Bác của tôi sinh ra được hai người con trai, anh cả vừa là con trưởng trong nhà cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Ba năm trước, gia đình tôi quây quần bên nhau trong đám cưới của anh, ba năm sau lại một lần nữa đông đủ mọi người nhưng là vào cái ngày anh tôi phải đi tù... 
Câu chuyện về tù tội và người mang án chưa bao giờ là chuyện đáng để kể ra đối với bất kể ai và đối với gia đình tôi cũng vậy. Bởi lẽ tù và tội, đáng thương, cảm thông, thấu hiểu thì ít mà chỉ trích, dè bỉu và khinh thường mới là phần nhiều. Bản thân là người có người thân phải chịu những định kiến như vậy, thực sự đã trở thành động lực và cảm hứng để tôi có thể giãi bày và viết về câu chuyện của bao người như vậy.
Định kiến về những người có tiền án.
Dính đến tù tội là liên quan đến pháp luật và người phạm tội dù là nhẹ hay nghiêm trọng đều phải chịu sự trừng phạt thỏa đáng. Thế nhưng, vẫn luôn tồn tại thêm một án phạt tàn nhẫn nữa mà kể cả tù nhân hay người đã ra tủ đều phải đối mặt chính là ánh mắt và cách nhìn nhận thường là tiêu cực của cộng đồng, hay còn được gọi là ĐỊNH KIẾN XÃ HỘI. Đã có rất nhiều người định nghĩa “định kiến” như một rào cản được xây dựng bằng chính kinh nghiệm cuộc sống thay vì khả năng đưa ra phán đoán hợp lý của con người. Theo Từ điển “Tâm lý học” của J.P.Chaplin: “Định kiến là thái độ tiêu cực được hình thành trên cơ sở của yếu tố cảm xúc. Là niềm tin hoặc cách nhìn thường là không thiện cảm, dẫn đến cho chủ thể một cách nghĩ hoặc một cách ứng xử tương ứng với người khác”. Fischer lại cho rằng: “Định kiến là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tùy theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ”. (Giang, 2013) Nói cách khác thì định kiến chính là một loại phân biệt đối xử có thể dựa trên một số các yếu tố bao gồm giới tính, chủng tộc, tuổi tác, giai cấp xã hội, quốc tịch và tôn giáo,... Quay trở lại chủ đề tù tội và tù nhân, họ không hẳn là một giai cấp hay một chủng tộc, định kiến về họ có thể xem là một khuôn mẫu tiêu cực, nhắc đến họ là nhắc đến điều xấu, tội ác và thậm chí cả những tha hoá về mặt nhân cách của họ. 
(Định kiến xã hội) 
Và những nỗi ám ảnh để lại trong họ...
Bất kì ai là nạn nhân của phân biệt đối xử đều khó có thể chạm tới một cuộc sống tốt đẹp. Chính anh trai tôi cũng phải trải qua những điều tồi tệ như thế. Anh bị cải tạo vì liên quan đến cờ bạc, phải giam giữ gần sáu tháng mới được xét xử và hưởng án treo. Sáu tháng ấy bình thường có thể xem là một khoảng thời gian ngắn nhưng đối với không chỉ riêng anh tôi mà với cả gia đình lại là giai đoạn khó quên và để lại rất nhiều cảm xúc khó tả nhất. Và định kiến xã hội cũng  bắt đầu xuất hiện trong sáu tháng ấy. Mọi người đến với chúng tôi nhiều hơn, hỏi han và động viên, có thể vì quan tâm nhưng cũng có thể vì họ tò mò. Nhiều ánh mắt cũng đổ dồn vào cửa nhà của bác tôi hơn, cả những chỉ tay và thì thầm to nhỏ. Sau khi anh tôi được trở về nhà, phải mất một thời gian dài anh mới có thể làm quen với thay đổi lớn này, mất việc, mất niềm tin và sự thân thiện của mọi người thay vào đó là những cái nhìn chỉ toàn là dè chừng và chỉ trích. 
Giai đoạn khó khăn mà người đã vào tù và ra tù đều phải trải qua được gọi với một cái tên mỹ miều là giai đoạn tái hòa nhập cộng động, thực sự là một thử thách, đặc biệt là trong việc đi tìm kiếm việc làm bởi án tích sẽ được lưu vào hồ sơ cá nhân ít nhất trong thời hạn một năm và nhiều nhất là năm năm sau khi ra tù đối với Pháp luật Việt Nam(Diễm, 2020) Trong khi ở Mỹ, một nghiên cứu được thực hiện ở Michigan cho thấy chỉ có 6,5% số người đủ điều kiện để tiến hành xóa án tích cho một lý lịch trong sạch thực sự. Mỹ đang tự hào về gần 50 năm với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, tuy nhiên với riêng những người có tiền án tiền sự thì không hẳn như vậy, họ vẫn đang chật vật tìm một công việc ổn định. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ có tiền án tiền sự khá cao, ước tính khoảng 27% trong số 5 triệu người từng bị giam giữ tại Mỹ (An, 2019) Thực sự mà nói, pháp luật đã dành những hình phạt thích đáng và những người đã phạm tội và phải đi tù ngoài sự quản thúc của pháp luật không đáng phải chịu thêm sự ghẻ lạnh của cộng đồng. Họ đáng lẽ cần được xã hội khoan dung, tha thứ, chấp nhận và động viên để bắt đầu lại cuộc sống còn dang dở, và có cơ hội chứng minh bản thân của họ. 
Thoát khỏi những ám ảnh để làm lại từ đầu...
Đối với định kiến và phân biệt đối xử không chỉ riêng với người có tiền án tiền sự thì sự khoan dung và chấp nhận của xã hội là thực sự quan trọng và có ý nghĩa. Khoan dung là việc áp dụng các nguyên tắc và quy tắc đạo đức tương tự, quan tâm, đồng cảm và kết nối với những nạn nhân đang phải chịu định kiến xã hội (Hecht & Baldwin, 1998). Nói cách khác, sự khoan dung và chấp nhận là tôn trọng, vị tha và trao cơ hội để những người đã một lần hay thậm chí vài lần mắc sai lầm có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới bởi vì những lần vấp ngã ấy đôi khi lại là bài học đắt giá nhất giúp họ có được thành công trong cuộc đời của mình và câu chuyện của anh Bùi Văn Cừ ở Hoà Bình là một trong những thành công như thế. Vào tù 5 năm vì một cây mía gây thương tích cho người khác, ra tù lại bị hàng xóm nhiều người lạnh nhạt, ác cảm, gia đình xơ xác, con dị tật đau ốm. Nhưng đến nay anh Cừ đã 14 năm là công an viên của xã và còn được bằng khen của Công an tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh bản chất là người lao động chăm chỉ và chịu khó, điều ý nghĩa nhất và anh Cừ nhận được chính là sự động viên của cán bộ ngay trong trại giam và cả các cán bộ ban ngành khi anh trở về quê nhà. Và động viên đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự khoan dung và chấp nhận mà một người mang tiền án như anh Cừ xứng đáng được nhận, để anh có thể có thêm niềm tin và hy vọng, cũng như động lực to lớn vượt qua rào cản định kiến ban đầu và ngày hôm nay, quê hương của anh có thêm một công an viên thực sự chăm chỉ và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội, cộng đồng. (Lăng, 2018) 

( Anh Bùi Văn Cừ- phía bên phải - Ảnh: MY LĂNG) 
Nhịn để được việc: 
"Sai lầm lúc còn trẻ đã giúp tôi thay đổi tính cách rất nhiều - anh Cừ tâm sự - Sau này ra đời làm việc cho Nhà nước, va chạm xã hội cũng nhiều nhưng tôi cứ tâm niệm một điều nhịn chín điều lành, cho nên lúc nào cũng cố gắng kiềm chế, cười xuề xòa cho qua.
Có người say rượu chỉ tay vào mặt tôi bảo mày là thằng ở tù về, sao lại làm công an viên, mình vẫn cười. Cả xã này đều biết mình đi tù. Ở đây người ta hay uống rượu, mà rượu vào là nát, không giữ mồm giữ miệng.
Mình mà không nhịn, đánh mắng họ lại nên tội, lại khổ vợ khổ con. Vì thế, không nhịn được là hỏng hết việc".
( Anh Bùi Văn Cừ chia sẻ- Lăng 2018)
Có thể nói rằng, đối với mỗi chủng tộc, mỗi giới tính, mỗi giai cấp hay mỗi hoàn cảnh nhất định, mọi người sẽ lựa chọn cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, đặc biệt nhắc đến tù tội và người mang tiền án thì định kiến xã hội dường như lấn án hơn thay vì là sự khoan dung và đón nhận. Nhưng tôi với những trải nghiệm và cảm xúc thật nhất khi phải chứng kiến hoàn cảnh như vậy, thực sự tin và hy vọng rằng, chỉ cần mọi người dành thời gian cho lòng vị tha của mình, cho sự khoan dung được nhìn và thấu hiểu con người, thì sẽ xã hội sẽ phần nào xoa dịu được định kiến và phân biệt, mang lại nhiều điều tốt đẹp và đáng trân trọng hơn cho con người.
~ Hết ~ 
Tác giả: Lê Thu Trang


References
CAPHESACH. (2013). Định kiến xã hội – Phần I. Retrieved from                           https://caphesach.wordpress.com/2013/09/19/dinh-kien-xa-hoi-phan-i/
Diễm, N. (2020). Án tích có bị ghi vào lý lịch tư pháp hay không ? Retrieved from https://luatminhkhue.vn/an-tich-co-bi-ghi-vao-ly-lich-tu-phap-hay-khong---lam-gi-de-ly-lich-tu-phap-khong-ghi-co-tien-an-tien-su--.aspx
Intercultural communication for everyday life. (2014).
An K. (2019). JPMorgan: Tuyển dụng những người có tiền án tiền sự, tại sao không? Retrieved from https://cafebiz.vn/jpmorgan-tuyen-dung-nhung-nguoi-co-tien-an-tien-su-tai-sao-khong-20191022154705139.chn
Lăng M. (2018). Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ 6: Từ người phạm tội đến… công an viên. Retrieved from https://tuoitre.vn/ra-tu-lam-lai-cuoc-doi-ky-6-tu-nguoi-pham-toi-den-cong-an-vien-20181212093829782.htm