Không biết nên bắt đầu như thế nào cho cuốn sách này, đây là cuốn sách mà gấp lại rồi vẫn để lại cho tớ cảm giác đau xót và tôn kính hơn bất cứ cuốn sách nào trước đó tớ đã đọc.
Ngay những trang đầu tiên, tớ đã phải lật lại bìa để xem lại tác giả, thực sự là một nối viết mà tớ chưa bao giờ thấy được trước đây khi đọc các tác phẩm văn học nước mình. Một lối miêu tả đẹp đến gai người, ngôn từ chạm thẳng một cái đến ngay vùng nào đó trong cảm xúc. Tớ nghĩ, có lẽ tớ sẽ đọc một mạch xong cuốn này nhanh thôi, nhưng không, chỉ một lúc sau tớ không dám đọc tiếp, vì tớ thấy sợ. Chưa khi nào tớ lại thấy chiến tranh được khắc hoạ trần trụi như thế. Vô vọng, xót xa, dai dẳng, dã man, ma mị, và hoàn toàn vô định, kể cả với người trong cuộc. Chiến đấu "Vinh quang" cho tổ quốc à? Làm gì có, đào đâu được cái cảm giác vinh quang này trong cái sự giết chóc triền miên, đào đâu được vinh quang khi nhìn thấy đồng đội lần lượt chết đi ngay trước mắt, đào đâu được cái vinh quang khi bỏ lại gia đình, quê hương, người thương lại phía sau. Họ là những người mà vừa đến tuổi bước ra đời thì đi ngay vào trong lòng cuộc triến tranh. Non trẻ và nhiệt huyết là thế để rồi dần trưởng thành trong sự mất mát vô tận. 
Kiên có lẽ là đại diện cho một bộ phận những con người bị bỏ lại với đời khi cuộc chiến chấm dứt, lạc lõng vô định và cô đơn, còn gì đáng sợ hơn khi mọi thứ xung quanh cứ mãi chênh nhịp với bản thân mình, tớ không tưởng tượng được một người lại có thể tồn tại nhờ vào những mất mát của quá khứ, một con người với quá khứ đầy những vết thương nhưng lại là nguồn sống duy nhất để giúp anh ta tồn tại. Những tưởng đâu hoà bình là rạng đông với họ, thì bây giờ hoà bình lại là cái thực tại minh chứng cho đau thương của họ. Những con người của cuộc chiến quay trở lại với đời thường rồi họ vẫn tầm thường như ai, người cố đi xin làm công nhân, kẻ chạy chọt xin một chân đi học, kẻ mãi chả quen đc vs cuộc sống mới, chả có đâu danh xưng anh hùng cứu nước trở về với sự chào đón và  tôn  trọng như tớ  vẫn  nghĩ. Họ  cứ như cái phôi thai hình thành trong chiến tranh nhưng lại được sinh ra ở thời bình, buông thả lạ lẫm, lạc lõng vô định. Thế đấy, chiến tranh tàn nhẫn và xót xa như thế này đây là lần đầu tiên tớ cảm nhận được. Thế rồi còn tình yêu của Kiên với Phương, thật chả biết phải nói sao ngoài một cảm giác buồn, rất buồn. 
Mỗi nhân vật đến và đi trong tác phẩm đều là một nhân chứng, là một tác nhân hình thành nên Kiên, con người mãi mắc kẹt trong quá khứ. 
Tớ cứ ám ảnh mãi hình ảnh Can, người lính dũng  cảm nhưng  đã  quá tuyệt vọng,  quyết  định đảo ngũ vì muốn thấy lại người mẹ già, thấy lại quê hương nhưng lại ra đi nhục nhã và nhạt nhoà, Tớ tự hỏi không biết có bao nhiêu Can thực sự trong mỗi cuộc chiến tranh? T nhớ những người lính vừa ngồi đánh bài, nói chuyện về cái chết đơn giản hiển nhiên  như ăn như chuyện ăn cơm, mong đồng đội dù chỉ một người được trở về trong viễn cảnh "hoà bình", họ đâu có biết hoà bình rồi đây lại thành nỗi đau, người chết có lẽ đã nhẹ nhõm hơn là Kiên phải ở lại mãi với đời. Tớ nhớ hình ảnh bố Kiên, người hoạ sĩ bất hạnh, tử vì nghệ thuật mãi mãi bị chôn vùi, đâu đó tớ cứ cảm thấy hình ảnh của Van Gogh trong nhân vật này. Tớ nhớ ông cụ già ăn xin ở ga Thanh Hoá, không nhà không của mất hết người thân, không biết vì sao ông còn được sống và rồi t nghĩ không biết ông sẽ đi tiếp được đến đâu trong hành trình đơn độc đau đớn của mình. Phương, người con gái không hợp thời, thị phi, phóng túng, can đảm và không bao giờ yêu ai khác ngoài Kiên, người con gái vĩnh viễn trong trắng, vĩnh viễn trẻ trung và vĩnh viễn ở ngoài thời gian của Kiên. 
Chiến tranh với tớ, là qua câu truyện của bà, bà  hay  kể rằng khi đó, đang ăn cơm thì có máy bay thả bom, cả nhà vứt mâm cơm chui vào trong hầm, tớ chỉ biết có thế, cảm thấy có chút buồn cười và phiêu lưu, như kiểu trẻ con nghĩ về chơi đánh trận giả. Qua cuốn sách này, tớ mới thật sự hiểu được phần nào sự kinh khủng của chiến tranh. Quá đau, thực sự là tớ đôi khi cảm thấy đau theo một cách vừa thật vừa là cảm giác khi đọc cuốn sách này. 
"Ánh sáng vô hình" cũng nói về chiến tranh, "Đi tìm lẽ sống" cũng bóc trần sự tồn tại của con người trong trại giam Đức quốc xã, đều dã man và tàn bạo, nhưng để nói về cách mà cuốn sách đó khiến mình cảm thấy, thì với tớ, không cuốn nào trần trụi, sâu sắc và nghệ thuật được như "Nỗi buồn chiến tranh".

Có một thoáng tớ tình cờ nghĩ đến "Rừng na uy", mối liên hệ mỏng manh giữa Toru và Kiên, nếu như cái chết của cậu bạn thân đúng vào tuổi trưởng  thành đã tạo ra một lỗ hổng trong tâm hồn Toru, khiến cậu lệch lạc và bị giam mãi trong cái ảnh hưởng đó thì Kiên, trưởng thành với  tâm hồn đầy  khiếm  khuyết bởi  cái nỗi đau từ chiến tranh, trở thành con người của quá khứ, tớ thấy Bảo Ninh phải là một nhà văn bậc thầy để xây dựng nên từng nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này. 
Thực sự là cuốn sách hay quá. Nhưng mà buồn lắm. Nên ai đang không vui thì đừng nên đọc :)