Hôm nay là ngày 4/4, bắt đầu tiết Thanh Minh.
Thanh Minh là tiết khí thứ năm trong năm, cách Lập Xuân hai tháng, đúng như câu Kiều “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
Kéo dài từ khoảng ngày 4, 5 tháng 4 (Dương) đến ngày 20, 21 tháng 4, tiết Thanh Minh báo hiệu nửa chừng xuân đã qua, và giờ đã bước vào những ngày xuân vãn.
Cũng giống như các tiết khí khác, tiết Thanh Minh được chia ra làm ba “hậu” (pentad, 候). Hậu đầu tiên (sơ hậu) gọi là “Đồng thủy hậu” (桐始華), nghĩa là “hoa bào đồng bắt đầu nở”. Hoa bào đồng, một loài hoa xinh xắn bản địa của Trung Quốc, chính là loại hoa ở nền ảnh. Ảnh stock hoa này thực sự khó kiếm.
Cũng giống như các tiết khí khác, tiết Thanh Minh được chia ra làm ba “hậu” (pentad, 候). Hậu đầu tiên (sơ hậu) gọi là “Đồng thủy hậu” (桐始華), nghĩa là “hoa bào đồng bắt đầu nở”. Hoa bào đồng, một loài hoa xinh xắn bản địa của Trung Quốc, chính là loại hoa ở nền ảnh. Ảnh stock hoa này thực sự khó kiếm.
Người ta bảo, hai tuần Thanh Minh là những ngày thời tiết tiết đẹp, khi mà mưa phùn và nồm ẩm đã dứt, còn mưa gió mùa hạ chưa kịp tới. Đúng như ý nghĩa của cái tên.
Thanh Minh – 清明: Thanh 清, nghĩa là thanh sạch, trong sáng, thuần khiết; Minh 明 là ánh sáng. Thanh Minh hàm nghĩa là “ánh sáng thuần khiết”, thường được dịch sang tiếng Anh là Pure Brightness.
Có thể coi đây là dịp “xuân quang 春光” – những ngày tươi đẹp nhất, phong quang nhất của mùa xuân. (Mình chợt nhớ tới phim "Xuân quang xạ tiết" do Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ thủ vai)
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Ấy vậy mà những ngày đẹp đẽ hiếm có ấy lại thường gắn liền với những điều buồn bã, u hoài.
Ta bắt gặp nỗi buồn của người lữ khách trong bài “Thanh Minh” của Đỗ Phủ:
"Thanh minh thời tiết vũ phân phân, Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn. Tá vấn tửu gia hà xứ hữu? Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn." “Thanh minh lất phất mưa phùn Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa Hỏi thăm quán rượu đâu à? Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.” (Bản dịch thơ của Nam Trân)
Đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê của người tha hương viễn xứ, trong bài “Thanh Minh” của Nguyễn Trãi:
"Nhất tòng luân lạc tha hương khứ, Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua. Thiên lý phần doanh vi bái tảo, Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma. Sạ tình thiên khí mô lăng vũ, Quá bán xuân quang tư cú hoa. Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng, Mạc giao nhật nhật khổ tư gia." "Tha hương đất khách từ lưu lạc, Bấm đốt thanh minh đã mấy lần. Muôn dặm mộ phần khôn viếng lễ, Mười năm thân thích cứ vơi dần. Mưa rào đổ tạnh, đang vào tiết, Hoa đẹp đơm bông, quá nửa xuân. Gượng chén tay nâng khoây khỏa chút, Nỗi nhà nỗi khổ liệu xua tan." (Bản dịch thơ của Ngô Văn Phú)
Hay nỗi đau tù tội, khao khát tự do ở bài “Thanh Minh” của Hồ Chí Minh khi cụ đang bị Quốc Dân Đảng cầm tù:
Thanh minh thời tiết vũ phân phân, Lung lý tù nhân dục đoạn hồn. Tá vấn tự do hà xứ hữu, Vệ binh dao chỉ biện công môn. Thanh minh, mưa bụi mịt mù rơi Trong ngục, tù nhân dạ rối bời Ướm hỏi: tự do đâu có được ? Lính canh xa trỏ cửa quan ngồi. (Bản dịch của Huệ Chi)
Và như một lẽ cố nhiên, Thanh Minh bao giờ cũng gắn liền với nỗi đau âm dương cách biệt, như phảng phất trong những câu thơ rất đẹp (và khó hiểu) của “phu chữ” Lê Đạt:
"Lúa con gái lam rùng rình nỗi gió Lá hát tình nắng tỏ bạch đàn chanh Nợ cũ khối xương rồng hoa trả đỏ Hương thắp gọi ba lần không đáp lửa Hồn có nhà hay bát mộ đi xanh"
Và còn nhiều, nhiều áng thơ khác viết về Thanh Minh, hay lấy tiết Thanh Minh ra làm bối cảnh trữ tình, điểm chung là đại đa số đều ám buồn.
Có thể nỗi buồn ấy chỉ là tiếp nối mạch bi ai từ câu chuyện đau lòng về Giới Tử Thôi xảy ra cách đây hàng ngàn năm. Để rồi từ đó đến nay và mãi mai sau, cứ đến Thanh Minh là lòng người lại se sắt đủ loại nỗi buồn, không chỉ mỗi nỗi buồn thổi tới từ âm thế.
Giới Tử Thôi sống vào thời Xuân Thu, cách nay 2700 năm. Ông trung quân đến nỗi cắt thịt mình dâng vua trong những ngày nếm mật nằm gai. Lúc yên hàn, vua lại trót quên công lao của người bề tôi nghĩa tiết. Lúc vua nhớ ra, thì người đó đã cõng mẹ già ẩn cư ở sâu trong miền sơn cước. Vua bèn hạ lệnh đốt rừng để buộc Tử Thôi phải xuất hiện, nhưng ai ngờ, ngọn lửa oan nghiệt đã thiêu chết mẹ con Tử Thôi. Từ đó, người ta bày ra Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực để tưởng nhớ đến Tử Thôi nói riêng, và đến những ngưỡi đã khuất nói chung.
Cũng có thể, người ta cảm thấy cái đẹp của tiết Thanh Minh là cái đẹp buồn.
Bởi chưng, đẹp và buồn đâu có cách xa nhau. Trong cái đẹp, thường gặp nỗi buồn. Trong nỗi buồn, cũng không hiếm cái đẹp.