Có lẽ thành phố giãn cách vì dịch bệnh là một cơ hội tốt để chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình, hoặc là có thời gian để nhìn sâu hơn các giá trị trong cuộc sống.
Mở đầu nghe hoa văn vậy thôi chứ thật ra chiều nay trong lúc đang ngồi trầm ngâm suy tư về cuộc đời mình, tôi đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ, ha ha ha.
Tại sao ư? Tại vì tôi nhận ra tôi luôn bị lừa từ những người tôi tin tưởng nhất.
Thì ra những người hay nói những câu như: mình/tôi/anh/chị ghét nhất là nói dối lại là những người có khả năng nói dối nhất.
Cảm giác của tôi là gì ư? Là tức giận là thất vọng và là một sự trầm ngâm? Tại sao lại như vậy?
Tại sao tôi lại tức giận lại thất vọng và lại bật khóc? Không chỉ đơn giản là vì niềm tin bị sụp đổ mà còn là vì trước tới giờ tôi luôn tự tin mình là một người không phán xét. Tôi không quan tâm bạn giàu hay bạn nghèo, bạn xinh đẹp hay xấu xí, bạn giỏi giang hay thất bại, tôi cũng không quan tâm bạn là giới tính gì, bạn theo chủ nghĩa triết học nào, bạn ủng hộ hình thức chính trị nào. Từ trước tới giờ, bởi vì tôi rất ghét nói dối nên tôi không bao giờ tạo ra một khung hình cho bất cứ ai, vì tất cả tôi mong nhận được là một sự chân thành và thành thật.
Tôi đã từng nói với một mối quan hệ cũ của mình là: Cậu à, tớ rất thông minh, và trí nhớ tớ rất tốt, vì vậy thay vì nói dối, cậu hãy nói thật, vì tớ đủ mạnh mẽ để chấp nhận bất cứ sự thật nào, hãy tin tớ.
Vậy mà vẫn có những người thay vì chọn sự thật lại chọn sự dối trá.
Ảnh bởi
Brett Jordan
trên
Unsplash
Tại sao chúng ta lại nói dối?
Có rất nhiều nguyên nhân, có quá nhiều nguyên nhân, có vô số nguyên nhân.
Vì không muốn ai đó buồn, vì không muốn ai đó thất vọng, vì muốn ai đó vui, vì muốn được đánh giá cao, vì muốn mọi chuyện tốt đẹp…
Thật sự là có rất nhiều nguyên nhân cho một lời nói dối.
Nhưng có lẽ, trên tất cả là vì chính bản thân mình.
Tôi nói dối vì tôi sợ mọi người sẽ thất vọng vì tôi. Tôi nói dối vì tôi sợ mọi người sẽ hiểu về tôi. Tôi nói dối vì tôi sợ mọi người sẽ nhận ra sự yếu đuối, điểm yếu, thiếu sót, sự không toàn vẹn của bản thân mình. Tôi nói dối vì chính nỗi sợ của bản thân mình, và tôi nói dối vì chính tôi và chỉ tôi mà thôi.
Sau tất cả, dù lý do để đưa ra một lời nói dối có cao đẹp thế nào thì thật ra bạn nói dối cũng chỉ vì chính bản thân bạn, vì nỗi sợ của bạn và chỉ vì chính bạn mà thôi.
Hậu quả của lời nói dối là gì và có nên tha thứ cho một lời nói dối?
Hậu quả của lời nói dối là gì? Là không còn ai tin tưởng? Có phải cái giá phải trả cao nhất là sự mất niềm tin của mọi người?
Ha ha ha, thật ra điều đó không đáng sợ, vì mất người này ta còn người khác, mất mối quan hệ này, ta thay mối quan hệ khác. Trái đất có 7 tỉ người, chả lẽ lại xu cà na đến nỗi bị phát giác bởi 7 tỉ người?
Dù kinh phật có nói cái giá lớn nhất là sự mất niềm tin, nhưng thành thật đi, cả bạn và tôi đều biết rằng, điều đó không chính xác.
Cái giá lớn nhất mà chúng ta phải trả cho sự nói dối đó chính là đánh mất chính bản thân mình.
Một lời nói dối rồi lại một lời nói dối, một lần rồi lại một lần, một lần bao che, một lần chống chế, nhiều lần bù đắp lẫn nhau, rồi đến một ngày, có lẽ tôi sẽ không nhận ra tôi là ai nữa? Tại sao tôi lại thế này? Tôi đang làm gì thế này?
Giữa hàng ngàn thứ trên đời này, vật chất và của cải, tôi lại đánh mất đi thứ giá trị nhất, quý giá nhất, đó là bản thân mình, cái thân xác, cái tâm hồn, cái tôi quý giá mà tôi sẽ luôn mang theo trong suốt cuộc đời.
Có nên tha thứ cho một người đã dối lừa ta.
Quỳnh Anh sẽ thành thật với mọi người, câu trả lời mà Quỳnh Anh đã từng chọn là không.
Vì sao ư? Vì với cái IQ vô hạn này thì biết bao nhiêu người nói rằng: m tin nó là m ngu đó Quỳnh Anh à. Ủa Quỳnh Anh ơi, Quỳnh Anh có bị khùng không? Ủa sao Quỳnh Anh khờ dại vậy, m không thấy m đang bị lừa à? Thật yếu đuối, thật luỵ tình, thật không biết yêu thương bản thân mình.
Đúng là có rất nhiều lý do cho một câu trả lời KHÔNG.
Nhưng bạn biết sao không? Dù là một người khá thông minh và luôn đề cao giá trị trung thực, nhưng thật ra mà nói, tôi chính là một kẻ nói dối đại tài. Và đương nhiên, vì sự thông minh của chính mình, tôi dễ dàng lừa gạt bất cứ ai kể cả chính mình.
Là một người nói dối đại tài, tôi biết nói dối từ hồi 3 tuổi.
Một đứa trẻ 3 tuổi đầy sự đáo để để trả lời cho câu hỏi: Con thương ai hơn, ba hay mẹ? Tôi hoàn toàn nhận ra là ai ở đó tôi sẽ thương người đó, và nếu cả ba và mẹ không ở đó, tôi sẽ thương bà vì bà mua bánh cho tôi.
Là một nhà nói dối đại tài, lúc 6 tuổi, tôi có thể hiểu được, muốn được người khác yêu mến hãy nói điều mà người đó muốn nghe, thậm chí là nói xấu một người thứ ba không có trong cuộc. Bạn không nghe lầm đâu, đứa trẻ 6 tuổi tên Quỳnh Anh đã nói dối không ngừng nghỉ để được mọi người quan tâm và thương yêu, một đứa nhỏ thông minh đến nỗi có thể nói đúng những gì bạn muốn nghe để được chú ý. Nếu mà tôi không bị phát giác một lần thì chắc tới tận bây giờ tôi vẫn nói dối như cuội đấy mọi người à.
Là một nhà nói dối đại tài, Quỳnh Anh những năm cấp hai, một đứa học sinh cá biệt đã có thể trốn thoát biết bao nhiêu tội lỗi khi không soạn bài, không học bài, đi học trễ, không làm bài tập, điểm thấp, ngủ quên, …
Là một nhà nói dối đại tài, Quỳnh Anh có thể tay bấm điện thoại, xem phim, chơi game mà vẫn ngồi nói chuyện điện thoại với một ai đó 2-3 tiếng đồng hồ mà thực chất ra Quỳnh Anh chẳng hề nghe gì cả.
Là một nhà nói dối đại tài, đến tận hiện tại Quỳnh Anh vẫn có thể một lúc làm được hai tới ba công việc mà không ai biết rõ công việc đó là gì.
Tôi chính là một nhân vật kiệt xuất của tác phẩm văn học: Nhà nói dối vĩ đại nhất đời Quỳnh Anh.
Và đương nhiên là vì là nhà nói dối đại tài, Quỳnh Anh vẫn chưa bị phát hiện, chưa bị phát giác và chưa phải trả một cái giá gì cả.
Không phải tất cả chúng ta đều thích nghe nói dối sao?
Chúng ta thích những lời khen, chúng ta thích một thế giới màu hồng. Ta đắm chìm trong các bộ phim, ta đắm chìm vào các bài hát, t mẩn mê trong một đống tiểu thuyết viễn tưởng, ngôn tình.
Ta thích đặt những câu hỏi: Con yêu ai hơn, yêu ba hay yêu má hơn?
Anh sẽ cứu ai? Mẹ hay em?
Anh có đang nghe không? Em có xinh đẹp không? Anh yêu ai nhất?…
Thì ra tôi cũng tự mình chìm đắm trong một đống sự dối lừa, ủng hộ và duy trì nó mà chính tôi cũng không biết. Tôi đồng ý với những lời nói dối hiển nhiên nhất mà tôi không hề biết, tôi chấp nhận sự dối lừa mà tôi dù có biết cũng thấy không sao mà.
Vậy ra có nên tha thứ cho người đã từng dối lừa ta?
Thật ra có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề này: hãy tha thứ nhưng đừng tin nữa, đừng tha thứ, sao lại có thể tha thứ…
Bạn chọn cái nào cũng được, nhưng tôi hiểu rằng, cái giá phải trả cho lời nói dối thật sự quá lớn.
Đánh mất đi bản thân mình thật sự đau khổ biết bao nhiêu? Đáng lẽ tôi vẫn có thể sống như trước đây, làm những điều mình thích, bây giờ vì những lớp mặt nạ, tôi cũng không có một chút can đảm nào để có thể tiếp tục sống, tiếp tục hít thở, cho mình cái quyền để mà yêu thương để mà chấp nhận chính mình nữa.
Và cần biết bao nhiêu cũng khí, biết bao nhiêu sự can đảm để quay lại từ đầu, để chiến thắng nỗi sợ của bản thân. Giống như lúc đầu nỗi sợ để gây ra sự nói dối là một thì nỗi sợ để có thể thừa nhận là mười vậy.
Vì vậy tôi sẽ chấp nhận tha thứ và tin tưởng.
Có lẽ vì tôi là một nhà nói dối đại tài hoặc là tôi không thông minh cho lắm. Nhưng tôi hiểu rằng không ai hoàn hảo, và ai cũng có những nỗi sợ mà không phải ai hiểu được. Nhưng tôi mong bạn không đánh mất bản thân mình, mạnh mẽ và dũng cảm để có thể lấy lại chính mình. Và vì sự dũng cảm của bạn, tôi chấp nhận lại dại khờ.
Một bài viết quá dài cần quá nhiều sự can đảm.
Dù sao đi nữa:
Nỗi sợ khiến con người trở nên gian dối.Nhưng yêu thương có lẽ là ôm lấy một người với rất nhiều sợ hãi.
Ảnh bởi
Gemma Chua-Tran
trên
Unsplash