Trước đây tôi từng đọc được một bài viết của Trịnh Công Sơn, mở đầu như này:
"Nỗi bất hạnh lớn nhất của chúng ta là luôn luôn có một kẻ thù để chống lại. Trong suốt hành trình của lịch sử, những kẻ thù mang tên khác nhau. Bất hạnh lớn dần để trở thành hiểm họa khi hai kẻ thù nghịch mang cùng một tên chung..."
Ngay tại bây giờ, quá trẻ để có thể (giả vờ) đưa ra những kinh nghiệm như của một người từng trải nhưng không quá sớm để chia sẻ những gì mà tầm nhìn hạn hẹp cho phép, tôi sợ hãi việc thù ghét tha nhân và thù ghét chính mình. Vì nó giống một cơn nghiện hơn là một cơn khát hay cơn thèm ăn đơn thuần: Càng có được, càng thỏa mãn được nó, ta lại càng thèm muốn nó nhiều hơn nữa. Để rồi đến một mức độ nào đó, chính sự thù ghét sẽ nhắm đến bản thể ta và nuốt chửng nó hoàn toàn. Đối với tôi, dù là khi tiết độ trước thù hằn hay ngã theo sự cám dỗ của nó, tôi vẫn chịu đựng những nỗi đau như thường. Nhưng tôi vẫn sợ hãi việc vẽ ra một con thú không hề tồn tại bên trong mình và cho nó kêu gào, đòi xé xác đối phương chỉ vì một lời lẽ kích động ngọai lai nào đó đã vẳng đến. Nếu con thú thiếu sự chính danh này không là một nỗi bất hạnh cho nhân loại, thì chí ít nó cũng đã là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với cá nhân ta.
Trong nhiều, nếu không muốn nói là đa số diễn ngôn về chính trị và lịch sử, người ta rất muốn và rất dễ quy hết tất cả bất hạnh, dù là ngẫu nhiên hoàn toàn hay có sự can thiệp của con người hay được thực hiện với bất kỳ chủ đích nào, xuất hiện trong vấn đề vào một thực thể duy nhất, và ta biết đến chúng với tên gọi kẻ thù. Và những kẻ thù mà ta có, cũng như người khác vẽ nên và gán ghép là của ta, có nhiều vô kể.
Trong nước Mỹ của McCarthy, kẻ thù là những ai bị xem là "Cộng sản".
Trong cơn cuồng bóng đá, kẻ thù là những ai không ủng hộ đội nhà và những ai ủng hộ đội đối phương.
Trong "hùng biện" của các anh chị vênh váo tự nhận là tinh hoa giới trẻ, đối phương là bất kỳ ai có quan điểm khác với họ.
Trong chiến tranh, ta nghiễm nhiên thù ghét những người bên kia chiến tuyến
Sau chiến tranh, ta thù hằn bọn họ.
Đến tận bây giờ, họ đã không còn nhưng lại rất sống động trong tâm trí chúng ta.
Thời gian ra đời của bài tự sự này cũng chính là giai đoạn mà những dòng chữ, những sáng tác của Trịnh Công Sơn mang con mắt sầu muộn nhất: Chúng nói về sự bất định của con người Việt Nam trong chiến tranh, về cuộc khủng hoảng bản ngã của những sinh mạng bị kẹt trong trò chơi đương thời, vốn không chỉ mang tính tư tưởng mà còn cả tính sống còn đối với họ và những người họ quan tâm. Và cũng chính vì quan điểm có phần bi quan đó, ông trở thành một cái tên phải chịu ít nhiều lời chỉ trích và khen ngợi từ cả hai phía chiến tuyến.
Có một cảnh trong phim Cuốn Theo Chiều Gió mà khi bây giờ xem lại, tôi mới có thể rưng rưng nước mắt. Đó là khi người dân Atlanta đổ ra đường chờ tin tức chiến trường với mong muốn tên của cha, của chồng, của con, của người thân mình sẽ không xuất hiện trên danh sách tử trận. Nhưng người ta đã khóc, than vãn và thở phào. Người chỉ huy dàn nhạc nhìn vợ cầm tờ giấy với dòng nước mắt và sau đó, không nói không rằng, đã chỉ huy dàn nhạc chơi bài "Dixie", vốn được xem là quốc ca của Miền Nam nước Mỹ bấy giờ. Lúc đó, tôi chưa từng nghĩ rằng mình khi ấy đã có thể khóc cho những con người ở phía bên kia lịch sử. Với một bộ phim được cho là lãng mạn hóa Miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ, việc khắc họa sự khó khăn mà chiến tranh đem lại cho con người là một điểm rất đáng cảm kích. Nó cũng cho thấy, sau sự ngông cuồng, dại dột và bốc đồng (mà hình mẫu rõ ràng nhất ở đây là giới quý tộc Miền Nam ) của những lý tưởng trong xung đột, con người vẫn chịu đau khổ vì đã trót gây ra khổ đau cho nhau và cho chính mình nữa.
danh sách báo tử
danh sách báo tử
Những ai quen với giáo lý Ki-tô và thành ngữ tiếng Anh chắc đã từng nghe qua thành ngữ "turn the other cheek", vốn xuất phát từ một đoạn trong Kinh Thánh (Matthew 5:38-42), khuyên con người hãy vị tha và yêu thương kẻ thù. Bản tiếng Việt 1926 dịch như sau:
38. Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39. Song ta bảo các ngươi , đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả bên má hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; 40. nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; 41. nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. 42. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ
Lúc tra lại nguyên văn câu kinh này để viết, tôi chợt nhớ lại một lời diễn giải sách Nho nói rằng nên ngần ngại công kích kẻ thù, vì con người ai cũng cho mình là phải, cho người khác là quấy. Có vẻ hai câu phần nào đã bổ khuyết cho nhau vậy.
Những mong dù có muốn ném ghế vào mặt vào nhau cỡ nào đi chăng nữa, con người cũng đừng đem chúng ra để giải trí 2 phút mỗi ngày, trút xả những ức chế có thể đến từ một nguyên nhân rất khác, và rất dễ bị lợi dụng.
(Maybe I am a hypocrite, feel free to offer any argument)
p/s: Không sự hận thù nào khiến tôi sợ hãi như two-minute hate của 1984, dù là bản truyện hay phim.