Nỗi chênh vênh của người trẻ
18 tuổi, bạn băn khoăn với việc chọn ngành mình sẽ theo đuổi, chọn trường mình sẽ theo học. 24 tuổi, ra trường, bạn quay cuồng...
18 tuổi, bạn băn khoăn với việc chọn ngành mình sẽ theo đuổi, chọn trường mình sẽ theo học.
24 tuổi, ra trường, bạn quay cuồng với vấn đề muôn thuở đi xin việc, rải hồ sơ, phỏng vấn.
30 tuổi, vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái lại khiến bạn đau đầu thêm một lần nữa.
Người trẻ, vào mỗi một thời điểm nào đó trong cuộc đời, họ luôn có nỗi lo riêng và có sự chênh vênh nhất định. Đôi khi họ cảm thấy không biết mình phải làm gì, mình là ai, và tại sao mình lại thất bại. Hoi cảm thấy tự ti khi mọi người xung quanh ai cũng giỏi còn mình thì cứ giậm chân tại chỗ. Mỗi sáng thức dậy, sẽ có những ngày mood tụt xuống tận gót giày, đầu óc trống rỗng và tự hỏi tại sao mình lại làm công việc này, tự bao giờ mình đã không còn cảm giác với nó nữa.
Ai đã là người trẻ, chắn hẳn sẽ trải qua những cảm giác ấy, người ta gọi đó là sự chênh vênh. Họ chênh vênh trước ngưỡng cửa rộng lớn của cuộc đời khi cảm thấy bản thân mình quá nhỏ bé. Họ cảm thấy lạc lối, lạc mãi vào một cơn mơ chẳng biết bao giờ tỉnh dậy. Chắc chắn họ đã từng giống như Vũ Cát Tường, cũng đã từng có thời gian chới với như thế, như cô đã chiêm nghiệm trong bài hát “Mơ”: “Mình anh bên những tháng năm/ Âm thầm đổi thay/ Mình anh bên những chất chứa chưa một lần nói”. Những tâm tư ấy họ chẳng nói với ai vì không tìm được một người đủ tin tưởng để có thể chia sẻ, chỉ âm thầm chịu đựng một mình, hy vọng một ngày sẽ tìm ra câu trả lời nhưng điều đó còn rất xa vời.
Suy cho cùng, cái chênh vênh ấy nó bắt nguồn từ việc còn thiếu kinh nghiệm sống. Còn trẻ nên sự trải đời sẽ ít hơn, cũng vì thế mà ở người trẻ thiếu đi sự vững vàng, bản lĩnh trước sóng gió của cuộc đời. Họ chưa đủ sâu để có thể chắc chắn đưa ra quyết định đúng đắn, và họ cũng chưa đủ chín để lường hết mọi sự việc, và chưa đủ chắc để tin tưởng hoàn toàn bản thân mình. Những điều này ta sẽ thấy rất ít ở những người lớn tuổi hơn, ngoài 30 chẳng hạn, với những người trung niên họ lại có một cảm xúc khác, đó là sự tiếc nuối, chứ chưa phải là chênh vênh, vì họ đã trải đời cũng gọi là đủ nhiều, nên vững vàng và chín chắn hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi chê trách những người trẻ. Vì họ phải trải qua sự chênh vênh đó rồi mới đạt được đến sự chắc chắn. Thời gian sẽ khiến họ ngày một trưởng thành hơn, những phút giây chới với như vậy sẽ ít đi, và những quyết định chắc chắn sẽ ngày một nhiều lên. Sự chênh vênh sau này sẽ là vốn sống, là hành trang của họ, vì sau này, nếu rơi vào trường hợp tương tự như thế, họ sẽ chẳng rối lên lần thứ hai, vì họ đã có kinh nghiệm một lần rồi.
Nói chung, sự chênh vênh là điều ai cũng phải trải qua, nó sẽ qua đi, vì đó chỉ là vấn đề về thời gian. Nhưng nhiều bạn chỉ vì sự chênh vênh nhất thời ấy mà lại tự ti về bản thân, khép mình lại thì quả là điều đáng trách. Nếu bất kì khi nào cảm thấy trống rỗng, cảm thấy chênh vênh, nếu buồn cứ khóc đi, nhưng chỉ một chút thôi, rồi hãy dành thời gian để tự vấn chính bản thân mình. Nếu cảm thấy không chắc chắn vì niềm đam mê và sự lựa chọn của mình, hãy xin tạm nghỉ một thời gian, và tĩnh tâm lại, tìm xem điều gì đã cướp đi một con người nhiệt huyết là mình của ngày xưa và trả lại một con người chán nản là mình của bây giờ. Và quan trọng, đừng để sự chênh vênh chi phối suy nghĩ và cuộc sống của ta. Chênh vênh ai cũng trải qua, nhưng không vì chênh vênh mà ta cho phép mình cái quyền lười biếng, không vì chênh vênh mà ta phí hoài tuổi xuân của chính mình. Mỗi người chỉ có một lần tuổi trẻ, nên đừng để ta chênh vênh quá lâu. Đừng để 40, 50 tuổi vẫn còn chênh vênh, vì lúc đó nếu chới với sẽ không có được gọi là mơ hồ nữa, mà sẽ được coi là một người không có lý tưởng.
Chênh vênh là một đặc quyền của tuổi trẻ, nhưng hãy để thời gian và trải nghiệm biến điều đó thành sự vững vàng, chứ đừng để thời gian và có cả sự lười biếng biến thành sự phí hoài, sự tiếc nuối, thậm chí là sự vô dụng.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất