Nhiều bài review bằng tiếng Việt đã xem Anton Chigurh như một nhân vật thuần túy điên loạn, bị chi phối bởi bản năng giết chóc bẩm sinh của mình. Chúng cũng xem “No Country For Old Men” như một bộ phim thể hiện cái hư vô, hoặc sự bất lực của cái thiện trước cái ác trong một xã hội không còn luật lệ. Khác với cách nhìn mang màu sắc luân lí chính thống ấy, tôi xem “No Country For Old Men” như một cuộc đối thoại giữa 3 dạng luật lệ khác nhau trong lòng nước Mỹ: luật của bạo lực, luật của tiền, và luật của số đông. Dù Chigurh thoải mái vi phạm luật của tiền và luật của số đông, đến mức bị xem là điên loạn trong mắt những đại diện của 2 trật tự này; hắn đã tuân thủ luật của bạo lực, lan tỏa trật tự của bạo lực, và trở thành hiện thân của bạo lực, trong sự tỉnh táo ở cấp độ cao nhất. Trong thực tại của bộ phim (thứ bị đông cứng bởi nhịp điệu bạo lực mà Chigurh mang lại), mọi đại diện của 2 trật tự còn lại bị biến thành kẻ dại, kẻ ngốc, kẻ phạm luật, trừ 2 nhân vật biết nói cùng thứ ngôn ngữ bạo lực với Chigurh, là cựu binh Llewelyn Moss và cảnh sát trưởng Ed Tom Bell. Sự đồng tồn và xung đột giữa 3 loại trật tự không chỉ thể hiện qua bức tranh xã hội trong phim, mà còn thể hiện qua số phận và nội tâm của những công dân đa thực tại như Bell và Moss.


Những câu hỏi từ cốt truyện
“No Country For Old Men” kể về cuộc săn đuổi giữa 3 người đàn ông trên sa mạc Texas, gần biên giới Mỹ-Mexico, vào năm 1980. Mọi chuyện bắt đầu khi Llewelyn Moss, một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, tình cờ tìm thấy chiếc vali đựng 2 triệu dollar tiền mặt giữa sa mạc, nơi 2 băng đảng ma túy vừa tàn sát nhau sau cuộc giao dịch thất bại. Phát hiện Moss giữ số tiền, những kẻ đứng đầu 2 băng đảng cử hàng chục sát thủ, bao gồm cả tên giết người hàng loạt Anton Chigurh, đi truy sát anh. Khi chú cảnh sát già Ed Tom Bell nhập cuộc để bảo vệ Moss và bắt Chigurh, câu truyện đã phát triển thành một cuộc săn tay ba, trong đó cả 3 nhân vật đều bộc lộ phẩm chất của mình, dù không ai trong số họ thật sự chiến thắng.
“No Country For Old Men” bị nhiều người chê vì có cái kết lãng xẹt. Nếu khởi đầu của bộ phim làm khán giả nghĩ mình sắp xem một anh hùng ca (trong đó anh hùng trừng trị kẻ xấu), hoặc một bi kịch (trong đó kẻ xấu sát hại anh hùng), thì đoạn kết của bộ phim lại không tuân theo cả 2 công thức đó. Khi trò chơi đuổi bắt giữa 3 nhân vật đã đạt mức căng thẳng đỉnh điểm, thì Moss vô tình chết trong tay một nhóm sát thủ Mexico vô danh tiểu tốt, Bell bỏ cuộc và nghỉ hưu vì bất lực trước thực trạng xã hội, còn Chigurh may mắn lấy được số tiền rồi suýt chết vì… tai nạn giao thông. Cả kẻ trốn chạy, sát thủ lẫn anh hùng đều không diễn trọn vai; sân chơi đã dọn nhưng không ai bắt được ai; mâu thuẫn được thổi căng nhưng không thể nổ vang lên lời giải; khiến câu hỏi vẫn chất vấn người xem khi cánh gà khép lại. Đối với nhiều khán giả, bộ phim là lời chất vấn về tầm quan trọng của luật lệ và trật tự - những thứ đang phai mờ trong xã hội, khiến cái ác lên ngôi. Còn đối với tôi, bộ phim là lời chất vấn về những công thức định sẵn trong thị hiếu phim ảnh của mình: có hay không, khả năng tồn tại nhiều hơn một loại anh hùng, một loại luật lệ, một loại trật tự; và không thứ nào trong số đó chi phối toàn bộ “kịch bản” của thế giới?


Ba loại trật tự đồng tồn
“No Country For Old Men” phác họa một nước Mỹ hỗn loạn, không phải bởi thiếu vắng trật tự, mà vì có 3 loại trật tự cùng song song tồn tại. Tính đa trật tự này thể hiện qua nhiều cảnh quay, trong đó các nhân vật không hiểu được nhau, vì mỗi người lý giải thế giới theo một cách. Chẳng hạn, cả các thường dân lẫn đám lính đánh thuê đều nhìn tên Chigurh không chơi theo luật, không biết thương lượng lợi ích như một kẻ giết người điên loạn, thần kinh bất ổn; mà không nhận thấy hắn luôn tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp của chính hắn, luôn tỉnh táo trong logic của bạo lực; còn họ thì bị hắn giết hoặc điều khiển do mơ ngủ trước logic này. Tính đa trật tự cũng thể hiện theo chiều thời gian, khi cảnh sát Bell thấy nước Mỹ của luật lệ và bình yên vào thời ông còn trẻ khác xa nước Mỹ của tội phạm và lợi nhuận vào thời ông đã già; đồng thời thất vọng vì ông đã đi đến cuối đời mà không tìm thấy Thiên Chúa, tức niềm tin vào một luật nhân quả thuần nhất.
Ba loại trật tự đồng tồn ở nước Mỹ trong “No Country For Old Men” là trật tự của số đông, trật tự của đồng tiền, và trật tự của bạo lực.
Trật tự của số đông – thứ hiện lên qua lời kể của Bell về “nước Mỹ ngày xưa”, và qua cuộc sống bình lặng của những người dân thường như gia đình Ross – chính là trật tự được nói đến trong các bài viết phê bình. Nó được tạo thành từ những thủ tục giúp người dân sống với nhau một cách tương đối bình yên và bình quyền, trong những không gian của sự hợp tác như cộng đồng và nhà nước dân chủ. Trong trật tự này, các quyền cá nhân được bảo vệ bằng luân lý, pháp luật, thủ tục hành chính – những điều được thi hành bởi các nhân viên công vụ và được đảm bảo nhờ sự chấp thuận của số đông. Cảnh người trực văn phòng từ chối cung cấp thông tin cá nhân của Ross cho Chigurh, cảnh vợ Ross tìm kiếm sự giúp đỡ của cảnh sát, và cảnh mẹ vợ Ross chấp nhận sự giúp đỡ của một người Mexico lạ mặt khi đang trên đường đến gặp con rể tại sân bay, chính là những khoảnh khắc mà trật tự của số đông đang vận động. Nhân viên văn phòng còn sống, vì sự hiện diện của những người khác trong văn phòng khiến Chigurh không dám phạm tội. Ngược lại, Ross chết vì mẹ vợ Ross vô tình tiết lộ thông tin về chuyến đi cho đám tội phạm Mexico. Hai kết cục đối nghịch này cho thấy điểm yếu của trật tự số đông: nó dựa trên lời hứa của mọi người về sự bình quyền của mỗi người; trong khi mỗi người đều sẵn sàng thất hứa vì quyền lợi của bản thân, vào lúc họ một mình đối mặt với sức kéo của đồng tiền hoặc sức ép của bạo lực.

Trong khi trật tự của số đông bao gồm ý niệm về sự bình quyền, thì 2 trật tự còn lại thể hiện rõ khoảng cách quyền lực. Trật tự của đồng tiền hiện lên qua những mô tả về đường dây buôn ma túy, trong đó kẻ ra lệnh là ông trùm tư bản sống trong tòa cao ốc sang trọng và sạch sẽ, còn kẻ thừa hành là đám tội phạm và sát thủ sống trên những đường phố máu me. Trong trật tự này, dục vọng – thể hiện dưới dạng tiền và ma túy – là thứ chi phối ý nghĩa cuộc sống và mạng sống của con người, thông qua các cuộc mua bán, thuê mướn, thỏa thuận. Đại diện tiêu biểu nhất của trật tự này có lẽ là Carson Wells – một kẻ hành nghề sát thủ nhưng tự gọi mình là doanh nhân, và luôn đem tiền ra thương lượng để quyết định chuyện sống chết của con người, kể cả chính hắn.

Không khác trật tự của đồng tiền, trật tự của bạo lực cũng gắn liền với khoảng cách quyền lực. Nhưng nếu quyền lực của kẻ đứng đầu đường dây ma túy được mô tả bằng chiều cao của tòa cao ốc, thì quyền lực của kẻ mạnh lại được mô tả bằng chiều rộng của tầm mắt và đường đi. “No Country For Old Men” khởi đầu bằng cuộc săn hươu của Moss và cuộc đào tẩu của Chigurh – cả hai đều diễn ra trong hoang mạc khô cằn, bất trắc, không một bóng người. Nếu so sánh chân trời hoang dã này với không gian mà bộ phim gán cho các nạn nhân của Chigurh – như cái quầy tù túng của ông chủ cửa hàng tạp hóa, cái quầy chật hẹp của người tiếp tân khách sạn, hoặc cái TV chứa ảo ảnh hạnh phúc của vợ Moss –  ta sẽ thấy một sự đối lập giữa to và nhỏ, giữa tự do và tù túng, giữa thực và hư. Một cách bản năng, sự đối lập này khiến ta liên tưởng đến khoảng cách giữa sói và cừu, giữa kẻ đi săn và con mồi; và đưa ta vào nhịp điệu của cuộc săn mà “No Country For Old Men” chọn làm cốt truyện chính.

Một cách ngắn gọn, trật tự của bạo lực là nơi kẻ mạnh có quyền ra lệnh cho kẻ yếu bằng đe dọa, hoặc tước đoạt của kẻ yếu bằng vũ lực. Công dân trung thành nhất của trật tự này chẳng phải ai khác, ngoài tên giết người hàng loạt Anton Chigurh. Dù các bài phê bình mô tả Chigurh như kẻ sinh ra để phạm luật, như một hiện thân của sự hỗn loạn, hư vô và phi pháp; thực ra Chigurh tuyệt đối tuân thủ luật lệ của bạo lực – thứ được hắn thực thi bằng đe dọa và tước đoạt, và đảm bảo qua những nguyên tắc cá nhân của mình. Dù việc Chigurh giết người mà không thương lượng, không tính toán lợi ích đã khiến Wells mô tả hắn như một kẻ điên; thực ra Chigurh hoàn toàn tỉnh táo trong logic của bạo lực. Hành động giết người của Chigurh không vô nghĩa: nó khiến 2 trật tự còn lại trở nên lố bịch, và bị vô hiệu hóa, khi cả người dân, cảnh sát lẫn tội phạm đều thấy tiền và pháp luật không giúp họ giữ được mạng sống của mình. Đoạn Chigurh giết ông chủ đường dây buôn ma túy ngay trong tòa cao ốc mà hắn ngự, và đoạn cảnh sát Bell bỏ cuộc sau thất bại trong vụ Chigurh, chính là những cột mốc đánh dấu thắng lợi của bạo lực trước trật tự của số đông và trật tự của tiền. Chigurh không điên: hắn chủ động phủ nhận các trật tự khác, để được tự do khỏi các trật tự khác, và lan tỏa trật tự khiến hắn có lợi nhất.
Việc Chigurh tung đồng xu để quyết định vận mệnh các nạn nhân của mình cũng không vô nghĩa. Hắn hiểu rằng trong trật tự của bạo lực, kẻ ra quyết định sau cùng không phải là kẻ mạnh nhất, mà là vận may. Khi tương lai không bị giới hạn bởi pháp luật của số đông và các thỏa thuận của tiền bạc, thì mọi điều đều có thể xảy đến, và kẻ mạnh có thể chết vì những biến cố ngẫu nhiên. Việc Chigurh suýt chết vì tai nạn giao thông ở cuối phim, sau khi bị tông bởi một kẻ vô danh vượt đèn đỏ, dường như đã chứng thực cho niềm tin của hắn.

Ba loại hiện thực xung đột
Khi sống trong 3 loạt trật tự vừa đề cập, tâm trí chủ quan của con người sẽ cảm nhận về hiện thực theo 3 cách khác nhau.
Trong trật tự của số đông, cái bị cấm là cái phạm luật, kẻ điên rồ là kẻ phi luân lí, và hiện thực là đời sống bình yên trong các hộ gia đình.
Trong trật tự của tiền, cái bị cấm là vi phạm hợp đồng, kẻ điên rồ là kẻ không thương lượng, và hiện thực là những con số lợi nhuận.
Trong trật tự của bạo lực, cái bị cấm là trái ý kẻ mạnh, kẻ điên rồ là kẻ hiểu sai tình thế, và hện thực là cái chết do kẻ mạnh hoặc sự ngẫu nhiên.
Các diễn biến của No Country For Old Men đã mô tả xung đột giữa 3 loại hiện thực này, cả trong không gian xã hội lẫn trong nội tâm của các nhân vật.
Trước tiên, hiện thực gắn liền với trật tự của số đông dường như chỉ hiện diện trong các đơn vị quan trọng của xã hội, như các hộ gia đình và các cơ quan nhà nước. Nó thể hiện qua lời thoại nhuốm màu pháp luật và luân lý của của cảnh sát, nhân viên hành chính, thường dân. Nó cũng thể hiện qua hình ảnh của bàn giấy trong văn phòng, quầy thu ngân trong tiệm tạp hóa nhỏ, và chiếc TV trong gia đình Moss – tức những ô vuông an toàn, nơi người ta thu mình trong đó rồi nhìn ra thế giới rộng lớn bên ngoài, qua một lớp lọc của các thủ tục hành chính, thói quen thường ngày hoặc quy ước xã hội. Một cảnh đầu phim – trong đó Moss từ chối kể về một ngày phạm tội nơi hoang dã của mình với vợ, để cùng vợ im lặng xem TV – là một điềm báo về sự rạn nứt của hiện thực này: nó rạn nứt vì nó không còn “thật”, nó chỉ là một ảo ảnh để người ta nương náu.

Đồng tiền – cái giá trị được số đông công nhận ở cả quy mô gia đình lẫn nhà nước – có lẽ là yếu tố nội tại đầu tiên làm rạn nứt hiện thực của số đông. Các biến cố trong phim đã mở ra khi Moss – một cựu binh chiến tranh Việt Nam đang sống bình lặng với gia đình, một cư dân bình thường của trật tự số đông – quyết định lo cho gia đình bằng cách cướp một món tiền phi pháp. Thật thú vị, khi biên kịch đã chọn tên lính đánh thuê Carson Wells – một cựu binh chiến tranh Việt Nam khác – làm phát ngôn viên cho trật tự của tiền. Cormac McCarthy là người phản đối chiến tranh Việt Nam; nên rất có thể qua chi tiết này, ông muốn nói rằng trật tự của số đông đã rã hàng từ khi nhà nước dân chủ tiến hành chiến tranh vì lợi nhuận – một việc biến binh sĩ thành lính đánh thuê và kẻ cướp.
Với sự chấp thuận ngấm ngầm của gia đình, nhà nước, những kẻ cướp và những tên lính đánh thuê, hiện thực của tiền đã xâm lấn nước Mỹ trong phim qua các đường dây buôn ma túy và các công dân bao che cho tội phạm để nhận được tiền. Cảnh cuối phim – trong đó Chigurh hối lộ hai đứa trẻ để chúng không báo với cảnh sát chuyện hắn bị tai nạn giao thông – giống như một sự mỉa mai mà hiện thực của tiền gửi đến hai hiện thực còn lại. Hai đứa trẻ – người thụ hưởng mọi sự bảo vệ từ luân lí và pháp luật – đã bán đứng luân lí và pháp luật cho một tên giết người hàng loạt để đổi lấy tiền. Còn Chigurh – kẻ mạnh vừa trở thành kẻ yếu vì vụ tai nạn giao thông ngẫu nhiên – cũng phải dùng tiền để thương lượng với bọn trẻ con, qua đó phá bỏ các luật lệ cá nhân của hắn. Cuộc giao dịch điên rồ và bị cấm này diễn ra sau khi Chigurh đã hạ sát cả Wells lẫn ông trùm đường dây ma túy – tức phát ngôn viên và người thụ hưởng chính trong trật tự của tiền. Vai bị động của Chigurh và cảnh sát trong cuộc giao dịch chỉ ra một thực tế đáng buồn: họ không phải là nguyên nhân và giải pháp của bi kịch, họ chỉ là chép trê trong một cái ao đã, đang và sẽ còn đục nước.

Khi dòng tiền không còn được điều chỉnh bởi thứ luân lý và pháp luật bảo vệ số đông, nó tất yếu dâng lên những đợt sóng của hiện thực bạo lực. Đó là lúc những người lính như Ross và Wells trở thành kẻ cướp và lính đánh thuê, lúc đám tội phạm giết nhau trong sa mạc vì tiền, và những lần Chigurh lan tỏa trật tự bạo lực trong tiếp xúc với các nhân vật khác. Ở đoạn đối thoại giữa Chigurh và ông chủ cửa hàng tạp hóa, trật tự của bạo lực đã từng bước lấn át trật tự của số đông, khi tên sát nhân buộc ông già phải đối diện với hiện thực về cái chết, với sự tỉnh giấc trước tình thế hiểm nguy, với lệnh cấm trái ý kẻ mạnh. Khi ông già ngày càng run rẩy, hoang mang, còn tên sát nhân vẫn bình thản đến rợn người, ta nghe ảo ảnh của luân lý và pháp luật rơi rụng, để lộ ra hiện thực của nỗi sợ cái chết:
Chigurh: What time do you close?
Shopkeeper: Now. We close now.
Chigurh: Now is not a time. What time do you close?
Shopkeeper: Generally around dark. At dark.
Chigurh: You don’t know what you’re talking about, do you?
Shopkeeper: Sir?
Chigurh: I said you don’t know what you’re talking about. What time do you go to bed?
Shopkeeper: Sir?
Chigurh: You’re a bit deaf, aren’t you? I said what time do you go to bed?
Shopkeeper: Somewhere around 9:30. I’d say around 9:30.
Chigurh: I could come back then.
Shopkeeper: Why would you be coming back? We’d be closed.…
(Chigurh đặt đồng xu xuống)
Chigurh: Just call it.
Shopkeeper: Well, we need to know what we’re calling it for here.
Chigurh: You need to call it. I can’t call it for you
.
Sự dồn ép tương tự cũng thể hiện trong đoạn thoại cuối cùng của Carson Wells, khi khẩu súng trong tay Chigurh buộc Wells phải thừa nhận tình thế của mình, thay vì cố tạo ảo ảnh về tiền, thương lượng và thỏa thuận để đánh lạc hướng:
Carson: We don’t have to do this. I’m a daytrader. I could just go home.
Chigurh: Why would I let you do that?
Carson: I’ll make it worth your while. Take you to an ATM. Forteen grand in it. And everybody just walks away.
Chigurh: An ATM…
Carson: I know where the satchel is.
Chigurh: If you knew, you would have it with you.
Carson: Find it from the river bank. I know where it is.
Chigurh: I know something better
Carson: What’s that?
Chigurh: I know where it’s going to be.
Carson: Where is that?
Chigurh: It will be brought to me and placed at my feet.
Carson: You don’t know to a certainty. Twenty minutes it could be here.
Chigurh: I do know to a certainty. And you know what’s going to happen now, Carson? You should admit your situation. There would be more dignity in it.
Carson: You go to hell.
Vì “No Country For Old Men” bám theo bước chân của Chigurh, hiện thực chính mà phim mô tả là hiện thực của bạo lực. Bộ phim không có nhạc nền, không có những diễn ngôn về công lý, lẽ phải hay sự tương đồng giữa người với người; chỉ có các âm thanh rất thực của cuộc rượt đuổi, và hình ảnh chóng vánh của những cái chết vô nghĩa. Sự vô nghĩa có chỗ đứng trong trật tự của bạo lực, vì không kẻ mạnh nào thắng được sự ngẫu nhiên. Nhưng nó không có chỗ đứng trong trật tự của số đông (nơi cần công lý, nhân đạo), cũng như trong trật tự của tiền (nơi cần khoác ý nghĩa cho tranh đua và dục vọng).

Vì lẽ đó, hiện thực của bộ phim chỉ được hiểu bởi 3 nhân vật từng sống trong trật tự của bạo lực – là sát thủ Chigurh, cảnh sát trưởng Bell, và thợ săn Ross. Dù Ross bị Wells chê là thiếu thực tế, Bell bị mọi người cho là mơ mộng, còn Chigurh bị mọi người cho là điên; họ là 3 nhân vật duy nhất nhận thức được các tình huống nguy hiểm trong phim, trong khi những nhân vật còn lại còn đang lơ mơ trong ảo ảnh của tiền, luật và luân lý. Phân nửa sự hấp dẫn của phim cũng đến từ cuộc phô diễn sức mạnh của họ: sự tỉ mỉ, hiệu quả một cách lạnh lùng của sát thủ Chigurh, năng lực tiên đoán và gài bẫy của thợ săn Ross, và khả năng nhìn thấu mọi chuyện một cách điềm tĩnh của cảnh sát Bell. Qua cảnh Bell và Chigurh ngồi uống sữa trước chiếc TV của gia đình Ross, để nhập vai con mồi của mình; có thể thấy họ cũng là những nhân vật hiếm hoi biết nhìn đời qua con mắt của kẻ sống trong các hiện thực khác.
Nhưng nếu Chigurh là hiện thân của trật tự bạo lực, thì Ross và Bell lại bị giằng xé giữa 2 hoặc 3 trật tự. Ross khởi đầu vụ việc vì tiền, bị phát hiện vì luân lý (khi anh đem nước cho tên tội phạm trong sa mạc), và chết cũng vì luân lý (khi anh cố đưa vợ và mẹ vợ cùng chạy trốn). Bell lớn lên với lý tưởng dùng bạo lực để bảo vệ trật tự của số đông, dù ông biết trật tự đó chỉ còn là ảo ảnh, và số đông đó đang phản bội cái lý tưởng mà ông theo đuổi suốt đời. Sự thất vọng này thể hiện rõ qua giấc mơ của Bell ở cuối phim: chỉ còn hình bóng của người cha – người cảnh sát lý tưởng – dẫn lối cho Bell qua bóng tối vắng lặng. Thất vọng cũng là lý do khiến Bell chỉ theo đuổi vụ án một cách thụ động, và luôn giữ khoảng cách với Chigurh, dù ông đoán được hung khí của Chigurh trước mọi cảnh sát khác. Chính cuộc chiến giữa các hiện thực trong mắt Bell đã tạo ra cảm giác tha hương của ông, mà cái tên “No Country For Old Men” thể hiện.


Từ bao giờ?
Từ bao giờ, nước Mỹ rơi vào sự hỗn loạn này? Đó là câu hỏi mà Ed Tom Bell đặt ra cho cộng sự ở một cảnh trong phim, sau đó bỏ ngỏ. Vì bộ phim khởi đầu bằng lời kể của Bell về “nước Mỹ ngày xưa”, đây là một câu hỏi quan trọng, định hình cách mỗi người giải nghĩa bộ phim. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này theo nhiều cách khác nhau – tùy vào việc ta là ai, đã thấy những gì, đang cảm thấy gì, đang sắm vai gì.
Nếu mượn tình cảm chính trị của biên kịch, tôi sẽ nói rằng nước Mỹ hỏng từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Mỹ là đất nước của số đông, và sinh ra từ bạo lực. Bạo lực chính đáng ở nước Mỹ là bạo lực hợp pháp, nhằm bảo vệ các quyền hiến định của số đông người dân. Bạo lực ở cấp nhà nước đã không còn tính chính đáng này từ sau Thế chiến II – khi Mỹ tham chiến ở nước ngoài không phải để phòng thủ, mà để kiếm lợi nhuận và quyền lực.
Khi trật tự của tiền và bạo lực xâm thực ở cấp nhà nước, chúng cũng xâm thực trên toàn xã hội; để rồi biến các cựu binh thành kẻ cướp và lính đánh thuê, biến người dân thành kẻ dung dưỡng tội phạm, biến cảnh sát tốt thành người mất niềm tin, bất lực, tha hương trên chính Tổ quốc của mình. Như vậy, bộ phim kêu gọi nước Mỹ trở lại với những giá trị nền tảng của mình, trở lại làm “nước Mỹ ngày xưa” mà Bell đã kể.

Nhưng quê hương lý tưởng của Bell đã mất, hay quê hương lý tưởng của Bell chưa từng tồn tại? Cái đã thay đổi là nước Mỹ, hay là cách nhìn của Bell? “Không có quê hương cho người già” vì quê hương đã mất, hay vì người già đã chán diễn kịch trên những sân khấu của cuộc đời, bao gồm sân khấu quê hương? Lúc về già ta có giống Bell, khi chỉ gặp quê hương trong giấc mơ và hồi ức?
 “No Country For Old Men” hấp dẫn vì nó khuyến khích ta đặt ra những câu hỏi này, thay vì mớm cho ta những câu trả lời theo kiểu fastfood chính trị. Bóng hình người cha trong giấc mơ của Bell là một ảo ảnh đáng để suy ngẫm trong chặng cuối năm 2020 – khi nước Mỹ đang hụt hơi sau 4 năm gia trưởng (patriarchal) của những nhà yêu nước (patriots).
Nguyễn Vũ Hiệp