Ảnh: Flickr
Chẳng có ai nói về nợ công cả và đây thực sự là một vấn đề. Nợ quốc gia tồn tại như thể một khái niệm số học trừu tượng phức tạp và tạo cảm giác khó chịu mơ hồ, tuy nhiên lại không có bất kỳ áp lực nào. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ một niềm tin chắc chắn vào khả năng kiểm soát các khoản nợ quốc gia.
Nhưng niềm tin này đã sớm tan biến trong khoảng 100 năm qua. Rất ít người đặt câu hỏi về việc tại sao ngay từ ban đầu chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật tài khóa (T/N: kỷ luật tài khóa hiểu nôm na là tất cả những quyết định mang tính pháp lệnh đối với ngân sách nhà nước) và rằng những phản đối hiện tại của chúng ta đối với các quyết định này có thể mang đến ý nghĩa gì đối với tình hình tài chính trong tương lai.
Đừng để bị đánh lừa. Bức ảnh này được chụp vào năm 2010, khi nợ công còn được thể hiện qua một con số tương đối khiêm tốn: 13 tỉ đô la. Nguồn: https://commons.wikimedia.org/wiki/File:National_Debt_Clock_by_Matthew_Bisanz.JPG
Tại Manhattan, chiếc “đồng hồ báo nợ” nổi tiếng được đặt ở nơi hàng ngàn người qua đường có thể dễ dàng nhìn thấy. Ngày qua ngày, nó ghi nhận hàng nghìn tỷ đô la nợ tích lũy mà đất nước chúng ta đang gánh. Đáng lo ngại thay, bên dưới 14 chữ số tạo nên khoản nợ 23 nghìn tỷ đô la hiện tại của chúng ta chính là dòng chữ “khoản nợ của gia đình bạn” – số tiền ước tính sau khi chia đều khoản nợ công trên cho từng hộ gia đình Mỹ. Và bạn có thể tự hỏi vậy số tiền gia đình bạn phải gánh chịu là bao nhiêu? Chà, bạn biết đấy, chỉ vài trăm ngàn đô la.
Nhưng liệu những con số này có ý nghĩa gì đối với dòng người đông đảo vẫn hàng ngày đi qua nó? Có lẽ, ý nghĩ về việc đang mắc phải một khoản nợ nào đó có thể tạo nên cảm giác khó chịu như một phản ứng bản năng nhưng khó có thể coi nợ công là một điều gì đó có ý nghĩa với mọi người. Rốt cuộc, nợ công là gì cơ chứ? Làm cách nào nó ảnh hưởng đến chúng ta? Và cụ thể hơn, nó có nên mang một ý nghĩa nào đó không?
Câu trả lời là có. Đồng thời, việc chính phủ từ chối các câu hỏi liên quan đến nợ công hoàn toàn là một điều đáng lo ngại bởi vì nó không chỉ tạo tiền lệ không lành mạnh cho quốc gia mà thậm chí sẽ làm tổn hại sức đến khỏe tài chính của Hoa Kỳ.

Vậy thì tại sao lại chẳng có ai bàn tán về nó?

Đây chính là phần nan giải của vấn đề: không có ai phản ứng đối với nợ công bởi vì chẳng có ai cảm thấy có trách nhiệm cụ thể nào đối với nó. Trong giới chính trị, những lợi ích của việc phòng tránh nợ công phần lớn đã biến mất như thể đó là một điều hiển nhiên. Thú vị thay, nợ công được bỏ qua mà chẳng có bất kỳ lăn tăn nào, cùng với đó là những khuyến khích tiếp tục lờ nó đi.

Nợ công tích lũy một cách vô hình và có thể dễ dàng bị lãng quên trên quy mô cả quốc gia. Rốt cuộc, nó cũng chẳng phải thứ gì hữu hình – nó tồn tại dưới dạng những chữ số dường như không mấy quan trọng. Tất nhiên, các khoản nợ khó có thể là một thứ ảo tưởng - nó tồn tại dưới dạng trái phiếu Kho bạc lưu hành trong tay các quốc gia khác, thứ mà công dân Mỹ và ngay cả chính phủ của chúng ta sẽ gia tăng mỗi khi có nhu cầu. Thật tiện lợi làm sao!
Vậy nên chẳng có ai nói về nợ công bởi vì nó giống như một khái niệm trừu tượng chưa thể nhìn thấy hậu quả ngay lập tức. Nợ quốc gia không khác mấy so với một đám mây trên bầu trời, nhưng mọi người thường nhầm lẫn rằng đám mây đó sẽ chẳng bao giờ trút mưa. Tuy nhiên, các khoản nợ cũng hiếm khi được nhắc đến bởi vì các quan chức chính phủ không có bất kỳ động cơ nào để quan tâm đến nó.
Các cử tri cũng không hoàn toàn giám sát các thành viên của Quốc hội về vấn đề nợ công. (Và tại sao lại như vậy? Một phần bởi vì người dân cũng chẳng cảm thấy có trách nhiệm gì đối với nó! Tất cả những gì chúng ta quan tâm là chúng ta không phải người tạo nên núi nợ đó). Trong bối cảnh chính trị Mỹ hiện đại, việc các chính trị gia vận động hành lang để tăng thêm lợi ích phổ biến hơn nhiều so với việc hạn chế chúng. Đó cũng là một phần vì sao không có ai nói về nợ.
Mọi người đã quen với việc chi tiêu của liên bang. Do đó, cũng không mấy ngạc nhiên khi chẳng ai chịu nhúng mũi vào những thứ xa xôi như hạn chế tài khóa. (Một suy đoán không chắc chắn lắm cho vấn đề này: có lẽ chúng ta yêu thích mọi thứ hơn là sự thỏa mãn về mặt giá trị của chúng).
Do đó, qua thời gian, một mô hình chi tiêu công vượt quá khả năng và không mấy lành mạnh đã được đưa vào vận hành, cùng với đó là sự giảm sút niềm tin vào khả năng kiểm soát các khoản ngân sách và nợ tối thiểu. Nó tạo ra một thói quen không bền vững là chi tiêu nhiều hơn mức chúng ta có thể chi trả.

Vấn đề này bao gồm hai phần: Các công dân đang dần chấp thuận một lập trường chứa đựng nhiều mâu thuẫn hơn về mặt đạo đức (thêm vào đó là sự thiếu am hiểu về các hậu quả khác nhau mà nó có thể sẽ gây ra), đồng thời phủ nhận vai trò của các chính trị gia vận động hành lang ở Washington đang đại diện cho họ. Nhưng chính phủ cũng thật đáng bị chỉ trích khi bãi bỏ trên diện rộng mọi kế hoạch giải quyết vấn đề này.


Trong một chiến dịch tranh cử năm 2016, tổng thống Trump đã tuyên bố đầy tham vọng về một chiến dịch giải quyết khoản nợ 19 tỷ đô. Nhưng chiến dịch đó chưa bao giờ trở thành hiện thực. Những kế hoạch dành cho nợ công đã bị cuốn trôi bởi những dự án và mối quan tâm khác hấp dẫn hơn. Chẳng thể ngăn cản được việc nợ công trở nên gần như vô hình và dễ dàng bị lãng quên. Sau tất cả, có lẽ sự cấp thiết của việc giải quyết các khoản nợ chỉ là tưởng tượng?
Những tuyên bố qua loa của Trump về vấn đề nợ công đã nhấn mạnh một thực tế đau lòng về tình trạng khó khăn hiện tại của chúng ta: Cả hai đảng phái đã thất bại (và cả không quan tâm!) trong việc giải quyết nợ quốc gia, đủ để tiếp tục phương thức tự đào mộ chôn mình bất kể ai sẽ là người lãnh đạo tiếp theo.
Trong khi đó, Obama đã tăng gần gấp đôi nợ quốc gia trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình và bị những thành viên của Đảng Cộng Hòa lên án. Tuy nhiên, sự chỉ trích chủ yếu bằng lời nói và hầu như không chuyển thành bất kỳ hành động thực tế để đảo ngược hoặc tạm dừng cỗ máy nợ công.
Điều gọi là “sự thất bại của lưỡng đảng” này là một thực tế nghiêm trọng. Nó có khả năng tiết lộ sự thiếu can đảm bên cạnh việc thiếu kiến thức về chính hoàn cảnh mà chúng ta đang tự đưa bản thân vào.

Tại sao nợ quốc gia lại ảnh hưởng đến chúng ta?

Có kha khá lý do cho việc này và chúng không theo một thứ tự đặc biệt nào cả…
1. Mỗi năm, Hoa Kỳ chi trả hàng trăm tỷ đô la tiền lãi cho các khoản nợ: Đây là một lời nhắc nhở rằng chính phủ không thể “tạo ra tiền từ không khí” như mọi người vẫn thường nghĩ. Chính phủ cũng phải tuân theo các quy tắc về việc trả nợ giống như tất cả chúng ta. Trong năm tài chính 2019, ước tính các khoản thanh toán lãi sẽ lên tới 393,5 tỷ đô la. Cụ thể, số tiền này tương đương với khoảng 8,7% chi tiêu của liên bang. Và nó không được sử dụng cho những mục tiêu tốt đẹp và hiệu quả như xây dựng đường sá hay cải thiện giáo dục, cải thiện đời sống. Thay vào đó, nó được sử dụng vào việc trả nợ cho các khoản chi tiêu quá mức của chúng ta. Những khoản lãi vay khổng lồ này thường bị giấu đi vì nó là một điều chẳng mấy tốt đẹp của giới chính trị và không ai muốn nói về chúng. Tuy nhiên, lãi suất không phải là thứ tồi tệ duy nhất, việc các khoản thanh toán lãi này vượt quá các khoản đầu tư khác trong tương lai cũng tồi tệ không kém.
2. Chúng ta đang ở trong một tình trạng tồi tệ nếu phải đối mặt với suy thoái: Suy thoái kinh tế là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia bởi vì áp lực giảm phát sẽ khiến cho lãi suất của các khoản nợ vay tăng cao. Chẳng cần giải thích dông dài cũng có thể đoán được bất kỳ quốc gia nào đang gánh trên vai một khoản nợ lớn sẽ rất bất lợi khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Nó làm giảm thứ gọi là “Không gian tài chính (hoặc dư địa tài chính)” – là khả năng chống lại suy thoái kinh tế. Ngoài ra, mức nợ cao cũng khiến việc phục hồi sau suy thoái trở nên chậm hơn.
3. Tình trạng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn làm mất cân bằng nền kinh tế: Khi các quốc gia có nhiều nợ, họ thường tìm cách để duy trì một môi trường “dễ kiếm tiền”. Một trong những lý do khiến điều này đặc biệt hấp dẫn là bởi vì lãi suất thấp đồng nghĩa với việc chi phí trả nợ sẽ rẻ hơn. Các ngân hàng trung ương có thể kiểm soát giá trị của các khoản nợ bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, điều này tạo hiệu ứng đối với nền kinh tế rộng lớn hơn và có ý nghĩa quan trọng trong giới đầu tư. Các nhà đầu tư có thể không hài lòng đối với mức lợi nhuận thấp mà họ đang nhận được bằng trái phiếu và thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm các loại tài sản có lợi nhuận cao hơn. Việc tập trung vào các khoản đầu tư nhất định có thể làm tăng giá một vài loại tài sản, gây ra sự mất cân đối trong nền kinh tế.
4. Gánh nặng đè lên vai các thế hệ tương lai: Chúng ta chắc chắn đã nghe về điều này trước đây. Các tranh cãi chính trị đã tăng vọt trong khoảng thời gian gần đây với những yêu cầu chỉnh đốn về mặt tài chính để tránh việc phá hủy sinh kế của con cháu chúng ta. Có một nhận xét đáng chú ý rằng các khoản chi thanh toán lãi vay của quốc gia chắc chắn sẽ tăng do a) sự gia tăng lãi suất từ mức thấp lên mức cao và quan trọng hơn là b) sự gia tăng của các khoản nợ vay.

5. Khả năng kiểm soát của bạn đối với các chính trị gia bị giảm xuống: Nếu bạn không nắm trong tay “liều thuốc” hạn chế ngân sách để kiểm soát các quan chức được bầu, vậy thì bạn có gì? Kỷ luật ngân sách là một công cụ được sử dụng trong quá khứ khiến các chính trị gia tập trung vào những gì quan trọng. Nó buộc các chính trị gia phải được sự chấp thuận từ một cơ quan bên ngoài và hạn chế việc họ vung tiền để nhận được ủng hộ từ các cử tri. Thực tế là chúng ta để cho các khoản nợ tăng cao như hiện nay cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã ném công cụ này đi từ lâu.
6. Tiền đóng thuế của bạn đang bị lãng phí! Điều này khá là rõ ràng. Rất nhiều khoản chi của liên bang là quá mức và không hiệu quả. Nếu hiện trạng được duy trì và không có ai để mắt đến những khoản tiền khổng lồ được đưa ra khỏi Washington vì lý do này hoặc lý do khác thì mọi thứ sẽ tiếp tục như hiện tại. “Đồng hồ ghi nợ” sẽ tiếp tục chạy và các khoản nợ sẽ tiếp tục nhân lên. Và nếu không ai thắc mắc về quy mô của nợ quốc gia thì chắc chắn chẳng có ai đặt câu hỏi về việc chính xác các khoản nợ đó đến từ đâu, phải không?
7. Tăng trưởng kinh tế chậm lại: Gánh nặng nợ nần không chỉ đơn giản là những con số khổng lồ vô nghĩa trên bảng cân đối kế toán của chính phủ. Nó sẽ tích cực ngăn chặn sự mở rộng kinh tế và do đó, có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng thu nhập quốc gia. Một số liệu thường được sử dụng khi nói đến các cách chính sách công là tỷ lệ nợ trên GDP. Một cách thẳng thắn thì hầu như mọi người đều biết rằng tỷ lệ này trên 100% đồng nghĩa với việc mọi việc đang rất tồi tệ. Và bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng mức hiện tại của chúng ta là 103% vào tháng 09 năm 2019. Nghiên cứu chỉ ra rằng thậm chí khi tỷ lệ nợ chỉ ở mức 90% cũng có thể loại bỏ 30% tăng trưởng tốt của một nền kinh tế. Điều này có nghĩa là tỷ lệ nợ trên GDP cao có thể làm tiêu tan đến một phần ba GDP của quốc gia. Một con số khổng lồ! Vậy chúng ta rút ra được bài học gì ở đây? Nợ sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế, thậm chí là dừng hoàn toàn. Hãy nhớ rằng đó là những tác động chúng ta không dễ dàng nhìn thấy. Nó tồn tại như một lực từ tính “bí ẩn” làm giảm bớt sự mở rộng kinh tế và đóng vai trò là lực cản chủ động chống lại mọi nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế. (Trớ trêu thay, các dự án thúc đẩy kinh tế chỉ góp phần làm gia tăng các khoản nợ). Nợ là một vấn đề ẩn sau nhiều hiểm họa kinh tế của chúng ta mặc dù tác động của nó vào nền kinh tế có phần không rõ ràng.
8. An ninh quốc gia bị xâm phạm: Có một rủi ro thường bị bỏ qua trong toàn bộ vấn đề nợ nần mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt này. Đó là liệu chúng ta có tìm thấy vị thế đặc quyền của mình trên sân khấu thế giới khi bị đe dọa bởi gánh nặng nợ nần không. Hãy xem xét một sự thật hiển nhiên rằng việc bị nợ nần sẽ đặt một người vào thế yếu. Và đôi khi, những người nắm giữ khoản nợ đó là các quốc gia nước ngoài. Chúng ta đã tận hưởng những lợi ích kinh tế như một lẽ thường tình nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia khác rút khỏi thị trường nợ của Hoa Kỳ hoặc chúng ta không thể trả những gì chúng ta đã nợ?

Chỉ có hai hướng giải quyết vấn đề và chúng ta chẳng muốn chọn hướng nào cả


Sự bá quyền của Hoa Kỳ không thể giúp tránh né được một thực tế lâu đời và bền bỉ nhất của lĩnh vực tài chính: bạn phải chi trả cho những gì bạn tiêu xài. Và điều này cũng phù hợp với một quy luật cơ bản nhất trong cuộc sống con người; một quy luật cổ xưa thể hiện sự cân bằng, công lý và mối tương quan giữa đầu vào và đầu ra: Gieo nhân nào gặt quả nấy.
Hoa Kỳ chỉ có 2 sự lựa chọn trong trường hợp chúng ta muốn đối mặt với vấn đề nợ công: a) tiêu xài ít đi hoặc b) thu thuế nhiều hơn. Rốt cuộc, cả hai lựa chọn này là điều hoàn toàn hiển nhiên. Tuy nhiên chúng đều cực kỳ không được ưa chuộng về mặt chính trị và do đó, vẫn tiếp tục bị lờ đi. Vì vậy nên chúng ta lại tiếp tục đi vay tiền, một cách làm thật dễ dàng và tiện lợi trong ngắn hạn – bạn chỉ cần được phê chuẩn bởi một vài quan chức chính phủ thay vì để các cử tri của bạn nhúng tay vào và làm rối tinh rối mù lên trong việc quyết định xem nên tiêu xài ít đi hay sung công nhiều hơn. Chà, chúc may mắn với điều đó nhé.
Thật không may, bạn chẳng thể tiêu xài hoang phí mãi và kỳ vọng rằng các khoản nợ sẽ tự động tan biến. Chẳng có điều gì tồn tại vĩnh viễn đâu, và cuối cùng thì các hóa đơn cũng sẽ gõ cửa mà thôi.

Sự ảo tưởng về khả năng thoát nợ của Hoa Kỳ

Một trong những ý kiến phản biện phổ biến chống lại ý tưởng Hoa Kỳ nên có sự chuẩn bị đối với tình huống “tận thế nợ nần” là việc vỡ nợ chưa bao giờ xảy ra trước đây và rằng chúng ta quá vượt trội, quá quan trọng trên sân khấu thế giới.
Điều này, tôi e rằng mình cần phải nói thẳng, không lý trí xíu nào. Thật sai lầm khi bạn sao chép những điều diễn ra trong quá khứ để ấn định vào tương lai. Mặc dù đây là một xu hướng tâm lý mà con người thường hay sử dụng, nhưng nó không đủ cơ sở cho niềm tin sai lầm bên trên. Hãy hiểu rằng, uy quyền của Hoa Kỳ cũng chẳng phải thứ áo giáp chống đạn kỳ diệu nào đó.
Trong khi việc Mỹ có thật sự đóng một vai trò quan trọng đối với thế giới không vẫn đang là điều gây tranh cãi, thì chúng ta hoàn toàn không “miễn dịch” trước việc bị đánh bật khỏi bệ đỡ của mình. Sự kiêu ngạo không phải là chìa khóa của thành công. Sự thật là, việc gia tăng các khoản nợ đồng nghĩa với việc gia tăng điểm yếu của chúng ta. Các trách nhiệm pháp lý sẽ không tự tiêu biến bất kể chúng ta có che dấu nó khỏi ánh mắt của công chúng hay không.

Nền kinh tế nợ nần

Việc không có ai bàn tán về các khoản nợ quốc gia chỉ là một phần của vấn đề to lớn và phức tạp hơn phía sau. Ở thời điểm hiện tại, nợ lại là lý do cho tỷ lệ tăng trưởng đáng kinh ngạc của nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngày nay, những khoản nợ như nợ doanh nghiệp, nợ chính phủ, nợ sinh viên, nợ ô tô, nợ thẻ tín dụng – bất kỳ khoản nợ nào bạn có thể kể tên – đang ở mức cao nhất lịch sử. Và thứ bí mật dơ bẩn ẩn sau tất cả khoản nợ này chính là: để tồn tại, Hoa Kỳ đã trở thành con nghiện nợ nần.
Sven Henrich, một tác giả của tờ MarketWatch đã có những chỉ trích xuất sắc về những vấn đề chính sách chưa được giải quyết – thứ góp phần tạo nên nền kinh tế nợ nần:
“Các ngân hàng trung ương tồn tại để ngăn chặn hậu quả của việc chi tiêu quá mức và đồng thời cho phép các chính trị gia phòng tránh các rủi ro liên quan đến cơ cấu kinh tế. Và việc trì hoãn hay né tránh giải quyết vấn đề khiến cho các tác nhân này ảnh hưởng xấu đến thị trường. Mỗi một chính sách khôi phục kinh tế thành công giúp cho ảo tưởng thịnh vượng được duy trì. Tuy nhiên, để nền kinh tế lớn mạnh trở lại đòi hỏi mức lãi suất thấp hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nợ cứ tiếp tục gia tăng và mức tăng trưởng của các chính sách khôi phục ngày càng giảm, cùng với đó là bất bình đẳng kinh tế nằm ở mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là những gì đang diễn ra. Và nó là một sự thật xấu xí. Nhưng bạn sẽ không bao giờ được nghe về nó từ FED.”

Vậy tất cả những điều trên tiết lộ được gì?

Sự thật phũ phàng là nước Mỹ hoàn toàn không có ý định lên kế hoạch để đối phó với nợ công trong tương lai gần. Ưu điểm của việc thận trọng trong tài chính không chỉ tuột dốc, mà kèm theo đó là những động cơ để cẩn trọng cũng đã biến mất từ lâu.
Nước Mỹ giỏi trong rất nhiều lĩnh vực, không may thay, có phần quá giỏi trong việc tích lũy hàng nghìn tỷ đô la nợ nần. Việc nghĩ rằng chúng ta có thể vô tư loại bỏ trách nhiệm và thoát khỏi những hậu quả về sau quả là một sai lầm chết người.
Ngoài ra, sự thất bại của lưỡng đảng trong việc đối mặt với vấn đề nợ công không chỉ cho thấy mức độ phức tạp của sự việc mà còn thể hiện tính bất ổn của nó. Các khoản nợ khổng lồ không phải là điều tốt cho các cá nhân, vì vậy nên nó cũng chẳng mấy tốt đẹp đối với các nền kinh tế hoặc các quốc gia.
Thông thường, mọi người lựa chọn không nói đến điều mà họ e ngại. Các quan chức chính phủ đã áp dụng chiến lược nhắm mắt bỏ qua và cố gắng để giữ bữa tiệc tiếp tục như cũ mặc dù có thể nhận thức sâu sắc được mớ hỗn độn mà họ đã tạo ra. Tuy nhiên bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tàn và sự thật sẽ được tiết lộ.
Nhưng vẫn có thể trì hoãn và tránh né mọi việc cơ mà, tại sao lại không làm thế cơ chứ?

“Chỉ có hai cách để đô hộ một quốc gia. Một là dùng gươm. Cách hai là bằng nợ” – John Adams


Tác giả: Lauren Reiff từ Medium
Dịch giả: Kim An Phan từ group QRVN