Nỗi kinh hoàng ở Normandy(chương 1)
"Leon...Leon...dậy mau". "Tư lệnh yêu cầu tập trung lại ở giữa doanh trại trong 5 phút nữa" Tiếng thức của người đồng đội đánh thức...
"Leon...Leon...dậy mau".
"Tư lệnh yêu cầu tập trung lại ở giữa doanh trại trong 5 phút nữa"
Tiếng thức của người đồng đội đánh thức tôi khỏi giấc ngủ, vẫn còn đang mơ màng chưa kịp hiểu chuyện gì thì cậu ta lại bồi thêm một câu nữa:
"Lại mê ngủ nữa chứ gì? Lão chỉ huy sẽ lại phạt cậu chống đẩy đấy."
Chỉ vừa nghe đến bị phạt, tôi lập tức sợ đến tái mặt. Nhưng chợt nhớ ra nếu chỉ vừa choàng tỉnh giấc mà đã vội bật dậy sẽ không tốt cho sức khỏe nên tôi cố yên vị thêm vài chục giây rồi mới ngồi dậy.
"Thay quân phục vào rồi tập trung theo lệnh đi nhé"
Boris lại hối thúc tôi sau đó vội chạy ra tập trung trước. Cậu ta luôn dậy sớm và đề cao kỉ luật như vậy đấy, có lẽ môi trường ở đây là nơi hiếm hoi mà cậu không bị phân biệt đối xử , một người gốc Phi nhập cư vào Hoa Kì như cậu dĩ nhiên đã phải nếm trải đủ thứ bất hạnh trên đời, từ nghèo đói cho tới việc bị phân biệt đối xử chỉ vì cái màu da mang trên người.
Nhưng hiện tại đang là chiến tranh, cái cảm giác cận kề cái chết mỗi ngày đã khiến nhiều người dẹp bỏ cái tư tưởng phân biệt chủng tộc đáng nguyền rủa ấy mà thoải mái hơn khi tiếp xúc với họ, bởi bọn phát xít sẽ không ngắm vào người da đen thay vì da trắng đâu.
Lúc này tôi mới thật sự tỉnh giấc khỏi cái cảm giác mơ màng kia, vội thay ngay quân phục chỉnh tề, lao ra ngay và tập trung ở giữa doanh trại.
Hóa ra tên Boris đó lo xa, bây giờ vẫn chỉ không quá nửa số người đã tập trung sẵn, nhưng đã ra tới nơi nên đương nhiên tôi chẳng còn lựa chọn nào khác cả, đành tới tập trung sớm theo thôi.
Chờ một hồi sau thì cũng đã đến lúc người đại tướng bước ra thuyết giảng động viên chúng tôi trước khi lên đường, đương nhiên là không quên kể về những tội ác của bọn phát xít, rằng chúng đã giết hại rất nhiều người vô tội một cách dã man chỉ vì họ là người do Thái và vô số những tội ác khác khiến ai nghe cũng đều căm phẫn.
"Rất nhiều người đang mòn mỏi chờ các bạn đến giải phóng cho họ". Ông dõng dạc nói to.
"Có thể nhiều người trong số các cậu sẽ không trở về được, nhưng hãy nhớ các cậu đã chiến đấu cho chính nghĩa".
Mọi người nghe xong đều xúc động đồng thanh hô lên đầy quyết tâm xóa bỏ cái không khí ảm đạm lo sợ thường thấy của những người lính nay sống mai chết vốn chứa đầy sợ hãi.
Sau đó cả hội giải tán chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào ngày mai, cuộc đổ bộ ngày mai chắc chắn sẽ là một trận đẫm máu và có khi mình sẽ bị một viên đạn găm vào đầu cũng nên.
Lúc này tôi mới thảnh thơi rút từ balo ra một tấm ảnh về gia đình có bố,mẹ và người em gái 7 tuổi đang chờ ở nhà, tôi đã dối cô em gái của mình rằng mình chỉ đi qua châu âu du lịch một chuyến mà thôi, nhưng cái chuyến "du lịch" này thì tôi không mong muốn đi cho lắm.
Chưa biết chừng lúc trở về tôi sẽ nằm trong một cái hộp bằng gỗ bên ngoài có bọc quốc kì, họ sẽ tổ chức cho tôi một cái lễ truy điệu thật hoành tráng, vài tấm huân chương treo trên mộ mà người chết đâu có dùng được, rồi thì tới cảnh cảnh bố mẹ, em gái tôi khóc lóc thảm thiết như họ chưa từng được khóc lần nào trên đời vậy.
Tôi không muốn như vậy đâu, không phải bởi tôi là một đứa hèn nhát sợ chết mà là bởi tôi không muốn chết, không sợ chết và muốn chết nó khác nhau lắm nhé. Còn rất nhiều thứ trên đời mà tôi muốn làm, tôi không thể chết được, nhất định tôi phải trở về.
Cuộc chiến hiện giờ có vẻ cũng đã nghiêng về phe đồng minh rồi, kể từ sau khi quân Nhật khiêu chiến Hoa Kì bằng trận Trân Châu Cảng thì việc có thêm một cường quốc lớn tham chiến vào đã khiến lực lượng trở nên chênh lệch hơn.
Ở mặt trận phía Đông châu âu thì kể từ sau trận Stalingrad định mệnh đẫm máu với chiến thắng của Hồng Quân Liên Xô với thương vong ước tính khoảng 2 triệu người cả 2 phía thì thế trận cũng đã đảo chiều, quân Đức đã không thể tung hoành khắp cả lục địa như trước nữa rồi.
Tôi thật sự chẳng dám nghĩ đến cái cảnh chiến trường ở đó nó ra sao, những 2 triệu người cơ đấy, thảo nào mà nó được gọi là "địa ngục trần gian", những lúc tạm vắng bom đạn ở đó thì điều kiện sống cũng có thể coi là "chết còn hơn" với lương thực, nước uống ít ỏi do bị bao vây không có nguồn viện trợ, thế mà họ vẫn thắng nổi quân Đức.
Chỉ rạng sáng mai thôi thì cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu, thời gian đếm ngược đến lúc đó không còn nhiều nữa, hi vọng con thuyền mà tôi phải ngồi vào sẽ không quá nổi bật để bị đám quân phòng thủ của phát xít Đức ưu tiên ngắm vào.
Tôi đến tìm Boris, hi vọng có thể tâm sự một chút trước khi bước ra nơi bom đạn khói lửa kia.
Cậu vẫn vui vẻ thế à Boris, không sợ ư?
Boris lẳng lặng một hồi, nhẹ nhàng đáp lại:
Cuộc đời tôi có gì đáng để tiếc nếu phải chết?
Cậu buồn bã đáp lại tôi, khóe mắt cậu ứ lên vài dòng nước mắt rồi nói tiếp:
Giấc mơ Mỹ là một cơn ác mộng, khi tới Hoa Kì nhập cư tôi phải chịu đủ thứ bất hạnh.
Nhà tôi rất nghèo, bố tôi bệnh nặng mà không có tiền chữa nên mất sớm. Mẹ tôi vì nuôi thêm tôi mà tốn thêm một đống tiền, nhưng cũng chẳng đủ lo cho tôi đi học lên cao hơn, thế nên tôi bỏ học sớm rồi đủ tuổi thì viết đơn xin vào quân đội.
Ở đây tôi có cơm ăn, mẹ tôi không phải lo thêm miệng cơm mà trong này tôi cũng không bị phân biệt đối xử quá nặng.
Tôi nghe xong cũng xúc động mạnh bởi câu chuyện đau lòng của anh bạn da đen này, quả nhiên cuộc đời không bao giờ có hai chữ "công bằng", rất nhiều người rơi vào những hoàn cảnh đau khổ đến cùng cực chỉ vì họ thiếu may mắn, tôi thì may mắn sinh ra trong một gia đình không quá thiếu thốn.
Không lẽ ông trời không có mắt hay sao mà lại đẩy biết bao nhiêu người vào những hoàn cảnh đau khổ như thế cơ chứ?
Thoáng một cái đã đến giờ đổ bộ, tư trang súng ống tôi đều đã chuẩn bị đủ trước khi lên tàu, trước khi đi tôi và nhiều người khác còn không quên cầu nguyện, chúa phù hộ con.
Đập tan bọn phát xít độc ác nào.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất