Tuổi thơ của tôi gắn với ông bà. Ông bà ngoại. Và bà nội. Cuộc sống những ngày thơ ấu là bức tranh rực rỡ sắc màu vì chính ông bà đã tô vẽ lên cho tôi những mảng màu đậm nhất. Nhưng là những mảng màu bình dị, không cô độc, nhiều yêu thương. Họ đã chăm sóc tôi, yêu thương tôi, cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ và dắt tay tôi đi qua vùng trời ấu thơ. Ngày nhỏ, tôi vốn rất thích qua chơi với ông bà, cả ông bà ngoại và bà nội, dành rất nhiều thời gian để ở đó chơi. Rồi cuộc sống cứ hối hả trôi đi, tôi cũng dần lớn lên, tôi tạm rời xa gấu bông búp bê và những trò chơi con nít, bỏ qua cánh cửa nhà han gỉ màu thời gian. Tôi đi sang những khung trời khác và mang theo kỷ niệm ấu thơ làm hành trang lên đường. Chỉ có vài chuyện là không đổi, tôi vẫn qua nhà ông bà thăm mỗi dịp quay về. Chỉ có vài điều đã khác, ông bà tôi từ những người trẻ khỏe và chăm sóc tôi ngày trước đã dần già đi, tóc đã bạc thêm và sức khỏe đã không còn như trước. Và tôi bắt đầu được lắng nghe ông bà của mình, nhiều hơn một chút, và nhận ra ở độ tuổi nào đi chăng nữa, dù họ đã sống cả một đời dằng dặc, vẫn có những khủng hoảng trong tâm khảm.
Rồi một ngày đi xa
Ông bà ngoại tôi vốn là những người rất khỏe mạnh. Họ thường xuyên tập thể dục đã mười mấy năm nay. Xuất thân là bộ đội thể thao, nếu không vận động thì sẽ không chịu được, sáng nào ông ngoại tôi cũng đi bơi mấy vòng bể bơi và chiều đến thì đạp xe quanh thành phố. Bà ngoại cũng là một người năng nổ tầm thể dục. Bà đi bộ mỗi buổi sáng và đạp xe buổi chiều với ông. Ông bà tôi gần như rất khỏe so với những người cùng độ tuổi của mình. Ngoài 70 nhưng ông vẫn leo lên cao sơn lại nhà và bà vẫn làm gà vịt bình thường. Ông bà tôi vẫn sống một mình với nhau, con cái ở riêng.
Rồi một ngày bà ngoại bị ung thư. Ông bà khỏe mạnh là thế, lần đầu sợ sệt trước “lưỡi hái tử thần” khắc nghiệt. Bà tôi tuy mặt không nói, cũng vẫn nói cười bình thường cho rằng chuyện không đáng lo ngại, nhưng tôi biết bà suy sụp hẳn. Bà không ăn uống được, cũng ngủ không ngon, nỗi lo về một ngày sẽ ra đi gần tới khiến bà thẫn thờ. Ông cũng lo không kém gì bà, ông khóc, cáu gắt với con cái. Ông viết một lá thư tay rất dài gửi tới các con, với một nỗi sợ người bạn đời của ông sẽ phải rời đi mãi mãi. Năm đó may mắn bà ngoại không sao cả, bệnh ung thư được phát hiện sớm, bà không phải hóa trị và khỏi hoàn toàn sau một ca phẫu thuật dài cùng 1 tháng nằm viện. Chúng tôi vui mừng chào đón bà về nhà.
Cùng nằm đó, hai người bạn thân nhất của ông ngoại tôi đi xa. Ông có những người bạn thân thiết đã cả đời người, thấy nhau từ hồi còn trẻ, trưởng thành bên nhau, già đi cùng nhau. Có những người thân với ông và đã trở thành một phần của gia đình tôi. Họ luôn đến khi nhà tôi có việc, dù là tang ma đau ốm, giỗ chạp hay những dịp hỷ. Nhắc đến họ, thế hệ cháu như tôi vẫn biết, họ coi nhau thân thuộc như là người nhà. Vậy mà đến tuổi gần đất xa trời, họ rời khỏi thế gian mà chẳng kịp nói lời tạm biệt và giã từ ông tôi. Đột ngột và không có đến một dấu hiệu báo trước. Họ biến mất trong thế giới hiện hành của ông ngoại.
Sau năm đó, nỗi lo của ông ngoại ngày càng nhiều hơn. Cho đến giờ vẫn vậy. Mỗi lần tôi đến, ông vẫn vuốt tóc tôi và bảo rằng “Chắc chỉ nhìn thấy cháu lấy chồng thôi, những đứa cháu sau chắc là chịu rồi”. Ông bắt đầu nói về quê hương rất nhiều, vì ông là người xa quê cả đời người. Ông kể tôi nghe về thời thơ ấu, đi bắn chim nhà cô giáo chủ nhiệm, những buổi chiều đi thả diều hay tắm sông bên con sông Luộc thân quen, nghịch ngợm trốn học ra sao, bị mẹ ông đánh như thế nào. Ông hát tôi nghe bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân và khóc. Ông cũng kể về những nơi hành quân khi còn là bộ đội, những chuyến xe đường dài xuyên qua nhiều tỉnh thành. Tết năm đó, ông ngồi nói chuyện với gia đình tôi rất lâu. Đa phần ông nói về ngày ông sẽ đi xa, và rằng rồi có một ngày, ông sẽ đi theo những người bạn thân của mình. Ông ngoại tôi vẫn khỏe mạnh so với những ông cụ cùng tuổi, ông vẫn đi bơi và đạp xe mỗi ngày. Nhưng nỗi cô đơn dần xuất hơn khi những người đồng trang lứa lần lượt rời đi khiến ông tôi lo sợ nhiều hơn về cái chết, mỗi nỗi sợ vô hình vương vấn trong lòng.
Trong cuốn “Cảm ơn người lớn”, Nguyễn Nhật Ánh đã từng đưa ra rất nhiều câu hỏi về cái chết “Bạn có sợ chết” “Bạn cảm thấy gì khi nghĩ đến cái chết”, và cũng chính tác giả cũng trả lời luôn, như tiếng lòng của những người cảm thấy nỗi âu lo về tuổi già và cái chết đến gần “Tôi không sợ nhưng tôi cảm thấy buồn. Những cái chết luôn gieo vào hồn tôi một nỗi hiu quạnh. Mỗi khi một người quen biết qua đời, lòng tôi lập tức hóa thành mười một mưa dầm”
Nguyễn Nhật Ánh cũng ví thời gian đời người như những mảnh hoa lau
“Sông chưa kịp lớn
Hoa lau đã già
Lòng như chợ vãn
Vắng chân người qua”
Nỗi lo về cái chết (Death Anxiety) là trạng thái tâm lý có ý thức hoặc vô thức xuất phát từ cơ chế phòng vệ của con người khi cảm thấy bị đe dọa bởi cái chết. Hiệp hội chẩn đoán y tế Bắc Mỹ đã định nghĩa nỗi lo về cái chết là cảm giác không an toàn, lo lắng hoặc sợ hãi liên quan đến cái chết hoặc khi cái chết cận kề.
Theo các nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm qua, có hai điều ảnh hưởng đến nỗi ám ảnh về cái chết: Ý nghĩa cuộc sống, lòng tự trọng và sự liên kết của hai yếu tố này với sự sợ hãi cái chết.
Ý nghĩa cuộc sống là cách mà con người nhận thức thế giới, đề ra mục tiêu và theo đuổi những mục tiêu trong cuộc sống. Mục tiêu là động lực mà họ sống mỗi ngày, và khi đạt được những mục tiêu đó, họ cảm thấy đời đáng sống hơn nữa. Các nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy cuộc sống bớt ý nghĩa hơn trải qua cảm giác lo âu về cái chết nhiều hơn. Theo lý thuyết quản lý ý nghĩa (Meaning management theory – MMT), con người là sinh vật tìm kiếm ý nghĩa và tạo ra ý nghĩa cuộc sống với hai mục đích chính: để tồn tại và tìm lý do đề tồn tại. MMT cho rằng nếu con người tin vào việc họ sống có ý nghĩa và có vai trò quan trọng trong cộng đồng, thì họ sẽ không cảm thấy bị đe dọa bởi cái chết.
Một cấu trúc tâm lý khác ảnh hưởng đến nỗi lo về cái chết chính là lòng tự trọng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng tự trọng là một yếu tố bảo vệ con người ta khỏi sự lo lắng về cái chết. Những người có mức độ tự tôn cá nhân thấp có xu hướng lo lắng về cái chết nhiều hơn.Và khi cho các cá nhân tiếp xúc với những cảnh chết chóc bằng video, những người có lòng tự trọng cao cho biết họ ít lo lắng hoặc sợ hãi hơn.
Lòng tự trọng đóng vai trò như một yếu tố trung gian giữa ý nghĩa cuộc sống và sự lo lắng về cái chết. Các học giả đã đưa ra kết luận rằng ý nghĩa trong cuộc sống phục vụ 4 chức năng đối với con người: cung cấp mục tiêu sống, cung cấp giá trị và tiêu chuẩn cho việc đánh giá hành vi, cảm giác kiểm soát các sự kiện trong cuộc sống và cảm giác về giá trị bản thân. Lòng tự trọng thể hiển bản thân con người do đó gắn liền với những chức năng của ý nghĩa trong cuộc sống. Lòng tự trọng của con người có thể được nâng cao thông qua ý thức về giá trị cuộc sống và liên tục theo đuổi các mục tiêu trong cuộc sống.
Theo lý thuyết MMT, khi các các nhân suy nghĩ về cái chết, họ suy nghĩ về giá trị bản thân (Cuối cùng thì ai cũng chết, tại sao chúng ta lại sống như thế này và sống để làm gì?). Trong trường hợp này, sự lo lắng về cái chết chỉ có thể được giải tỏa nếu một cá nhân nhận ra giá trị và ý nghĩa cuộc sống, cảm thấy mình là một phần quan trọng và hữu ích cho thế giới này, điều này thể hiện lòng tự trọng.
Ông ngoại của tôi, cũng như rất nhiều những người đã vào đến tuổi gần đất xa trời, sức khỏe của họ yếu đi và họ dần lui vào việc nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, việc nhìn thấy những người bạn đồng trang lứa đều lần lượt rời đi khiến cho họ cảm thấy ý nghĩa cuộc sống dần dần mất đi. Họ cảm thấy thế hệ của mình đã không còn, vậy thì mình sống cũng không có gì quan trọng, không giúp ích được nhiều cho cộng đồng nữa. Mục tiêu sống khi về già cũng ít đi và gần như sức khỏe không còn cho phép họ điên cuồng phát triển bản thân để đạt đến mục tiêu như khi còn trẻ. Như ông tôi, bắt đầu hồi tưởng về ngày ấu thơ, về quãng đời còn trẻ về những ngày giá trị sống vẫn còn nhiều và bắt đầu tiếc nuối cho tuổi mình bây giờ. Từ đó, lòng tự trọng của ông sụt giảm và ý nghĩ về cái chết bắt đầu xuất hiện.
Các nghiên cứu hiện tại đã cung cấp các hàm ý lâm sàng liên quan đến việc giúp người cao tuổi đang cảm thấy cận kề cái chết. Những người xung quanh họ có thể giúp đỡ họ nâng cao ý nghĩa cuộc sống bằng cách chỉ ra những mục đích và giá trị sống quan trọng, điều này giúp nâng cao lòng tự trọng và đóng vai trò như một tấm nệm chống lại sự lo âu về cái chết. Con cháu trong gia đình hoàn toàn có thể giúp ông bà có một tâm trạng thoải mái hơn, vui vẻ hơn, tích cực hơn. Lắng nghe họ, và hãy cho họ thấy rằng họ quan trọng như thế nào trong cuộc đời bạn. Có thể những giá trị về mặt vận động không còn, nhưng những giá trị về mặt tinh thần bạn hoàn toàn có thể trao và củng cố niềm tin trong họ. “Vì ông bà mà cháu đã có một tuổi thơ thật tuyệt vời, và bây giờ cũng vậy”. Hãy nói những điều mà bạn tin là họ sẽ yêu thêm cuộc sống này!
Quá khứ hằn sâu
Bà nội không sống với gia đình tôi, bà ở cùng với bác, anh trai ruột, cũng là anh trai cả của bố. Đợt đó tôi về nhà ở dài ngày, bố muốn bà qua chơi cùng chúng tôi nên đã đưa bà sang. Bà ngủ với tôi một đêm, hai bà cháu nói chuyện vui vẻ. Sáng hôm sau, khi tôi còn đang ngủ, em gái đã thất thanh gọi dậy và bảo bà đi bộ về. Lúc đó bà đã 83 tuổi. Đường từ nhà tôi về nhà bà là gần 2 cây. Về căn bản chuyện gì xảy ra tôi cũng không biết được. Tôi lo lắng đến mức không thở nổi. Tôi nhớ lúc sáng sớm, lúc còn lơ mơ ngủ, bà cứ nằng nặc đòi về hay sao đó. Trong lúc hốt hoảng, tôi gọi điện ngay cho bố mẹ và các bác. Tôi chạy sang nhà bà trước tiên, bà vẫn chưa về. Dặn dò các bác hàng xóm để ý bà có về thì gọi, gia đình tôi lượn lờ khắp các ngõ ngách tìm bà. Mải miết xong hơn 1 tiếng, bác tôi tìm thấy bà nội ở một góc chợ, bà đi lạc và đang hoang mang tìm đường trở về nhà.
Đó không phải lần đầu bà trở nên như vậy. Đã rất nhiều lần bà từ chối qua nhà tôi dài ngày, mà chỉ thích ở nhà mình. Hoặc bà đến, những sẽ nằng nặc đòi về rất nhanh. Bà cũng không chịu ăn thức ăn trong những bữa cơm lạ, kể cả ở nhà tôi, và nhất quyết ăn ít thức ăn nhất có thể. Đám cưới chị gái tôi được tổ chức ở một khách sạn sang trọng, nơi có rất nhiều đồ ăn ngon để phù hợp với lễ cưới. Bà không chịu ăn, bà ăn rất ít và khi về nhà vội vàng ăn cơm nguội. Nhiều khi tôi rất bực vì sự cố chấp của bà, mặc tôi gắp thức ăn cho bà, mặc cho tôi nài nỉ bà ở lại với mình.
Nhưng có những chuyện, bạn hay tôi, không thể giận những người bà của mình. Hồi học cấp 3, thỉnh thoảng đi học về tôi vẫn hay qua nhà nội, lúc nào bà cũng đưa bánh kẹo và bắt tôi ăn cho đỡ đói “Mi ăn nhiều lên chứ răng mà đủ năng lượng học được con!”. Và mỗi lần tôi chuẩn bị về, đều được bà thầm thì vào tai “Bà để đồ ăn trong giỏ xe nhé không các anh mi tị nạnh”. Thậm chí sau này, khi quãng đường từ trường về nhà bà của tôi không còn tính bằng số km một chữ số mà đã đến thành ba chữ số, thì mỗi lần về ít ỏi về thăm, bà đều cố gắng dí vào tay tôi mấy tờ tiền, bắt phải nhận bằng được, mặc cho tôi nhất quyết từ chối, bà vẫn bắt cầm, không nhận là bị quát ra mặt. Bà nội tôi, cứ cố chấp vậy đấy…
Cuộc sống này chính là sự bồi đắp từ quá khứ đến hiện tại, tính cách của con người cũng như vậy. Tôi kể các bạn những câu chuyện ở trên đó, chỉ để thấy một thế hệ ông bà mình. Đôi khi bà rất cố chấp, đôi lúc tôi không thể nói nhẹ nhàng với bà được, nhưng tôi thương tất cả những cố chấp đó. Bà tôi rất hay kể với thời bà con trẻ, khi cuộc sống còn chưa như bây giờ, người ta ăn uống ra sao, vệ sinh sinh hoạt như thế nào. Thế hệ ông bà mình, một thế hệ đã trải qua quá nhiều đau đớn, chiến tranh, mất mát, đau thương và nghèo đói. Họ đã đi một chặng quá dài để đi qua thời khốn khó để đến với cuộc sống hiện đại của ngày hôm nay. Chúng ta đã sống một cuộc sống hòa bình và an ổn, chúng ta có những ngôi nhà sáng đèn, được hưởng những công nghệ văn minh. Chúng ta đủ đầy về mặt vật chất và thức ăn, chúng ta dường như đã rời xa một thế hệ máu lửa. Nhưng hãy nhìn vào ông bà mình, để nhớ những gì họ đã hy sinh cho chúng ta có một cuộc sống như hôm nay.
Thời xưa, khi cuộc sống còn nghèo đói, Việt Nam có một thứ văn hóa rất hay, văn hóa “làm khách”. Tức là để lịch sự, và để cho chủ nhà không phải chia sẻ phần cơm cho mình dù cho nhà họ không có đủ thức ăn để ăn, người Việt luôn từ chối cật lực khi được mời ăn cơm hoặc khi ăn thì ăn rất ít để lịch sự với chủ nhà. Cái này lâu dần in hằn trong những thế hệ như bà nội tôi. Việt Nam hiện nay đã không ít dần những bữa cơm không đủ ăn, đã dần chất lượng và đủ đầy hơn, nhưng tính “làm khách” vẫn không thể nào thay đổi. Dù cho đến nhà con cái của mình, bà vẫn sợ. Sợ phiền hà con cái, sợ nếu mình ăn nhiều, con cháu mình chẳng có cái mà ăn nữa. Đó là lý do bà vẫn luôn muốn về nhà mình thật nhanh, dù rằng bà vẫn luôn muốn ở cạnh những đứa cháu như chúng tôi, chứ chẳng có gì ghét bỏ. Mỗi lần về, qua thăm bà, bà vẫn muốn tôi ở lại với bà, ăn cơm với bà, ngủ với bà và nghe bà kể chuyện về một thời đã xa.
Cuộc sống thiếu thốn cũng làm cho thế hệ xưa ám ảnh việc chia phần. Khi người ta không có đủ đồ ăn, đồ uống, con cái thì quá đông, chúng thường tị nạnh nhau ngay cả những thứ nhỏ nhất. Thời xưa chính là vậy. Bà giấm dúi đồ ăn một cách bí mật cho tôi, không cho các anh tôi biết. Tất cả vì nỗi lo con cháu sẽ ganh tị nhau. Chúng tôi lớn lên trong bánh kẹo đề huề, đồ ngọt ngon không còn là điều gì quá thèm khát, chúng tôi cũng không cần tranh nhau để có được đồ ăn ngon nữa, nhưng tôi và các anh, vẫn cười tươi mỗi khi nhận đồ của bà. Cao hơn, tiền bạc cũng vậy. Bà có thể tiết kiệm từng đồng từng đồng một, nhưng vẫn nhất quyết cho cháu của bà tiền bạc. Bà tôi sợ tôi đi học xa nhà thì khổ, sợ anh tôi đi đóng quân ở nơi xa chẳng có gì mà tiêu, nên vẫn cho tiền bà. Chúng tôi không thể từ chối, không phải vì chúng tôi cần tiền hay bánh kẹo, mà chỉ vì chúng tôi biết đó là tình yêu thương mà bà đã luôn dành tặng cho những đứa cháu chúng tôi. Tôi chỉ có thể đền ơn bà bằng cách đến và trò chuyện với bà, tặng bà những món quà nhỏ để bà an hưởng tuổi già.
Thế hệ trẻ chúng ta lớn lên với biết bao tươi đẹp nhờ những người ông, người bà như vậy. Họ đã sống một cuộc đời dài, họ đã trải qua quá nhiều chuyện. Họ cũng có những lúc mất mát, đau đớn, thất bại. Cũng có những lúc họ hạnh phúc, thăng hoa. Mấy chục năm trôi qua, cuộc đời tưởng chừng như mọi hỉ, nộ, ái, ố đã bào mòn họ, nhưng bạn biết đấy, ông bà chúng ta vẫn là những con người thật nhất. Họ vẫn đớn đau, họ vẫn băn khoăn, họ vẫn có những nỗi khổ ở trong lòng cần người thấu hiểu và sẻ chia.
Vậy nên, đừng ngại ngần những đứa cháu nhỏ. Hãy ngồi xuống. Lắng nghe. Họ có thể nói nhiều, nhưng đó đều là nỗi lòng của họ. Hãy cảm nhận những vấn đề của họ bằng cả trái tim mình. Và hãy yêu thương, chăm sóc họ như cách họ đã chăm sóc và yêu thương chúng ta những ngày thơ ấu. Mở vòng tay ra nói yêu ông bà mình, cảm ơn ông bà mình. Hãy dùng tất cả sự bao dung để đối xử với họ thật nhẹ nhàng. Hãy vòng tay ra và ôm lấy dáng hình của họ. Hãy làm tất cả, khi bạn còn có thể. Để những tháng ngày ở bên ông bà, đều là những ngày mà ta hạnh phúc và được yêu thương nhất.