Cách đây khá lâu, mình có xem một bài infographic, đề cập đến những tác phẩm được xem là tiêu biểu nhất cho nền văn học của các nước trên thế giới. Nước Mỹ là "Ông già và biển cả", Nga là "Chiến tranh và hòa bình", Trung Quốc là "Hồng lâu mộng",… còn Việt Nam là "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh.


Hồi đấy mình chưa hề nghe đến cái tên này, mãi sau mới biết là vì trước năm 97 thì nó bị cấm phát hành, thế mà tò mò quá vẫn phải tìm để đọc bằng được.
Một quyển sách với cách viết khá lạ, vì là văn học Việt Nam, lại còn là văn học thời chiến, nhưng lối viết lại rất phương Tây. Văn học thời kì trước 75 gần như không bao giờ xuất hiện những loại tình cảm đi ngược lại với ý chí người lính, đặc biệt là tình yêu đôi lứa, nhưng Nỗi buồn chiến tranh thì khác. Không những viết về tình yêu, mà còn là tình yêu nhuốm đầy màu sắc tình dục. Kể ra hồi đấy có bị cấm thì cũng không oan :)
Tác phẩm viết về chiến tranh ở một góc nhìn rất khác, được những nhà phê bình văn học lớn của thế giới đánh giá là "một bước tiến đi trước thời đại". Một câu chuyện chiến tranh không màng đến ai thắng ai thua, ai được và ai mất. Chiến tranh dưới ngòi bút của Bảo Ninh chỉ đơn thuần là vô vàn câu chuyện ngắn dài, về những mảnh đời chất chứa nỗi buồn. Nỗi buồn của người ra đi, nhưng đau đớn hơn là nỗi buồn của người ở lại, hằng ngày vật lộn trong thời bình, sống và tồn tại bằng trái tim đã ngập ngụa hơi thở của chiến tranh.Mình thích mê cái cách mà nhà văn miêu tả đầy chân thực và ám ảnh về nội tâm của nhân vật lúc lái chiếc xe tăng với bánh răng bằng sắt nghiến qua thân người, nghe tiếng một khối thịt vỡ bụp và cảm nhận lại sức cản khi bánh xe trườn qua xác người.
Một cuốn sách đáng để đọc. Đọc để biết không phải Việt Nam lúc bấy giờ chỉ toàn những chàng trai "Người ra đi đầu không ngoảnh lại", "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" như người ta vẫn lầm tưởng. Nhưng thật lòng, để mà nói là tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam, thì mình không nghĩ như thế.

---
"Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ nó...
Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy."
"Thời đại mới rồi sẽ tới. Huy hoàng. Tráng lệ... Không còn những bất hạnh lớn lao... Nhưng nỗi buồn thì không nguôi... vẫn sẽ còn lại nỗi buồn... nỗi buồn truyền kiếp."