Sự việc khá đơn giản và loằng ngoằng.
Anh Tùng Dương cover một bài hát tại một sự kiện âm nhạc, chuyện rất bình thường.
Chị Hà Trần vào Phở Bò nhà anh Dương bình luận một câu tiếng Anh “No shame”.
Anh Dương tưởng chị Trần có ý chê anh hát không bản quyền, nên đăng bài thanh minh ban tổ chức chương trình có xin phép đàng hoàng, đồng thời trách chị Trần nặng lời.
Chị Trần thấy anh Dương trách, vội phân trần, dùng cả tiếng Anh và tiếng Việt giải thích câu “No shame” bằng một bài phỏng vấn dài, chi tiết và rõ ràng tới mức sau khi nghe chị trả lời xong, mọi người vẫn không hiểu chị định nói cái gì.
Chị còn bảo mình thân thiết với anh Dương, nên đùa như vậy là bình thường, mọi người đừng đưa đẩy sự việc lên, không hay. Chị đã gọi điện, nhắn tin cho anh Dương rồi, nhưng không thấy anh ấy phản hồi. Không hiểu chị sống kiểu gì mà gọi điện bạn thân không bắt máy. Hay chị gọi cho anh vào lúc 2 giờ sáng như bài hát Ghen của bạn Erik?
Chắc anh Dương không nghĩ chị đùa.
Tôi mà là anh Dương tôi cũng không bắt máy.
Thực ra tôi không quan tâm đến việc chị Trần nói gì. Đó là quyền của chị.
Thứ tôi quan tâm là ngôn ngữ chị sử dụng và nghệ danh chị dùng. Đó cũng vẫn là quyền của chị.
Chị Trần là nghệ sĩ, con nhà nòi, đi lên nhờ hát tiếng Việt. Khán giả của chị cũng là người Việt. Nhưng chị lấy nghệ danh là Hà Trần, tên trước, họ sau, cho giống Tây và thường xuyên chèn tiếng Tây trong giao tiếp. Những người Việt như chị nhiều vô số kể.
Tôi làm việc với các bạn Tây. Các bạn nói trong ngôn ngữ chúng tao, gọi tên trước họ sau, không dùng dấu, nên tao cũng gọi mày là Hung Dinh. Khi làm việc tao chỉ goi mày là Mr Dinh cho trang trọng. Khi nào thân thiết, tao mới gọi tên mày là Hung.
Tôi bảo đấy là văn hóa của chúng mày, không liên quan gì đến việc chúng tao đặt họ trước tên sau. Nếu tao đến đất nước mày làm việc, tao đồng ý. Nhưng đây là mày đến nước tao làm việc, sao tao lại phải tuân theo văn hóa của nước mày. Tao cứ gọi mày là Truim Donand đấy, có được không? Tao tôn trọng mày, nên tao giao tiếp bằng ngôn ngữ của mày, xưng hô bằng văn hóa của mày. Nếu mày tôn trọng tao, thì xưng hô đúng họ tên của tao, có đủ dấu.
Bạn Tây bảo tên mày có dấu, khó đọc quá, hay tao gọi mày là Henry. Tôi bảo khó đọc là việc của mày. Tao nói được, mày cũng nói được.
Con tôi đi học tiếng Anh có giáo viên bản địa. Thầy giáo hỏi tên tiếng Việt, rồi đặt lại tên tiếng Anh cho từng bạn. Học sinh và phụ huynh đều rất thích. Cháu về khoe, tôi gọi ngay cho trung tâm, yêu cầu dạy tiếng thôi, gia đình không có nhu cầu đổi tên Tây cho cháu. 
Sự việc làm tôi nhớ đến một nghệ sỹ hài nổi tiếng có biệt danh Mười Khó. Anh đi lên từ những vai diễn nông dân chân chất, gây dựng hình ảnh mộc mạc, mở nhà hàng thuần Việt, luôn gần gũi khán giả Việt, nhưng lại trịu mến gọi con gái là Destiny. 
Chị Hà Trần muốn đặt nghệ danh là Hà Naked hay River Trần cũng không ai được quyền ý kiến, vì đó là chuyện của cá nhân chị. À quên phải là Naked River mới đúng chuẩn Tây.
Anh Mười Khó luôn miệng cảm ơn khán giả Việt, sống nhờ sự yêu thương của khán giả Việt. Nhưng anh đặt tên con là Ten Hag cũng được, không ai được phép chế nhạo, vì đó là quyền cá nhân của anh.
Không ai trong số họ nhận ra sự yếu thế và mặc cảm văn hóa khiến tiếng Việt trong mắt họ trở lên kém sang.
Ngôn ngữ cũng bị phân biệt như chủng tộc vậy.
Còn chị Hà, hay nghệ sĩ Trần, thay vì bình luận “No shame”, chị có thể nói “Bớt xàm” được không?
Tuy không sang miệng, nhưng được cái nó thuần Việt.