[Tóm lược, đánh giá và cảm nhận]
PHẦN I: TÓM LƯỢC VÀ CẢM NHẬN
Bộ phim thứ 25 trong chuỗi phim về chàng điệp viên đầy hào hoa của Anh Quốc, một thương hiệu đã trải dài được sáu mươi năm.
"My name is Bond, James Bond".
Vẫn là hình ảnh mở đầu đầy quen thuộc với góc nhìn từ trong họng súng và một người đàn ông trong bộ suit lịch lãm. Tuy nhiên, đây là một bộ phim đặc biệt, không giống với bất cứ bộ phim nào về 007 đã từng được sản xuất trước đấy. Một James Bond "vừa quen nhưng lại vừa lạ lẫm". Một bộ phim cho ta thấy một góc nhìn khác về cuộc đời và tình cảm của một điệp viên hoàn hảo, nhưng cũng đầy những lỗ hổng, một bộ phim "thật" nhất về 007.
Mở đầu phim là một trường đoạn hồi tưởng độc đáo, ta được giới thiệu sơ qua về quá khứ của Madeleine Swann - người có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời của Bond - và một kẻ bí ẩn với chiếc mặt nạ Noh - phản diện chính của phim ở nửa sau.
Quay về với thực tại, sau các sự kiện trong "Spectre", 007 đã bỏ lại tất cả thế giới hỗn loạn ở phía sau, cùng nàng thơ Madeleine của mình chu du khắp nơi, hưởng thụ những giây phút bình yên. Hình ảnh chiếc xe Aston Martin DB5 huyền thoại hiện lên trong một không gian ngập tràn nắng ấm mang lại cho chúng ta một viễn cảnh về một tương lai tương sáng dành cho hai người.
Với Bond, giờ đây Madeleine là tất cả đối với anh, và tất cả thời gian còn lại của anh sẽ dành hết cho cô. Một cú máy toàn cảnh cho ta thấy chiếc xe băng băng trên con đường ven triền núi, với một bên là nắng ấm và biển cả, rồi tiến dần vào đường hầm, cuối cùng là góc nhìn từ phía sau khi chiếc xe đi ra khỏi đường hầm là một phân cảnh mở đầu vô cùng tinh tế, có liên hệ mật thiết với cảnh kết của phim, tạo nên một tổng thể hài hòa về cảm xúc.
Chuyến du lịch đến Italia này không phải ngẫu nhiên, Madeleine muốn đưa anh đến đây để cắt đứt một mối day dứt trong quá khứ của anh. Một sự dằn vặt đã kéo dài trong anh suốt nhiều năm tháng. Nơi đây là nơi yên nghỉ của Vesper Lynd, người tình cũ của Bond. Cô đã chết tại Venice để tạo vỏ bọc cho Bond hoàn thành nhiệm vụ của mình trong "Casino Royale". Ngay từ cảnh đến khách sạn lần đầu, những đốm lửa tàn đã được người tiếp tân giải thích là sự buông bỏ với quá khứ, người ta đốt đi những phần muốn quên, những bí mật, những ước muốn thầm kín trong ký ức của mình. "Letting go of the past".
Bản thân Bond cũng mang nhiều tâm sự trong lòng, và cả Madeleine cũng có nhiều bí mật, khi mà cô lẳng lặng đốt đi mẩu giấy "L'homme masqué" hay "Người đàn ông đeo mặt nạ".
Sau đó là chuyến viếng mộ của Bond. Đứng trước mộ của người tình cũ của mình, Bond cũng lẳng lặng đốt đi tờ giấy với lời nhắn "Forgive me". Có vẻ như sau bao nhiêu năm trời, mối day dứt trong anh cũng đã vơi đi, anh chỉ mong nhận được sự tha thứ của người mà mình đã không cứu được. Thế nhưng mọi chuyện êm đềm bị phá vỡ một cách đầy bất ngờ. Khi Bond vừa thoáng thấy biểu tượng của Spectre, một quả bom đã nổ tung mộ phần của Vesper. Và tất nhiên, 007 vẫn sống sót. Sau đó là một trường đoạn hành động vô cùng mãn nhãn, đậm chất 007 mà ta vẫn thường thấy. Có lẽ cuộc đời của anh đã được ấn định sẵn là đầy sóng gió, trắc trở. Tôi bỗng nhớ lại câu thoại của Bond nói với bà M trong "Casino Royale", đó là: "Well, I understand 00s have a very short life expectancy ... so your mistake will be short-lived". Một cuộc đời ngắn ngủi, đầy rủi ro, mất mát. Mộ phần của Vesper bị Ernst Starvo Blofeld đánh bom và nổ tan thành từng mảnh như báo hiệu cho những sự kiện sắp tới mà Bond phải đối mặt. Định mệnh của anh là không thể thoát khỏi cái vòng xoáy bạo lực này. Rời bỏ cuộc sống cũ thật không dễ dàng gì.
Anh quay trở lại khách sạn tìm Madeleine, và ở đây, anh đã nảy sinh nghi ngờ cô phản bội mình, mặc cho cô ra sức giải thích. Cũng phải thôi, Bond sống trong một thế giới thật giả lẫn lộn, khiến cho lòng tin của anh đã bị lung lay đi nhiều phần. Tuy vậy, trong anh vẫn luôn giữ lại một phần tin tưởng với cô. Bằng chứng là khi bị bao vây trong làn đạn, anh vẫn nhìn về phía Madeleine để mong chờ là mình tin đúng người, dù cho trước đó đã phải tiếp nhận một cuộc điện thoại từ Spectre. Cuối cùng, anh vẫn lựa chọn tin vào người mình yêu. Họ chia tay nhau tại ga tàu, anh đã rời bỏ cô. Ở đây chúng ta không thể hiểu được lý do vì sao Bond lại lựa chọn như vậy, có phải anh vẫn còn nghi ngờ, hay anh lựa chọn rời đi vì sự an toàn của cô. Không ai biết rõ được.
Nhưng trong phân cảnh này, đoàn tàu chuyển động dần về bên phải, chuyển góc máy sang phía Madeleine chạy ngược lại để nhìn Bond cho đến khi khuất bóng cũng là di chuyển về bên phải. Liệu đó có phải báo hiệu cho một sự lựa chọn đúng đắn hay không? Đối ngược lại với góc nhìn từ phía Bond, mọi thứ lại di chuyển dần sang bên trái? Có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Hai mươi phút đầu phim này đã làm rất tốt trong việc giới thiệu câu chuyện. Ta thấy được những giằng xé trong nội tâm của Bond, nhìn thấy được một James Bond điềm tĩnh hơn, một hình ảnh hoàn toàn khác ta vẫn thấy về chàng 007 này. Trong đôi mắt xanh thẫm là một quả bom về cảm xúc chỉ chực chờ bùng nổ. Phải công nhận Daniel Craig đã xuất sắc khắc họa một James Bond trầm tĩnh, đã trải qua những sóng gió cuộc đời, không còn xốc nổi như thời "Casino Royale" nữa.
Mọi chuyện được rút ngắn tới 5 năm sau đó. Dự án Heracles của MI6 về vũ khí sinh học định mục tiêu bằng ADN bị đánh cắp, và từ đây James Bond lại phải một lần nữa rời khỏi vỏ bọc, trở lại với cuộc sống đầy mùi súng đạn này. Trong thời gian anh biến mất, một 007 mới đã thế chỗ của anh, Nomi, tuy nhiên cô không có nhiều đất diễn trên phim, chưa thể hiện được quá nhiều. Đây vẫn là một phim về James Bond, nên trọng tâm vẫn xoay quanh anh chàng này. Một người đàn ông vẫn có thể lực sung mãn với một cơ thể rắn rỏi, nhưng có vẻ sâu bên trong là một tâm hồn vỡ nát. Khác với mọi lần, nhiệm vụ tìm đến với Bond, lần này anh có quyền lựa chọn, không bắt buộc. Và rồi anh đã lựa chọn tham gia, để rồi tâm hồn lại bị tổn thương một lần nữa. Anh may mắn thoát chết trong cuộc phục kích tại buổi tiệc của Spectre một cách thần kỳ, đổi lại là tiêu diệt được toàn bộ các thành viên cao cấp của tổ chức bóng ma kia bởi con nanovirus Heracles. Nhưng đổi lại nữa đó là một mất mát lớn khác, một "người bạn" đã nằm xuống.
"Một cuộc đời thật đẹp, đúng không ?". Câu hỏi của Felix cùng ánh mắt những giây phút cuối đời của mình như vết dao cứa vào tim Bond. Những người bạn, những người chiến hữu của anh cứ lần lượt ngã xuống, để anh lại một mình. Họ ở trong cùng một thế giới, nơi mà tính mạng của mình có thể bị tước đi bất cứ lúc nào. Họ đã sống, đã chiến đấu và chết cho những lý tưởng, cho những mục đích khác nhau, cho dù nó có cao cả hay tầm thường đi chăng nữa. Liệu đó có phải là một cuộc đời đáng sống hay không. "I had a brother. His name was Felix Leiter". Câu thoại khi Bond nói với kẻ trực tiếp gây nên cái chết của Felix, như một lời khẳng định, một lời tri ân với người bạn hiếm hoi của mình trong cuộc đời đầy máu và nước mắt.
Trường đoạn thứ hai này của phim vẫn không thiếu những phân cảnh chiến đấu ác liệt đậm chất 007, nhưng nó có những khoảng trầm, những đấu tranh tâm lý mà không có bộ phim nào về James Bond từng có trước đây. Bộ phim cho ta thấy sự phát triển tâm lý rõ ràng của chàng điệp viên hào hoa một thời, không còn sự xốc nổi nữa, thay vào đó là sự điềm đạm, trầm tư hơn. Bond đã cố gắng giải quyết mọi chuyện một cách êm đềm hơn, thay vì sử dụng bạo lực. Anh cũng đã có những biến chuyển sâu sắc về quan niệm sống, không còn quan tâm đến chính trị hay quyền lực nữa, đã mở rộng về nhân sinh quan của mình hơn, đã bản lĩnh hơn để đối đầu với mọi thử thách. Bằng chứng được thể hiện qua màn đối thoại của anh với Mallory.
Cái nhìn của anh về thế giới này đã khác trước rất nhiều, anh đã biết quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn. Truyện phim lại đưa đến cho ta một ngã rẽ khác, đó là sự hội ngộ của hai con người còn nặng lòng với nhau. Họ gặp nhau trong một tình thế vô cùng khó xử, khi cùng phải đối mặt với kẻ thù cũ, chính là Ernst Starvo Blofeld. Và trong khoảnh khắc, Bond đã dao động khi thấy Madeleine. Rồi sau đó Blofeld chết bởi Heracles và Madeleine đã bỏ đi. "Home". Một nơi mà chỉ có hai người biết. Anh đã tìm đến nơi đây, và mối tình của họ lại nồng nàn như chưa bao giờ lìa xa. Giây phút khi gặp Mathilde lần đầu tiên, ta cảm nhận thấy rõ sự hân hoan, niềm hạnh phúc trong ánh mắt của Bond. Đó có thể gọi là giây phút "đời" nhất, "thật" nhất của anh. Anh biết rõ đó là máu mủ của mình, cho dù Madeleine có nhắc đi nhắc lại "It's not your", nhưng anh không hề thay đổi ánh nhìn với cô bé. Mathilda là một cái tên tiếng Pháp thường đặt cho các bé gái, nó có nghĩa là "dũng khí khi chiến đấu". Nó hợp với cuộc sống của Bond, cuộc sống của hai mẹ con khi phải vững vàng đối diện với cuộc đời đầy bão tố này. Và cô bé đúng với cái tên của mình, luôn luôn mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi đang nằm trong vòng tay của Luytsifer Safin, kẻ phản diện chính của phim, cô bé cũng không khóc một tiếng nào. Cũng nhờ có cô bé, ta chưa bao giờ được nhìn thấy một James Bond dịu dàng đến thế. Cái cách mà anh làm bữa sáng cho cô bé, rồi ngắm nhìn cô bé ăn, ánh mắt dịu dàng của một người cha, thứ mà Bond không được cảm nhận khi còn bé. Anh muốn bù đắp những năm tháng tuổi thơ cho cô bé, cho những mất mát mà tất cả đều đã phải trải qua. Một giây phút lắng đọng giữa thế giới đầy xô bồ khiến con tim của ta như chậm lại, tan chảy với sự yêu thương. Bộ phim này đã đi sâu vào nội tâm của nhân vật chính, cho thấy anh cũng chỉ là một con người bình thường, cũng có cảm xúc, cũng biết yêu thương chứ không phải chỉ là một vũ khí sống, được sinh ra chỉ để phục vụ các mục đích chính trị. Một con người đang sống, chứ không phải một cỗ máy đang tồn tại. "Nomi, you know ... Madeleine, Mathilde, they're my, uh ...[whisper] Family?". Cách mà anh giới thiệu hai người quan trọng của cuộc đời mình đã khẳng định đây chính là gia đình mà anh luôn mong ước.
Cũng chính ở hồi ba của phim, ta đã thấy được Bond là một người đàn ông của gia đình. Anh sẵn sàng vứt bỏ cái tôi, quỳ rạp trước kẻ thù để cố gắng bảo vệ những điều thiêng liêng nhất của mình. Một người đàn ông khi sẵn sàng từ bỏ sự ngạo mạn, sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bảo vệ, để đấu tranh cho gia đình của mình, đó mới là một người đàn ông đích thực. Như câu thoại nổi tiếng của Don Vito Corleone: "Cause a man who doesn't spend time with his family can never be a real man". Và "Time" ở đây chính là câu nói mà Bond đã nói ở đầu phim với Madeleine: "All the time in the world'.
Hồi cao trào cuối cùng của phim không chỉ có vậy, nó vẫn chứa đầy những phân cảnh hành động mãn nhãn. Với những ai đã quen với tiết tấu dồn dập của những phim về 007 trước đây sẽ đánh giá phim thấp đi. Nhưng đây là bộ phim đi sâu về tâm lý nhân vật hơn là những nhiệm vụ đơn thuần trước đây của Bond. Nếu bạn đủ kiên nhẫn, 30 phút giao tranh ở cuối phim thực sự xứng đáng, với một cú long-shot thể hiện sự căng thẳng và khốc liệt khi Bond tiến lên phòng điều khiển để mở cửa chống bom, giúp Hải quân Anh quốc có thể tấn công tên lửa vào căn cứ của Safin. Để rồi sau tất cả, sau những phân cảnh chiến đấu máu lửa, chúng ta được đưa đến chặng cuối của cuộc hành trình. Kết thúc của một anh hùng.
Sau bao khó khăn vất vả, máu đã đổ xuống, những tưởng Bond sẽ được thoát khỏi thế giới khắc nghiệt này một lần và mãi mãi. Nhưng không. Lúc Bond cầm trên tay con búp bê của con gái, chắc hẳn chúng ta đã nghĩ Bond sẽ quay về với con gái, sẽ được ở bên Madeleine. Nhưng đến giây phút cuối, khi Bond mở cửa hầm và trèo thang lên trên thì tất cả đều biết chuyện gì sẽ đến với anh. Lọ nanovirus oan nghiệt từ Safin đã cắt đứt cơ hội cuối cùng được hạnh phúc của Bond. Cả một đời phiêu bạt, vậy mà tới khi Bond thực sự có một gia đình, có một cô con gái với đôi mắt xanh của anh, thì anh lại chẳng thế quay về đoàn tụ với họ. Giây phút ấy thực sự day dứt, thực sự khiến người xem thấy thắt nghẹn, phải thốt lên rằng cuộc đời của một điệp viên là thế ư. Cuộc đời bôn ba chinh chiến bao nhiêu năm, từ việc bị M hạ lệnh cho E bắn nhầm, việc bị phản bội, bị mất người mình từng yêu thương Vesper Lynd; Bond đã phải trải qua bao trắc trở, mà tới khi có được một gia đình nhỏ, một chút tia sáng hạnh phúc thì lại phải hy sinh. "It's a good life, isn't it ?", một lần nữa, câu hỏi của Felix lại vang lên.
Mallory đã trích dẫn một câu văn của Jack London: "The function of man is to live, not to exist. I shall not watse my days trying to prolong them. I shall use my time.". Không quan trọng là anh sống dài ngắn bao nhiêu, quan trọng là anh đã sống như thế nào, đã sử dụng thời gian của mình như thế nào, để có thể sống mãi trong lòng mọi người. Một lần nữa mệnh đề "Time" lại được nhắc lại, nó kết hợp với tựa đề phim "No Time To Die" tạo nên một thể thống nhất hoàn hảo. James Bond đã sống một cuộc đời đáng sống, đã để lại những giá trị cho hậu thế, đã có một gia đình mạnh mẽ và hạnh phúc. Một cuộc đời đáng sống. "No Time To Die" cause "We have all the time in the world".
Một bộ phim Bond giàu tính nhân văn.
Những giây phút cuối cùng, anh đã được sống trong hạnh phúc, biết được con gái và người phụ nữ của đời mình đã được an toàn, được Madeleine xác nhận lại điều mà anh vốn dĩ đã tin tưởng ngay từ đầu. Những khoảnh khắc đó sẽ trở thành bất tử. Cuối cùng, Bond cũng đã được nghỉ ngơi trong cái thế giới mà anh đã bỏ bao công sức để bảo vệ. Vẫn là câu nói đó: "You have all the time in the world". Lần đầu tiên chúng ta thấy được James Bond nở một nụ cười hạnh phúc đến vậy, bình yên đến vậy. Đôi mắt xanh biết nói của Daniel Craig khiến cho phân cảnh này càng đẹp hơn, đôi mắt như hòa vào cùng đại dương và bầu trời. Loạt tên lửa đến nở rộ như tràng pháo hoa, như để đưa lời tiễn biệt tới một người hùng không áo choàng vậy. Một cái kết đẹp dành cho chàng điệp viên tài hoa, tài giỏi.
Những phân cảnh cuối cùng của bộ phim đã làm cho những người hâm mộ lâu năm của James Bond, cả cũ lẫn mới, đều thực sự như vỡ òa trong cảm xúc. Cảnh Madeleine lái chiếc xe Aston Martin V8 87' trên chính cung đường ở đầu phim, trong một không gian ngập tràn nắng ấm làm người xem cảm thấy bồi hồi.
Hình ảnh chiếc xe từ từ chạy vào trong đường hầm, góc máy lúc này chuyển hướng nhìn từ phía trước khi chiếc xe tiền dần vào bóng tối của đường hầm, đối nghịch với cảnh mở đầu của phim giống như một lời tiền biệt tri ân của đoàn làm phim đến các khán giả, và đặc biệt là lời từ biệt của Daniel Craig đến hình tượng gắn liền với sự nghiệp của anh. Và rồi ánh sáng tắt dần, một phân cảnh kết phim cực kỳ ấn tượng.
"I'm going to tell you a story about a man. His name was Bond, James Bond.". Câu nói mà Madeleine nói với Mathilde như một lời đối đáp hoàn hảo với câu nói kinh điển của 007: "My name is Bond, James Bond.". Và rồi hòa cùng với bài hát "We have all time in the world" của Louis Amstrong vang lên, mọi cảm xúc đều như vỡ ra. Câu chuyện về Bond sẽ sống mãi cùng với gia đình nhỏ của anh. Như chưa bao giờ biến mất.
PHẦN II: ĐÁNH GIÁ
"No Time To Die" đã làm tốt phần việc của mình, mang lại rất nhiều cảm xúc lắng đọng cho người xem. Phim làm tốt về mặt truyền tải cảm xúc, những suy nghĩ của Bond tới với khán giả. Tuy nhiên phần kịch bản vẫn còn nhiều lỗ hổng chưa hợp lý. Đơn cử như việc kẻ thù truyền kiếp Ernst Starvo Blofeld chết một cách chóng vánh, ta còn chưa làm rõ được bằng cách nào mà hắn vẫn điều khiển được Spectre từ trong cơ sở an ninh tối mật kia. Hay như phản diện chính của phim là Luytsifer Safin được xây dựng một cách rất hời hợt, động cơ không rõ ràng. Không như Silva hay Blofeld, phản diện chính không có hiềm khích trực tiếp gì với Bond, dẫn đến những tương tác với nhân vật tiêu đề cũng không rõ ràng, thậm chí là rời rạc. Mặc dù nhân vật này rất có tiềm năng để khai thác, nhưng các biên kịch có vẻ quá chú trọng vào Bond mà quên mất việc hoàn thiện một phản diện xứng tầm.
Ban đầu hắn được xuất hiện thông qua hình ảnh chiếc mặt nạ kịch Noh cho nữ (Ko-otome). Đôi mắt hình quả hạnh của chiếc mặt nạ ngây nhìn vào không gian, có nét mâu thuẫn trong khuôn miệng với tâm trạng tổng thể của nét mặt, nó một cái gì đó khó nhận biết. Ý nghĩa của chiếc mặt nạ này theo văn hóa của Nhật Bản đó là "Con người cố gắng che giấu cảm xúc của mình". Tất cả điều này hứa hẹn với khán giả một phản diện có chiều sâu tâm lý, nhưng cuối cùng ta nhận lại là một phản diện chưa đủ tầm. Cuối cùng mục tiêu của Bond cũng chỉ muốn tiêu diệt hắn chỉ vì hắn muốn sát hại gia đình nhỏ của anh. "You just gave me a reason to kill him". Đáng tiếc cho một nhân vật đầy tiềm năng. Ngoài ra còn Nomi và Paloma, hai nhân vật phụ cũng rất có tiềm năng khác nhưng chưa có nhiều đất diễn. Paloma chỉ xuất hiện trong một nhiệm vụ và rồi biến mất, còn Nomi thì giống như một phụ kiện đi kèm với chàng điệp viên mà thôi. Có lẽ là do phim về James Bond nên những vai trò khác sẽ bị lu mờ đi.
Cũng chính vì câu chuyện được quá xây dựng quanh Bond nên chính nhân vật Madeleine cũng có đôi chút hời hợt, tương tác của hai nhân vật chính không được liền mạch mà rời rạc. Chính điều này đã làm cho đôi lúc chuyển biến trong mối quan hệ của hai người bị gượng ép. Và nội tâm của Madeleine cũng chưa được khắc họa một cách rõ ràng.
Ngoài ra còn một số vấn đề chưa được thể hiện rõ ràng, như các quân đội của Blofeld chuyển phe quá nhanh, hình tượng con mắt điện tử xuất hiện liên tục nhưng không thể hiện ý nghĩa rõ ràng, gây ra nhiều câu hỏi. Bên cạnh đó thì không hiểu MI6 sẽ giải quyết vấn đề ngoại giao như thế nào khi bắn một chùm pháo hoa lên một hòn đảo đang nằm trong vùng biển tranh chấp. Tựu trung lại, những hạt sạn kể trên có thể tạm bỏ qua được, và chúng ta đã được đi một chuyến tàu lượn siêu tốc trong cảm xúc, để được đắm chìm vào nhân vật James Bond hào hoa, lắm tài nhiều tật lần cuối cùng. Hành trình của Daniel Craig đã kết thúc trọn vẹn với 007, chúng ta hãy mong chờ xem ai sẽ là người tiếp nối hành trình của James Bond trong một tương lai không xa.
Phim làm tốt kể cả về mặt âm thanh và hình ảnh. Những đại cảnh hoành tráng hoặc những khung hình hành động kịch tính đến nghẹt thở đều được làm rất xuất sắc. Các bản nhạc nền đã góp phần dẫn dắt cảm xúc của người xem một cách hợp lý. Đoàn làm phim đã có rất nhiều chi tiết ẩn giấu để tri ân tới những phần phim Bond trước đó, đặc biệt là rất nhiều chi tiết liên quan đến phần phim "On Her Majesty's Secret Service" năm 1969 do George Lazenby thủ vai. Điều đầu tiên có thể nhận thấy ngay đó chính là bản nhạc huyền thoại "We have all time in the world" trình bày bởi Louis Amstrong. Chính vì vậy, khi bài hát này được vang lên ở cuối phim, tất cả những người theo chân của chàng điệp viên đều thấy xúc động. Cũng là để tri ân đến Diana Rigg, người thủ vai Tracy Bond, người vợ của Bond đã bị Blofeld giết hại trong phần phim này, bà đã mất vào năm 2020 vừa qua. Có thể vì vậy, giữa hai phần phim này đã có một sự kết nối hoàn hảo, một bên là Bond mất đi người mà mình yêu thương nhất, và một bên là người đã hy sinh bản thân mình để cứu được gia đình nhỏ của mình. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả nổi những xúc cảm này.
Một chi tiết thú vị khác, có thể là do tôi tự thấy, là ở chiếc xe Aston Martin DB5 ở đầu phim. Chi tiết này liên hệ đến chiếc Aston Martin DB5 huyền thoại của James Bond với biển số BMT-216A. Nhưng trong "No Time To Die" nó lại mang biển số A426900. Tôi liên tưởng đến chiếc Aston Martin DBS trong "On Her Majesty's Secret Service", đó chính là chiếc xe cưới của James và Tracy Bond. A: Aston Martin; 42: for two; 69 là năm 1969 và 00 là biểu thị cho chương trình điệp viên 00s. Một phòng đoán vui vậy thôi.
Bên cạnh đó còn có chiếc Aston Martin v8 87', chiếc xe này từng góp mặt trong phần phim "The Living Daylights" năm 1987 do Timothy Dalton thủ vai. Và biển số của chiếc xe đó cũng là B549-WUU.
Tuy vậy nhưng chiếc Aston Martin DB5 vẫn là chiếc xe nổi tiếng hơn cả của chàng điệp viên James Bond. Với tên phim "The Living Daylights" nơi mà chiếc xe xuất hiện lần đầu và hình ảnh Madeleine lái chiếc Aston Martin V8 này dưới ánh nắng mặt trời ấm áp càng làm cho cái kết thêm phần ý nghĩa. Thế mới thấy được đội ngũ làm phim đã chỉn chu như thế nào trong từng khung hình để mang đến cho chúng ta một bộ phim tuyệt vời.
Tuy vẫn còn nhiều hạn sạn không đáng có, nhưng "No Time To die" vẫn là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời, cho chúng ta thấy được một hành trình hoàn thiện bản thân của James Bond, một cái kết đẹp cho những năm tháng đấu tranh không ngừng nghỉ của chàng điệp viên 007 tài giỏi. Một bộ phim đáng xem.
TỔNG KẾT
- Kịch bản: 7/10
- Hình ảnh: 8/10
- Âm thanh: 8/10
- Tổng: 8/10
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất