Nếu bầu chọn ra một quốc gia mong manh và chia rẽ nhất thế giới, quốc gia Bắc Phi Cộng hòa Chad (hoặc Tchad, Sát tùy cách gọi) xứng đáng 1 vị trí top đầu. Với tỷ lệ Hồi giáo/Thiên chúa giáo luôn sấp xỉ 50/50, mọi quy luật chính trị thông thường ở các nước khác như mạnh được yếu thua hay thiểu số phục tùng đa số hoàn toàn vô nghĩa ở đất nước này. Trong hơn trăm năm qua, người Hồi giáo và Thiên chúa giáo ở Chad dù có lúc trực tiếp bắn nhau, có lúc không, nhưng thường trực sống trong thù địch và đối đầu. Chỉ có điều, trong lịch sử xung đột dai dẳng đó, họ cũng một lần buộc phải chiến đấu cùng nhau. Đó là khi gã hàng xóm phương Bắc khó chịu của họ, Libya, suýt chút định giải quyết xung đột ở Chad bằng cách....thôn tính một nửa đất nước này!

1/ Chiến tranh Toyota và trận Ouadi Doum - ''Điện Biên Phủ của sa mạc''.
Cơ bản thì ''chiến tranh Toyota'' là giai đoạn cuối của cuộc chiến giữa Libya và Chad, diễn ra từ năm 1986 cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sở dĩ tên đặc biệt như vậy là do hành động có phần tuyệt vọng của quân đội Chad vào những ngày sinh tử năm 1987.
Như đã nói trên, từ năm 1984 đến 1986, hai bên không có sự đối đầu lớn. Nhưng hành động của 2 phe trong thời gian này lại rất khác nhau.
Trong cả năm 1985, Gaddafi đã đổ tiền vào miền Bắc Chad, với hy vọng sẽ giữ vĩnh viễn vùng đất này. Để thực hiện nó, quân Libya xây dựng một căn cứ lớn tại Ouadi Doum. Họ xây ở đó một căn cứ không quân lớn giữa thung lũng khô cằn của sa mạc Sahara, được những ngọn núi và đồi cát bảo vệ. Ouadi Doum còn được bảo vệ bởi ít nhất 5.000 quân Libya, với xe tăng, pháo binh và những bãi mìn bảo vệ kín các mặt. Thoạt nhìn qua, thì nó có thể so sánh với căn cứ Điện Biên Phủ mà người Pháp xây ở Việt Nam. Và cũng như người Pháp, Libya tuyên bố Ouadi Doum là ''pháo đài bất khả xâm phạm''. Để mọi việc thêm long trọng, Gaddafi phái Bộ chỉ huy quân Libya ở Chad đến căn cứ Ouadi Doum, đứng đầu bởi một nhân vật mà ngày nay trở nên rất đình đám: Đại tá Khalifa Haftar, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Libya.
Đối nghịch với sự rầm rộ của Libya, là sự đìu hiu của Chad. Trong những năm 1984 đến 1986, chính phủ Hissène Habré vật lộn với các khó khăn kinh tế và những âm mưu chống đối, vậy nên họ không có có thời gian để củng cố quân đội. Thậm chí, họ phải giải ngũ bớt binh lính để giảm chi phí.
Với quân đội Pháp, 2 năm hiện diện ở Chad làm đội chi phí quốc phòng, nên đến năm 1987, họ đã tính đến việc rút lui. Đến đầu năm 1987, lực lượng Pháp đồn trú ở Chad giảm xuống dưới 1.000 người, nhưng lực lượng không quân vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Đầu năm 1987, các tin tức tình báo cho thấy một đợt triển khai quân lớn của quân đội Libya. Quân Libya bổ sung thêm 8000 quân, 30 xe tăng, 60 máy bay chiến đấu đến Aouzou. Tổng quân số Libya ở Aouzou lúc này lên đến 90.000 người, 300 xe tăng, 60 máy bay. Đặc biệt trong số trực thăng chiến đấu mà Libya triển khai lần này, trực thăng Mi-25 tối tân của Liên Xô lần đầu tiên ra thực địa. Với gần 100.000 quân Libya triển khai, người ta nhận định rằng ''nếu Libya không định san bằng N'Djamena trong năm 1987, thì cũng muốn chiếm Bắc Chad vĩnh viễn''.
Đối với chính phủ của Hissène Habré lúc đó, viễn cảnh quân Libya đánh thẳng vào thủ đô N'Djamena là có thể nhìn thấy. Tình thế lúc này không cho phép ông ngồi yên được nữa. Lệnh tổng động viên được đưa ra toàn quốc. Quân đội Chad khát quân đến mức phải nhận trẻ em từ 14 tuổi vào quân đội. Họ cũng cho quân đi khắp các đường phố N'Djamena, lùng bắt những người ăn xin vào quân đội (giờ thì họ đã có ''đội quân ăn mày'' theo nghĩa đen). Với những nỗ lực bắt lính, năm 1987 quân đội Chad đã tập hợp được 28.000 quân, vẫn chỉ bằng 1/3 quân Libya.
Lính trẻ em Chad - quân đội Chad tuyển những thiếu niên từ 14 tuổi vào quân đội
Tuy nhiên, sự thua kém về thiết giáp và không quân là một sự chênh lệch đáng sợ. Không quân Chad không còn một phi cơ nào chiến đấu được. Họ có...13 xe tăng. So với 300 xe tăng của Libya thì rõ ràng họ không có cơ hội nhìn thấy đối thủ trước khi bị tiêu diệt. Trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó, quân Chad đã dùng đến một biện pháp trước đó chưa có ai dùng, nhưng sau này có vô số người dùng.
Quân đội Pháp trước đó viện trợ cho Chad khoảng 400 xe bán tải Toyota để phục vụ cuộc sống người dân. Quân đội Chad thiếu xe trở quân, nên đã tận dụng số xe này để vận chuyển. Không ngờ vào trận chiến, họ đã tận dụng những chiếc xe bán tải này để đánh bại xe tăng hiện đại của Libya.
Quân đội Chad trên xe bán tải Toyota
Phần về ưu thế của Toyota so với xe tăng trên sa mạc, xin không nói trong bài này. Nó có một bài chuyên biệt đã có trước đây về chiến tranh Toyota. Nên ở đây xin phép chỉ nói kết quả của cuộc chiến: quân Libya thảm bại, 8000 lính chết trận, 800 xe bọc thép và 72 máy bay bị phá hủy. Phía bên kia, Chad chỉ có 1000 lính chết, vài chục xe bán tải và mất 1 trực thăng Puma của Pháp.
Thảm bại trên các chiến trường làm căn cứ chính tại Ouadi Doum của quân Libya bị bao vây, nhưng họ vẫn tự tin quân Chad không thể đi qua sa mạc để đến Ouadi Doum, do căn cứ được bảo vệ bởi pháo binh và bãi mìn.Nhưng họ lại quên mất 1 đường: từ trên không. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công Ouadi Doum, quân Pháp-Chad định ném bom phủ đầu làm suy yếu quân Libya. Nhưng để đảm bảo an toàn cho các phi cơ, quân đội Pháp tự tay thực hiện chứ không để cho quân Chad tham gia không kích. Với kỹ thuật chiến đấu trội hơn, quân đội Pháp đã phá hủy những phần quan trọng nhất của căn cứ Ouadi Doum mà không bị phòng không Libya gây thiệt hại đáng kể.
Để trả đũa, quân Libya cho máy bay ném bom Tu-22 ném bom thủ đô N'Djamena của Chad. Và nó bị phòng không Chad bắn rơi.
Ảnh chụp từ máy bay - quân đội Pháp đang ném bom đường băng ở căn cứ Ouadi Doum của Libya.
Xác máy bay Tu-22 của Libya bị bắn hạ ở thủ đô N'Djamena của Chad.
Tháng 3 năm 1987, các máy bay của Pháp trở lính dù Chad đổ bộ xuống căn cứ Ouadi Doum chiến đấu với quân Libya. Tại đây họ phát hiện lính Libya trong căn cứ không còn nhiều như dự đoán. Nhiều binh sĩ Libya hoảng loạn chạy thoát thân ra các bãi mìn xung quanh và chết bởi mìn của chính họ. Cuộc chiến ở Ouadi Doum kết thúc ngày 22/3/1987, sau khi đơn vị cuối cùng của quân Libya đầu hàng người Chad, cũng là đơn vị bảo vệ Tham mưu trưởng Khalifa Haftar và bộ chỉ huy quân Libya. Trong hơn 2 tuần chiến đấu, quân Chad đã tiêu diệt 2.000 quân Libya, bắt giữ gần 3.000 người và bị mất 300 lính Chad.
Thắng lợi của quân đội Chad ở Ouadi Doum trở thành tin tức nóng được công bố rầm rộ trên truyền thông đặc biệt là khối Pháp ngữ. Họ giành những mỹ từ ca ngợi và thậm chí so sánh trận Ouadi Doum với trận Điện Biên Phủ ở Đông Dương năm xưa. Nhiều người không thể tin một đội quân khốn cùng, không có xe bọc thép như quân Chad lại có thể đánh bại đội quân với đầy đủ xe tăng, máy bay hiện đại như Libya. Nhưng sau này thì người ta đã hiểu. Đó chính là vì những ưu thế kỹ thuật lớn của xe bán tải Toyota so với xe tăng trên địa hình sa mạc chỉ có điều vào năm 1987, nó chưa được phát hiện ra.
Sau trận Ouadi Doum, quân Libya buộc phải rút hoàn toàn khỏi Chad, để lại sau lưng Tham mưu trưởng Khalifa Haftar đã bị bắt sống.
2/Chiến tranh tiếp diễn và hòa giải quốc tế.
Tuy nhiên, trận chiến Ouadi Doum vẫn chưa phải là trận cuối cùng của chiến tranh. Sau khi giành được Ouadi Doum, quân đội Chad tiếp tục truy kích quân Libya lên phía Bắc, lần này quân đội Pháp không tham gia. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ngày 5/9/1987, quân đội Chad vượt qua biên giới Libya tấn công căn cứ không quân Maaten al-Sarra miền Nam Libya. Ở đây họ giết 1000 lính Libya, bắt giữ 300 người và phá hủy 32 máy bay gồm Mig-21, Mig-23, Su-22 và trực thăng Mi-24.

Cuộc tấn công của Chad qua đất Libya làm Libya đánh tiếng với người Pháp. Do yêu cầu của Libya, chính phủ Pháp phải ra tay ngăn cản quân Chad tấn công thêm vào Libya và đi tới một cuộc hòa giải tại tòa Quốc tế. Bị đe dọa cắt viện trợ, Tổng thống Hissène Habré phải chấp nhận.

Ngày 3/2/1994, Tòa án Công lý quốc tế dựa vào các văn kiện của Pháp và Ý từ năm 1935 đến 1965, cùng với tình hình thực tế, đã ra phán quyết: Dải Aouzou là lãnh thổ của Chad và quân đội Libya phải rút khỏi khu vực này. Quyết định của Tòa Công lý được mọi bên hoan nghênh, cả Libya cũng không phản đối. Như vậy là vấn đề Dải Aouzou được giải quyết năm 1994.

Tuy nhiên, cho đến lúc vấn đề Aouzou được giải quyết, thì Tổng thống Chad có công chống Libya, Hissène Habré đã không còn trong nhiệm sở nữa. Năm 1990, 3 năm sau chiến thắng trước Libya, Hissène Habré bị quân nổi dậy của Idriss Déby, đương kim Tổng thống Chad hiện nay, đánh bại và lật đổ. Người dân Chad ủng hộ Idriss Déby chống lại Hissène Habré vì chế độ hà khắc của Habre đã giết chết hàng nghìn người Chad và làm kinh tế khủng hoảng.

Idriss Déby lên nắm quyền, đảo ngược lại chính sách trước đó. Ông quay sang thân Libya, giảm bớt sự ảnh hưởng của Pháp. Libya là nước đầu tiên công nhận chính quyền của Idriss Déby, và cũng là nước đầu tiên thăm Chad sau năm 1990. Tuy nhiên, may mắn cho người dân Chad, là Idriss Déby vẫn cứng rắn trong vấn đề chủ quyền với Dải Aouzou do người tiền nhiệm giành được. Mối quan hệ tốt với Libya là nguyên nhân làm cho vào năm 1994, Libya đã công nhận chủ quyền của Chad ở Dải Aouzou.

Từ năm 1990 đến nay, Idriss Déby vẫn là Tổng thống Chad, nhưng không phải qua chế độ độc tài mà qua chiến thắng bầu cử. Chad, về danh nghĩa vẫn là quốc gia Hồi giáo, nhưng người Thiên chúa giáo vẫn có chỗ đứng đáng kể.

Idriss Déby - đương kim Tổng thống Chad - nắm quyền từ năm 1990
3/ Số phận tướng Khalifa Haftar và tù binh quân Libya ở Chad.
Đại tá Khalifa Haftar được thăng lên tướng trước khi trận Ouadi Doum bắt đầu. Ông và bộ chỉ huy của mình đã ở Ouadi Doum cho đến khi bị quân Chad đánh bại và bắt giữ ngày 22/3/1987. Toàn bộ chỉ huy quân Libya bị bắt làm tù binh và đưa ra trình diện trước báo giới.

Bộ chỉ huy quân Libya bị bắt sau trận Ouadi Doum - tướng Khalifa Haftar được khoanh đỏ
Tướng Khalifa Haftar trong trại tù bình ở Chad
Bằng một lý do mà đến nay vẫn không ai rõ, sau chiến tranh Gaddafi đã từ chối việc hồi hương 3.000 tù binh chiến tranh Libya ở Chad, trong đó có cả Tham mưu trưởng Khalifa Haftar. Ở quê nhà Gaddafi thay thế một Tham mưu trưởng mới, tuyên bố rằng tướng Haftar đã phản bội và đầu hành quân Chad, mặc dù thực tế là họ đã chiến đấu kiên cường. Các binh sĩ Libya bị kẹt ở Chad trong các trại tù của Chad trong 3 năm. Việc bị từ chối hồi hương làm họ vô cùng bất bình, cho rằng bị phản bội bởi Gaddafi. Để phản đối Gaddafi, nhiều tù binh Libya đã tuyên bố bỏ đạo Hồi. Cũng trong thời gian bị giam ở Chad, Khalifa Haftar cùng nhiều sĩ quan đã hình thành quan điểm chống đối Gaddafi.

Đến năm 1990, do tình hình kinh tế khó khăn và bất ổn chính trị, chính phủ Chad không nhận giam giữ các tù binh Libya lâu thêm nữa. Họ đã đàm phán để đưa số tù binh này sang nước thứ 3. Ban đầu họ được người Pháp sắp xếp để sang Zaire (nay là CHDC Congo), nơi Tổng thống Mobutu Sese Seko là đồng minh thân cận của Pháp. Nhưng sau khi sang Zaire, phần lớn số tù binh này đã quyết định trở về Libya. Số còn lại đi theo tướng Haftar, thành lập một tổ chức đối lập với Gaddafi. Họ sang Kenya năm 1990, với khoảng 300 sĩ quan. Ở Kenya, nơi Mỹ có một trụ sở lớn của tình báo CIA, Khalifa Haftar đã móc nối với người Mỹ và yêu cầu họ cho phép tị nạn.

Yêu cầu của Haftar được người Mỹ chấp thuận. Năm 1996, Haftar có bí mật trở về Libya nhưng ngay sau đó đã bay sang Mỹ. Khalifa Haftar trở thành công dân Hoa Kỳ, định cư cùng gia đình ở bang Virginia và gần như biến mất khỏi chính trị. Những tưởng đó đã là kết thúc cho sự nghiệp một vị tướng.

Nhưng mọi chuyện bất ngờ thay đổi năm 2011. Gaddafi bị lật đổ, Libya rơi vào nội chiến. Tướng Khalifa Haftar đã âm thầm quay trở lại Libya, cộng tác với người Nga lập ra ''Quân đội quốc gia Libya'' (LNA). Tướng Haftar sau khi trở về được đông đảo người dân và binh lính Libya ủng hộ, lại được người Nga chống lưng, nên trở thành phe mạnh nhất ở Libya hiện nay, đối đầu với phe GNA do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.

Hiện nay tại Libya, Khalifa Haftar tự xưng Nguyên soái Quân đội quốc gia Libya (LNA).

Nguyên soái Khalifa Haftar hiện nay.
4/ Chiến dịch đánh cắp trực thăng Liên Xô của tình báo Mỹ.
Trên thực tế, quân đội Mỹ đã tham gia cuộc chiến Libya-Chad. Nhưng họ không hề tham gia đánh trận, mà chỉ làm một nhiệm vụ: đánh cắp trực thăng Mi-25 tối tân của Liên Xô.

Vào những năm 1987, trực thăng Mi-25 (một phiên bản của Mi-24) là một vũ khí Liên Xô rất uy lực trên chiến trường Afghanistan hay Ethiopia, là món hàng được Mỹ và châu Âu thèm khát số một. Trong khi chưa thể có được một chiến lợi phẩm nào từ Liên Xô, một cơ hội vàng đến với Mỹ, khi Liên Xô viện trợ Mi-25 cho Libya. Tháng 3 năm 1987, có thông tin về một vài chiếc Mi-25 của Liên Xô đang ở căn cứ Ouadi Doum sắp thất thủ của Libya ở Chad, quân đội Mỹ đã gấp rút chuẩn bị một kế hoạch đánh cắp số máy bay này.

Chiến dịch được đặt tên "Mount Hope III" (Ngọn núi Hy vọng III).

Tháng 4/1987, sau khi căn cứ Ouadi Doum đã thất thủ, trung đoàn Không vận Đặc nhiệm số 160 (160th SOAR) của quân đội Mỹ mới tập luyện ở bang New Mexico. Thử thách với họ bây giờ không phải là quân Libya mà là việc chuyển một trực thăng chiến đấu bay xuyên qua sa mạc sao cho không bị rơi.

Ngày 21/5/1987, quân đội Mỹ tiến hành kế hoạch. Hoạt động đánh cắp trực thăng Mi-25 diễn ra một cách chớp nhoáng. Vấn đề duy nhất là một cơn bão cát lớn bất ngờ xuất hiện khi chiếc CH-47 mang chiến lợi phẩm đang quay lại căn cứ.

Phi công Chinook phải tăng tốc và bay trong điều kiện tầm nhìn gần bằng không. Trực thăng Mỹ hạ cánh xuống Ndjamena ngay trước khi bão cát đổ bộ. Tổ lái phải ngồi chờ hơn 20 phút để bão đi qua, trước khi tháo rời cả chiếc CH-47 và Mi-25, đưa chúng lên vận tải cơ C-5 và trở về Mỹ sau đó 36 giờ.

Mount Hope III kết thúc một cách chớp nhoáng, lực lượng Mỹ chỉ xuất hiện trên đất Chad trong vòng 67 tiếng. Trực thăng Mi-25 được Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, cũng như cách đối phó trên chiến trường. Lầu Năm Góc cũng kết luận rằng quân đội Mỹ không cần phát triển mẫu trực thăng hỗn hợp như Mi24/25, đồng thời duy trì học thuyết sử dụng trực thăng vận tải và tấn công riêng biệt tới ngày nay.
Trực thăng Mi-25 của Liên Xô được đưa lên máy bay
Trực thăng Chinook của quân đội Mỹ chở Mi-25 của Liên Xô đánh cắp được ở Chad
(Hết).