được mình đang ganh đua với người khác, khi đó ta có được sự tự nhận thức. Ta không luyến chấp vào bất cứ thứ gì, đúng như tinh thần của Kant: "Tôi là một con người có khả năng suy lý, tôi hành động theo những nguyên tắc lý trí tôi đặt ra cho bản thân tôi mà không bị các quyết tâm ngoại trị chi phối. Khi đó, tôi tự do".
Và có lẽ, việc xác định có nên chạy hay không cũng như vậy. "Tôi chỉ chạy thử thôi, nhưng tôi sẽ không nâng cao kỳ vọng của bản thân lên, vì thời gian và sức khỏe của tôi có hạn dẫu cho tôi có yêu quý việc chạy đến mức nào", và "Tôi sẽ chạy, vì tôi khao khát việc chạy để tìm hiểu giới hạn bản thân. Vì thế, tôi sẽ không khoe mẽ, tôi thấy không có lý do gì trong việc để người khác biết tôi đã chạy xa thế nào".
Thế nhưng bài viết này, không phải chính là khoe mẽ đó sao? Mâu thuẫn vậy? Có lẽ để bảo vệ bản thân không bị nỗi sợ "Cái tôi lớn", tôi không nên viết những bài này? Thế nhưng chính tôi cũng đã từng được truyền cảm hứng từ bác sĩ Đông A trong việc giữ gìn sức khỏe bền bì mấy chục năm cơ mà? Nếu tôi nói ra, thì có phải tôi đang khoe hay không? Nếu tôi không nói, thì có phải tôi mất đi một cơ hội đánh động người khác? Phải có một cách nào đó giải quyết thế lưỡng nan này.
Và có lẽ, như Thu Giang Nguyễn Duy Cần: "Hãy cứ viết và xuất bản, nhưng hãy quên nó đi".
"Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình.
Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi.
Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm.
Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó.
Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả. Hạt được hai chục, hạt được năm chục, hạt được gấp trăm".
Và khi ta nhìn lại, có lẽ ta sẽ thanh thản vì cũng như bác sĩ Đông A, ta để lại một dấu vết tốt trong lòng người khác.