Nỗi lo sợ từ tương lai bất định trong đại dịch Covid-19
Cảm nhận cá nhân của một người trẻ khi được chứng kiến đại dịch khắp 3 miền Bắc Trung Nam
Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bên trong & bên ngoài của người trẻ theo những cách rất khác nhau, vô hình nhưng lại có tác động rất lớn đến cách suy nghĩ & hành xử của mỗi cá nhân.
Mình vẫn nhớ Tết âm lịch 2 năm trước, khi nghe tin về Covid-19 trên mạng xã hội ở tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Lúc đó khá shock khi trên mạng xã hội khi mình đọc được thông tin người dân tranh nhau khám bệnh, người chết nằm la liệt trên phố, khiến mình liên tưởng đến các bộ phim kinh dị về Zombie đã được xem trước đây.
Về sau mình biết đó là 1 dạng tin giả: không có nguồn gốc thông tin rõ ràng, thông tin & hình ảnh sai sự thật, cung cấp thông tin hữu ích thì ít mà gây tâm lý hoang mang thì nhiều hơn.

Bệnh dịch được mô tả như trong phim Zombie với fake news
Khi Việt Nam có ca nhiễm đầu tiên, truyền thông khắp nơi về bệnh dịch, mình mới bắt đầu có hình dung rõ hơn về cái mà mình đang đối diện.
Bộ y tế, các cơ quan chức năng liên tục truyền thông về việc rửa tay, đeo khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ bản thân. Đồng thời trên thời sự cũng có đưa tin các nước châu Âu, Mỹ,... có một số bộ phận người dân không đeo khẩu trang. Với tâm lý sính ngoại, mình đã từng nghĩ việc đeo khẩu trang hay không là tự do cá nhân của mỗi người, mà quên đi sự ảnh hưởng của cá nhân đến cộng đồng.
Toàn quốc cách ly xã hội 2 tuần. May mắn lúc đó dịch bệnh cũng được kiểm soát nhanh nên phần nào mình cũng yên tâm.
Là một người trẻ, phải thẳng thắn thừa nhận là thái độ phòng bệnh của mình khá hời hợt & theo tâm lý lạc quan thái quá là "chắc là ai đó bị thôi, chứ mình sao bị được", hoặc " tỷ lệ tử vong ở người trẻ rất thấp, mình chắc không rơi vào % ít ỏi đó đâu". Cũng từng có lúc mình còn nghĩ việc đi cách ly hẳn là 1 trải nghiệm thú vị mà không phải ai cũng có được. Những tháng sau đó, mình đã không còn giữ được sự lạc quan như vậy nữa.

Tâm lý lạc quan thái quá của nhiều người trẻ
Khi bệnh dịch bùng phát tại Đà Nẵng, cùng đợt đó mình cũng đang đi du lịch & phải vội vàng về Hà Nội, không kịp tận hưởng trọn vẹn chuyến đi. Do không đi du lịch tại thành phố Đà Nẵng nên mình không thuộc F1, F2, F3 nào cả.
Điều khiến mình nhớ mãi lúc đó là tâm lý lo sợ, hoang mang của những người có "lỡ" đi từ Đà Nẵng về Hà Nội - dù cho họ không thuộc diện tiếp xúc gần - vì F0 chưa được khoanh vùng, truyền thông liên tục đưa tin về số ca nhiễm mới và tâm lý bài trừ người từ vùng dịch trở về của người dân địa phương không có dịch lúc bấy giờ.

Đà Nẵng bùng dịch vào tháng 7/2020
Sau khi tốt nghiệp, mình chuyển vào Sài Gòn để làm việc. Mình vào Sài Gòn làm việc được khoảng 8 tháng thì Sài Gòn bùng dịch.
Mình tự nhủ liệu mình có hơi quá "có duyên" với dịch hay không.
Ban đầu mình còn đến văn phòng, sau đó thì làm việc hoàn toàn tại nhà.
Tâm lý lúc đó của mình vẫn khá lạc quan khi nghĩ rằng 2 tuần nữa cách ly toàn xã hội, thành phố sẽ khoanh vùng được những ca nhiễm & cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Nhưng sau 2 tuần cách ly toàn xã hội, tình hình ca nhiễm không giảm. Thời gian đó mình xem rất nhiều các chương trình thời sự & liên tục đọc báo để cập nhật tình hình dịch. Truyền thông nói các ca nhiễm đang được phong toả song vẫn có những ca nhiễm trong cộng đồng, cần cách ly thêm 2 tuần nữa.
Và cứ như vậy, hết 2 tuần này đến 2 tuần khác, cứ nối đuôi nhau tưởng như vô tận.
Thật sự tâm lý của mình lúc đó khá tiêu cực vì cảm giác hi vọng rồi thất vọng, chờ mòn mỏi trong các nỗ lực 2 tuần của thành phố.

Đã có lúc ở nhà quá lâu, mình cảm thấy bản thân như bị trầm cảm
Mình cũng không muốn trách cứ bất cứ ai vì dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Điều mình muốn mô tả ở đây chỉ là cảm giác thất vọng của bản thân về 1 tương lai bất định.
Một mình trong căn phòng nhỏ 15m2 với bốn bức tường, mình đi tìm niềm vui từ bên ngoài với hi vọng an ủi được sự cô đơn của bản thân.
Bố mẹ, bạn bè, người thân ở Hà Nội hỏi thăm tình hình mình, liên tục gọi điện giục về Hà Nội khiến tâm lý mình càng cảm thấy hoang mang & chán nản hơn vì điều đó gần như là không thể khi cả thành phố đã phong toả, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Khi đọc tin báo đài cũng không khả quan hơn khi thấy thành phố loay hoay tìm giải pháp tối ưu khi việc cách ly tập trung không còn hữu hiệu, số lượng ca nhiễm & tỷ lệ tử vong cao, doanh nghiệp phá sản, người thất nghiệp nhiều, không có tiền đóng tiền trọ & mua đồ ăn, người dân đổ về quê...
Thời điểm đó khu phố chỗ mình ở cũng có khá nhiều ca nhiễm, có thời điểm toàn bộ các bạn ở trọ về quê để tránh dịch, cả căn nhà 5 tầng còn duy mất mình ở, nhà hàng xóm xung quanh đều nhiễm Covid-19.
Những người thân ở Sài Gòn mà mình có (ít đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay) cũng không thể giúp đỡ gì mình do hạn chế đi lại giữa các quận huyện trong thành phố.
Trong những ngày tháng khó khăn đó, niềm vui của mình là việc đi chợ cuối tuần - sự tiếp xúc xã hội hiếp hoi giữa người với người mà mình có.
Số ca nhiễm vẫn liên tục tăng, người dân không được ra ngoài để mua đồ ăn hay nhu yếu phẩm.
Trong lúc tưởng chừng như tăm tối đó, mình thấy loé lên niềm tin về khả năng vượt qua đại dịch thông qua vắc xin, sự giúp đỡ của những người xung quanh - những ngoài hoàn toàn xa lạ nhưng một lòng nỗ lực để đầy lùi đại dịch.

Lòng tốt của những người xung quanh làm mình có niềm tin trở lại
Những thông tin về những đợt vắc xin khẩn trương được chuyển đến Sài Gòn, những bạn trẻ tình nguyện đi hỗ trợ chống dịch, các anh bộ đội đến giúp người dân đi chợ, cô hàng xóm dù mới chỉ biết nhau vài tháng sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, gạo dù công việc của cô bị đình trệ do dịch, ...

Thật sự vô cùng khâm phục các y bác sĩ & đội ngũ chống dịch của thành phố
Tình hình dịch bệnh trở nên khả quan cũng là lúc người dân Sài Gòn lao vào để nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Bài toán nan giải khi vừa cố gắng làm kinh tế, vẫn phải giữ an toàn để phòng chống mình.
Mình thấy đâu đó thái độ e dè của mọi người xung quanh: người Sài Gòn dường như bớt xởi lởi do việc hạn chế tiếp xúc
Hạn chế tiếp xúc không có nghĩa là hạn chế mở lòng với những người xung quanh, nhưng có vẻ mình đã không nhận ra điều này, mình trở lên khó tính, khó gần & khép lòng với bạn bè, đồng nghiệp, bạn cùng nhà v.v.
Mình không có nhiều bạn & việc khép lòng càng khiến mình ít bạn & trở nên cô đơn hơn bao giờ hết.
Vì quá cô đơn, mình sẵn sàng đi 130km - 4h đi đường để thăm người yêu ở 1 tỉnh miền Tây.
Người dân ở đây rất ngại tiếp xúc với người từ Sài Gòn về và mình cũng cố gắng hạn chế sự tiếp xúc. Khi người yêu mình lên Sài Gòn thăm mình, anh nhìn đâu cũng lo sợ dịch bệnh và đặt ra đủ hạn chế cho việc đi chơi: Khi đi ăn không được đến chỗ đông người, không đến trung tâm thương mại chơi, không tiếp xúc người lạ,.. nếu ở nhà được thì tốt nhất.
Người dân ở đây rất ngại tiếp xúc với người từ Sài Gòn về và mình cũng cố gắng hạn chế sự tiếp xúc. Khi người yêu mình lên Sài Gòn thăm mình, anh nhìn đâu cũng lo sợ dịch bệnh và đặt ra đủ hạn chế cho việc đi chơi: Khi đi ăn không được đến chỗ đông người, không đến trung tâm thương mại chơi, không tiếp xúc người lạ,.. nếu ở nhà được thì tốt nhất.
Mình nhớ những lúc được đi du lịch và rủ người yêu đi cùng nhưng người yêu mình mới tiêm 1 mũi vắc xin, anh nói:
anh không sợ dịch bệnh, nhưng anh sợ nếu anh nhiễm, vô tình lây nhiễm cho cộng đồng, anh thấy có lỗi với họ.
Hơn nữa khi đã bị nhiễm, anh nói anh sẽ khó có thể tiếp tục công việc kinh doanh ở tỉnh do làm gián đoạn công việc & khách hàng có tâm lý e dè khi mua hàng, kể cả khi biết anh đã khỏi bệnh.
Tết này anh cũng không định về dù hơn 30 năm nay, anh đều ăn tết cùng bố mẹ & anh rất muồn về để thăm bố mẹ nhưng anh sợ về nhà phải cách ly quá lâu và ngại tâm lý e dè khi tiếp xúc người từ vùng dịch trở về (dù thực tế số ca nhiễm ở nơi anh không cao hơn Hà Nội là bao).
Mình nghĩ dịch bệnh đỡ hơn, mọi thứ sẽ trở lên tốt hơn, nhưng thực tế phù phàng hơn mình tưởng.
Công việc kinh doanh của những người xung quanh mình lắng hơn, nhiều người rơi vào tình trạng nợ nần, một số người quen của mình bị nhiễm bệnh, báo chí liên tục đưa tin về việc dịch bệnh sẽ không kết thúc mà cần sống chung với nó,... khiến mình lo sợ, không dám nghỉ công việc hiện tại để tìm kiếm 1 thứ thú vị hơn.
Mình đã hi vọng vào vắc xin và sẽ có thể sinh hoạt thoải mái hơn, đi du lịch (Do từ đầu năm đến giờ mình chưa được đi du lịch).
Khi nghe tin về biến chủng mới ở Châu Phi, có thể làm giảm hiệu quả vắc xin, với tốc độ lây nhiễm nhanh & có nhiều điểm nguy hiểm hơn delta hiện tại, mình đã vô cùng buồn.
Một tương lai bất định làm con người ta lo sợ.
Giống như hồi chiến tranh vậy, khi con người không biết tương lai phía trước ra sao.
Điểm khác nhau là xã hội không chia phe để triến tranh, không phải chiến tranh giữa đất nước, bộ tộc mà là cuộc chiến giữa toàn bộ con người với virus.
Mình tự hỏi vậy cuộc sống của những con người hồi chiến tranh sẽ như thế nào? Làm sao có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn đó.
Mình đoán câu trả lời là họ tập trung vào niềm vui trong hiện tại, sống trọn vẹn từng giây từng phút theo lý tưởng của họ.

Sống trọn vẹn với hiện thực
Còn bạn, Covid-19 đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Bạn đã vượt qua điều đó như thế nào?
Rất mong nhận được sự chia sẻ từ các bạn.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất