Buồn vì tình hay buồn vì tiền cũng chẳng thấm vào đâu với nỗi buồn vì mất sổ gạo đâu. Mất sổ gạo là mất đi cả nguồn sống của chính mình và gia đình cơ mà. Ngày nay chuyện mua bán với chúng ta là bình thường, thuận mua thì vừa bán nên khó lòng hiểu được hết nỗi khổ này.
Sổ gạo là sổ chi ghi chi tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng trong thời bao cấp ngày trước, do Sở lương thực cấp căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu chính thức. Số lượng này được tính theo tiêu chuẩn ghi trong sổ. Mỗi gia đình chỉ được cấp một số gạo mà để có được thì phải xét duyệt lên xuống rắc rối lắm, nên để mất cuốn sổ lương thực là xem như gia đình hết cái ăn.
Ở miền Bắc từ cuối thập kỷ 50 lại xuất hiện tình trạng cung thấp hơn cầu, do nguồn lúa từ miền Nam cung cấp cho miền Bắc không còn. Thời gian đó, chỉ có cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và sinh viên là được Nhà nước cung cấp chế độ gạo ăn hàng tháng với giá 4 hào/kg.
Tuy nhiên, đến năm 60 thì giá gạo tăng, nhu cầu người dân ngày càng lớn nên Nhà nước phải thành lập một cơ quan chuyên trách là Tổng cục Lương thực trực thuộc Chính phủ, đồng thời chính thức cho ra đời sổ đăng ký mua lương thực và tem lương thực. Nó có giá trị như một thứ tiền tệ, áp dụng cho toàn miền Bắc, sau giải phóng nhân rộng ở miền Nam đến tận cuối những năm 80.
Xếp hàng mua gạo
Xếp hàng mua gạo
Cứ đến định kỳ dân lại mang sổ ra xếp hàng từ tờ mờ sáng chờ mua, mà có phải cứ thế là có ăn đâu. Nhiều lúc gặp phải nguồn cung không đủ, có tháng phải mua thành 2, 3 đợt, hoặc do đối tượng có sổ gạo lớn quá, các cửa hàng phải lên lịch cho từng khu vực. Hay có hôm đi xếp hàng định mua thịt mà chờ mãi đến lượt mình thịt thì hết mà xương cũng chẳng còn.
Thế nhưng mà cái chính là phải cẩn thận không được để mất sổ gạo. Cuốn sổ gạo quý hơn vàng. Người ta cất vào rương khóa rất kỹ, kẹp nilon, bìa cứng vào để giữ gìn. Mất rồi thì nào là xin cấp lại vô cùng gian nan, mất nhiều thời gian lại còn làm khổ cả nhà. Gạo lúc đó lại chỉ có thể mua của Nhà nước mới rẻ chứ ngoài thị trường bán cao gấp 10 lần, lương 3 đồng 3 cọc thời ấy không kham nổi.
Đấy vừa buồn, vừa đau, vừa đói thế thì vui sao nổi, nên cũng dễ hiểu tại sao lại ví von “buồn như mất sổ gạo” là thế!