Medianeras's movie poster
* Thân tặng những con người cô đơn trong thành phố lớn!
Medianeras/Sidewalls (2011) đặc biệt tĩnh lặng và tách biệt với thế giới xô bồ. Nếu như bạn bỏ ra 1h32m để thưởng thức bộ phim này, chắc chắn bạn cũng sẽ có cảm nhận giống tôi. Tôi đã dành nhiều giờ để nghe lời độc thoại của Martin hay Mariana khi những khung hình kiến trúc của thủ đô Argentina lướt qua màn hình.
“Buenos Aires is growing, uncontrollably, and imperfectly.
Next to a tall one, a small one
Next to a rational one, an irrational one.
Next to a French one/None with no style at all.
These irregularities, probably reflect us perfectly
Aesthetic and ethical/Irregularities”
Tạm dịch:
“Bueno Aires dần phát triển, thiếu kiểm soát và lộn xộn
Cạnh một tòa cao tầng, sẽ là một tòa thấp bé
Cạnh một tòa đẹp đẽ chỉn chu thì sẽ là một tòa nhếch nhác
Cạnh một tòa kiểu Pháp thì là một tòa không có kiểu dáng cố định
Sự nhộn nhạo này như phản chiếu chính chúng ta
Thẩm mỹ và quy cách, chẳng hề có quy chuẩn”
Nếu như thành phố Bueno Aires được phản chiếu qua góc nhìn của một web designer (Martin) trong hình hài lộn xộn mang đậm văn hóa của những kẻ ở nhờ thì dưới sự quan sát của một nhà thiết kế trang phục mannequin (Mariana), nền văn minh hiện đại đang cố gắng một cách tuyệt vọng để kết nối con người lại với nhau, đó là lý do dù sống ở một nơi đông đúc như Bueno Aires người ta vẫn cảm thấy cô đơn.
Triết lý làm phim thiên về sự hài hòa trong góc cạnh của đạo diễn Gustavo Taretto vừa vặn với các khung hình ngoại cảnh của Bueno Aires, bên cạnh những cú lia máy sắc lẹm đổi cảnh đầy ấn tượng. Tuy nhiên không chỉ các cảnh quay ngoại cảnh mới đáng giá, để kể câu chuyện về con người trong thành phố lớn, các cảnh có sự xuất hiện của nhân vật chính cần được khéo léo đan xen với ngoại cảnh. Đó là khi cuộc tìm kiếm của hai nhân vật bắt đầu.
Martin sống một mình trong khu nhà cho thuê tầng bốn, thứ duy nhất kết nối anh với cuộc sống ngoài kia là màn hình máy tính, nơi anh làm việc, giải trí, đọc tin tức, hẹn hò và thậm chí là giải quyết nhu cầu sinh lý. Người bạn duy nhất của anh là Susu, chú cún bị bạn gái cũ bỏ lại sau khi hai người chia tay. Cuộc tình đi qua để lại một Martin thâm trầm và khao khát tìm kiếm nửa kia. Cô giữ chó (dog’s sister) đến với cuộc đời anh qua một cú nhấp chuột, rồi cũng nhanh chóng bước đi. Hẹn hò trong một thế giới cần những tiêu chuẩn ngặt nghèo thật chẳng dễ dàng. Với người bốc đồng, anh không thể chạy theo họ, với người quá hoàn hảo, anh cũng chẳng thể đáp ứng. Tình yêu đối với Martin giống như sự o ép trong ngộ nhận , anh cần tình yêu vì anh cô đơn.
Giống như hai nhân vật trong cuốn sách Turn left turn right của Jimmy Liao...
Mariana ngày ngày chuẩn bị trang phục cho mannequin trước cửa hàng, cũng có khi cô ngồi bần thần nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua cửa kính hàng đối diện. Từ bỏ sự gắn kết với thế giới thực sau khi nhận ra người bạn trai bốn năm bên cạnh mình chỉ là một kẻ xa lạ, Mariana chìm trong thế giới của riêng mình, nói chuyện với mannequin, làm bạn với thang bộ vì mắc chứng sợ thang máy (lift phobia), cuộc đời của cô co cụm lại trong căn nhà mà cô gọi là shoesbox.
...Martin và Mariana rất gần nhau, nhưng chưa từng gặp mặt
Chuyện gặp gỡ một người nào đó chẳng phải là khó khăn, thậm chí qua ứng dụng hẹn hò, ta có thể gặp hàng trăm hàng nghìn tâm hồn cô đơn đang lang thang tìm một mảnh ghép cho mình, loay hoay vì mưu cầu sự bầu bạn. Thế nhưng, để gặp được người thực sự muốn gặp, không chỉ cần một cái gật đầu là xong. Trong Medianeras, những cuộc gặp luôn tuột mất khỏi tay Mariana và Martin. Họ có thể gặp nhau ở ngã tư cột đèn, trước cửa hàng thời trang, khi lướt qua nhau trên phố, hiện trường vụ tai nạn hi hữu hay thậm chí là trước cửa hàng tiện lợi khi mất điện.
Sau cùng họ vẫn tuột mất nhau. Họ ở rất gần nhau nhưng chẳng bao giờ gặp mặt. Giống như lời tự sự của Mariana khi giải đố Wally in the city, cô chưa bao giờ tìm được Wally ở thành phố.
“If I can't find a person when I know who I'm looking for, how can I find a person when I don't know who I'm looking for?”
Tạm dịch
Nếu như tôi không thể tìm ra người tôi biết thì làm sao tôi có thể tìm được người mà tôi không biết đây?”
Cốt truyện sở hữu phông nền lãng mạn khi quan niệm về định mệnh hay duyên số được dùng làm điểm nhấn, tuy nó cũng cho chúng ta thấy rằng trên đường đi tìm hạnh phúc thực sự, bạn cần học cách mạnh mẽ để vượt qua sự cô đơn. Đôi khi con người cần nhìn vào khoảng trống để biết được niềm vui của khoảnh khắc đủ đầy.
Medianeras (Sidewall) là thuật ngữ để chỉ những mặt cắt của các tòa nhà cao tầng, nơi mà đôi khi trở nên thật vô dụng và bị mặc kệ cho rêu phong bao phủ. Medianeras khiến đô thị phủ lên một lớp ngăn cách lạnh lùng giữa người với người, một nhân chứng hữu hình xây đắp nên sự cô đơn của con người ở đô thị lớn mà đám dây nhợ lòng thòng hay màn hình máy tính có thể xóa đi được.
Âm nhạc của phim buồn mà không bí bách, giống như chờ đợi một cú hích cho cuộc gặp gỡ của hai nhân vật chính. Tôi chắc rằng đạo diễn Gustavo Tarreto đã yêu âm nhạc của ông hoàng Lofi Daniel Johnston đủ nhiều khi đưa True love will find you in the end vào một phân cảnh mang tính kết nối giữa Martin và Mariana. Ngoài ra, một điểm cộng khác trong âm nhạc là giai điệu buồn Étude và Waltz của Chopin vang lên não nùng trong các phân cảnh độc thoại của hai nhân vật chính.
Một nhánh cây mạnh mẽ mọc lên từ nền bê tông khô cứng
Đôi chút cá nhân với tôi, Martin và Mariana là phiên bản của tôi, hoàn toàn là tôi lạc lõng ở thành phố lớn với những mối quan hệ nhỏ giọt, đếm từng ngày trôi qua. Medianeras nhắc tôi nhớ về Turn left turn right của họa sĩ Đài Loan Jimmy Liao, tác phẩm với những chiêm nghiệm sâu sắc về tính ngắn ngủi của cuộc gặp gỡ .
Trước đây tôi từng nghĩ phim hay là phim mang lại cảm giác giải trí, mãn nhãn – một trải nghiệm chung của tất cả mọi người, có thể là một câu chuyện tình bi thương hay một cuộc rượt đuổi nghẹt thở, nhưng khi dần lớn lên tôi nhận ra rằng, cái hay đối với mỗi người không giống nhau. Với tôi, phim hay là khi tôi thấy bản thân m ình trong đó, các cảnh quay như khiến tôi đi qua thì quá khứ của bản thân và tiên đoán một phần tương lai của tôi trong đó. Medianeras là chính tôi trong thành phố lớn này, những đêm trượt dài  trong sự tuyệt vọng về cuộc sống và con người, khi tôi nhìn những cột đèn cao vút quá nhiều dây nhợ và tự hỏi liệu chúng có kết nối mọi người lại với nhau không hay chỉ đánh lừa thị giác chúng ta?
Hơn hết, Medianeras mang lại một trải nghiệm nhiều hi vọng trong tôi về một thế giới đô thị qua ô cửa kính. Hoàn toàn là những ô cửa kính màu nhiệm.
_________________________________
Ủng hộ các bài viết khác tại blog: https://hptnk25.blogspot.com/