Nỗi niềm của một vài người trẻ
Quán cà phê trong ngõ. Nơi cách xa con đường vắng vẻ của Hà Nội vì mùa dịch. Tại căn gác tầng 2, xung quanh là hàng loạt loài cây...
Quán cà phê trong ngõ.
Nơi cách xa con đường vắng vẻ của Hà Nội vì mùa dịch.
Tại căn gác tầng 2, xung quanh là hàng loạt loài cây cỏ khác nhau được đặt trong mọi ngóc ngách của ngôi nhà, dường như chúng đã ôm lấy nơi đây tự thuở nào. Điều này làm ngôi nhà trở nên bí ẩn, không gian được điểm tô thêm phần tĩnh mịch, yên ắng khiến cả ngôi nhà như tách ra khỏi cuộc sống thực tại, nơi ồn ã đã chực chờ ngoài thềm cửa.
Có 3 người trẻ ngồi trò chuyện với nhau, xung quanh họ là bộ bàn ghế từ thời Hà Nội vào thập niên 80, 90. Bầu không khí cũ kĩ và trầm ngâm đến lạ. Quanh quanh câu chuyện là những khoảng lặng trống vắng, họ nhìn vào khoảng không xung quanh, nơi căn nhà được bố trí một cách đầy chủ đích. Một không gian gây hoài niệm là ý niệm rực sáng lên nhất khi bước chân vào đây. Có lẽ người thiết kế muốn tạo ra một không gian nhuộm màu hoài niệm, một nơi để trốn giữa bộn bề xô bồ của cuộc sống tại mảnh đất Thủ đô. Và có lẽ cũng là nơi mỗi mảnh người tìm đến và thấy một phần cũ kĩ nào đó của mình tại đó, tại thời đại này.
Trong câu chuyện của 3 người trẻ,
Vì một lý do nào đó, cậu con trai bắt đầu nói nhiều hơn. Cậu ngồi dựng dậy, lấy tư thế thoải mái, hít một hơi dài và bắt đầu bộc bạch những điều đã cất giấu bấy lâu. Lời mở đầu của cậu là về công việc hiện tại, có vẻ như cậu đang cảm thấy không ổn ở điều gì đó. Nét mặt và khuôn giọng của cậu trở nên trầm lặng. Cậu nói: “Đợt này anh thấy mọi thứ quanh công việc, anh không cảm thấy mình đang làm chủ nó. Tuần rồi, sếp anh quyết định một vị trí mới của anh mà chưa hỏi anh câu nào. Anh biết là sếp họ có suy nghĩ riêng và là một người sếp tốt, họ cũng rất cân nhắc trước mọi quyết định của mình. Nhưng kỳ lạ rằng, lần này, người ấy không trao đổi với anh như mọi lần trước. Lý do được đưa ra là do chỗ đó đang thiếu người làm và cần anh ở đó. Không biết sếp có biết rằng, có những công việc khác anh vẫn đang phải đảm nhiệm, đang phải gồng gánh. Những công việc đó thậm chí anh chỉ nhận được phụ cấp thêm, tức hẳn nó không hẳn là một công việc chính danh tại cơ quan này. Anh bần thần mãi cả tuần rồi, điều anh thấy áy náy mãi là anh đã không nói “chứng kiến” của mình khi đó. Có vẻ theo 1 thói quen đã vào nếp khi làm việc, anh đã gật đầu mà không một lời biện hộ cho mình. Giờ đây anh ngồi nghĩ mãi, không biết anh đã đẩy mình vào con đường nào nữa đây”. Câu chuyện của chàng trai, có lẽ không mới với những người bạn vừa rời ghế nhà trường để bươn trải với cuộc sống. Kiếm được một công việc đi làm, bắt đầu sự mưu sinh và rồi tiếp tục vỡ lẽ thêm những trải nghiệm của cuộc đời. Nhưng đón nhận những trải nghiệm đâu đơn thuần đến vậy, họ bị cuốn vào những áp lực vô hình, những chỉ lực của những tầng lớp khác, kéo họ đi. Người trẻ đi làm bây giờ, trừ một số rất ít có thể dám nói là đã làm chủ được phần nào cuộc đời mình, làm chủ được phần nào tài chính thì phần đông còn lại vẫn đang vật lội với không chỉ cơm áo gạo tiền mà còn những áp lực vô hình bên trong cuộc sống đi làm đó. Không phải lúc nào thẳng thắn nói ra lời từ chối đã là chính xác. Khi bạn mới bước chân vào một cơ quan, cái suy nghĩ dấy lên trong đầu nhiều nhất có lẽ là: “Làm sao để mình có thể sớm làm quen với công việc, với mọi người nhanh nhất có thể ?!”. Và rồi chúng ta làm tất cả, cả những gì nằm ngoài cả phạm vi công việc của chúng ta. Chúng ta nhận lời lúc đó đơn giản cũng chỉ nghĩ là: “Mình có thể làm được, giúp mọi người âu cũng là một lẽ tốt”. Nhưng có lẽ họ cũng chưa đủ trải nghiệm để nhận ra rằng, lòng tốt của họ có thể bị lợi dụng, bị đem ra làm công cụ hỗ trợ cho nhiều điều khác. Hoặc một cảm giác khác khi mới bước chân vào cơ quan, bạn là nhỏ tuổi nhất hoặc là lính mới nhất. Ai vào trước sẽ là lính cũ, là đàn anh đàn chị của bạn. Cao hơn sẽ là sếp tổng của bạn. Người có quyền lực nhất trong một đơn vị. Quyền lực của họ thể hiện ở nhiều chỗ nhưng có đoạn nó cũng vô hình đem đến một cảm giác choáng ngợp. Họ nói với bạn một công việc, họ trao đổi và trao trách nhiệm cho bạn, đó sẽ là thử thách để bạn chứng minnh và khẳng định bản thân. Đó là một điều tốt nhưng có lẽ nó sẽ kéo theo rằng ngay sau khi bạn hòa thành công việc đó ở một mức độ tốt theo cảm quan của cấp trên, bạn sẽ dành được sự tin tưởng và phần thưởng là những núi công việc khác đằng sau. Điều này xảy ra ở mọi nơi từ tư nhân cho tới nhà nước, cũng đúng 1 góc độ rằng người được tin tưởng thì phần thưởng sẽ luôn là công việc. Không một sếp nào muốn giao công việc quan trọng cho một người không có niềm tin của ông, cô ta rồi họ sẽ phải tự làm lại hoặc mất một thời gian để khắc phục những sai lầm. Không cần là sếp, chúng ta cũng có lập trường như vậy khi cần nhờ ai đó một việc nào ấy. Nhưng vô tình đó cũng thành 1 loại áp lực ẩn, một loại suy tưởng bạn đã đặt ra rằng sếp đã kỳ vọng bạn như vậy, bạn không thể để mất lòng. Và bạn cứ lao mình trong chuyến hành trình vượt qua áp lực ấy rồi lập lại từ lần này tới lần khác. Nếu không có một sự thay đổi nào, bạn sẽ rơi vào vòng lặp đến khi kiệt sức cả thể chất và tinh thần.
Nhưng người trẻ mới đi làm chưa chắc đã dám làm theo 100% suy nghĩ của mình. Họ thiếu trải nghiệm trong việc xử lý mối quan hệ giữa người với người, giữa họ với sếp. Họ cũng rất dễ bị tác động từ những ý kiến xung quanh. Từ những thói quen của một phần đông nào đó trong công sở mà họ thường tiếp xúc cùng. Những điều đó vô tình theo nhiều cách hấp thụ vào người trẻ, và họ dần thay đổi nhân một cách vô ý cả nhân sinh quan cùng thái độ, cho tới lúc họ ngớ người nhận ra rằng, đây có còn là mình hay không ?. Ở một chiều độ khác, những điều này cũng tạo nên những stress ngầm cho họ, việc không dám hoặc không thẳng thắn 100% vô tình dẫn những mệt mỏi vào trong con người họ. Việc chồng thêm việc, thời gian dành cho bản thân bị sụt giảm. Cả ngay quần quanh trong công việc dù đồng hồ đã chỉ sang những tiếng cuối của một ngày. Công việc không kết thúc trong giờ hành chính nên có thể nhiều người sẽ ôm cả về nhà mà tiếp tục làm việc, tiếp tục vật lội với nó.
…
Cô gái đối diện chàng trai mở lời bằng một điệu bộ mệt mỏi, rằng: “Gần như tuần vừa rồi em không thể ngủ, có những buổi thức xuyên đêm. Dù em đã rất cố gắng nhưng không thể, mỗi lúc đặt lưng xuống là đầu em sẽ bắt đầu nghĩ đến rất nhiều thứ và nó cuốn giấc ngủ đi đâu mất. Có lần sáng hôm sau em phải dịch đuổi cho một phiên họp mà đêm trước em thức trắng. Sáng đó em phải dùng đến cà phê rất nhiều, em cố gắng để mọi người không nhận ra sự mệt mỏi của em. Sau buổi họp đó, em nằm dài trên chiếc ghế trong phòng nghỉ. Người sếp thấy em mệt liền hỏi thăm và cho em về sớm hôm ấy. Tuy vậy em vẫn không thể ngủ được đều đặn giờ giấc, người em gầy đi nhiều và có lần trong tuần mẹ em đã phải bồi bổ gấp cho em để lại sức. Đến giờ em vẫn chưa biết lý do của mình là gì...và tại sao mình lại như vậy”. Cô gái trong bộ váy đỏ nom rất dễ mến, trong 3 người trẻ thì em là người con gái có nhiều tài năng, sở hữu chiều cao đáng mơ ước, là mẫu phụ nữ của rất nhiều cánh đàn ông nhưng đó là của dạo trước. Đợt này trông em đã suy sụp hơn nhiều. Em gầy đi trông thấy, khuôn mặt đã bớt sự đầy đặn. Một vài phần xương hàm như được mùi khẽ nhô lên trên gương mặt vốn bầu bĩu, hay cười của em. Nếu ai đó thấy em lúc này, một cảm giác thương cảm sẽ trỗi lên âm ỉ trong lòng họ. Cuộc hội thoại tiếp tục khi chủ để được đặt ra là tìm đâu ra căn nguyên cho sự mất ngủ “trầm trọng” này của em. Những lý do, những lập luận của mấy người trẻ, nghe có lúc đầy triết lý nhưng rồi ngẫm lại vẫn đầy cảm tính khi soi từ những trải nghiệm bản thân để ngướm lên người khác. Có thể đây là điều mà người trẻ dễ phạm sai lầm, lấy trải nghiệm của mình rồi dễ dàng ướm lên người khác, nó sẽ chỉ đúng khi chúng ta đứng từ suy nghĩ, cảm giác của người kia mà bổ sung thêm lập luận từ trải nghiệm của mình.
Cậu trai thương cô em gái rất nhiều nên khi nói với em, giọng cậu trầm xuống, lắng lại. Cậu mong em khỏe, đủ bình an để đương đầu với những mệt mỏi phía trước. Em nói thêm, những lời giãy bày được bọc kín lâu ngày nay mới có dịp e ấm mở. Cậu cố gắng lắng nghe bằng tất cả những gì có thể từ đôi tai, bộ não và trái tim. Sớm hy vọng tìm ra nguyên do để giúp em vượt qua, để em tìm lại được giấc ngủ bình yên của mình. Bỗng em nói: “Em cảm thấy em như là con riêng vậy”, “Vị trí trước đây của em đã có một người làm rất tốt, nay người đó đã chuyển qua công tác khác nhưng mà mỗi lần người ấy tiếp xúc với sếp em, tức là sếp cũ của họ. Em cảm thấy họ rất gần gũi với nhau, thứ mà em mong muốn có được là sự kết nối với sếp nhưng vì một vài nguyên do nào đó em chưa thể làm vậy. Em sợ, em sợ họ hiểu về mình, em chỉ dám dành cho người sếp thái độ kính trọng đúng mực của một người nhân viên. Em thân được với phần đông mọi người trong cơ quan nhưng lại chưa thể thoải mái hơn với sếp trực tiếp. Rồi nhìn vào người cũ, thấy sự thân thiện của họ, em vô tình nghĩ mình là con ghẻ còn người ấy mới là con đẻ thực sự”. Có lẽ ở nơi nào đó trong tâm trí em, em đang vùng vẫy, vùng vẫy khỏi những suy nghĩ của chính mình, thứ đang cố gắng buộc em lại và nhấn chìm xuống. Có những loại stress ngầm mà chúng ta không thể nhận ra ngay từ lần đầu tiên, đặc tính của chúng là âm ỉ, rình mò vào những kẽ hở nhỏ nhất của thâm tâm mà trú ngụ trong đấy. Đợi ngày hùng mạnh sẽ vùng lên. Giờ đây người trẻ có sự thích nghi rất tốt dù ở bất kì môi trường hay hoàn cảnh nào. Tính thích nghi đó lớn đến nỗi, họ có thể dễ dàng biến nỗi mệt mỏi, chán chường thành động lực vì một lý do nào đó quan trọng với họ hơn. Họ gắng 200% năng lượng để chiến đấu cho những gì họ tin tưởng, cho công việc đang nuôi sống họ và gia đình, cho ước mơ của riêng mình. Và rồi trên hành trình đó, ho vô tình chấp nhận cả những điều mệt mỏi, họ công nhận đó là điều hiển nhiên và tặc lưỡi nhẹ nhàng cho nó là điều cần thiết trong cuộc đời. Tích tiểu thành đại. Những phức cảm đó lớn dần trong họ từng ngày, cho tới lúc chèn vào cuộc sống bình thường của họ. Sự chèn ép này dẫn đến những “tâm” bệnh, thứ bệnh khó bắt nhất chỉ qua cái nhìn hay sự biểu thị ra bên ngoài. Chứng trầm cảm ngày càng lan rộng trong người trẻ, có khi người càng trẻ lại càng mắc nhiều trở thành một điển hình cực lớn cho những phức cảm “tưởng chừng là hiển nhiên” này. Nó ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của người trẻ. Bào mòn những giác quan, sự nhạy bén, sự cảm thụ, lòng trắc ẩn và hơn hết là sức khỏe của họ. Chúng như những hồn ma đầy ám toán, hút lấy sinh lực một cách dần dần của chúng ta và tặng cho chúng ta một món quà cuối cùng: “Sự ra đi”. Chứng trầm cảm tách người trẻ ra khỏi thế giới hiện hữu, đưa họ tới một chiều không gian vẫn tồn tại mọi thứ xung quanh nhưng họ không thể nghe thấy tiếng của bất kì ai. Tiếng nói của họ thì đã bị dập tắt hoặc chà đạp tới mức yếu ớt không thể lay động được điều gì. Người trẻ mắc kẹt trong chính thâm tâm mình, lạc lõng và cô độc. Dù họ có muốn vùng vẫy nhưng rồi mọi thứ trong thế giới đó sẽ tìm cách để dập tắt, và rồi sức người có hạn. Nếu không vượt qua được, điều duy nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng nhanh nhất là họ chọn cách thoát ra trần trụi và đau thương nhất.
Em thu mình trên chiếc ghế xofa. Khẽ kéo chiếc áo khoác lại gần mình hơn. Trước đây em rất nhiều năng lượng nhưng giờ có lẽ một cơn gió lạnh kéo qua cũng khiến em muốn thu mình gọn ghẽ. Sự tùy tịu của em là một minh chứng rõ ràng rằng sức khỏe em đang đi xuống, một cách chậm rãi, em đang bị đẩy đến nơi em không hề muốn. Ai rồi sẽ cứu lấy em hay em sẽ làm gì để tự cứu lấy mình ?!!
...
Cô gái còn lại trong nhóm khép chiếc laptop một cách mạnh mẽ. Một tiếng thở dài phát ra, phá đi bầu không khí tĩnh lặng. “Tao không muốn làm nữa, cứ đến những ngày này tao luôn tự hỏi là mình có cần công việc này hay không. Trong khi tao cố gắng care cho tất cả mọi người thì điều họ dành lại cho tao lại là một thái độ không hợp tác. Mỗi người trả lời công việc với tao một kiểu. Tao thấy mình không được tôn trọng. Tao đề ra quy định để khắc phục nhưng chẳng ai làm đúng cả. Tao thấy mình cũng chẳng có quyền gì khi mà quyền hạn của tao chỉ được nhắc nhở và cảnh cáo họ. Còn lương, họ vẫn nhận đầy đủ dù có lỗi đằng hoàng”….Đoạn dứt lời, cô gái ấy bỏ tầm mắt khỏi chiếc laptop đặt tại một góc bàn, thứ nãy giờ cô chú tâm. Vứt ánh mắt bâng quơ ra đâu đó xung quanh, có lẽ cô chẳng tìm gì cả trong không gian ấy mà chỉ muốn xả ra những mệt mỏi đang gồng gánh. Ánh mắt cô hiện rõ sự mệt mỏi và đôi phần bất lực. Cô dường như đang chìm vào cảm xúc trong lòng. Cô bị lạc trong chính dòng chảy nội tâm của mình. Giữa một bên cô muốn làm thật tốt những gì cô muốn, giữa một bên ấm ức vì sự hợp tác không tốt của đồng nghiệp. Tạm thời, hai người còn lại để cô yên. Có lẽ cô muốn tách mình ra khỏi công việc, cuộc nói chuyện để tìm vài giây thư thái, bình yên. Nhưng xem chừng điều đó sẽ còn phải kéo dài thêm nữa. Trong ánh mắt đượm buồn nhưng biết nói của cô, nhiều điều đã được giãi bày. Cô rất cố gắng cho tập thể, bằng tất cả những gì cô có. Những timeline “dở hơi nhất”, cô nhận và thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn. “Làm cẩn thận” là phong cách làm việc của cô ngày từ thưở học sinh. Với trách nhiệm trong công việc, cô được tin tưởng giao thêm những trọng trách mới. Mọi người bạn tin cô xứng đáng với điều đó và cô sẽ còn làm được nhiều điều nữa. Cô cũng vậy, tin rằng mình đang được Vũ trụ dẫn lối như ngày đầu cô được đưa đến công ty này. Cô nộp hồ sơ khi chỉ còn cách hạn 2 tiếng trong khi buổi chiều hôm đó cô mới tìm ra thông tin tuyển dụng. Bằng một sự nỗ lực đáng ngưỡng mộ, cô lên tới một vị trí phụ trách trong công ty, chuyên tâm lo hẳn một mảng công việc quan trọng. Nhưng rồi tập thể muốn mạnh đâu phải vì một, hai cá nhân tốt, một ai đó đã nói vậy. Một tập thể tốt là cần mọi người trong đó đồng lòng, đồng sức và biết hỗ trợ nhau. Trong trường hợp này của cô, có lẽ điều đó đã bị giấu nhẹm đi. Trước đó, cô quay cuồng xử lý công việc với đúng tâm thế của một người phụ trách, tập trung, yên lặng giải quyết từng khâu một. Vác chiếc laptop đi làm việc trong cả lúc ngồi cà phê với bạn bè cũng đủ biết cô yêu quý, trân trọng và có trách nhiệm với công việc này thế nào. Sự tập trung của cô đáng kinh ngạc cho dù xung quanh mọi thứ vẫn ồn ã bởi đủ loại tiếng. Trong căn gác hai ấy, một vài bản nhạc du dương bật lên càng đưa cô vào không gian của riêng mình. Nỗi niềm của cô gái ấy chắc hẳn ai cũng gặp phải khi đi làm. Theo thuật ngữ trong giới trẻ, người có người this, người that và điều đó đúng một cách kinh ngạc. Việc bạn nhiệt huyết, chú tâm công việc không đồng nghĩa với việc những người xung quanh cần phải như bạn. Nhưng khó khăn thay, điều đó lại đang đè lên một cô gái nhiệt huyết. Thứ đó sẽ giết dần sự nhiệt huyết của cô ấy và chúng ta với không một lời thương tiếc. Cả ba người trẻ lúc đó thực sự ghét cái cảm giác mà cô gái ấy đang phải chịu. Và rồi, 2 người còn lại thấy thương cô, thương cho những gì cô đang phải gánh vác, thương cho những cảm xúc cô bị tổn thương dù cô không đáng bị đối xử như vậy một chút nào. Cô gái ấy lẳng lặng cất laptop vào cặp. Đôi mắt mất đi sự sắc bén, lần thần nhìn vào không gian tĩnh mịch xung quanh, trong đôi mắt ấy có lẽ cô tìm kiếm sự bình an hay một giải pháp tức khắc kéo cô ra khỏi guồng quay mệt mỏi này. Nhưng chẳng ai biết rõ được hơn là ngoài cô, cô im lặng, cứ vậy cho tới khi cuộc nói chuyện đi vào hồi kết.
...
“Người trẻ đi làm” – nhan đề đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi vô tình chứng kiến câu chuyện của ba người trẻ. Nhưng rồi tôi thấy sẽ thiển cận làm sao khi mình vơ đũa cả nắm, có lẽ sẽ còn nhiều hơn những cảm giác như vậy bao gồm cả những điều tích cực nữa. Và rồi, nhan đề “Nỗi niềm của một vài người trẻ” ra đời. Thực tâm, tôi thích những giây phút con người được trải lòng, những giây phút ấy tôi thấy tính người trong chúng ta rõ ràng hơn bao giờ hết. Là người trẻ giữa một xã hội thủ đô đầy xô bồ như này ắt hẳn sẽ có lúc chúng ta cảm thấy lạc lõng, thấy cô đơn, thấy trống vắng. Chúng ta đặt nhiều câu hỏi về bản thân, chúng ta là ai và giá trị của mình ở đâu. Chúng ta mắc kẹt trong chính suy tư của mình để rồi biến dạng đi con người ban đầu. Chúng ta tự hỏi đâu sẽ là cách để mình thoát ra khỏi những guồng quay của cuộc sống này. Dù chúng ta lựa chọn đối mặt hay từ bỏ, chúng vẫn sẻ trở thành một nỗi niềm nào đó tiến dần hơn vào trong tâm tưởng của mỗi người. Khi nghe chuyện của họ, tôi thấy mình trong câu chuyện đó. Những vấp ngã, những băn khoăn, những mệt mỏi gắn vào cuộc sống công việc hằng ngày. Trường lớp chỉ dạy họ kiến thức còn không dạy họ cách đối mặt với những khía cạnh này của cuộc sống. Tôi muốn nói với họ rằng: “Tôi rất đồng cảm với các bạn, những cảm xúc đó tôi rất muốn được cùng chia sẻ, được là người ở bên các bạn trải qua những nỗi niềm đó”. Tôi rất ngại nói về những lời khuyên, vì đôi khi tôi thấy mình chưa đủ trải đời đến độ mở miệng ra sẽ khuyên một ai đó cần làm gì. Tôi sợ mình sẽ trở thành một kẻ mộng mơ trong những lời khuyên đầy mơ hồ mà thiếu căn cứ. Tôi chỉ mong mỏi làm một điều là người đồng hành, là người sẽ cùng họ trải qua mọi cảm xúc, để học từ ngã đau, đứng dậy rồi bước tiếp. Có như thế tôi thấy mình sẽ có cơ hội hiểu được họ, lắng nghe được bản chất của nỗi niềm sâu trong thâm tâm con người ấy và có thể cùng họ đưa ra một giải pháp nào đó trong cuộc sống. Tôi lựa chọn là một người đồng hành hơn là kẻ đi đầu dẫn đường, chỉ lối. Hy vọng cuộc sống mỗi người sẽ có một người đồng hành để không ai cảm thấy cô đơn trong chính nỗi niềm của bản thân. Tôi mong tất cả sẽ tìm được bình an và niềm hoan hỉ vốn thuộc về mình.
Hà Nội, 3/2020
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất