Nếu bầu chọn ra một quốc gia mong manh và chia rẽ nhất thế giới, quốc gia Bắc Phi Cộng hòa Chad (hoặc Tchad, Sát tùy cách gọi) xứng đáng 1 vị trí top đầu. Với tỷ lệ Hồi giáo/Thiên chúa giáo luôn sấp xỉ 50/50, mọi quy luật chính trị thông thường ở các nước khác như mạnh được yếu thua hay thiểu số phục tùng đa số hoàn toàn vô nghĩa ở đất nước này. Trong hơn trăm năm qua, người Hồi giáo và Thiên chúa giáo ở Chad dù có lúc trực tiếp bắn nhau, có lúc không, nhưng thường trực sống trong thù địch và đối đầu. Chỉ có điều, trong lịch sử xung đột dai dẳng đó, họ cũng một lần buộc phải chiến đấu cùng nhau. Đó là khi gã hàng xóm phương Bắc khó chịu của họ, Libya, suýt chút định giải quyết xung đột ở Chad bằng cách....thôn tính một nửa đất nước này!

1/Xung đột tiếp diễn và sự lên ngôi của Hissène Habré
Sau khi giành chiến thắng trong nội chiến Chad lần 1 vào năm 1979, một chính phủ của người Hồi giáo được thành lập ở Cộng hòa Chad. Chính phủ này do Goukouni Oueddei làm Tổng thống và Hissène Habré làm Thủ tướng.

Tuy nhiên, trong khi Hissène Habré là một lãnh đạo độc lập, trước đó đã tham gia chính phủ Đoàn kết dân tộc Chad năm 1975, được nhiều người ủng hộ, thì Goukouni Oueddei không được như vậy. Goukouni Oueddei trong con mắt người dân Chad chỉ là một con rối yếu kém của Libya, được Gaddafi dựng lên nhằm kiểm soát Chad. Thậm chí, nhiều tin đồn lan truyền trong người dân Chad lúc đó cho rằng Libya có ý định sáp nhập Chad vào một liên bang.

Người dân và quân đội Chad ủng hộ Hissène Habré hơn, nhưng Goukouni Oueddei lại được Libya chống lưng bằng vũ khí và tiền. Những mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ Chad càng ngày càng khó giải quyết. Năm 1980, sau khi có tin đồn về một kế hoạch ám sát nhằm vào mình, thủ tướng Chad Hissène Habré đã chạy sang Sudan lánh nạn. Nhưng điều này không làm giảm sự ủng hộ cho ông. Khi thủ tướng chạy sang Sudan vẫn có nhiều binh sĩ và chính trị gia ủng hộ đi theo ông. Họ thành lập chính phủ đối lập ở Sudan và sẵn sàng trở lại Chad. Tại Sudan, Hissène Habré liên hệ với người Pháp và được ủng hộ, khi người Pháp nhận thấy Hissène Habré là một lãnh đạo có tinh thần dân tộc độc lập cao hơn so với những lãnh đạo tay sai của Libya đang cầm quyền ở N'Djamena.

Hissène Habré không phải đợi lâu. Tháng 6 năm 1982, quân đội ủng hộ ông từ biên giới Sudan đánh về Chad, chiếm thủ đô N'Djamena chỉ trong 1 tháng. Tổng thống tay sai của Libya, Goukouni Oueddei phải bơi qua sông Chari để chạy trốn sang Cameroon. Sau đó Goukouni Oueddei đến Tripoli, Libya tị nạn và nhờ Gaddafi đưa trở lại Chad.

Hissène Habré lên đỉnh cao quyền lực ở Chad, trở thành Tổng thống nước này. Với sự ủng hộ của quân đội, Hissène Habré thiết lập một chế độ độc tài, dĩ nhiên không tránh khỏi tàn bạo. Hissène Habré lập ra lực lượng cảnh sát mật, thanh trừng các nhân vật ủng hộ chính phủ cũ và những kẻ có xu hướng thân Libya. Dưới chế độ của mình, Hissène Habré đã giết khoảng 1.200 người Chad và tra tấn hơn 10.000 người. Có những báo cáo còn đẩy số người bị giết lên tận 40.000 người! Những cuộc thanh trừng đẫm máu đó đã khiến Hissène Habré nhận danh hiệu ''Pinochet của Châu Phi''.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, Hissène Habré vẫn được đánh giá là lãnh đạo có tinh thần dân tộc. Một trong những điều khiến ông được ca ngợi là việc dẫn dắt ''quân đội ăn xin'' theo đúng nghĩa đen của Chad, đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh của Libya năm 1987, giúp bảo toàn được toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Chad.

2/ Dải Aouzou và cuộc xâm lược của Libya.
Người ta phân chia lịch sử Chad hiện đại có 3 lần nội chiến. Lần 1 như đã nói ở trên từ 1965 đến 1979. Lần 3 từ 2005 đến 2010. Riêng lần 2 thì có sự tranh cãi. Có người gọi đây là Nội chiến Chad lần 2 từ 1979 đến 1987. Tuy nhiên, xét tổng quan những gì diễn ra trên thực địa, người ta đa phần đồng ý với tên gọi ''Chiến tranh Chad-Libya'' hơn, vì trong cuộc chiến này vai trò chủ chốt nằm ở quân đội Libya đối đầu với quân đội Chad.

Cuộc chiến giữa Libya và Chad trên danh nghĩa xoay quanh ''Vấn đề Aouzou'' do nước này tự đặt ra. Vậy dải Aouzou là gì và tại sao nó lại trở thành vấn đề.

Thực chất Dải Aouzou là một vùng đất được đặt ra trong một ranh giới giả tưởng mà Libya đặt ra, liên quan đến đường di cư của một bộ lạc lớn vùng Sahara, là bộ lạc Tuareg. Tuareg vốn là một dân tộc du mục lớn và lâu đời trong sa mạc Sahara, thường xuyên có những cuộc di cư qua lại trong sa mạc Sahara. Bộ lạc này có một số cộng đồng ở miền Nam Libya. Theo như lời Libya tuyên bố, tuyến đường di cư của người Tuareg về phía Nam kéo dài đến dải Aouzou, thuộc Cộng hòa Chad, nên nó là lãnh thổ lâu đời của Libya!

Nghe vô lý như vậy nhưng người ta cũng chẳng thể bác bỏ bằng pháp lý với yêu sách của Libya. Lý do là dưới thời thuộc địa, vùng biên giới trong sa mạc Sahara giữa Chad và Libya quá khó xâm nhập, nên các chính quyền thuộc địa Pháp và Ý không có cách nào phân định được biên giới 2 vùng đó. Vậy nên khi Libya đường đột ra yêu sách với Aouzou, người ta lục lại những hiệp định xưa thì thấy không có hiệp định nào được ký kết thực sự giữa Pháp và Ý, chỉ có những phân định qua loa trên kênh ngoại giao. Trên thực tế dưới thời thuộc địa, những bộ lạc Tuareg giữa Chad và Libya là chủ nhân của dải Aouzou.
Vị trí Dải Aouzou giữa Libya và Chad
Dải Aouzou hiện đại trải dọc toàn bộ biên giới Libya-Chad. Diện tích 114.000km2, chiều rộng thường xuyên 100km. Địa hình chủ yếu là sa mạc rất khô cằn, dân cư thưa thớt, tài nguyên có ít nhưng lại là khoáng sản rất quý: Uranium để sản xuất bom hạt nhân. Vì vậy Libya rất muốn kiểm soát vùng đất chiến lược này.

Vậy nên từ năm 1972, quân đội Libya, bên cạnh hỗ trợ quân nổi dậy ở miền Bắc Chad, đã đưa quân vào chiếm đóng dải Aouzou. Tuy nhiên lúc đó vì vấn đề chủ quyền với Aouzou chưa được giải quyết nên người ta chưa coi đó là cuộc xâm lược của Libya.

Cuộc xâm lược của Libya chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1978, với sự kiện trận đánh tại thành phố Faya-Largeau chiến lược ở miền Bắc Chad vào tháng 2 năm 1978. Đây là một phần của chiến dịch tổng tấn công mùa hè năm 1977 như đã nói ở phần trước. Lúc đó quân đội chính phủ Chad gồm 20.000 quân chính quy, thì Faya-Largeau có 5.000 quân chính phủ Chad. Ngày 18/2/1978, 4.500 quân Libya, 2.000 quân nổi dậy Chad với xe tăng, máy bay và tên lửa phòng không đã tấn công quân đội Chad ở Faya-Largeau. Quân đội Chad ở đây thất thủ, và hầu hết lực lượng 5.000 quân ở đây bị bắt làm tù binh. Một thất bại đã làm biến mất 1/4 lực lượng quân đội Chad.
Ảnh chụp bí mật của quân đội Pháp cho thấy máy bay Mig-23 của Libya tại phi trưởng Faya-Largeau, Chad năm 1980.
Vậy nên, cuộc ''xâm lược'' của Libya ở đây là như vậy: Faya-Largeau nằm hoàn toàn bên ngoài dải Aouzou. Hành động tấn công Faya-Largeau của quân Libya rõ ràng vượt quá bất cứ yêu sách chủ quyền nào của Libya, và vì thế là một hành động xâm lược không thể bàn cãi. Tổng thống lúc đó của Chad là Félix Malloum, đã đưa hành động của Libya ra tố cáo trước Liên hợp quốc lẫn Tổ chức thống nhất châu Phi. Dưới áp lực của châu Phi lẫn từ Pháp - đối tác mua dầu và bán vũ khí lớn cho Libya - Gaddafi phải tạm dừng can dự vào chiến dịch tấn công, để lại cho quân nổi dậy Chad. Và như đã nói ở phần trước, dù quân đội Pháp đã cản bước quân nổi dậy FROLINAT, thì sự bắt tay giữa những người Hồi giáo trong chính phủ Chad cùng quân nổi dậy đã làm thủ đô N'Djamena thất thủ và rơi vào tay quân Hồi giáo, kết thúc Nội chiến Chad lần 1.

Cho đến lúc này, quân đội Libya không chỉ chiếm dải Aouzou, mà đã chiếm đóng cả một vùng rộng lớn ở miền Bắc Chad, ít nhất là tới Vĩ tuyến 16.
Bản đồ phối trí các lực lượng quân sự ở Chad năm 1984 quanh vĩ tuyến 16.
Tổng thống Pháp François Mitterrand trình bày trước báo giới ngày 16/12/1984 về tinh hình ở Chad.
3/Hissène Habré và cuộc chiến chống Libya từ 1983-1986.
Như đã nói ở trên, thủ tướng Hissène Habré sau khi phải sang Sudan tị nạn, đã quay trở lại và đạt đỉnh cao quyền lực ở Chad. Tổng thống tay sai của Libya, Goukouni Oueddei chạy trốn đến Libya, nhưng năm 1983 nhờ quân đội Libya đang chiếm đóng miền Bắc Chad, Goukouni Oueddei được đưa trở lại đây sẵn sàng chống lại chính phủ của Hissène Habré.

Tổng thống Hissène Habré, vào lúc đó được coi là hình tượng của một anh hùng dân tộc Chad, cho thấy dù là người Hồi giáo, ông cũng sẽ không chịu làm tay sai cho Gaddafi như những kẻ khác. Sau khi giành lại quyền lực, Hissène Habré đã nhanh chóng tổ chức lại quân đội chính quy Chad, gọi là ''Lực lượng vũ trang Quốc gia'' - FANT. Năm 1983, với sự hỗ trợ của lính dù từ Zaire (nay là CHDC Congo - đồng minh của Pháp), lần đầu tiên quân đội chính phủ Chad chủ động tấn công lên miền Bắc. Quân chính phủ Chad dù yếu về trang bị nhưng có tinh thần chiến đấu quả cảm, đã đẩy quân nổi dậy thân Libya sâu về phía Bắc. Đến tháng 7 năm 1983, quân nổi dậy thân Libya ở Chad cơ bản đã bị đè bẹp. Cuộc chiến giờ đây sẵn sàng cho màn đối đầu trực tiếp giữa Chad và Libya, giữa Hissène Habré và Muammar Gaddafi.

Tuy nhiên, mở đầu cuộc đụng độ này là một sai lầm chết người của Hissène Habré. Do quá coi thường người Libya sau những chiến thắng ban đầu, Hissène Habré thân chinh dẫn quân đội của mình tiến đến thành phố chiến lược Faya-Largeau, vốn rất gần với quân đội Libya. Tại đây, ngày 10/8/1983, quân Libya đã dội vào Faya-Largeau một trận mưa bom và tên lửa từ những vũ khí tối tân của Liên Xô, gồm cả máy bay ném bom Tu-22. Hơn 700 lính FANT của Hissène Habré chết trong 1 ngày. Sau đó, 11.000 quân Libya, một lực lượng khổng lồ mà Hissène Habré không ngờ tới, đã bao vây ông. Hissène Habré vội vã rút về thủ đô N'Djamena và nhanh chóng nhận ra rằng, so với quân đội Libya, đội quân của ông chỉ là một ''đội quân ăn mày'' (lúc này đang là nghĩa bóng).

Biết rằng đối đầu trực tiếp với quân Libya sẽ là tự sát, Hissène Habré nhờ đến người Pháp. Lời cầu cứu của Hissène Habré đặt Pháp vào tình thế khó xử. Họ phải chọn giữa việc bảo vệ chính quyền Chad và không làm mất lòng Libya, vốn đang là đối tác làm ăn lớn. Vậy nên, Pháp đã chọn giải pháp: triển khai quân vừa đủ. Chiến dịch Manta được quân đội Pháp tiến hành, không vận 3.500 lính Pháp và một phi đội không quân đến bảo vệ. Người Pháp đã đạt được cả 2 mục đích. Với số quân triển khai, họ đảm bảo rằng chính quyền Chad sẽ không sụp đổ trước quân nổi dậy. Nhưng cũng với 3.500 quân đó, người Pháp cho Libya biết rằng họ sẽ không tấn công quân Libya. Bởi so sánh vũ khí lúc đó, quân đội Pháp chưa chắc đã hơn quân đội Libya.

Với sự hiện diện của cả quân đội Pháp và Libya trên lãnh thổ Chad, năm 1984 cục diện trên chiến trường Chad cơ bản đã được phân cực rõ ràng. Từ vĩ tuyến 15 trở lên phía Bắc, là vùng của quân đội Libya. Từ vĩ tuyến 16 trở vào phía Nam, là vùng của quân đội Chad-Pháp. Giữa 2 vĩ tuyến này là vùng phi quân sự. Kể từ năm 1984 đến 1986, không có cuộc đụng độ nào lớn giữa 2 bên.

Những hình ảnh quân đội Pháp ở Chad năm 1984
Như vậy, đến năm 1986, chiến sự ở Chad đã định hình với các lực lượng và lãnh thổ kiểm soát rõ ràng. Tất cả những yếu tố này, chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc chiến, mà là sự chuẩn bị cho cuộc quyết đấu cuối cùng mang tên: Chiến tranh Toyota 1987!

(Hết phần 2)